Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Minh ước NATO yểm trợ dân chủ?

-Minh ước NATO yểm trợ dân chủ?
Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngày Nay (Houston) 20110325    Quyết định tham chiến tại Libya - mục đích và yêu cầu là gì?    -

    Dân chủ nở hoa tại Libya?   Đúng tám năm sau khi khai mở chiến dịch tấn công Iraq vào ngày 20 tháng Ba năm 2003, Hoa Kỳ lại đứng sau một chiến dịch quân sự tại Libya, cũng do một Nghị quyết của Liên hiệp quốc. Sự hợp lý của quyết định này nằm ở đâu? Ngày Nay nêu câu hỏi cho bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa, một cộng tác viên quen biết từ nhiều năm nay....
Một số người giàu trí tưởng tượng thường cho rằng siêu cường Hoa Kỳ đã tính trước mọi chuyện theo một kế hoạch nào đó do những thế lực mờ ám chủ động điều khiển trong hậu trường. Lý thuyết âm mưu đó có thể là đề tài hấp dẫn cho tiểu thuyết nhưng chưa chắc đã phù hợp với thực tế. Thí dụ như Mỹ vào Libya lật đổ Gaddafi là để đánh sụp một đầu cầu của... Trung Quốc.

Thực tế là người dân Mỹ có khả năng quyết định về lãnh đạo qua lá phiếu của họ, chứ chẳng có một thiểu số giấu mặt nào đó chọn người sẽ lên cầm đầu Hành pháp và Tư pháp Hoa Kỳ. Thứ nữa, ai lên lãnh đạo cũng có thể mơ ước thực hiện một số chương trình được giới thiệu và vận động khi tranh cử, nhưng khi cầm quyền thì vẫn bị chi phối bởi di sản của người đi trước và cũng gặp yếu tố bất ngờ, có khi lấy quyết định mà để lại hậu quả bất lường cho người kế nhiệm phải điều chỉnh.

Vụ khủng hoảng Libya có thể được nhìn trong khung cảnh đó. Nó xảy ra vì những sự hợp lý rất phi lý, kỳ lạ!


***

Thế kỷ 21 khởi đầu năm 2001 với một biến cố xuất phát từ những chuyển động đã có từ thời Tổng thống Bill Clinton.

Đó là vụ khủng bố 9-11. Tổng thống George W. Bush phản ứng ngược với triết lý đối ngoại  mà ông chủ trương khi tranh cử. Ông khai mở cuộc chiến khi Hoa Kỳ bị suy trầm kinh tế sau vụ bể bóng cổ phiếu năm 2000. Vì sức nặng của Hoa Kỳ, biến cố 9-11 và phản ứng của Chính quyền Bush ảnh hưởng đến toàn thế giới trong cả chục năm sau đó. Cụ thể là hai chiến trường A Phú Hãn và Iraq đến nay chưa kết thúc. Bàng bạc ở đằng sau là quan hệ của Hoa Kỳ với thế giới Hồi giáo, một thế giới đầy mâu thuẫn phức tạp về địa dư chính trị, sắc tộc và hệ phái tôn giáo.

Vì bước vào chiến tranh mà lại không muốn người dân phải hy sinh - đóng thuế tài trợ chiến phí - Chính quyền Bush và Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ thi hành chánh sách tiền rẻ với lãi suất thấp, và thổi lên một bong bóng đầu tư khác: tiền chảy từ cổ phiếu qua gia cư. Sự bất cẩn và bất lương của doanh trường làm nốt phần vụ còn lại. Bong bóng gia cư bắt đầu bể từ năm 2006 dẫn tới khủng hoảng tài chánh năm 2008, giữa chu kỳ suy trầm kinh tế Mỹ, và lan thành suy trầm toàn cầu - Global recession - trong hai năm 2008-2009.

Vì cơn hốt hoảng đó, cử tri Mỹ bầu lên một người ít kinh nghiệm nhất, nhưng có tài hùng biện và một ban tham mưu tranh cử rất hữu hiệu. Nghị sĩ Barack Obama.

Rút tỉa kinh nghiệm từ những vấp váp trên chiến trường Iraq, sau khi tái đắc cử năm 2004, Tổng thống Bush đưa ra chủ trương mới - mà ông cực kỳ nghi ngờ khi còn tranh cử - là yểm trợ việc xây dựng dân chủ trong thế giới Hồi giáo. Mục đích là đẩy lui nguy cơ khủng bố xuất phát từ các nhóm cực đoan muốn lật đổ các chế Hồi giáo ôn hòa, theo chế độ chính trị thế tục, hoặc thân Mỹ.

Chủ trương đó được ông thông báo trong bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ hai, ngày 20 tháng Giêng năm 2005 và thực tế được áp dụng qua ngoại giao và viện trợ. Những áp lực ngấm ngầm đó có đưa đến thay đổi khá mạnh về kinh tế mà không đủ về chính trị. Các nước Hồi giáo, chủ yếu trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, rơi vào "nghịch lý của cải cách": kinh tế bung ra tự do hơn trước và gây mâu thuẫn với nền chính trị vẫn độc tài.

Khi nạn Tổng suy trầm 2008-2009 lan vào khu vực gọi tắt là MENA này, nỗi lo âu và tuyệt vọng về đời sống của người dân chuyển thành bất mãn với chế độ chính trị. Nạn thất nghiệp lại gieo họa nặng nhất cho một thành phần dân chúng khát khao thay đổi nhất: giới trẻ, từ 15 tới 29 tuổi. 

Đó là bối cảnh của khủng hoảng MENA. Gọi đó là khát khao dân chủ cũng đúng. Nhưng chỉ một phần.


***


Khu vực MENA này có 400 triệu dân trong mấy chục quốc gia có quá nhiều khác biệt về sắc tộc, hệ phái tôn giáo (Sunni hay Shia), tổ chức chính quyền, v.v... Đa số lãnh đạo đều có công cho nền độc lập - chống ách thuộc địa Âu Châu - và nhờ đó duy trì ách cai trị khá lâu. Mấy thập niên sau, các lãnh tụ lớn tuổi nhất đều có nhu cầu chuyển giao quyền lực cho con cái hay tay chân. Nghịch lý của cải cách và phản ứng của quần chúng bất mãn đã tác động trước tiên vào các quốc gia đang ở giai đoạn chuyển quyền: Tunisie, Ai Cập, Saudi Arabia, Bahrain, Libya...

Khi biến động xảy ra một cách tự phát - trước tiên tại Tunisie - các thế lực quân sự hay chính trị có quyền lợi gắn bó với việc chuyển giao quyền lực đã khai thác sự bất mãn của quần chúng mà dàn xếp giải pháp có lợi cho họ. Điển hình là thế lực mạnh nhất tại Tunisie và Ai Cập: quân đội và các tướng lãnh. Họ chụp lấy thời cơ, tiến hành một số cải cách hình thức.

Quần chúng và dư luận lạc quan gọi đó là "Cách mạng Dân chủ", "Cách mạng Hoa nhài" hay "Mùa Xuân Á Rập".

Thực tế thì những người khát khao dân chủ theo quan niệm phổ biến của Tây phương chưa có tổ chức và chưa đủ mạnh để tiến hành cách mạng, hoặc nhân đà cải cách mà đẩy mạnh hơn những thay đổi căn bản về chính trị. Nhưng ấn tượng cách mạng đã tác động trong không khí lạc quan chung.

Chìm sâu bên dưới còn có những tác động ngầm, thực tế là khuynh đảo, của Iran, thuộc sắc tộc Ba Tư, theo hệ phái Shia thiểu số của thế giới Hồi giáo. Bên cạnh đó còn có sự mai phục của các lực lượng Hồi giáo cực đoan, sẵn sàng áp dụng phương pháp khủng bố để lật đổ chính quyền. Trong khi họ cũng biết khai thác sự cởi mở - hạn chế - về chính trị để tham gia sinh hoạt chính trị như một lực lượng xã hội, dân sự, với vẻ ôn hoà tại các nước đã bị Mỹ ép là phải cải cách về chính trị. Lực lượng "Huynh đệ Hồi giáo" tại Ai Cập, với cơ sở phát triển trong nhiều nước Á Rập Hồi giáo khác, là một điển hình. Lực lượng Hezbollah tại Lebanon hay Hamas tại Dải Gaza là hai thí dụ khác, và lại còn rắc rối hơn nữa vì được Iran yểm trợ.

Nhìn như vậy, ta thấy các lực lượng đấu tranh cho dân chủ chỉ là thiểu số thiếu tổ chức, thiếu phương tiện, trong khi các thế lực quân sự, kinh doanh, chính trị, tôn giáo và cả bộ tộc lại có nhiều tham vọng và khả năng hơn. 

Sai lầm của các nhóm dân chủ là chỉ trông chờ vào tiếng nói của các tổ chức nhân quyền Tây phương, đa số thuộc cánh tả lý tưởng. Liều lĩnh lắm thì gửi người có quốc tịch Tây phương về làm vài ba cử chỉ ngoạn mục và khi bị bắt  để có thành tích thì vẫn nhờ quốc tịch Tây phương mà trở ra an toàn. "Lấy tổn thất bên trong làm thành quả bên ngoài" là một quy luật đấu tranh quái lạ!

Ưu thế - mà cũng là nhược điểm - của các lực lượng đấu tranh cho dân chủ là truyền thông Tây phương. Nhờ truyền thông mà các cuộc vận động của họ được nơi khác biết đến. Nhưng cũng vì truyền thông mà ấn tượng cách mạng lại có vẻ như có thực. Một sự hiểu lầm lớn. Và tai hại cho những người muốn thay đổi từ bên trong.


***


Chính là ấn tượng và sự lạc quan không cơ sở khiến người ta tin rằng sau Tunisie và Ai Cập, Libya cũng sẽ đổi chủ. Cách mạng hoa nhài bắt đầu tỏa hương. Dư luận Mỹ và có lẽ cả Chính quyền Obama tin rằng chế độ độc tài của Moammar Gaddafi rồi cũng đổ như chế độ Hosni Mubarak tại Ai Cập hay Ben Ali tại Tunisie.

Trong khi đó, ít ai chú ý đến vài sự kiện thực tế sau đây: 1) Gaddafi không muốn các tướng lãnh - và quân đội - trở thành một thế lực mạnh nên quân đội không là định chế có thể xoay chuyển tình hình như tại Ai Cập; 2) ông ta đã mua chuộc tay chân, thân hữu trong nhiều bộ tộc tại Libya lẫn lực lượng Hồi giáo khủng bố tại Bắc Phi; 3) lại phóng tài hóa xây dựng vòng thân hữu với 14 nước Phi châu từ khu vực Sahel tới Nam Phi; 4) và có quần chúng của mình dưới lá cờ độc lập dân tộc chống Tây phương và các nước Á Rập theo chế độ quân chủ - tức là "phong kiến".

Một người có dáng khật khùng như Gaddafi không thể cầm quyền từ 1969 trên ba bốn sắc tộc khác của Libya nếu thiếu bản lãnh và hậu thuẫn. Một bản lãnh được thấy là lập tức hủy bỏ kế hoạch chế tạo võ khí nguyên tử khi Hoa Kỳ vào Iraq lật đổ chế độ Saddam Hussein. Từ đó Gaddafi tìm cách cải thiện quan hệ với Tây phương, trước hết là với nước Anh, rồi Hoa Kỳ.

Đã đánh giá sai tương quan lực lượng ở tại chỗ - nhất là về thực lực "cách mạng dân chủ" tại Libya - Chính quyền Obama còn bị ảnh hưởng bởi ba nước Âu Châu là Anh, Pháp, Ý.


***

Sau khi chế độ Gaddafi thoát khỏi lệnh cấm vận - nhờ chấm dứt trò nguyên tử và mời quốc tế vào kiểm chứng hẳn hoi - các nước Âu Châu đã nhanh chân hơn Mỹ mà vào Libya mua dầu và bán võ khí. Từ 2004 đến nay, họ bán được hơn một tỷ 500 triệu đô la - và đang muốn bán thêm. Dân chủ cho Libya là vấn đề của dân Libya, chứ dầu khí Libya và quyền lợi quốc gia mới là vấn đề của lãnh đạo các xứ khác.

Đó là về bối cảnh chung.

Khi biến động Tunisie bùng nổ, Pháp bị hụt hẫng nhất vì tai tiếng của Ngoại trưởng Michelle Alliot-Marie: đi du lịch tại Tunisie, gia đình có quan hệ kinh doanh với tay chân Tổng thống và có khi còn ngầm ý giúp đỡ chế độ bảo vệ an ninh chỉ ba ngày trước khi Tổng thống Ben Ali từ chức. Vì vậy, Pháp triệt để khai thác chuyện Libya để phần nào vớt vát với dư luận, nhất là khi kiều dân - hay công dân - gốc Bắc Phi tại Pháp cũng khó chịu về sự thụ động của chính quyền trước trào lưu cách mạng lại Tunisie và Ai Cập.

Tổng thống Nicolas Sarkozy còn phải tái tranh cử năm tới và trước ảnh hưởng khá mạnh của đảng cực hữu Front National, ông cần cho thấy là mình đang phát huy ảnh hưởng quốc tế của nước Pháp.

Trong nỗ lực này và xuyên qua cuộc tranh luận về vai trò của Minh ước NATO, người ta còn thấy một mâu thuẫn về ảnh hưởng giữa Pháp và một cường quốc Hồi giáo trong NATO là xứ Thổ Nhĩ Kỳ, Turkey. Vấn đề không chỉ là cách mạng dân chủ mà còn là những tính toán chính trị của các cường quốc.

Anh là trường hợp thứ hai. Thủ tướng Anh phải lên lưới và tác động vào quyết định của Hoa Kỳ vì quan hệ quá chặt chẽ của Anh (khi đảng Lao động cầm quyền) với chế độ Gaddafi và nhất là với người con thứ của Gaddafi là Seif al-Islam trong vụ trả tự do cho hung thủ của vụ khủng bố phi vụ Pan Am năm 1988 (vụ Lockerbie). Ngoài ra, trước sự ngần ngại của cường quốc kinh tế là nước Đức trong Minh ước NATO, Anh và Pháp cũng muốn củng cố quan hệ giữa đôi bên để cân bằng lại ảnh hưởng trong khối Âu Châu.

Nhớ lại thì trong gần nửa thế kỷ của Chiến tranh lạnh, Pháp thường coi Anh là "con ngựa chiến thành Troy" của Mỹ gài vào Âu Châu và thường sát cánh với Đức như một lực đối trọng. Từ 2008 trở về sau, và dù Liên bang Nga đã can thiệp vào Georgia rồi khống chế xứ Ukraine, nước Đức vận hợp tác chặt chẽ hơn với Nga, vì lý do năng lượng của họ. 

Việc Anh và Pháp tăng cường vai trò quốc tế của mình trong vụ Libya cũng là một tín hiệu cần thiết cho nước Đức.

Trong bốn nước Âu Châu là Anh, Pháp, Ý, Đức, Ý mua dầu nhiều nhất của Libya và đang thương thuyết nhiều hợp đồng trị giá tới một tỷ rưỡi với Gaddafi thì khủng hoảng bùng nổ! Vì vậy, Thủ tướng Silvio Berlusconi khó đứng ngoài nếu Libya đổi chủ. Huống hồ Ý cũng ở rất gần cái xứ xưa kia từng là thuộc địa nên rất sợ nạn dân Libya sẽ vượt Địa Trung Hải mà tràn vào lãnh thổ của mình.

Nhìn như vậy, mỗi nước Âu Châu lại có một số động lực riêng để ngợi ca cao trào cách mạng tại Libya! Người ta tin rằng chế độ Gaddafi sẽ bị cô lập dần tại thủ đô Tripoli khi phe nổi dậy có vẻ thắng lớn và kiểm soát được cả miền Đông... Nhưng Gaddafi không bị lật mà tổng phản công dữ dội.

Libya lâm vào nội chiến, mà "phe nổi dậy" chỉ là một... tập hợp đa nguyên và hỗn tạp, có người muốn dân chủ thì cũng có những kẻ thời cơ từ trong chính quyền Gaddafi chạy ra, và một số lãnh tụ sắc tộc xưa kia không ưa gì bộ lạc của Gaddafi nay có dịp vẽ lại bản đồ. Khi phe nổi dậy không thể bao vây thủ đô Tripoli và đảo chánh Gaddafi mà còn bị đánh bại và quân của Gaddafi vào tới cứ điểm là thành phố Benghazi thì mọi người hốt hoảng báo động về nguy cơ diệt chủng.

Người ta nói đến "chính nghĩa của sự can thiệp vì lý do nhân đạo". Droit d'ingérence. Nhưng sélectif - có chọn lựa!

Trong ba tuần, từ 21 tháng Hai đến 14 tháng Ba, Chính quyền Obama lúng túng không biết xoay trở ra sao và càng bị các đồng minh Âu Châu lung lạc. Nhớ lại thì từ cuộc tranh cử 2008, các nước Âu Châu đều mong muốn Hoa Kỳ có một tổng thống như Obama chứ không ngang ngược và triệt để bảo vệ quyền lợi Mỹ theo kiểu Bush. Họ đã toại nguyện! Mỹ ngu thì ráng chịu.

Bên trong, ban tham mưu của Obama cũng có các nhân vật xưa kia phục vụ Chính quyền Bill Clinton mà ân hận là đã không can thiệp để ngăn nạn diệt chủng tại Rwanda. Đó là Đại sứ tại Liên hiệp quốc Suzan Rice và hai cố vấn trong Hội đồng An ninh Quốc gia là Samantha Power và Gayle Smith - chúng ta không có thì giờ  nói thêm về các nhân vật khoa bảng đầy lý tưởng đó. Yếu tố quyết định là bBa vị nữ lưu này có thêm hậu thuẫn giờ chót của Ngoại trưởng Hillary Clinton khi bà báo về rằng Âu Châu và một số nước Á Rập kêu gọi Hoa Kỳ can thiệp: Liên đoàn Á Rập quy tụ 22 quốc gia sẽ ủng hộ việc can thiệp nếu Liên hiệp quốc ra nghị quyết.

Tổng thống Obama bèn quyết định vào ngày 14. Và đi ngược với sự dè dặt của Tổng trưởng Quốc phòng, Tham mưu trưởng Liên quân, Cố vấn An ninh Quốc gia và Giám đốc Tình báo Quốc gia. Sự ngần ngại  không chỉ là Hoa Kỳ đang bận chân với hai chiến trường A Phú Hãn và Iraq, mà là dùng giải pháp quân sự cho một mục tiêu chính trị không rõ rệt.

Khác với Bush là người hung hăng ra quân một cách đơn phương - theo lý luận dối trá của đảng Dân Chủ - Obama cần giương cao chính nghĩa quốc tế trong một nỗ lực đa phương. Hoa Kỳ vận động Liên hiệp quốc ban hành nghị quyết "cấm bay".

Thực tế thì Bush vào Iraq sau Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc được biểu quyết theo tỷ số 15-0, với sự đồng ý của đại đa số trong cả hai đảng và sự hợp tác của chừng 20 đồng minh. - trước khi đảng Dân Chủ lật lọng. Obama vào Libya với Nghị quyết 1973 có tỷ số 10-0. Năm nước bỏ phiếu trắng là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Đức. Và năm ngày sau khi đã phóng hoả tiễn vào Libya, Chính quyền Obama vẫn chưa chính thức thông báo cho Quốc hội mục đích và yêu cầu cùa việc tham chiến là gì nên mới gây tranh luận trong cả hai cánh tả hữu của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà. Người ta phải tìm hiểu từng chủ trương từ lời phát biểu của ông khi công du Nam Mỹ. 

Trong vài ngày tới ông mới chính thức trình bày trước quốc dân là mình muốn gì. Tại sao đưa quân vào và bao giờ sẽ ra, khi đạt những yêu cầu là gì... Với dân Mỹ, quan trọng nhất là câu hỏi: quyền lợi Mỹ nằm ở đâu trong quyết định ấy?

Nghị quyết 1973 nêu mục đích quân sự là thiết lập chế độ cấm bay trên toàn lãnh thổ Libya hầu phi cơ của phe Gaddafi không thể bắn vào dân lành. Yêu cầu đạo lý của Nghị quyết là bảo vệ dân lành trên toàn lãnh thổ Libya. Nghĩa là: Mục đích là cấm bay và yêu cầu là bảo vệ dân.

Xin đọc kỹ lại: mục đích ấy không đạt được yêu cầu vì phe Gaddafi vẫn có thể sát hại thường dân mà khỏi dùng phi cơ: bằng bộ binh. Muốn đạt yêu cầu của Nghị quyết thì ngoài việc vô hiệu hoá không quân của Tripoli, liên quân còn phải tiêu diệt mọi khả năng tác chiến khác của quân Gaddafi. Tức là phải mở rộng chiến tranh, mà lại không được đưa quân vào chiếm đóng. Khi các chính khách và nhà ngoại giao viết luật là binh lính vất vả!

Ngoài chuyện quân sự, về chính trị thì trong cuộc nội chiến Libya, các nước Âu-Mỹ  thực tế nhảy vào chặn một phe để cứu một phe và có khi còn phải vào sâu hơn mà không biết phe nổi dậy gồm có những ai, có khả năng tác chiến ra sao và chủ trương những gì!

Rất thận trọng, Chính quyền  Obama giao hẹn từ đầu là chỉ yểm trợ chứ không lãnh đạo, nhưng thực tế thì vẫn đảm nhiệm vai trò chính yếu. Và chiến cuộc vừa xảy ra là Hoa Kỳ cũng thông báo sẽ trao quyền chỉ huy chiến dịch cho ai khác. Tranh luận lập tức bùng nổ vì ai khác là ai?

Sau mấy ngày thảo luận, hôm 24 mới có quyết định là Minh ước NATO sẽ nhận lãnh nhiệm vụ thi hành lệnh cấm bay, một cách miễn cưỡng và gấp gáp cho tới kỳ họp ngày 29 này. Trong khi NATO và một viên tướng của Canada - để khỏi là Mỹ, Anh hay Pháp, hay Đức - đang khai triển kế hoạch thì bất đồng đã xảy ra giữa các đồng minh, kể cả tranh luận giữa Anh, Pháp và Thổ. Còn Tổng thư ký Liên đoàn Á Rập là Arm Moussa thì đổi ý thường xuyên, vì đang chuẩn bị tranh cử Tổng thống tại Ai Cập.

Chiến dịch quân sự thi hành Nghị quyết của Liên hiệp quốc được mệnh danh là "Bình minh của Hành trình" (Operation Odyssey Dawn). Điềm lạ! Vì "Cuộc Hành Trình" hay "The Odyssey" cũng là tựa đề của một thiên anh hùng ca nổi tiếng của Homer về 10 năm phiêu dạt của nhân vật Ulysses trước khi về tới nhà sau trận chiến thành Troy. Người ta mới chỉ thấy rạng đông của một cuộc hành trình mà ai cũng mong là không kéo dài 10 năm như trong truyện cổ! Nhưng, hành trình đi đâu? Tới dân chủ cho dân Libya?

Là người chủ hòa và muốn xoa dịu mâu thuẫn giữa Mỹ với các nước Hồi giáo, kể cả Iran đang giấu mặt, Obama đã mở ra cuộc chiến thứ ba của nước Mỹ và ngay từ đầu đã gây tranh luận trong chính trường Mỹ và thiếu thống nhất với các đồng minh. Chuyện rất hợp lý của một tay mơ, chỉ vì cũng bị ảo vọng dân chủ và lấy ấn tượng làm thực tế.

Hoa Kỳ có thể sẽ tháo chạy thật sớm, nhưng để lại một xứ Libya tanh bành giữa một vùng Trung Đông đỏ lửa. Có khi trở thành hậu cứ hay hang ổ của khủng bố, di sản cho người sẽ kế nhiệm Obama sau cuộc bầu cử 2012.

Nếu lùi lại mà nhìn trên toàn cảnh - với những biến động dồn dập tại Syria, Yemen, Bahrain, Saudi Arabia và khi Israel lại bị khiêu khích khiến quan hệ giữa Israel và chính quyền mới tại Ai Cập trở thành bấp bênh hơn - người ta thấy ra nhiều rối loạn không nhắm vào cùng một mục tiêu là lật đổ các chế độ độc tài để xây dựng dân chủ. Những phiến domino đang đổ - mà đổ vào nhau.

Và việc mở ra cuộc chiến tại Libya qua một Nghị quyết của Liên hiệp quốc chưa chắc đã có lợi cho lý tưởng dân chủ của nhiều người.



(Ngày 24 tháng Hai, Dainamax Magazine đã nêu câu hỏi rằng liệu Hoa Kỳ có lại phải nhảy vào Libya không. Rất ngao ngán khi thấy câu trả lời. Nó dẫn qua nhiều vấn đề khác, và khiến dư luận không nói tới việc sinh viên Trung Quốc tại Đại học Bách khoa Tây Bắc ở thành phố Tây An đang biểu tình....)

Tổng số lượt xem trang