Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Coi chừng trúng kế địch (Lữ Giang)

Coi chừng trúng kế địch (Lữ Giang)
“… có nhiều nhóm ở hải ngoại đã coi công việc đấu tranh ở trong nước như một bữa nhậu, họ cứ ở ngoài la lớn “Zô! Zô! Zô!”, nếu thành công, coi như đó công của họ, nếu thất bại thì “sống chết mặc bay!”…”
Các tài liệu được tiết lộ trong những năm gần đây cho thấy Tổng Thống Thiệu cai trị miền Nam không những không biết địch và “đồng minh” làm gì, cứ suy nghĩ và hành động theo cảm tính, nên đã làm mất miền Nam.

Kể từ năm 1975, người Việt chống cộng ở trong cũng như ngoài nước đã phát động nhiều phong trào và chiến dịch đòi lật đổ chế độ cộng sản ở trong nước, nhưng cũng như Tổng Thống Thiệu, họ không biết rõ địch và “đồng minh” như thế nào và đang làm gì.

Về phía “đồng minh”, họ thường tin Mỹ là “Anh Hai Chống Cộng” và “Anh Hai Nhân Quyền” nên mọi chuyện đều kêu cứu Anh Hai và trông chờ vào Anh Hai! Có người cũng biết Mỹ là “Anh Hai Trở Mặt”, nhưng không dựa vào Mỹ thì dựa vào ai bây giờ? Về phía địch, họ vẽ ra một hình ảnh chế độ cộng sản theo óc tưởng tượng của họ dựa vào một số hình ảnh tổng quát như “gian ác, ngu dốt, hèn nhát, tham những, thất bại và sắp sụp đổ rồi...”, và họ “oanh tạc” không ngừng nghỉ vào những “đối tượng” đó, trong khi các thủ đoạn của cộng sản gian ác và tinh xảo gấp trăm lần những gì người Việt chống cộng đã tố cáo. Đi “tác chiến” mà không biết địch, không biết “đồng minh”, thua là chuyện đương nhiên.

Dĩ nhiên, trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng có rất nhiều người có kiến thức và kinh nghiệm, thấy được những gì địch và “đồng minh” đang làm, nhưng họ không muốn báo động hay đề nghị phương thức hành động, vì phát biểu những gì khác với “tập thể chống cộng” đều bị chụp ngay cái mũ “tay sai cộng sản” hay “đặc công cộng sản nằm vùng” và bị đưa ra “tùng xẻo”, do đó chẳng ai muốn dây với hủi.

Những người can đảm

Kể từ khi có “cuộc cách mạng hoa lài” ở Tunisia, hàng ngày trên các báo và nhất là trên các diễn đàn Internet, nhiều người Việt chống cộng ở hải ngoại đã tung ra hàng trăm bài kêu gọi đồng bào trong nước “đứng dậy mà đi đồng bào ơi”để làm một cuộc “cách mạng hoa lài” tại Việt Nam. Họ muốn rằng cuộc cách mạng đó phải xảy ra và coi ước muốn đó là hiện thực, ai nói khác đều bị “oanh tạc” tơi bời.

Thế nhưng cũng có ba người đã nhận định khác họ, đó là các ông Nguyễn Minh Cần, Tô Hải và Nguyễn Thượng Long. Nhìn lại, ông Nguyễn Minh Cần đang ở bên Nga, còn hai ông Tô Hải và Nguyễn Thượng Long đang ở trong nước. Ở bên Nga và ở trong nước thì chỉ có thể “oanh tạc” chứ không thể “tùng xẻo” được.

Nhưng các chính khứa phèng la ở hải ngoại đâu có chịu thua, họ đem “Quốc văn giáo khoa thư chống cộng lớp đồng ấu” ra giảng cho mấy ông một mách! Ba ông nói gì mà bị các chính khứa phèng la “dạy dỗ” vậy?

Trong bài “Không ai được đùa với cách mạng và nổi dậy” công bố ngày 28/2/2011, ông Nguyễn Minh Cần đã cho biết: “Nếu các chiến sĩ dân chủ lơ là việc chuẩn bị để khi thời cơ đến ta không kịp nắm lấy, hay khi thời cơ chưa đến, điều kiện chưa chín muồi mà đã vội vã nổi dậy tạo cơ hội cho kẻ thù của dân chủ tiêu diệt phong trào thì các chiến sĩ dân chủ sẽ có một trách nhiệm lớn lao trước Lịch sử. Không thể đùa với cách mạng, với nổi dậy.”

Ông đã nhấn mạnh rằng “kẻ thù của dân chủ muốn tiêu diệt phong trào khi còn trong trứng nước thường cho “nội gián” chui vào các cơ quan lãnh đạo để xúi giục những cuộc nổi dậy “non”. Phải hết sức cảnh giác!”. Và ông nói thêm: “May mà những người trong nước đã không nghe lời giục giã nguy hiểm này”
.
Đó là kinh nghiệm của một cựu đảng viên cao cấp của đảng CSVN, đã từng giữ chức uỷ viên thành uỷ Hà Nội, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chính thành phố Hà Nội. Sau đó ông bàn về những chuyện gì có thể xảy ra nếu cuộc “cách mạng” thành công. Ông đem cuộc cách mạng ở Nga năm 1991 ra với kết luận: “Ngày nay, những thành quả dân chủ trong những năm đầu của chính quyền dân chủ đang dần dần mất hết: không còn tự do bầu cử, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, v.v... theo đúng nghĩa nữa. Thất bại này là một bài học có tính giáo huấn cho chúng ta!»

Nhà văn Tô Hải, vốn tự nhận là Thằng Hèn, viết bài “Hương hoa lài”... làm tôi… nhức óc!” công bố ngày 28.2.2011, đưa ra các tài liệu chứng minh tình trạng nước Nga năm 1991 hoàn toàn khác xa tình trạng của Việt Nam ngày nay, nên không thể có một cuộc cách mạng như ở Nga 1991.

Ông cho biết tình hình trong nước như sau:

“Không một ai dám động đến hai chữ “Tự Do”, “Nhân Quyền”, Đả đảo này nọ lại càng không… Đố ai dám đứng hô to một câu để mọi người đáp lại. Lập tức anh sẽ bị bịt miệng đưa đi ngay, về đâu không biết!... Cũng là một thói quen xấu mà người Việt nói chung dã gần một thế kỷ nay là: bị cái chữ “SỢ” nó án ngữ trong đầu óc, tim, gan!”.

Ông kết luận:

“Vì thế, tớ xin nhắc lại LÚC NÀY CHƯA PHẢI LÀ CÓ THỜI CƠ, ĐỊA LỢI, NHÂN HOÀ! CÁC BẠN THANH NIÊN HÃY HẾT SỨC THẬN TRỌNG CHỚ CÓ NGHE NHỮNG LỜI KÊU GỌI “XUÔNG ĐƯỜNG BẰNG BẤT CỨ GIÁ NÀO”, BỞI BẤT CỨ AI!... Bằng không, đổ máu, bắt bớ sẽ chắc chắn xảy ra! Nên nhớ Trung Quốc không bao giờ ngồi yên khi thấy “một phần lãnh thổ” của họ có nguy cơ xụp đổ đâu!”.

Với bài “Cách mạng đâu có đơn giản chỉ là hiệu ứng của đám đông”, ông Nguyễn Thượng Long cho biết một hãng thông tấn ngoại quốc vừa phỏng vấn ông về Đại Hội Đảng 11, về “cách mạng hoa nhài” nở ở Việt Nam... Về “cách mạng hoa nhài” ông nhận định rằng cách mạng không hoàn toàn đơn giản là một hiệu ứng của đám đông. Cách mạng là khoa học, là nghệ thuật giành chính quyền, giữ chính quyền... Ông nói:

“Nếu cách mạng chỉ đơn giản là hiệu ứng của đám đông thì dù đám đông có đông đến đâu cũng chỉ gây nên được những huyên náo không đáng ngại cho nhà cầm quyền. Có thể lắm, một đám đông cực kỳ phấn khích nhưng lại vô cùng nghèo đói về chính trị thì đám đông đó sẽ rất nhanh chóng tự mình biến mình thành món “Thịt nướng” bất đắc dĩ trên bàn ăn của những thể chế toàn trị và độc tài đã có thâm niên cùng năm tháng”.

Cả ba vị nói trên, vì khung cảnh giới hạn, không thấy hết những khía cạnh khác của cuộc “cách mạng hoa lài” ở Trung Đông và Bắc Phi, nhưng họ cũng đã nói lên được những sự thật mà những người coi ước muốn là hiện thực không muốn nghe.

Qua kinh nghiệm, các nhà đấu tranh ở trong nước thừa hiểu rằng hầu hết các tổ chức đấu tranh ở hải ngoại không có thực lực, không có tổ chức, không có kế hoạch hay chương trình hành động gì ngoài lòng thù hận và các tuyên ngôn tuyên cáo. Họ lại thường hay đánh nhau để tranh giành địa vị nên bể ra từng mảnh. Cuộc chiến hiện đang âm ỉ ở Houston, ở San José, ở Seattle, v.v. Do đó, chẳng ai bị kích động hay trông chờ sự yểm trợ ở hải ngoại.

Thủ đoạn cộng sản

Gaddafi và các lãnh tụ độc tài ở Trung Đông và Bắc Phi không phải là những nhà chính trị chuyên nghiệp, không dự trù được các tình huống có thể xảy ra và phương thức đối phó, nên bị hoàn cảnh hay CIA đưa đẩy là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên. Trái lại, cộng sản Trung Quốc và Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm về nổi dậy và chống nổi dậy, và luôn ở trong thế ứng chiến, nên những thành phần chống đối thường bị sa lưới một cách thê thảm.

Khi có một cuộc nổi dậy, công việc đầu tiên là điều tra xem ai là kẻ lãnh đạo và các thành phần sách động, phải làm sao để cho các thành phần này xuất đầu lộ diện và tiêu diệt.

Trong biến cố Thiên An Môn năm 1989, được khởi sự từ ngày 18.4.1989 với khoảng 30.000 sinh viên tập trung tại quảng trường Thiên An Môn, chính quyền có đàn áp ngay đâu, trái lại còn cho Thủ Tướng Lý Bằng giả đứng ra thương lượng để câu giờ. Trong thời gian câu giờ, công an đã giả dạng ký giả và các sinh viên đấu tranh đi quay phim, chụp hình và điều tra ai là người lãnh đạo và các thành phần sách động. Có người ngồi điều khiển trong bóng tối, thấy cuộc đấu tranh ngày càng lên cao, cứ tưởng “thời cơ đã tới rồi”, vội nhảy ra để “làm đại sự” nên lãnh đủ!

Thiên An Môn, quân đội đàn áp thẳng tay
Khi nắm vững tình hình, chính quyền đã cho công an bao vây và lùng bắt các thành phần lãnh đạo và xách động. Đến ngày 31/5/1989, chính quyền mới cho quân đội đàn áp thẳng tay bằng cách nã súng vào đoàn sinh viên và cho xe tăng cán. Theo báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, có khoảng 4.000 người bị giết và 40.000 người bị thương. Theo ước lượng, đã có khoảng 1500 sinh viên bị bắt. Có 21 người bị nhận diện qua các phim ảnh, nhưng công an chưa bắt được, đã ra lệnh truy nả, trong đó có ít nhất là 6 lãnh tụ sinh viên. Một số lãnh tụ bị mất tích, có thể đã bị thủ tiêu. Chính quyền nói họ không biết. Khi các thành phần lãnh đạo và sách động không còn, các cuộc nổi dậy tan biến.

Đại Tá Gaddafi là một lãnh tụ võ biền, không có mưu lược, không biết ai là lãnh đạo, cứ đem cảnh sát và quân đội ra càn bừa, nên dẹp đầu này đầu kia lại nổi lên. Hiện nay, phe tranh đấu đã lập “Hội Đồng Quốc Gia Libya”(Libyan National Council) để tranh đấu. Không ai biết ban lãnh đạo hội đồng này là ai, chỉ biết Hafiz Ghoga là phát ngôn viên. Đập rắn mà không đập đầu, nó sẽ tiếp tục bò.Trong vụ Cồn Dầu, công an điều tra và khám phá ra người chủ mưu là anh Nguyễn Thành Năm, 43 tuổi, một giáo dân của Giáo xứ Cồn Dầu phụ trách về tang lễ, Công an đã bắt anh ta tra khảo nhưng không truy tố mà thả ra, rồi cho dân quân bắt đánh, hôm sau anh ta bị ói máu và chết.

Phương pháp thứ hai của cộng sản là cho xâm nhập vào các tổ chức để lấy tin tức rồi lập kế hoạch phá vỡ. Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, Mặt Trận Thống Nhất các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam của Lê Quốc Túy và Chí Nguyện Đoàn Hải Ngoại Phục Quốc của Võ Đại Tôn đã tan rã vì chiến thuật này.

Phương pháp thứ ba là thành lập những tổ chức chống cộng giả để câu các con mồi vào rồi tóm cổ. Chúng ta đã phát hiện được các tổ chức sau đây là tổ chức “chống cộng cò mồi” của CSVN: Chính phủ Việt Nam Tự Do của Nguyễn Hữu Chánh, Mặt Trận Nhân Dân Hành Động biến thành Đảng Dân Chủ Việt Nam của Nguyễn Sĩ Bình, Đảng Vì Dân của Nguyễn Công Bằng, v.v. Khối 8406 đang là một nghi vấn. Trần Anh Kim, thành viên “Ban điều hành Khối 8406” và những người có dính líu đến Khối 8406 như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân... đều bị bắt và bị kết án nặng, trong khi Linh mục Phan Văn Lợi, coi như trưởng ban điều hành Khối 8406, ra tuyên ngôn, kháng thư... chửi cộng sản thoải mái bằng những lời lẽ rất nặng nề mà chẳng sao cả. Nhiều người gọi LM Phan Văn Lợi là “chống cộng theo kiểu ông cố nội thằng Việt Cộng”. Tốt hơn cả là đừng dính líu đến tổ chức này.

Trong tháng qua, kể từ khi cuộc “cách mạng hoa lài” bùng nổ, lời kêu gọi nổi dậy được phát ra tràn ngập trên Facebook và các diễn đàn Internet. Nhưng một người đấu tranh ở trong nước đã cho tôi biết những lời kêu gọi xuống đường này vừa phát xuất từ các nhóm đấu tranh vừa phát xuất từ công an, hôm họ bảo tập họp chỗ này, mai họ kêu tập họp chỗ khác... Ở Việt Nam mà đọc thấy những lời kêu gọi theo kiểu Wael Ghonim đưa ra trên Facebook ở Ai Cập đều phải cảnh giác. Công an đang rình chụp “những con nai vàng ngơ ngác”! Tuy nhiên, khi lời kêu gọi được gởi tới thẳng địa chỉ của mình là phải đề phòng. Chúng nó đã chú ý tối mình rồi đó!

Có người còn than phiền rằng có nhiều nhóm ở hải ngoại đã coi công việc đấu tranh ở trong nước như một bữa nhậu, họ cứ ở ngoài la lớn “Zô! Zô! Zô!”,nếu thành công, coi như đó công của họ, nếu thất bại thì “sống chết mặc bay!”.

Trường hợp của Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế là một trường hợp cần được lưu ý. Ông Quế vốn là một chính khách phèng la và theo cơ hội chủ nghĩa. Việt Cộng coi ông chỉ là cái thùng rỗng kêu to, không có tổ chức hay kế hoạch hành động gì ngoài đánh phèng la, nhưng vẫn theo dõi để khám phá những tổ chức muốn dùng ông làm con bài.

Ông là loại chơi computeur tơ lơ mơ. Vì thế, hacker của công an đã chui vào máy của ông và khám phá ra một số người nào đó đã liên lạc với ông với ý định dùng ông làm con bài, nên chiều 26.2.2011 công an đã bắt ông với mục tiêu là xét nhà để tịch thu cái hard disk trong computer ông như một bằng chứng, sau đó thả ông ra. Với những người bị theo dõi như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, liên lạc với họ có thể bị hoạ.

Yếu tố ngoại tại

Một yếu tố quan trọng mà các ông Nguyễn Minh Cần, Tô Hải và Nguyễn Thượng Long không nói đến là khi có một biến cố xảy ra ở Việt Nam như ở Libya, liệu Hoa Kỳ và các cường quốc có can thiệp vào hay không. Tại sao các cuộc đàn áp dữ dội đã xảy ra ở Trung Quốc, ở Bắc Hàn, ở Miến Điện, ở Zimbabwe, hay nội chiến ở Sudan, ở Somalia, v.v., Mỹ và các quốc gia Tây phương chỉ can thiệp cho có lệ rồi để “sống chết mặc bây”, trái lại đã can thiệp mạnh vào Kuwait, Iraq, Ai Cập và Libya?

Thực tế cho thấy Mỹ và các cường quốc can thiệp không phải vì lý tưởng dân chủ và nhân quyền như một số người đã tưởng mà vì hai yếu tố chính sau đây: Thứ nhất là họ có quyền lợi ở nơi xảy ra biến cố và thứ hai, nơi đó có thể can thiệp thành công.

Kuwait, Iraq, Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập hay Libya là những căn cứ thiết yếu của Mỹ và là những nơi có nhiều dầu lửa hay khí đốt, những thứ mà Mỹ rất cần. Những nơi này lại có thể can thiệp bằng quân sự được. Trái lại ở Somalia. Sudan, Zimbabwe, Miến Điện, Bắc Hàn, v.v., Mỹ chẳng có nhiều quyền lợi, nên chỉ can thiệp lấy lệ. Với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia Tây phương không có khả năng can thiệp, trừ khi tạo ra thế chiến thứ ba, nên chỉ lên án và cấm vận vớ vẩn.

Tài liệu cho thấy Mỹ đã quyết định thay thế Tổng Thống Mubarak từ năm 2008, vì ông ta già, bệnh hoạn và không nghe lời Mỹ nữa. Nhưng thay vì làm một cuộc đảo chánh quân sự không đổ máu và đưa người khác của Mỹ lên, Mỹ lại dùng cuộc “cách mạng hoa lài” để đẩy Mubarak đi, đưa tới nhiều rắc rối: Nếu bầu cử tự do, chắc chắn nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo sẽ thắng. Muốn đưa người của Mỹ lên phải tổ chức bầu cử mánh mung như ở Iraq hay Afghanistan và sau đó còn phải dẹp loạn có thể kéo dài trong nhiều năm.

Tổng Thống Obama đã chính thức yêu cầu Tổng Thống Gaddafi ra đi. Điều này cho thấy Mỹ đã có kế hoạch thay thế Tổng Thống Gaddafi vì ông ta thuộc loại “sớm đầu tối đánh”, nhưng lại cũng dùng “cách mạng hoa lài” nên đang gặp rắc rối lớn.

Ngày 14/4/1986, Tổng Thống Reagan đã cho mở cuộc hành quân gọi là “Operation Ghost Rider”, dùng 18 phi cơ F-111F oanh tạc dinh Tổng Thống Gadhafi ở Tripoli, nhưng Tổng Thống Gadhafi và gia đình đã thoát ra ngoài trước, nên không hề hấn gì. Hoa Kỳ và LHQ cũng đã áp dụng lệnh cấm vận đối với Libya, nhưng chẳng sao cả. Có Nga và Trung Quốc đứng về phía Gaddafi. Nay Mỹ, Anh và Pháp đang cân nhắc có nên tái diễn trò cũ hay không. Gaddafi đã có kinh nghiệm và đang bị dồn vào thế chân tường nên sẽ sống chết với Mỹ.

Tháng 7 năm 2008, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế đã quyết định truy tố Tổng Thống Tổng Bashir của Sudan về tội diệt chủng, các tội ác đối với nhân loại và các tội ác chiến tranh, và đã ra trát bắt giam, nhưng đã làm được gì đâu?

Giả thiết có một biến loạn xảy ra ở Việt Nam và chính quyền đàn áp dã man, liệu Mỹ và các cường quốc có can thiệp hay không? Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam 20 năm và không thành công nên đành bán cái cho Trung Quốc. Trung Quốc cũng không để cho Mỹ can thiệp vào “một phần lãnh thổ” của họ (nói theo ông Tô Hải). Thiếu yếu tố can thiệp từ bên ngoài và Đảng CSVN đã đề phòng cẩn mật. một cuộc “cách mạng hoa lài” rất khó bùng lên tại Việt Nam lúc này.

Như đã nói ở trước, người Việt đấu tranh không có tổ chức chặt chẽ và khoa học, không có kế hoạch và chương trình hành động, không có chiến lược và chiến thuật, chỉ la làng theo cảm tính và do sự thúc đẩy của lòng hận thù, lại đi ngoài đường lối của Anh Hai nên không được yểm trợ, do đó rất khó đấu tranh thành công và thường bị sa lưới địch, kéo theo những người trong nước.
Lữ Giang
© Thông Luận2011

Tổng số lượt xem trang