“…Cuộc “cách mạng hoa lài” ở Tunisa được Hoa Kỳ dùng để đẩy Mubarak ra khỏi chính quyền ở Ai Cập đang gây ra những biến động mới ở Trung Đông và Bắc Phi, có thể làm sụp đổ các chế độ mà Hoa Kỳ muốn bảo vệ…”
“Al-Islam huwa I-hall!” (Hồi Giáo là giải pháp!), Đó là những tiếng gào thét đang vang lên tại những nơi cái gọi là “cuộc cách mạng hoa lài” đang lan tới, từ Tuinisa đến Ai Cập, từ Libya đến Yemen, hay từ Bahrain đến Syria, v.v. Thỉnh thoảng hai khẩu hiệu khác cũng được giơ cao: “Umma al-Islamiyya!” (Một quốc gia Hồi Giáo!) hay “Umma al-Arabiyya!” (Một quốc gia Ả Rập!).
“Al-Islam huwa I-hall!” (Hồi Giáo là giải pháp!), Đó là những tiếng gào thét đang vang lên tại những nơi cái gọi là “cuộc cách mạng hoa lài” đang lan tới, từ Tuinisa đến Ai Cập, từ Libya đến Yemen, hay từ Bahrain đến Syria, v.v. Thỉnh thoảng hai khẩu hiệu khác cũng được giơ cao: “Umma al-Islamiyya!” (Một quốc gia Hồi Giáo!) hay “Umma al-Arabiyya!” (Một quốc gia Ả Rập!).
Tại Tunisia, Linh Mục Marek Rybinski, 34 tuổi, tu sĩ dòng Salesien, Don Bosco, đã bị cắt cổ và thi hài của ngài đã được phát giác hôm thứ sáu 18.2.2011 trong một trường tư do các tu sĩ điều khiển tại Mahouba. Theo cách thế vị linh mục bị sát hại, chính quyền Tunisia quả quyết rằng thủ phạm của vụ sát nhân chính là những người Hồi Giáo cực đoan. Sau vụ mưu sát này, hàng trăm người Tunisia đã biểu tình yêu cầu duy trì “một nước Tunisia thế tục”. Họ đã đưa cao khẩu hiệu: "Thế tục có nghĩa là tự do và khoan nhượng".
Những tiếng kêu trên đây chỉ là một sự tiếp nối các cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ đòi phục hồi lại các chế độ Hồi Giáo của một thời xa xưa tại các nước Trung Đông và Bắc Phi, nhưng nhiều người tin rằng đó là những “cuộc cách mạng dân chủ” và muốn nó lan tới Việt Nam!
Con đường Mỹ đã đi
Trong nhiều thập niên, Hoa Kỳ đã dùng các biện pháp sau đây để khống chế khối Hồi Giáo ở Trung Đông và Bắc Phi:
1.- Dùng Israel làm “Sen Đầm” Trung Đông
Ngày 29.11.1947, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã họp và biểu quyết nghị quyết số 181, phân chia lại lãnh thổ của người Do Thái và người Palestines. Một nước Israel mới đã được thành lập và Mỹ đã xử dụng Israel làm một tên “Sen Đầm” (Gendarmerie) để khống chế vùng Trung Đông và Bắc Phi. Số tiền viện trợ Mỹ hàng năm cho Israel rất lớn. Hôm 29.7.2007, sau khi họp với Washington, Thủ tướng Israel Ehud Olmert cho biết Mỹ đã dành cho Israel một khoản viện trợ quân sự mới lên đến 30 tỉ USD trong vòng 10 năm để duy trì sự ưu việt về quân sự của Israel trong khu vực. 30 tỉ USD trong vòng 10 năm có nghĩa là khoảng 3 tỉ USD mỗi năm. Ngoài ra, Mỹ cũng cung cấp cho Israel những võ khí tối tân nhất. Tờ Haaretz của Israel cho biết Mỹ bán Israel 5.000 bom thông minh. Bom này được hướng dẫn bằng vệ tinh và laser khi oanh tạc.
Trong cuộc chiến tranh 6 ngày từ 5 tới 11.6.1967, quân đội Israel đã làm cỏ bán đảo Sinai (Ai Cập), chiếm Dải Gaza, khu Bờ Tây sông Jordan, trong đó có thành cổ Jerusalem, cao nguyên Golan. Đó là nhờ những vũ khí tối tân.
2.- Yểm trợ chiến tranh giữa hai nước Hồi Giáo
Ngày 22.9.1980, quân đội Iraq bất ngờ tấn công Iran chiếm một số đất đai có dầu mỏ của nước này. Ban đầu, Tổng thống Saddam Hussein tin rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc nhanh vì ông có sự hậu thuẫn của Tây phương cũng như một số nước A Rập trong vùng. Nhưng vào tháng 3 năm 1982, sau khi quân đội được chỉnh đốn lại, Iran đã mở những cuộc phản công, chiếm lại những lãnh thổ đã bị Iraq chiếm. Cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm, mãi đến ngày 20.8.1988 mớì có hiệp định dình chiến vì hai lý do chính sau đây:
Thứ nhất, nhà lãnh đạo Khomeini của Iran là một đối thủ có quyết tâm và khó khuất phục.
Thứ hai, Mỹ đã yểm trợ cho cả hai bên để thủ lợi. Vụ Iran-Contra được Quốc Hội Hoa Kỳ công bố năm 1987 cho thấy Hoa Kỳ một mặt yểm trợ cho Iraq chống Iran, mặt khác lại bán võ khí cho Iran, được nói là để lấy tiền yểm trợ cho kháng chiến quân Nicaragua. Khi nội vụ đổ bể, đã có trên 2.000 tên lửa và phụ tùng thay thế đã được chuyển giao Iran! Khi cuộc chiến chấm dứt, hai bên vẫn còn ở thế đối đầu và luôn hầm hè nhau. Nhưng sau cuộc tấn công Iraq năm 2003 của Tổng Thống Bush, thế đối đầu này coi như chấm dứt.
3.- Dùng các chính quyền độc tài và quân phiệt để khống chế Hồi Giáo
Để các nhóm Hồi Giáo quá khích không thể nắm chính quyền tại các nước ở Trung Đông và Bắc Phi, trong nhiều thập niên, Hoa Kỳ đã yểm trợ các nhà độc tài và quân phiệt đứng vững trong vùng này. Các nhà lãnh đạo này luôn bảo vệ quyền bính của họ bằng chính quyền thế tục. Giáo quyền bị loại ra ngoài. Hamad bin Isa al-Khalifah ở Bahrain, al-Gaddafi ở Lybia, Hosni Mubarak ở Ai Cập, Ben Ali ở Tunisia, Abdallah Saleh ở Yemen hay Hafez al-Assad ở Syria đều là những nhà độc tài và quân phiệt được Hoa Kỳ và các nước Tây phương yểm trợ để khống chế các nhóm Hồi Giáo quá khích.
Cuộc “cách mạng hoa lài” ở Tunisa được Hoa Kỳ dùng để đẩy Mubarak ra khỏi chính quyền ở Ai Cập đang gây ra những biến động mới ở Trung Đông và Bắc Phi, có thể làm sụp đổ các chế độ mà Hoa Kỳ muốn bảo vệ.
Con đường Obama đang đi
Trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2008, các nhà đại tư bản Mỹ đã gạt bỏ bà Hillary Rodham Clinton ra và đưa ông Barack Obama lên với sứ mạng giải quyết những hậu quả của cuộc chiến tranh Iraq mà Tổng Thống George W. Bush đã vô cớ gây ra từ năm 2003. Khối Hồi Giáo đã coi cuộc tấn công này như một sự khai chiến với khối Hồi Giáo và là một cuộc thập tự chinh chống lại Hồi Giáo. Nhiều người hy vọng ông Obama vốn sinh tại Kenya, một quốc gia ở Đông Phi Châu và đã từng học ở Jakarta, Indonesia, một nước có dân số Hồi Giáo đông nhất thế giới, có thể “hoà giải” với Hồi Giáo.
Trong bài diễn văn nhận chức đọc ngày 20.1.2009, Tổng Thống Obama nói:
“Đất nước chúng ta đang trong thời chiến, chống lại một mạng lưới bạo lực và thù hận rộng khắp, một phần là hậu quả của thái độ tham lam, vô trách nhiệm của một số người, nhưng cũng là hậu quả của việc chúng ta đã thất bại, không có những lựa chọn khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng cho đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Ông đã cho biết một cách tổng quát đường lối của ông như sau:
“Đối với thế giới Hồi giáo, chúng ta tìm hướng đi tới mới, dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau”.
Sau này, đường lối của Obama được nêu rõ trong hai bài diễn văn chính: Bài diễn văn thứ nhất đọc tại Ai Cập hôm 6.4.2009 và bài diễn văn thứ hai đọc tại Indonesia ngày 10.11.2010.
Tại Đại Học Cairo, trong một bài diễn văn dài 55 phút được truyền hình trực tiếp như một thông điệp gởi tới hơn 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo trên thế giới, ông Obama mở đầu như sau:
“Tôi tới đây là để tìm kiếm một sự khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa nước Mỹ và thế giới Hồi giáo. Người Mỹ và người Hồi giáo cần chấm dứt mọi sự hoài nghi, cùng nhau chống lại chủ nghĩa bạo lực cực đoan dưới mọi hình thức”.
Về chiến tranh Iraq, ông cho biết Hoa Kỳ đã có chương trình giải kết khỏi cuộc chiến này. Hoa Kỳ sẽ rút hết quân ra khỏi các thành phố của Iraq vào tháng 7 năm nay và rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ chậm lắm là vào năm 2012.
Về Afghanistan, ông xác định Hoa Kỳ không có ý định duy trì căn cứ quân sự vĩnh viễn tại đó và rằng sức mạnh quân sự sẽ không giải quyết vấn đề mà phải tìm giải pháp qua đường lối giúp phát triển kinh tế.
Về cuộc chiến giữa Israel và Palestine, ông cho rằng vấn đề Do thái – Palestine chỉ có thể giải quyết qua công thức hai quốc gia công nhận nhau và cùng tồn tại bên cạnh nhau. Và điều này phục vụ quyền lợi của Do Thái, quyền lợi của Palestine, của Hoa Kỳ và của thế giới nói chung.
Về thể chế chính trị của mỗi quốc gia, ông xác định:
“Không một nước nào có quyền áp đặt một thể chế chính trị cho một quốc gia khác, tuy nhiên Hoa Kỳ chủ trương chính thể chính trị phải thể hiện ý muốn của dân dù cách thể hiện ý muốn này có thể khác nhau tùy theo phong tục tập quán của từng dân tộc. Hoa Kỳ không thể xác định cách chọn nào thì tốt cho quốc gia nào, và cũng không thể quả quyết ai hay đảng nào mới xứng đáng được chọn lựa”.
Vấn đề gay cấn nhất là vấn đề tôn giáo, ông chủ trương tôn giáo phải đồng hành giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, giữa những nhánh khác biệt trong cùng một tôn giáo. Ông ghi nhận sự bất thường sinh ra xung khắc khi Hồi Giáo cho ai khác tôn giáo mình là tà, và một số nước Âu châu cũng quá khích khi thông qua luật không cho người phụ nữ Hồi giáo mặc áo che kín.
Nhìn chung, những lời phát biểu trên đây của ông Obama cũng chỉ thuộc vào loại “Luân Lý Giáo Khoa Thư”. Trong thực tế mọi chuyện không dễ dàng như vậy. Phát ngôn viên của lực lượng Hamas ở Dải Gaza và đại diện nhóm Hezbollah ở Li-băng nói rằng bài phát biểu cho thấy “không có gì thay đổi” trong chính sách của Mỹ. Còn ông ông Mohammed Habib, Phó thủ lĩnh nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, một nhóm có thế lực nhất trong khối A rập đã nhận xét:
“Chuyến đi của TT Obama sẽ là hoàn toàn vô nghĩa nếu không có những thay đổi thực sự trước đó trong chính sách của Mỹ với thế giới Ả Rập và Hồi giáo. Chính trị được xây dựng không phải từ những bài phát biểu hoa mỹ, mà cần dựa trên những hành động cụ thể”.
Tại Đại Học Indonesia ở Jakarta, Tổng Thống Obama hơi xuống gọng một chút. Ông nói:
"Hôm nay, tôi quay trở lại Indonesia không chỉ như một người bạn, mà còn trong tư cách một vị tổng thống đang tìm kiếm quan hệ hợp tác sâu sắc và lâu dài giữa hai quốc gia..."
"Quan hệ giữa Hoa Kỳ và cộng đồng Hồi giáo đã sứt mẻ trong nhiều năm qua. Là tổng thống, tôi đã đặt trọng tâm phải bắt tay vào hàn gắn quan hệ đó".
"Tôi cho rằng các nỗ lực của chúng tôi là rất chân thành và bền bỉ. Chúng tôi không nghĩ là sẽ xóa bỏ được hết các hiểu lầm và nghi kỵ vốn nảy nở trong một thời gian dài, nhưng con đường của chúng tôi là đúng đắn".
Ông Obama chưa có kinh nghiệm gì về thương lượng, nhất là đối đầu với Hồi Giáo, nên chẳng ai tin ông có thể “hòa giải” được. Sự sụp đổ của hệ thống độc tài và quân phiệt ở Trung Đông và Bắc Phi, một hệ thống đã được Hoa Kỳ xử dụng để chế ngự các nhóm Hồi Giáo cực đoan đang gây thêm nhiều bối rối cho nước Mỹ.
Mô thức Bahrain bị thách thức
Bahrain là một quần đảo ở Vịnh Ba Tư, gồm 35 đảo nhỏ, kéo dài 30 km, cách bờ biển phía Đông của Saudi Arabia 24 km, cách bờ biển phía Tây Qatar 28 km, có tổng số diện tích 688km (266 miles) với dân số chỉ 688.345 người, gồm cả 235.108 người không mang quốc tịch Bahrain. Đây là một vị trí chiến lược quan trọng, nên Hoa Kỳ đã đặt căn cứ của Hạm Đội Năm tại đây để chế ngự vùng Trung Đông và Bắc Phi.
Bahrain là một chính thể quân chủ lập hiến đứng đầu là Vua Shaikh Hamad bin Isa Al Khalifa; lãnh đạo chính phủ là Thủ tướng Shaikh Khalifa bin Salman Al Khalifa, người điều hành nội các gồm 15 bộ trưởng.
Bahrain theo chế độ lưỡng viện: Hội Đồng Đại Biểu (Majlis an-nuwab) do bầu cử phổ thông và Hội Đồng Cố Vấn (Majlis al-Shura) do vua chỉ định. Cả hai viện đều có 40 thành viên. Cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức năm 2002, nhiệm kỳ của thành viên Hội Đồng Đại Biểu là bốn năm.
Có đến 81,2% dân số Bahrain theo Hồi giáo, 9% theo Thiên Chúa giáo và 9,8% theo các tôn giáo khác của châu Á và Trung Đông.
Gần đây, Bahrain đã trở thành một xã hội đa chủng với nhiều cộng đồng pha trộn: 2/3 dân số Bahrain là người Ả Rập, phần còn lại là công nhân và dân nhập cư từ Iran, Nam Á và Đông Nam Á. Nước này đã trở thành nơi cư trú của nhiều cư dân từng bị ngược đãi tại các quốc gia khác. Tuy Hồi Giáo vẫn là tôn giáo chính, người dân Bahrain đã có một cuộc sống hoà hợp. Ngoài các thánh đường Hồi Giáo, người ta cũng thấy các nhà thờ Thiên Chúa Giáo, các đền thờ Hindu của Ấn Độ, các đền Gurudwara của người Sikh và giáo đường Do Thái. Vì thế, Bahrain đã trở thành mô thức “sống chung hoà bình” mà Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương muốn có các quốc gia Hồi Giáo trong vùng.
Tuy nhiên, kể từ khi có bầu cử quốc hội năm 2002, hai giáo phái Hồi Giáo Shiite và Sunni đã chiếm được toàn bộ các ghế trong quốc hội, “nền dân chủ” của Bahrain bắt đầu gây ra các biến động mới. Công việc đầu tiên của hai giáo phái này là đưa “các vấn đề đạo đức” (tức luật Hồi Giáo) vào luật pháp quốc gia, trước tiên làm luật cấm chưng các hình “mannequin” (hình nộm) trong các tiệm, cấm treo quần áo lót phụ nữ trên dây phơi, v.v. Họ đang nỗ lực để tiến xa hơn trong việc áp dụng luật Sharia của Hồi Giáo. Đó là mặt trái của “dân chủ” mà ít người thấy.
Các phe thiểu số đang tìm cách chống lại chủ trương “Hồi Giáo hoá” Bahrain. Nhóm Al Muntada đã tung ra chiến dịch "We Have A Right".
Bây giờ những người Hồi Giáo Shiite chiếm đa số đang đứng lên đòi các quyền “dân chủ” của họ. Hôm 16.2.2011, người đứng đầu Hội Hiệp Ước Quốc Gia Hồi Giáo (Wefaq) thuộc khối Shiite kêu gọi từ bỏ quyền bổ nhiệm các giới chức cấp cao trong chính quyền và bầu cử trực tiếp, nhất là bầu cử trực tiếp thủ tướng. Nếu những đòi hỏi “dân chủ hóa” này có kết quả, các nhóm Hồi Giáo sẽ chiếm được chính quyền Bahrain và thiết lập một chế độ Hồi Giáo tại Bahrain. Lãnh tụ Sheikh Ali Salman nói rằng 18 đại diện của nhóm ông trong Hội Đồng Đại Biểu gồm tất cả 40 ghế sẽ tẩy chay Hội Đồng này cho đến khi đòi hỏi của họ được đáp ứng.
Con đường Obama đi tới đâu?
Hiện nay, khối Hồi Giáo được chia ra hai phe, một phe chủ trương dùng bạo động để chống lại Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương, đó là nhóm al-Qaeda, còn một phe chủ trương đấu tranh bất bạo động, đó là nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo. Tổng Thống Obama muốn “hoà giải” với cả hai nhóm. Nhưng một cuộc thăm dò cho thấy 76% người Ai Cập tin rằng Mỹ muốn “chia rẽ” và làm thế giới Hồi giáo yếu đi; 80% tin rằng Mỹ muốn áp đặt “văn hóa Mỹ” vào Hồi giáo.
Ayman al-Zawahri, thủ lĩnh thứ 2 của Al-Qaeda, cho rằng các chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không thể thay đổi quan điểm của người Hồi Giáo về nước Mỹ. Ông nói:
“Nước Mỹ đã tiếp cận chúng ta với bộ mặt mới, cố gắng làm chúng ta mê muội bởi gương mặt đó. Một gương mặt kêu gọi sự thay đổi, nhưng là để thay đổi chúng ta, vì vậy chúng ta phải từ bỏ niềm tin và quyền lợi, chứ (người Mỹ) không thay đổi chính sách, các cuộc xâm lược, hành động trộm cướp và những vụ bê bối của chính họ”.
Nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo có chủ trương vững vàng hơn. Họ không công khai chống lại Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương như nhóm al-Qaeda mà chủ trương áp dụng chiến lược “diễn biến hoà bình”: Đòi hỏi “thực hiện dân chủ” - một chiêu bài mà Mỹ thường dùng - để phá sập dần các chế độ độc tài mà Mỹ và các quốc gia Tây phương đã thiết lập tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi và thay thế bằng các chế độ Hồi Giáo. Chiến lược này nguy hiểm hơn chủ trương của nhóm al-Qaeda nhiều.
Kinh nhật tụng của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo và đa số tín đồ Hồi Giáo là:
“Hồi giáo là giải pháp, Allah là Chúa của tôi, Hồi giáo là cuộc sống của tôi, Kinh Qur'an là hướng dẫn của tôi, Tiên tri (Muhammad) là mẫu gương của tôi, Sunnah (cách sống của người Hồi Giáo) là thực hành của tôi, thánh chiến là tinh thần của tôi...”
Những chế độ Hồi Giáo mà họ muốn tái lập sẽ đưa nhân loại trở về thời kỳ man rợ ở thế kỷ thứ 3 và thứ 4 sau Công nguyên, giống như ở Iraq và Afghanistan hiện nay.
Khi mục tiêu đã được xác tín như vậy, chắc chắn sẽ không có sự chuyển đổi để “sống chung hoà bình” như Tổng Thống Obama muốn.
Các lãnh tụ chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi biết phải làm thế nào để khống chế các nhóm Hồi Giáo quá khích. Năm 1982, nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo định làm một cuộc đảo chánh cướp chính quyền tại Syria, Tổng Thống Hafez al-Assad đã san bằng nhiều phần của thành phố Hama bằng pháo binh, khiến từ 10.000 tới 25.000 người chết và bị thương, Sau đó, nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo bị cấm hoạt động. Tổng Thống Mubarak cũng cấm nhóm này hoạt động tại Ai Cập. Nhóm này đã quay lại thực hiện chiến dịch “diễn biến hoà bình” và một nguồn tin cho biết nhóm này đã có trên 1 triệu rưởi cán bộ. Tại Ai Cập, nhóm đang kiểm soát nhiều bệnh viện, trường học và nhiều tổ chức từ thiện, và đã từng chiếm được 88 ghế trong tổng số 454 ghế tại nghị viện, Hiện nay, nhóm đang đòi tổ chức bầu cử tự do vào tháng 9 tới đây với tin tưởng rằng họ sẽ nắm được chính quyền tại Ai Cập và thành lập một chính phủ Hồi Giáo. Không biết những tay xào bài của Hoa Kỳ sẽ đối phó như thế nào.
Các nhóm Hồi Giáo khác cũng đang đi con đường của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo để nắm chính quyến tại Tunisia, Bahrain, Lybia hay Yemen.
Nhiều chuyên gia đã báo động về tình hình Hồi Giáo ở Trung Đông. Trong cuộc họp ngày 27.1.2011 tại Strasbourg, Nghị Viện Âu Châu đã lên án những hình thức tôn giáo quá khích và âm mưu biến niềm tin tôn giáo thành những động lực chính trị.
Ông Obama có rất nhiều thiện chí, nhưng không đủ tầm vóc để cải tổ hệ thống tài chánh đầy gian manh của Hoa Kỳ. Ông cũng không đủ kinh nghiệm để chế ngự sự vùng dậy của Hồi Giáo.
Ngày 1.3.2011
Lữ Giang
© Thông Luận 2011
Lữ Giang