-Dầu khí hưởng lợi, Nhà nước lỗ ?!
Có hai câu chuyện được thảo luận ở Quốc hội hôm qua tưởng cách biệt song lại có quan hệ mật thiết. Đó là chuyện bù lỗ giá xăng dầu và ngành dầu khí tiếp tục xin ưu đãi.
Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho hay đợt “kìm giá” xăng dầu vừa qua Nhà nước phải bù lỗ tới 16.400 tỉ đồng và do ngân sách hết khả năng chịu đựng, sắp tới nếu giá thế giới tiếp tục tăng thì... phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ! Còn nếu giá thế giới giảm thì sẽ... tăng thuế nhập khẩu! Xét trên lập luận này còn lâu người dân mới dám mơ đến việc giảm giá.
Trong khi đó việc Tập đoàn Dầu khí (PVN) được “bật đèn xanh” cho sử dụng 3.500 tỉ đồng từ tiền lãi dầu khí lại gây băn khoăn cho rất nhiều đại biểu. Băn khoăn không chỉ vì hiệu quả sử dụng vốn (trong lúc Chính phủ kêu gọi cắt giảm đầu tư công), mà còn vì phương án sử dụng. Ban đầu, PVN dự kiến sẽ đầu tư vào ba dự án, sau lại rút xuống một. Theo đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), PVN là doanh nghiệp nhà nước nên xét theo hiệu quả đầu tư tuy Nhà nước chịu trách nhiệm nhưng nhân dân lại phải chịu hậu quả, mà điển hình là “bài học” Vinashin.
Còn nhớ khi “nhấn nút” quyết toán số tiền trên 3 tỉ USD (khoảng hơn 60.000 tỉ đồng, vượt dự toán gần hai lần) xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, một số đại biểu đã phải tự an ủi rằng từ nay người dân sẽ “được nhờ” do PVN đã tự sản xuất được xăng dầu, đáp ứng đến 1/3 nhu cầu thị trường. Thế nhưng cuối cùng dù đã tự làm từ A đến Z giá bán lẻ xăng dầu không giảm. Cho nên một số người đã “đánh cược” là trong số 3.500 tỉ đồng tiền lãi mà PVN xin giữ lại kia có không ít từ nhà máy lọc dầu mang lại.
Cho nên dù hai con số 16.400 tỉ đồng bù lỗ xăng dầu và 3.500 tỉ đồng tiền lãi dầu khí kia khác nhau nhưng người dân vẫn cảm thấy hình như có sự thiếu sòng phẳng. Đặc biệt hơn, như ý kiến đại biểu Nguyễn Văn Tiên, là dịp tết vừa qua trong khi mỗi hộ nghèo chỉ được 200.000-300.000 đồng thì ngành dầu khí thưởng tới 50-60 triệu đồng và kết quả khảo sát lương năm 2010 thì ngành này vẫn luôn dẫn đầu!