-Người Việt Tị Nạn và Vấn Đề “Vô Gia Cư” “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta.
Đói cơm rách áo hóa ra… ăn mày! ”
(Ca dao)
Trong cái văn hóa “phải giữ gìn thể diện” (keeping face) và “duy trì tình thân gia đình” (harmony / closely knit in the Viet family circle) chúng ta đôi khi phải lấy làm lạ và ái ngại lúc nhìn thấy những người hành khất, vô gia cư gốc Việt khá đông đứng quanh quẩn trước các chợ, các khu thương mại, và các thùng rác trong cộng đồng người Việt tị nạn ở Hoa kỳ.
Với can đảm vượt bực, và sự chịu đựng vô biên, người Việt đã sẵn sàng bỏ lại tất cả tài sản, mồ mả ông bà; sẵn sàng chịu đựng, đương đầu với mọi rủi ro (trên biển thì có thể mất mạng vì đói khát sóng gió; bị hải tặc cướp, hiếp, giết… trên mặt đất thì bị Khmer đỏ, các đơn vị cán binh công sản giết, cầm tù…) để vượt biển, vượt biên đến được bến bờ tự do, miền đất hứa, đất của cơ hội, của hy vọng, của tương lai… và bây giờ, hôm nay lại đi ăn mày?!
Đã có nhiều cá nhân, hội đoàn ra sức quyên tiền, gây quỹ… và lặn lội đem tiền của vật liệu về tận Việt Nam để giúp những người nghèo, trẻ khuyết tật, giúp nạn nhân bão lụt, thiên tai và ngay cả việc ra công (và của) xây dựng những hạ tầng cơ sở mà đáng lẽ chính quyền cộng sản phải làm như xây trường học, đào giếng, làm cầu, sửa nhà, sửa chùa, xây nhà thờ mới… Nhưng đã có ai quá bộ, không đâu xa, đi ra khu chợ ABC của phố Bolsa, Quận Cam, California, chẳng hạn, để tìm hiểu vấn đề “ăn mày” của chính người dân Việt tị nạn cộng sản trên mảnh đất mà các người dân xứ nghèo trên hành tinh này vẫn xem là “thiên đàng hạ giới?” Để xem chân dung (“profile”) của một người tị nạn đi ăn mày như thế nào? Để tìm hiểu, biết được những cơ nguyên đưa đẩy một người Việt tị nạn đến trạng huống ăn mày? Để học những bài học và hậu quả mà không một ai muốn xẩy đến cho chính bản thân và gia đình mình? Để may ra tìm được một phương cách giúp những người bất hạnh mà lúc trước đây họ có thể đã là những người ngồi cùng thuyền vượt biên sống sót với mình?
Một người “vô gia cư” tiêu biểu mà tôi xin đề cập ở đây là anh Quyền ở phố Bolsa. Anh Quyền thường lẩn quẩn ở đầu đường Moran (hướng bắc); thường hay ngồi bên hông tiệm bán trái cây Tiến Phát (bên cạnh tiệm Video “Thúy Nga Paris”); hay bên hông tiệm bánh mì “Lee’s Sandwich.” Tôi đã đi ngang chỗ anh ngồi và đã thấy anh Quyền nhiều lần khi tôi ra vào thăm các bạn văn ở các tòa báo, hay khi đi mua thịt quay, bánh mì quanh khúc đường Moran này. Cái dáng đặc biệt của anh Quyền làm tôi để ý đến anh đó là vì anh nhìn rất giống dáng dấp của cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương (dĩ nhiên là không có cây đàn “guitar” và nữ ca sĩ Lê Uyên bên cạnh!). Hôm nay, lúc tôi lân la đến hỏi chuyện anh, thì anh đã nhanh nhẩu cho tôi biết là anh không muốn tôi viết báo, đăng hình của anh gì hết… Tôi cố kiên nhẫn giải thích là nếu anh không giúp tôi thì làm sao, làm cách nào đồng bào, cộng đồng người Việt có thể hiểu rõ hoàn cảnh của anh để giúp đỡ không riêng gì một mình cá nhân anh mà cả những người như anh? Cuối cùng anh đồng ý cho tôi phỏng vấn với điều kiện không được chụp ảnh. Nhưng quí vị có thể mường tượng ra hình dáng của anh Quyền (nhất là qua mái tóc và bộ râu rất độc đáo…)
Anh Quyền là một thanh niên có chiều cao trung bình, tạng người gầy gầy (áo quần anh mặc là medium size)… Nói chung, anh nói năng rất có duyên, tỉnh táo, khá mạch lạc, lễ phép và trôi chẩy. Anh không đẹp trai nhưng lại có dáng nghệ sĩ dễ nhìn. Quần áo anh mặc vẫn còn tương đối khá lành lặn … Ngày hôm nay, chủ nhật 3/27/2011, lúc 1 giờ chiều, anh Quyền đã cho phép tôi ghi lại một số chi tiết về cá nhân anh qua một cuộc “phỏng vấn bỏ túi” dài độ 40-45 phút trực tiếp bên hông tiệm trái cây Tiến Phát ở ngay trên lề đường Moran như sau:
Tên:
- Quyền Nguyễn.
Tuổi:
- 50.
Nơi sinh:
- Vũng Tầu, Việt Nam,.
Hoàn cảnh gia đình hiện tại:
- Độc thân.
Nơi cư ngụ trước khi đến Mỹ:
- Vũng Tầu.
Hoàn cảnh gia đình lúc đến Mỹ:
- Gia đình là Bắc kỳ di cư 1954. Cả gia đình làm nghề đánh cá (chỉ làm công; không phải chủ tầu cá).
Lúc trước khi qua Mỹ anh làm gì?:
- Còn là học sinh đi học.
Đến Hoa kỳ năm:
- 1975; bằng cách vượt biển (Boat People).
Hoàn cảnh gia đình lúc đến Mỹ:
- Đến Mỹ cùng với Mẹ và 7 anh em trai (Bố đã mất ở Việt Nam từ trước năm 1975). Cả gia đình đều cư trú ở Orange County, California.
Trình độ học vấn:
- Học hết bậc trung hoc; có certification về thợ sơn xe hơi (Certified Auto-Painter).
Tôn giáo:
- Đạo Công giáo (Catholic) [1]
Anh có bạn bè gì không?:
- Bạn bây giờ chỉ còn toàn là bạn vô gia cư (anh Quyền rút từ trong ví ra một mảnh giấy nhầu nát cho tôi xem có ghi danh sách tên các người Việt vô gia cư vùng phố Bolsa là bạn anh).
Anh đã có bạn gái chưa?:
- Chưa bao giờ có bạn gái.
Việc làm cuối cùng:
- Thợ sơn của một Body-Shop (hãng sửa xe đã bị đụng, bị tai nạn).
Anh bị lay-off (cho nghỉ việc)?:
- Em vừa bị lay-off vừa bị thiếu sức khỏe. Em bị yếu phổi (do bụi sơn).
Anh còn làm nghề nào khác không?:
- Trước đây em là đầu bếp nấu phở cho tiệm phở Hòa (bây giờ là tiệm phở Quang Trung) ở khu chợ Á Đông (trước mặt thương xá Phước Lộc Thọ).
Anh đã lâm vào hoàn cảnh hiện tại (“vô gia cư”) từ khi nào?:
- Từ năm 2001.
Xin anh cho biết một (01) lý do chính làm cho anh lâm vào hoàn cảnh này:
- Thua cờ bạc. Em bán cả căn nhà và thua hết…
Anh thua bạc ở đâu? Las Vegas?:
- Không, em chỉ thua ở các xòng bài quanh vùng Nam Cali này thôi, như Bicycle club, Hawaiian club…
Chỗ nào trên phố Bolsa này mà anh thích ở nhất:
- Khu Phước Lộc Thọ.
Anh đã có sự giúp đỡ của cơ quan (từ thiện) người Việt chưa?:
- Có một vài cơ quan từ thiện Việt nam ở Orange County này đến muốn giúp; nhưng phần lớn họ chỉ giúp qua loa chiếu lệ để lấy tiếng, chụp ảnh, chứ cũng chẳng cụ thể được bao nhiêu.
Thế còn sự giúp đỡ của các cơ quan xã hội của chính phủ Mỹ?:
- Em không có giấy tờ ID nên không xin được.
Tại sao anh lại không có giấy tờ ID?:
- Có lần cảnh sát Mỹ chận xét giấy tờ cá nhân của em; rồi không hiểu sao họ không trả lại. Không biết có phải vì họ quên hay không?
Anh có định đi xin lại ID khác không?
- Không.
Tại sao? Vì khó khăn quá hay sao?:
- Không phải khó khăn; nhưng em chưa thấy cần có ID. [2]
Cơ quan / hay đoàn thể hay cá nhân nào mà anh thấy đã giúp đỡ anh nhiều nhất:
- Kể từ ngày em vô gia cư (năm 2001) đến nay, chỉ có duy nhất một người giúp đỡ nhiều nhất là bác sĩ Nguyễn Văn Thế (vừa mới mất) mà thôi.
Xin anh cho biết đại khái là Bác sĩ Thế đã giúp anh những gì?:
- Khi đói quá, em đến tìm bác sĩ tại văn phòng cuối giờ làm việc. Mỗi lần như vậy, Bác sĩ cho em $5.00. Nếu đau ốm bất cứ bệnh gì, bác sĩ Thế cho thuốc uống không phải trả tiền. Bác sĩ Thế lúc còn sống đã giúp tất cả các người vô gia cư như vậy chứ không riêng gì em. Tuy nhiên, trong giờ làm việc, bác sĩ Thế không muốn tụi em đến quấy rấy làm cho bệnh nhân của bás sĩ sợ.
Nhưng bây giờ Bác sĩ Thế mất rồi thì sao?
- Em được biết Bác sĩ Thế lúc mất đi có để dành một số tiền khá lớn trong di chúc có để giúp những người vô gia cư chẳng những ở khu Bolsa này mà cả Garden Grove (?) Ngày mai thứ hai 3/28/2011, nếu anh có rảnh thì cứ đến trước văn phòng cũ của Bác sĩ Thế (ở bên cạnh chợ Bến Thành) sẽ gặp tất cả những người vô gia cư tụ tập ở đây để được người nhà Bác sĩ Thế giúp đỡ (?) Tụi em nhớ ơn Bác sĩ Thế rất nhiều. Em là một trong (rất đông) những người vô gia cư đã đi đưa đám tang chôn cất Bác sĩ Thế mới đây ở phố Bolsa.[3]
Gia đình anh ở Orange County có biết anh đang ở trong tình trạng này không?:
- Họ biết chứ. Nhưng họ không liên lạc với em; và em cũng không liên lạc vói họ. Em sống bằng lòng với số phận vô gia cư. Em không muốn quấy rầy họ. Và em không muốn thấy họ thấy hình ảnh của em trên báo chí.
Xin cho biết một vài sở thích cá nhân của anh:
- Món ăn thích nhất hở, Bún bò Huế, thịt quay.
- Thức uống thích nhất: Cà phê.
- Loại nhạc thích nhất: Nhạc Lam Phương
- Bản nhạc thích nhất: “Kiếp nghèo” (của Lam Phương)
- Ca sĩ thích nhất: Khánh Ly, Chế Linh.
- Việc thích làm nhất (khi rảnh rỗi): Đi lòng vòng xem có ai muốn mình làm gì không?
- Môn thể thao thích nhất: Bóng rổ.
Điều mơ ước cho riêng ngày hôm nay (ngắn hạn):
Được may mắn có người giúp đỡ cơm áo.
Điều mơ ước cho tương lai (dài hạn):
- Sẽ được về sống và làm việc nông trại ở tiểu bang Idaho (!!)
Xin anh cho biết qua sinh hoạt của anh trong một ngày (vô gia cư) như thế nào?:
- Em đi lòng vòng khu Bolsa xem ai có gọi em giúp việc gì không? Trả tiền hay không trả tiền em vẫn làm giúp.
Nếu bây giờ anh có một triệu đô-la thì anh sẽ định làm gì?:
- Em sẽ giúp đỡ những người vô gia cư ở đây và trẻ mồ côi ở Việt Nam.
Anh có muốn nói / nhắn nhủ gì với cộng đồng người Việt tại Quận Cam hay không?:
- Em rất mong mọi người Việt tị nạn trong cộng đồng cũng đối xử tốt với người vô gia cư như Bác sĩ Thế; hay ít ra một phần của bác sĩ Thế.
Anh nhìn thấy / dự đoán tương lai của anh trong 2-3-4 năm sắp tới như thế nào?:
- Em sẽ tìm được việc làm ; việc làm tốt. [4]
Sau khi đã đọc qua những chi tiết về chân dung của anh Quyền, một người vô gia cư tiêu biểu, chúng ta có lẽ sẽ thông cảm với hoàn cảnh của họ nhiều hơn lúc trước đây (?); và nhất là chúng ta thấy họ và chúng ta cũng không cách xa nhau bao nhiêu (cũng chỉ độ một vài “paychecks” gì đó?) – Nói cách khác, chính bản thân chúng ta cũng có thể trở thành một người vô gia cư bất cứ lúc nào nếu các thất bại, đổ vỡ, bất hạnh lớn đến với chúng ta ngày mai, hay ngày mốt… Những suy nghĩ, mơ ước của họ có khác gì suy nghĩ và mơ ước của chúng ta?! Thỉnh thoảng chúng ta cũng nên thử tự đặt bản thân mình vào tình cảnh thiếu may mắn của họ… để học bài học gọi là “cư an tư nguy;” để bớt nói khoác, bớt ganh tị… nhất là trong những lúc cơm no áo ấm, rửng mỡ trà dư tửu hậu; hay lúc mua vé bạc trăm để xem các chương trình ca nhạc, hay thua bạc vài ngàn đô la ở sòng bài…
Một số người Việt tị nạn / di dân đã có sẵn trở ngại ngôn ngữ, thiếu chuyên môn, đến đất Mỹ một cách vội vàng chỉ được chính phủ Mỹ giúp đỡ trong một thời gian ngắn rồi sau đó bị bỏ rơi; lâm và tình trạng kinh tế bế tắc đưa đến tình trạng vô gia cư…
Vấn đề vô gia cư / ăn mày không phải trò đùa như chúng ta thường vô tình rủa nhau: “Nhìn mày sao giống như ăn mày quá!” Nhất là khi chính chúng ta đang ở trong tình trạng “chỉ còn có ‘2 paychecks’ nữa” là thành vô gia cư rồi! Chúng ta may mắn có cơm no áo ấm, có một mái nhà khi đêm mưa lạnh nhưng vẫn nghĩ hời hợt phiến diện là người vô gia cư / ăn mày là vì họ lười biếng; và vấn đề vô gia cư chỉ là vấn đề tạm thời…, và chuyện “ăn mày” của họ không liên quan gì đến mình cả (!) Chính sự suy nghĩ như vậy làm cho người vô gia cư mãi mãi, vĩnh viễn là người vô gia cư. Hơn thế nữa, thật là vô tâm, tàn nhẫn khi chúng ta có ý khinh thị những người kém may mắn hơn mình; gọi họ bằng đủ thứ tên miệt thị như “ăn mày, “ “ma cà bông” (“vagabond”), “thằng đầu đường xó chợ,” “bum…” trong khi họ đang cố gắng sống lây lất qua ngày trên sự bố thí và vật đổ bỏ, thừa thãi vất đi của những người đồng hương may mắn hơn ở chung quanh…. và trông chờ vào một dịp may nào đó (có lẽ không bao giờ đến với họ!)
Trong một bản thăm dò tình trạng vô gia cư trên 25 thành phố lớn của Hoa kỳ vào năm 2006 bởi “the US Confereence of Mayors” (các báo cáo về “homeless” đều trễ vài ba năm!!) thì kết quả là tỉ lệ số dân vô gia cư đuợc chia ra là:
- 42% Da đen
- 39% Da trắng (và không phải La tinh)
- 13% Da nâu (La tinh / Hispanics)
- 4% Da đỏ
- 2% Da vàng (Á châu).
Điểm đặc biệt là trong 25 thành phố được theo dõi thì có đến 9 thành phố hoàn toàn không có dân vô gia cư gốc Á châu (!); và thành phố có dân vô gia cư Á châu nhiều nhất là Portland, Oregon (6% – tôi chưa hiểu lý do tại sao?)
Ngoài ra, nên biết thêm, theo con số thống kê qua báo cáo của “Samsha’s National Mental Health Information Center” về người vô gia cư, chúng ta còn thấy:
- 38% cho biết là nghiền rượu.
- 26% cho biết là nghiền ma túy.
- 39% có bệnh tâm thần nặng nhẹ đủ loại.
Phải thẳng thắn mà nói, các học sinh, sinh viên người Mỹ gốc Á châu nhận được điểm cao hơn các học sinh của các chủng tộc khác trong các kỳ thi… phần lớn không hẳn vì học sinh Á châu thông minh hơn, mà vì các gia đình người Á châu đặt nặng vấn đề giáo dục và, nói chung, dân Á châu chịu khó, chịu khổ, chăm chỉ hơn các giống dân khác (They did all their homeworks!) Quan trọng hơn tất cả, người Mỹ gốc Á châu phần lớn di dân đến Hoa kỳ từ các nước nghèo trên thế giới cho nên họ sống có tính cách phòng thủ (“defensive”) hơn, không phung phí tiền của mà biết tìm cách xoay sở hạn chế sự chi tiêu để còn dành “saving” cho ngày mưa, ngày không có việc làm… Trái lại, người Mỹ tìm mọi cách xài cho đến đồng bạc cuối cùng mà họ kiếm được cho chiếc xe mới (trong khi xe cũ vẫn chạy tốt), quần áo giầy dép mới (đem quần áo giầy dép còn tốt nguyên ra bán “garage sale”), tiệc tùng liên miên mỗi cuối tuần, chi tiền vé (rất mắc) cho các trận đấu thể thao, các chuyến nghỉ hè tốn kém, thêm cờ bạc, rượu chè, thuốc lá, nghiện ngập… Đến khi đã hết tiền và sa sút thì ngay cả đến cha mẹ, anh em của họ cũng không muốn giúp họ… Trong trường hợp bất khả kháng, người Mỹ gốc Á châu sẵn sàng (7 times higher than other races) xúm nhau sống trong các gia cư chật chội – 2 hay 3 gia đình chung sống với nhau trong một căn nhà 2-3 phòng chật hẹp, chẳng hạn, để chờ thời (tìm việc, hoặc học thêm các nghề chuyên môn mới trước khi tìm việc trở lại…)
“Người vô gia cư” được định nghĩa là người không có một mái nhà riêng cho họ. Họ phải sống vất vưởng trên đuờng hè phố, công viên, gầm cầu, subways… hay các nơi tạm trú (vào buổi tối, ban ngày họ phải rời nơi tạm trú này. Cũng có vài chỗ cho tạm trú ban ngày nhưng rất hiếm). Người vô gia cư có thể là cá nhân độc thân, hay cả gia đình (có con nhỏ) vô gia cư (“houseless but not homeless”).
Nguyên do chung của sự “vô gia cư” rơi vào hai trường hợp: Do hoàn cảnh (“circumstamces”) chung quanh; hoặc do chính các khó khăn cá nhân (“personal characteristics / difficulties”) của người vô gia cư; hoặc cả hai trường hợp cùng một lúc.
Hoàn cảnh:
- Nghèo (vì mất việc hay làm việc với lương bổng kém, không đủ sống.)
- Bị đuổi nhà, hay bị tịch thu nhà vì không có khả năng trả tiền nhà.
- Thiếu nhà cho thuê với giá rẻ cho người nghèo.
- Bị cưỡng bức, cô lập bởi chính quyền phi dân chủ (không có trường hợp này ở Mỹ!)
- Chiến tranh với nước ngoài hay bất ổn dân sự (“Civil unrest”) trong nước (Ở Mỹ chỉ có “bất ổn dân sự – Vụ Rodney King chẳng hạn).
- Thiên tai.
- Mới ra tù hoặc mới được nhà thương điên thả ra.
Khó khăn Cá nhân:
- Không có chuyên môn, thiếu giáo dục tối thiểu để tìm việc.
- Không biết cách quản trị thu vén tiền bạc (xài hoang phí).
- Nghiện ngập (rượu, thuốc lá, ma túy, cờ bạc…)
- Lười biếng.
- Thiếu sức khỏe để làm việc, bị bệnh nan y, hay tàn phế không tự mưu sinh được.
- Bị bệnh tâm thần.
Phải kể thêm, vì tình trạng suy thoái kinh tế càng ngày càng trầm trọng, bây giờ chúng ta thấy có nhiều người vô gia cư vào hạng tuổi thanh niên rất khỏe mạnh, và có khả năng làm việc… nhưng họ đành phải chịu sống lây lất với số phận vô gia cư, mất nhân phẩm vì họ không thể làm gì hơn (nếu họ không muốn phạm pháp trộm cắp, cướp của…) Họ là những người chỉ cần sự giúp đỡ tối thiểu từ chính phủ và các cơ quan từ thiện; nhưng thực tế không có ai, không có cơ quan nào thật sự quan tâm đến họ.
Những khó khăn chung của người vô gia cư:
Vấn đề anh ninh: Nhất là lúc ban đêm, phải ngủ ngoài đường. Có thể bị người vô gia cư khác hay kẻ bất lương cướp, hành hung, hãm hiếp.
Vấn đề giữ gìn vật dụng cá nhân: vì không có chỗ riêng để cất giữ các vật dụng cá nhân, người vô gia cư luôn luôn phải mang theo tất cả của cải (?), quần áo, vật dụng linh tinh của mình. Đây là một trở ngại cá nhân vô cùng lớn lao. Chúng ta thấy vô số các “bag ladies,” “shopping cart people” đi lang thang không mục đích ngoài đường phố…
Vấn đề vệ sinh: Không có chỗ tắm rửa và giặt giũ, chỗ phơi cho khô ráo quần áo… Chỉ riêng vấn đề vệ sinh cũng đã làm người vô gia cư bị sa lầy sâu và nhanh hơn, khó thoát ra được tình trạng khó khăn đang vướng phải. Họ sẽ bị các hãng xưởng, cơ sở thương mại kỳ thị, xem như không thích hợp (“not suitable”) để mướn họ làm việc.
Vấn đề ăn uống và thuốc thang: Không được ăn thực phẩm nóng, sạch sẽ và đủ dinh dưỡng; Phải sống ngoài trời sương gió nóng và lạnh đương nhiên sẽ dễ bị đau ốm; nhưng lại không có bác sĩ chăm sóc và thuốc uống.
Vấn đề liên lạc: Vì không có một địa chỉ và một số điện thoại cố định, Thật vô phương cho người vô gia cư đi xin việc và nhận việc làm (nếu nói giả dụ là có người muốn cho họ việc làm!)
Vấn đề cô lập / cô đơn: Mất liên lạc với những người thân, hoặc bị gia đình, thân nhân bỏ rơi hoàn toàn. Cộng đồng, khu thương mãi của người Việt, vì nhiều lý do, không muốn thấy người vô gia cư lai vãng trong khu vực của họ. Thành ra người vô gia cư bị kỳ thị, xua đuổi không nương tay. Nhiều thành phố vì vấn đề thể diện (“image”) và an ninh công cộng (“public safety”), còn có các lệnh rất nghiêm khắc cấm người vô gia cư xin tiền (“pan-handling”) và cấm nằm ngủ nơi cộng cộng trong khi lại không có chương trình trợ giúp hay cho chỗ tạm trú… Người vô gia cư bị dồn vào chỗ “đời tàn trong ngõ cụt.” (deadend!)
Các vấn đề tiện nghi đời sống khác: Dịch vụ ngân hàng, cơ hội học nghề, tiện nghi điện thoại, internet… bị lấy mất hẳn.
Thân phận và tương lai của người vô gia cư tương tự như một toa xe lửa đi xuống dốc không có thắng; không thể, không có cách nào “U-turn” được nữa. Đã có một số giải pháp mà tôi sẽ liệt kê dưới đây; nhưng hình như xem kỹ ra chẳng cái nào có hiệu quả khả dĩ làm một người (tôi lập lại chỉ một người) vô gia cư trở lại được với cuộc sống, với sinh hoạt của người bình thường như chúng ta:
Thành phố lều (Tent City): Đã thấy nhiều chính trị gia hô hào lập “thành phố lều” cho dân vô gia cư tạm trú; nhưng tất cả đều thuộc loại chính trị “đánh trống bỏ dùi.” “Tent City” chỉ kéo dài được vài tháng; qua mùa bầu cử là biến mất hẳn trên bản đồ thành phố.
Chỗ tạm trú (Night shelters) : Một số cơ quan từ thiện lập được các “night shelters” nhưng cũng chỉ là loại “band-aids” dán tạm vào vết lở ung thư. Số người xin vào ở tạm trú tại các nơi này rất giới hạn; và vì thủ tục quá rướm rà, người vô gia cư thà ngủ dưới gầm cầu còn sung sướng hơn ở các “night shelters.”
Motel rẻ tiền: Motel? Ai mà đủ tiền sống ở motel; dù là motel rẻ tiền đi nữa.
Lời cuối
Tôi xin kết thúc lời bàn về vấn đề “người Việt tị nạn vô gia cư” bằng môt câu ngạn ngữ của người Do Thái mà tôi nghe lóm được từ phim “Schindler’s List:”
(tạm lược dịch):
“Trong suốt đời người của chúng ta, chúng ta chỉ cố gắng cứu lấy một mạng sống thôi thì chúng ta đã làm cho thượng đế hài lòng rồi!”
(nguyên văn):
“To save (just) one (01) life during your lifetime indicates that you have fulfilled your obligation, role, and destiny to Mankind and God.”
Vâng, chúng ta cũng nên bắt chước một phần nhỏ công đức của ông Oskar Schindler (chuyện thật, nhân vật chính trong phim “Schindler’s List,” người đã cứu hàng trăm dân Do thái tránh khỏi chết ở các trại tập trung Đức quốc xã – Holocaust) là trong suốt cuộc đời mình, chỉ cố gắng cứu lấy một (01) mạng người mà mình nhìn thấy ngay trước mắt là tạm đủ rồi; không cần phải gây quỹ to lớn, rồi mang tiền vượt qua đại dương về Việt Nam mới gọi là làm việc thiện.
Tôi hy vọng với bài viết ngắn ngủi và thô thiển này, (may ra) sẽ có ít nhất một vị hảo tâm, một bác sĩ Thế khác của vùng Orange County, California đến tìm anh Quyền, người “vô gia cư” đang cần sự giúp đỡ, đang sống vất vưởng ở quanh quẩn khu mà các tòa báo lớn như Người Việt, Việt Báo, Việt-Herald và Viễn Đông… các tiệm Lee’s Sandwich, Thị quay Liên Hoa… tọa lạc trên đường Moran, Phố Bolsa, Quận Cam; và cho giúp anh Quyền một công việc làm khiêm nhường đại khái như khuân vác, dọn dẹp, lau chùi, phụ thợ (helper)… chẳng hạn; để anh Quyền có cơ hội quay trở lại với cuộc sống bình thường trong giòng chính (“mainstream”) của cộng đồng người Việt tị nạn, của xã hội Mỹ văn minh.
Chuyên tuy to vậy mà nhỏ. Chuyện coi nhỏ mà lại to. Tôi cầu xin ơn trên đoái thương ban ân cho một lời cầu nguyện nhỏ cho vô số những người bị bỏ quên bên lề cuộc sống này.
Người ta nói là:
“We could change the world with ‘One Prayer At A Time.’ ”
Ai muốn nói sao thì nói… Còn tôi, tôi cũng tin như vậy!
Thân mến,
Trần Văn Giang
Orange County,
Chủ nhật 3/27/2011
______
Phụ chú:
[1]: Anh Quyền cho tôi biết thêm là anh luôn luôn đi lễ chủ nhật tại nhà thờ Saint Barbara (ở góc Mc Fadeen & Euclid). Mỗi ngày anh cố gắng cầu nguyện 9 (?) lần. Sáng hôm nay, anh mới cầu nguyện có 3 lần là đã có người đến cho anh một gói “Food To Go” đầy đặn rồi; và bây giờ thì anh lại gặp tôi. Riêng tôi, tôi đã giúp anh một số tiền nhỏ và một ít quần áo ấm sau buổi phỏng vấn… và tôi tự hứa sẽ tiếp tục giúp đỡ anh ít hay nhiều trong những ngày sắp tới…
[2] & [4]: Tôi đọc lại bài phỏng vấn thì thấy có sự nghịch lý ở đây: Anh Quyền nói là anh “có thể xin lại ID không khó khăn; nhưng chưa muốn xin…” trong khi anh lại muốn, lại ước mơ có việc làm tốt – Muốn có việc làm thì phải có ID. Đây là thiếu sót của tôi; Tôi đã quên không hỏi anh Quyền gỉải thích sự nghịch lý này.
[3]: Orange County, California rõ ràng đang có nạn “lạm phát” bác sĩ và nha sĩ gốc Việt. Mỗi một “block” trên phố có thể thấy một lúc 2-3 văn phòng nha-y khoa. Tuy đã đông đảo, nhưng tương giới bác sĩ và nha sĩ gốc Việt vẫn sống rất mạnh giỏi (so với đồng bào người Việt sinh sống với các ngành nghề khác). Rất buồn mà nói là cho đến nay mới chỉ thấy có một (01) bác sĩ Nguyễn Văn Thế là lương y có lòng nhân đạo nghĩ đến những người Việt đồng hương bất hạnh, vô gia cư sống quanh phố Bolsa. Bây giờ Bác sĩ Thế đã mất rối, nhưng rất tiếc vẫn chưa thấy một bác sĩ, nha sĩ nào khác tiếp vào một tay để giữ lửa cho “ngọn đuốc nhân đạo Nguyễn Văn Thế.” Thật đáng buồn!
TVG