Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Chơi với con chó điên (Lữ Giang)

Chơi với con chó điên (Lữ Giang)
“…cuộc “cách mạng hoa lài” đã được Hoa Kỳ khai thác để lật đổ Mubarak không đem lại dân chủ cho quốc gia nào ở Trung Đông hay Bắc Phi như những người ngây thơ mơ tưởng…”
 
Tạp chí Time số ra ngày 21.4.1986 đã đăng bài “Targeting Gaddafi” kể lại các cuộc khủng bố mà Đại Tá Gaddafi, Tổng Thống Libya, đã thực hiện trên thế giới và các biện pháp mà Hoa Kỳ đã thực hiện để trừng phạt Libya, trong đó có nhắc lại trong cuộc họp báo thường lệ vào tối thứ tư, Tổng Thống Reagan đã gọi Gaddafi là “con chó điên này của Trung Đông” ("this mad dog of the Middle East") và tuyên bố Hoa Kỳ sẽ có hành động đáp trả khi nào thủ phạm của hành vi khủng bố đặc biệt được xác định. Ngày 14.4.1986, Tổng Thống Reagan đã cho mở cuộc hành quân “Operation Ghost Rider” dội bom xuống dinh Tổng Thống Gadhafi ở Tripoli, nhưng không giết được. Sau đó, Hoa Kỳ và LHQ đã áp dụng biện pháp cấm vận đối với Libya.

Sự sụp đổ của Liên Xô, một đồng minh cốt cán của Libya, các biện pháp cấm vận, và giá dầu giảm đã làm Gaddafi mất vị thế ngang tàng, phải từ bỏ chính sách khủng bố, nhận một số lỗi lầm chính và quay lại với Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương.

Đón tiếp Gaddafi nồng hậu

Sau vụ 11/9 năm 2001, Gaddafi gia nhập liên minh chống al-Qaeda do Hoa Kỳ dẫn đầu. Ông ta chống al-Qaeda thật sự chứ không phải chỉ giả vờ để lấy lòng Mỹ. Ông chống al-Qaeda vì cho rằng nhóm theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan này đe doạ quyền bính của ông ta. Năm 1998, khi chưa xảy ra biến cố 9.11, ông là nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên yêu cầu cộng đồng quốc tế truy nã Bin Laden.

Lúc đó, các nước Âu Châu nhận ra rằng quan hệ với Libya có hai mối lợi đáng kể: thứ nhất là được Libya cung cấp dầu lửa và thứ hai, Libya là một thị trường bán vũ khí rất tốt.

Ông Maciej Nowicki, một giáo sư người Ba Lan, từng giữ chức Bộ trưởng môi trường trong chính phủ Ba Lan, đã viết bài “Thế giới nhức đầu vì Gaddafi” phân tích khá kỹ về bản chất con người và các hành động của Gaddafi, đồng thời nhắc lại chuyện các quốc gia Tây phương đã đón tiếp Gaddafi nồng hậu như thế nào. Ông cho biết Gaddafi là người bạn chính trị thân cận nhất của Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi sau Putin. Libya là nhà cung cấp dầu chính cho nước Ý, và trong thời gian khủng hoảng kinh tế, các quỹ của Libya đã đầu tư 65 tỉ USD vào các công ty của Ý, giúp Ý chận đứng sự suy thoái. Nga, Pháp và Ý đã có nhiều hợp đồng bán vũ khí cho Libya, còn cựu Thủ Tướng Anh Tony Blair đã tư vấn cho các ngân hàng đầu tư vào Libya.

1. Cần dầu của Libya

Đã từ lâu, Âu Châu phải lệ thuộc vào dầu lửa và khí đốt của Nga. Hiện nay, Nga đang cung cấp cho Âu Châu khoảng 40% nhu cầu khí đốt và 30% lượng dầu mỏ. Sự lệ thuộc này có thể làm Âu Châu mất thế tự chủ khi rơi vào tình thế đặc biệt. Do đó, EU phải tìm kiếm nguồn cung cấp khác thay thế.

Theo cơ quan chuyên phân tích thị trường dầu lửa Thụy Sĩ Petromatrix, Libya cung cấp tới 9,84% nhu cầu dầu lửa của Âu Châu, trong đó Italy mua tới 23,2%, Pháp 15,8% và Tây Ban Nha 13%. Các quốc gia nhỏ cũng phụ thuộc nhiều vào năng lượng từ Libya, như Áo phải nhập tới 23% và Ireland là 23,6%.

Nhìn chung, hơn 85% lượng dầu của Libya xuất khẩu sang Âu Châu, trong đó hơn 1/3 sang Italy. Phần lớn số dầu còn lại được xuất cảng sang Á Châu, 5% được xuất cảng sang Mỹ.

Mặt khác, tuy Libya chỉ chiếm 2% sản lượng dầu thô toàn cầu và xuất khẩu rất ít dầu sang Mỹ, nhưng các biến cố tại Libya đã tác động mạnh tới giá dầu quốc tế vì loại dầu thô “ngọt” của nước này không dễ thay thế trong việc sản xuất xăng, dầu diesel và xăng máy bay, đặc biệt tại những nhà máy lọc dầu ở Âu Châu và Á Châu vốn không được trang bị để lọc loại dầu “chua” có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn. Saudi Arabia, nước “anh cả” của tổ OPEC có công suất hơn 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng phần lớn số dầu này là dầu “chua”.

Thời gian khan hiếm dầu “ngọt” là vào năm 2007 và đầu năm 2008 đã làm giá dầu thế giới vọt lên trên 140 USD/thùng,

2. Thị trường tiêu thụ vũ khí

Năm 2008, Ý và Libya đã ký hiệp định hữu nghị song phương. Tài liệu của báo La Repubblica cho biết trong năm 2009, Ý đã xuất khẩu một số vũ khí sang Libya lên tới 205 triệu Euro. Cụ thể như sau:

Tháng 5/2009, nhà sản xuất hệ thống tên lửa Mbda đã ký một hợp đồng trị giá 2,5 triệu Euro để cung cấp cho Libya chất nổ, thuỷ lôi, rocket, tên lửa. Tháng 10/2010, hãng sản xuất máy bay trực thăng Augusta Westland ký 2 hợp đồng với Libya trị giá 70 triệu Euro. Cuối năm 2010, tập đoàn Selex Sistemi Integrati ký hợp đồng 13 triệu Euro để cung cấp cho Libya khí tài quang học cho súng. Tháng 11/2010, Công ty pháo binh Oto Melara đã đàm phán với Libya trong việc trang bị vũ khí và các hệ thống vũ khí loại 12,7 mm và các nguyên liệu, phụ tùng thay thế.

Sau Ý là Pháp (143 triệu Euro), Đức (57 triệu), Anh (53 triệu) và Bồ Đào Nha (21 triệu).

Nhưng Nga là nước bán võ khí cho Libya nhiều nhất. Quan hệ mua bán vũ khí giữa Nga và Libya có từ thời chiến tranh lạnh. Theo AFP, trong giai đoạn 1981-1985, Liên Xô đã cung cấp cho Tripoli khoảng 350 máy bay tiềm kích, trong đó có 130 Mig-23, 70 Mig-21, 6 oanh tạc cơ Su-24 và 6 oanh tạc cơ siêu âm Tu-22.

Một viên chức Nga phụ trách xuất khẩu vũ khí nói với AFP là sự sụp đổ của một số chế độ tại Trung Cận Đông và Bắc Phi có thể làm cho Nga bị mất khoảng 10 tỉ đô la do các hợp đồng không thể được thực hiện. Trong khi đó, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Anatoli Serdioukov nói thẳng rằng Nga rất lo ngại và mong muốn các hợp đồng bán vũ khí đã ký kết phải được thực hiện. Nga đã ký một hợp đồng 2 tỉ USD với Libya và đang đàm phán với Tripoli về việc mua bán các thiết bị hàng không và hệ thống phòng không trị giá 1,8 tỉ USD

Quyết định ngày 26.2.2011 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về các biện pháp tăng cường trừng phạt Libya, trong đó có lệnh cấm vận vũ khí và những thiết bị liên quan, đang gây thiệt hại lớn cho nhiều nước Âu Châu, nhất là Nga và Ý.

Nhất Somalia, nhì Sudan

Ở vùng Phi Châu trong thời gian gần đây đã có hai cuộc nội chiến bi thảm, đó là cuộc nội chiến ở Sudan và ở Somalia. Hoa Kỳ, các nước Tây phương và LHQ có can thiệp, nhưng đã giải quyết được gì?

Kinh nghiệm của sự can thiệp ở Sudan và Somalia sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn tại sao Mỹ và các quốc gia Tây phương đang do dự trong việc can thiệp vào Libya.

1. Nội chiến tại Sudan

Sudan có diện tích lớn nhất ở Phi Châu (2,505,810 km2) với dân số khoảng 42 triệu. Sau thế chiến thứ hai, nơi đây đã trải qua hai cuộc nội chiến đẩm máu: cuộc nội chiến thứ nhất từ 1955 đến 1972 và cuộc nội chiến thứ hai từ 1983 đến 2005.

Ngay trước khi Sudan độc lập, hai miền Nam- Bắc Sudan đã có nhiều xung đột. Tại miền Nam, đa số thờ thần linh thiên nhiên hay theo đạo Thiên Chúa. Miền Bắc liên hệ với khối Ả Rập và theo Hồi giáo. "Loạn Anyanya" bùng nổ khi chính phủ huỷ bỏ kế hoạch lập chính phủ liên bang giữa hai miền với kết quả là nửa triệu người bị chết và hàng trăm nghìn người đi tị nạn khắp nơi. Hiệp định Addis Ababa ký năm 1972 kết thúc 17 năm xung đột.

Năm 1983, Tổng thống Nimeiry đòi áp dụng chính sách "Hồi giáo hoá" toàn quốc bằng luật Shari'a đưa tới cuộc nội chiến thứ hai. Tổ chức "Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan" (SPLA) ra đời do John Garang lãnh đạo đòi cho miền Nam Sudan độc lập. Tổ chức này được Liên Xô và Ethiopia yểm trợ.

Tháng 4 năm 1985, Tổng thống Nimeiry xuất ngoại, bị tướng Abdul Rahman Suwar ad-Dahhab đảo chánh, huỷ bỏ chính sách "Hồi giáo hoá" và thương thuyết với SPLA.

Tháng 6 năm 1989 Omar Hassan al-Bashir cướp chính quyền và thành lập "Hội Đồng Chỉ Huy Cách Mạng Cứu Quốc" và "Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân" để càn quét các tỉnh miền Nam.

Năm 2003, cuộc chiến tranh chấp bộ tộc đã diễn ra ở vùng Darfur phía tây. Tổng Thống Bashir đã đàn áp thẳng tay làm khoảng 200.000 người bị thiệt mạng. Số người chết đói, chết vì bệnh tật rất cao. Số dân tị nạn lên đến hàng triệu người. Vì vụ này Toà Án Hình Sự Quốc Tế đã quyết định truy tố Tổng thống Bashir về tội diệt chủng, tội ác đối với nhân loại và tội ác chiến tranh, và đã ra trát bắt giam, nhưng vẫn chưa đi tới đâu. Liên Hiệp Phi Châu (gồm 15 nước) đã phản đối lệnh bắt giam này. Bắc Kinh bất chấp lệnh cấm vận, vẫn đầu tư vào Sudan.

Sau đó lại xảy ra cuộc nội chiến ở miền đông do các bộ tộc Beja và Rashaida nổi lên. Mãi đến 14.10.2006 hai bên mới ký hoà ước ở Asmara, thủ đô Eritrea.

Sau nhiều lần thương thuyết, Hiệp ước Hoà bình giữa SPLA và chính phủ Khartoum được ký ở Nairobi vào tháng 1 năm 2005. Ai Cập và các nước A Rập không muốn Sudan chia cắt, còn Chính phủ Sudan tố cáo Mỹ và Israel đã cung cấp vũ khí và tài chính cho các lực lượng miền Nam và muốn chia cắt Sudan làm hai vì miền Nam có tiềm năng về dầu lửa khá lớn.

Cuối cùng cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức từ 9 đến 15.1.2011 với kết quả 98,83% số phiếu ủng hộ cho miền Nam độc lập, vì mọi người đã ngán chiến tranh. Tuy nhiên, những khó khăn khác lại xảy ra: Ba triệu người miền Nam ở phía Bắc không muốn quay trở lại miền Nam gây ra những cuộc khủng hoảng về nhân đạo. Tại các điểm nóng như Darfur, Abyei, Blue Nile và Nam Kordofan... bất cứ lúc nào các cuộc xung đột cũng có thể bùng phát.

2. Nội chiến tại Somalia

Cộng hoà Liên bang Somalia ở vùng sừng Phi Châu, nhỏ hơn Sudan nhiều, diện tích chỉ có 637,657 km2 với dân số khoảng 9 triệu, hầu hết theo Hồi Giáo phái Sunni. Thế nhưng nội chiến ở đây cũng rất thê thảm.

Năm 1991, Tổng thống Barre bị lật đổ bởi các lực lượng do Ethiopia trang bị. Các bộ tộc ở miền Bắc tuyên bố độc lập vào tháng 5 năm 1991 với cái tên là Somaliland. Cuộc nội chiến Nam–Bắc bắt đầu, tàn phá nền nông nghiệp của nước này khiến khoảng 300.000 người chết đói. Hội Đồng Bảo An LHQ đưa quân tới gìn giữ hoà bình. Tuy nhiên, lãnh tụ Mohamed Farrah Aidid coi lực lượng LHQ như một sự đe doạ quyền lực của mình, đã cho tấn công quân đội Pakistan trong lực lượng của LHQ khiến 24 người chết. Tổng Thống Clinton phải cho quân đội Hoa Kỳ can thiệp. Trong trận giao chiến tại thủ đô Mogadishu, có khoảng từ 500 đến 1500 quân Somalia, 18 quân nhân Hoa Kỳ và 1 quân nhân Mã Lai bị chết

Tháng 6 năm 1995, Mohamed Farrah Aidid tuyên bố ông ta là Tổng Thống Somalia nhưng không được quốc tế công nhận. Tháng 8 năm 1996, Aidid bị giết ở Mogadishu.

Ngày 1.11.2006, một chính phủ chuyển tiếp được thành lập do Ali Mohammed Ghedi làm thủ tướng, nhưng các lực lượng được Ethiopia và Eritrea hẫu thuận vẫn đánh nhau. Các du kích Hồi giáo, quân chính phủ chuyển tiếp và các lực lượng do Ethiopia yểm trợ đã giao tranh rất ác liệt. Ngày 28.12.2006, quân đội đồng minh phải tiến vào Mogadishu, các chiến binh Hồi Giáo bỏ chạy. Thủ tướng Ali Mohammed Ghedi tuyên bố rằng Mogadishu đã được giải phóng, nhưng quân Hồi giáo rút về phía nam, lập cứ điểm ở Kismayo và vẫn giao tranh với quân chính phủ ở nhiều thị trấn.

Ngày 31.1.2009, Sheikh Sharif Sheikh Ahmed được bầu làm tổng thống tại khách sạn Kempinski ở Djibouti, nhưng chính phủ chỉ có một quân đội khoảng 10 ngàn người, nên vấn đề an ninh trật tự không thể bảo đảm được. Hải tặc Somalia tung hoành khắp các vùng trên biển. Thủ đô Mogadishu được coi là nơi nguy hiểm nhất thế giới với những vụ bạo lực diễn ra hàng ngày, chủ yếu nhắm vào các lực lượng an ninh hay binh lính Ethiopia được điều động sang trợ giúp chính phủ lâm thời, nhưng đa số nạn nhân lại là dân thường vô tội.

Vì Somalia đã ở trong tình trạng vô chính phủ kéo dài 18 năm với hàng chục ngàn người bị giết hại, trên 3 triệu người phải bỏ nước ra đi nên đã trở thành một nơi khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trên thế giới.

Khi bàn về các vùng bất ổn trên thế giới, các nhà phân tích thường nói: Nhất Somalia, nhì Sudan!

Can thiệp vào Libya?

Thay vì dùng những cuộc đảo chánh quân sự gọn nhẹ để thay thế các lãnh tụ mà Mỹ thấy không còn xài được, Tổng Thống Obama đã sai lầm khi yểm trợ các cuộc “cách mạng hoa lài” để thực hiện ý đồ đó, đưa tới những hậu quả tai hại đang diễn ra trước mắt.

Hoa Kỳ có thể dùng “cách mạng hoa lài” để lật đổ Mubarak, nhưng không thể dùng để lật đổ Gaddafi vì hai lý do chính sau đây: Lý do thứ nhất, Mubarak là “con gà chết” còn Gaddafi là “con chó điên”. Gà chết ai ném đi cũng được nhưng chó điên mà đụng tới nó có khi mang hoạ. Lý do thứ hai, Ai Cập là một quốc gia nghèo, hàng năm phải nhận viện trợ lớn của Mỹ nên Mỹ có thể dùng viện trợ để gây áp lực và cài người vào để chi phối chính quyền Ai Cập (như VNCH trước đây). Trái lại Libya là một nước giàu, không nhận viện trợ của bất cứ nước nào, nên Mỷ khó cài người để chi phối chính quyền Libya. Mỹ chỉ có thể cài điệp viên để lấy tin tức hay xúi biểu các cuộc nổi dậy. Tổng Thống Obama đã tính toán sai nên đang sa lầy ở Libya.

Bây giờ Hoa Kỳ bắt đầu sợ “cách mạng hoa lài”. Thông Tấn AFP cho biết hôm 14.3.2011, ngay sau cuối buổi họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại Trưởng Sheikh Abdallah ben Zayed của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council) gồm các nước Saudia Arabia, Barhain, Các Tiểu vương quốc Ả rập, Kuwait, Oman và Qatar, đã quyết định gửi quân đến Bahrain. Hiện nay, khoảng 1.000 lính từ Saudi Arabia và 500 cảnh sát từ Tiểu Vương Quốc A Rập đã đến Bahrain. Điều này cho thấy Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chận cuộc “cách mạng hoa lài” bùng nổ ở Bahrain.

Cả Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Âu Châu đang lưỡng lự trong việc can thiệp quân sự vào Libya vì thấy với tình hình hiện nay, can thiệp sẽ không ảnh hưởng nhiều và có thể bị sa lầy như ở Afghanistan và Iraq.

Tổng thống Obama nói thế giới phải hành động để ngăn chặn bất cứ cuộc thảm sát nào xảy ra tại Libya, tương tự như những gì từng xảy ra tại Rwanda và Bosnia hồi thập niên 1990. Nhưng ông cũng chẳng dám làm gì vì các lý do chính sau đây:

Thứ nhất, sau sự can thiệp một cách vô cớ vào Iraq, Hoa Kỳ đã mất đi nhiều khả năng quân sự lẫn tài chánh. Ngân sách bị thâm hụt nặng. Can thiệp vào Libya cũng có thể bị sa lầy như ở Iran và Afghanistnan.

Thứ hai, lý do can thiệp thiếu căn bản vững vàng. Chế độ độc tài tàn bạo ở Libya cũng giống như chế độ độc tài ở Bắc Hàn, Miến Điện, Iran, Cuba, Syria, Zimbabwe, Sudan, Yemen..., tại sao Hoa Kỳ và các nước Tây phương không can thiệp vào các nơi khác mà lại nhắm vào Libya?

Lý do thứ ba là ngày bầu cử Tổng Thống và Quốc Hội Hoa Kỳ sắp đến. Đối với các chính khách Mỹ, nó quan trọng hơn bất cứ tình hình nào trên thế giới. Trong lúc này, bất cứ một quyết định sơ suất nào cũng sẽ bị Đảng Cộng Hoà khai thác và đánh bại không những Obama mà cả Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử sắp đến.

Trước tình cảnh như vậy, Tổng Thống Obama đành bán cái cho các nước Âu Châu. Nhưng các nước Âu Châu cũng có một số khó khăn như Hoa Kỳ và quyền lợi của họ ở Libya khiến họ phải ngừng tay lại. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà "nghi ngờ một cách cơ bản" về khả năng can thiệp quân sự tại Libya, và việc thiết lập vùng cấm bay. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho hay không ai muốn can thiệp quân sự. Thông cáo chung sau cuộc họp của lãnh đạo EU không nhắc đến vùng cấm bay, mặc dù tổ chức này không loại bỏ khả năng này một cách hoàn toàn.

Thật ra, lập vùng cấm bay chẳng ảnh hưởng bao nhiêu đến các cuộc hành quân của Gaddafi. Các cuộc nội chiến ở Sudan và Somalia có dùng đến máy bay đâu, nhưng cũng đã gây chết chóc cho hơn nửa triệu sinh linh. Chúng tôi đã từng nhắc lại, trong cuộc nổi dậy của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo ở Syria, Tổng Thống Hafez al-Assad đã san bằng nhiều phần của thành phố Hama bằng pháo binh, khiến từ 10.000 tới 25.000 người chết và bị thương. Ông có dùng không quân đâu? Các nhà độc tài hiểu rằng đối với các nhóm Hồi Giáo quá khích chỉ có đàn áp thẳng tay mới khống chế được họ.

Vả lại, để cho cuộc nội chiến Libya kéo dài sẽ có lợi hơn cho một số nước Âu Châu. Các nước này sẽ tiếp tục bán cho Libya nhiều vũ khí vì Libya rất giàu. Trước đây bán chính thức nay bán lậu. Mỹ cũng đã từng bán lậu vũ khí cho Iran để chống lại Iraq, lúc đó Iraq là một “đồng minh” của Mỹ! Saddam Hussein cũng đã từng bán dầu lậu cho nhiều nước.

Rõ ràng là cuộc “cách mạng hoa lài” đã được Hoa Kỳ khai thác để lật đổ Mubarak không đem lại dân chủ cho quốc gia nào ở Trung Đông hay Bắc Phi như những người ngây thơ mơ tưởng. Cuộc cách mạng đó chỉ có thể là công cụ để thay thế một nhà độc tài này bằng một nhà độc tài khác, hay bị các nhóm Hồi Giáo cực đoan chớp thời cơ, đưa nhân loại trở lại thời kỳ man rợ. Một chế độ Hồi Giáo man rợ có khi còn còn tồi tệ hơn một chế độ độc tài. Cứ nhìn chế độ Taliban trước đây ở Afghanistan thì rõ.
Ngày 15.3.2011
Lữ Giang
© Thông Luận 2011

Tổng số lượt xem trang