Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011
Chính sách mở cửa cảng của Việt Nam: chiến lược cầm chân Trung Quốc
-Chính sách mở cửa cảng của Việt Nam: chiến lược cầm chân Trung Quốc Vịnh Cam Ranh của Việt Nam đã được mở cửa cho các tàu hải quân nước ngoài sau tám năm đóng cửa. Hãy hiểu theo ngữ cảnh, quyết định này không phải là bất thình lình hoặc không trông đợi trước. Tại sao? vì việc mở cảng là một phần của chiến lược của Việt Nam nhằm đối trọng với sự hung hăng của Trung Quốc trong vùng biển Đông.
Nguồn: Jennifer Chen, Diễn đàn Đông nam Á
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ-01.03.2011
Vịnh Cam Ranh của Việt Nam đã được mở cửa cho các tàu hải quân nước ngoài sau tám năm đóng cửa. Hãy hiểu theo ngữ cảnh, quyết định này không phải là bất thình lình hoặc không trông đợi trước. Tại sao? vì việc mở cảng là một phần của chiến lược của Việt Nam nhằm đối trọng với sự hung hăng của Trung Quốc trong vùng biển Đông.
Tại Hội nghị Khu vực ASEAN vào tháng Bảy 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Clinton đã đề nghị điều phối một đối thoại đa phương giữa ASEAN và Trung Quốc để giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ trong khu vực biển Đông. Cảnh Diên Sanh, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản đối đề nghị này của bà, cho rằng những thương lượng song phương giữa Trung Quốc và từng quốc gia ASEAN là cách tốt nhất - và con đường duy nhất để tiếp cận vấn đề. Và trong khi Hoa Kỳ bị loại khỏi những đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề Quy tắc Ứng xử Biển Đông, không lâu sau họ đã được mời tái tham gia cuộc thảo luận với việc mở cửa Vịnh Cam Ranh.
Trong khi các nhà quan sát Trung Quốc có thể xem việc tham gia của Hoa Kỳ tại các thảo luận về biển Đông như là một tấn công nhắm vào Trung Quốc, các nước Đông nam Á đang bắt đầu xem việc tham gia của Hoa Kỳ là một giải pháp đối với sự hung hãn của Trung Quốc.
Vịnh Cam Ranh, cách Thành phố Hồ Chí Minh 290 km về phía đông bắc, là một trong những khu trú ẩn trên biển tốt nhất trong khu vực Đông nam Á. Tại Cam Ranh, các quốc gia có thể sửa chữa tàu thuyền và tiếp liệu cho các tàu sân bay. Họ cũng có thể thiết lập một hiện diện địa lý chiến lược, vì vịnh này nằm gần những tuyến đường hàng hải chủ chốt trên biển Đông. Trong quá khứ, vịnh này đã được giành riêng cho những cường quốc: hạm đội Nga đã bỏ neo tại vịnh này trước Trận chiến Tsushima với Nhật, người Pháp đã sử dụng nó như là một căn cứ hải quân cho quân đội mình tại Đông Dương, người Nhật sử dụng nó để chuẩn bị cho cuộc xâm chiếm Malaysia vào năm 1942, và người Mỹ dùng nó để thực hiện những chuyến không thám trên vùng biển duyên hải của miền Nam Việt Nam.
Nhưng kể từ khi Liên Xô rút quân vào năm 2002, chính quyền Việt Nam đã không mở cửa Vịnh Cam Ranh cho nước ngoài sử dụng. Việc mở cửa vịnh là một phản ứng đúng lúc đối với những diễn tiến trong vùng. Nó theo sau dịp lễ kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ. Nó cũng xảy ra trong khi Việt Nam đang lo ngại về sự cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc trên vùng biển này sau khi Trung Quốc vừa bắt giữ, dù sau đó đã trả tự do, chín ngư dân gần biển Đông.
Vào ngày 28 tháng Giêng 2011, Trung Quốc và Việt Nam đã thông báo ý định tổ chức một đợt thảo luận mới về những tranh chấp lãnh thổ trên biển. Mặc dù Việt Nam chỉ là một diễn viên nhỏ so với Trung Quốc, vẫn biết rằng họ có được tiếng nói mạnh mẽ trên sân khấu khu vực, và quan trọng hơn, biết phương pháp và thời điểm để gióng tiếng nói của mình. Nguyễn Văn Thơ, Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc, đã nói với các phóng viên Trung Quốc rằng ông "lạc quan về vấn đề này."
Và trong khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đang đề xuất mở cửa vịnh "cho tất cả các quốc gia... khi họ cần dịch vụ từ Việt Nam," quyết định này là dấu hiệu mạnh mẽ về mong muốn của Việt Nam và khu vực Đông nam Á nói chung trong việc giữ Hoa Kỳ gần hơn.
Nói cho cùng, đối thủ của Trung Quốc trong việc giành lãnh thổ và đòi hỏi chủ quyền trên khu vực biển Đông là ASEAN chứ không phải Hoa Kỳ. Ngay cả nếu Trung Quốc thành công trong việc giới hạn Hoa Kỳ dính líu đến những vấn đề trong khu vực, các quốc gia Đông nam Á sẽ không nhượng bộ trước ảnh hưởng của Trung Quốc khi quyền lợi của họ bị đe doạ. Các quốc gia Đông nam Á sẽ nhanh chóng nhận diện quyền lợi của mình, nhấn mạnh đòi hỏi của họ và dùng nguồn lực và quan hệ của họ để giành quyền lợi cho mình - đưa Hoa Kỳ quay lại khu vực là bằng chứng của chủ trương này.
Nhãn:
Quan hệ VN-TQ,
Quân sự