Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Người dân cần được biết về nợ công và ODA

Người dân cần được biết về nợ công và ODA
-- Chuyên gia Liên hợp quốc nhận định nếu gánh nặng nợ quốc gia không được giải quyết thấu đáo, Chính phủ Việt Nam có thể sẽ phải lựa chọn giữa trả nợ và duy trì đầu tư cho các chương trình phát triển xã hội.
Ông Cephas Lumina, chuyên gia độc lập của LHQ về đánh giá tác động của nợ nước ngoài và thâm hụt thương mại đối với việc thực hiện quyền con người và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (mục tiêu TNK) đã đến Việt Nam để tìm hiểu vấn đề này. Sau 7 ngày ở Việt Nam, ông chia sẻ một số nhận định ban đầu.

Đúng lúc, chính xác
Ông Lumina đánh giá cao việc Việt Nam đã đạt được 3 trong số 8 mục tiêu TNK trước thời hạn và bày tỏ lòng tin rằng Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu còn lại vào năm 2025. Ông cũng chúc mừng Việt Nam đã thoát nghèo để trở thành một nước có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, ông lưu ý Việt Nam về "bẫy thu nhập trung bình", hay là những thách thức về thực hiện quyền con người và các mục tiêu TNK mà thành tích trên có thể mang lại.

Ông Cephas Lumina. Ảnh: Thủy Chung
Trở thành một nước thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ không còn nhận được nhiều viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi như trước nữa, thay vào đó là các khoản vay ít ưu đãi hơn và đòi hỏi năng lực trả nợ cao hơn.
Nhận thức rằng ODA chiếm đến 11% tổng vốn đầu tư xã hội và 17% vốn ngân sách nhà nước của Việt Nam, ông Lumina nhấn mạnh đến những khó khăn do việc vay ODA không còn dễ dàng mang lại về thương mại, kinh tế và đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Chuyên gia LHQ nhận thấy Chính phủ Việt Nam đã nhận thức điều này và thể hiện qua việc xây dựng các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xác định người dân là trung tâm trong các chiến lược và kế hoạch phát triển này và người dân được phát huy quyền làm chủ của mình. Điều đó có nghĩa là Chính phủ phải có các khuôn khổ đảm bảo sự tham gia của người dân, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Người dân sẽ không chỉ hưởng lợi từ sự phát triển mà còn chủ động và tích cực tham gia vào sự phát triển đó.
Qua đó, ông chỉ ra hai vấn đề cần được coi trọng cấp thiết: giải quyết thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách; đồng thời đảm bảo thông tin đúng lúc và chính xác cho người dân về nợ quốc gia và ODA.
Ông phân tích, nợ nước ngoài và thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách nếu không được giải quyết thấu đáo có thể đẩy Chính phủ vào thế phải tiếp tục đi vay với phí cao. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng khiến người Việt ở nước ngoài làm ăn khó khăn, lượng kiều hối chảy về trong nước không còn dồi dào. Gánh nặng vay nợ gia tăng cộng với thiếu sự bù đắp từ ngoại hối có thể dẫn đến các biện pháp như tăng thuế, tăng vay nợ và giảm đầu tư cho các chương trình phát triển xã hội.
Khả năng tiếp cận thông tin
Tuy tỉ lệ nợ công của Việt Nam (42% theo số liệu chuyên gia này nhận được từ Quốc hội) được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá vẫn ở mức an toàn và có mức rủi ro thấp, song nếu Việt Nam đặt mình trong những nguy cơ có thể tác động từ bên ngoài như biến đối khí hậu, khủng hoảng kinh tế toàn cầu... thì việc xác định mức độ an toàn có thể sẽ phức tạp hơn.
Không thể đưa ra một "mức độ an toàn" cụ thể, song chuyên gia này nhấn mạnh: "Mức nợ nước ngoài phù hợp là mức Việt Nam vẫn có thể trả nợ được, đồng thời vẫn duy trì nguồn vốn cho các chương trình phát triển xã hội".
Về việc đảm bảo thông tin cho công chúng, ông Lumina cho rằng các số liệu, thống kê chính thức đã có trên các phương tiện thông tin và từ các cơ quan chính thống, song vấn đề cần lưu tâm là liệu công chúng đã có khả năng tiếp cận các thông tin ấy, và chất lượng thông tin đã được đảm bảo.
Ông cho rằng: "Chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa để thông tin về nợ công, nợ nước ngoài và ODA có thể đến với cả những người dân ở vùng sâu vùng xa, đồng thời được truyền tải một cách dễ hiểu, dễ tiếp nhận hơn".
Ông Lumina đã có các cuộc trao đổi với các cơ quan như Ủy ban Tài chính - ngân sách, Ủy ban Kinh tế của QH, Ngân hàng Nhà nước, các đối tác phát triển của Việt Nam (cả song phương và đa phương), song do mới bắt đầu những tìm hiểu của mình, chuyên gia này thừa nhận chưa thể có được một bức tranh đầy đủ.
Ông cho biết sẽ tiếp tục thu thập thông tin và phân tích số liệu, để báo cáo sơ bộ với Hội đồng nhân quyền LHQ vào tháng 6 tới, và báo cáo toàn diện vào tháng 6 năm sau.
Thủy Chung

Tổng số lượt xem trang