Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tại quốc hội

-Bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tại quốc hội 
Kính thưa Quốc hội,
Các đại biểu phát biểu trước tôi đã đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội và sự điều hành của Chính phủ trong năm 2010, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế trong điều hành và kiến nghị những giải pháp, vấn đề cần quan tâm. Tôi nghĩ ở đời có hai đối tượng rất dễ bị chê một cách nghiêm khắc. Một là chồng bị vợ chê. Hai là Chính phủ bị Quốc hội chê. Không có ai thương yêu chồng hơn là vợ nhưng vì muốn ông chủ gia đình thật tốt nên vẫn phải chê. Nhưng không ai thương yêu Chính phủ hơn đại biểu Quốc hội. Nhưng muốn có một Chính phủ tốt thì cứ phải chê.
Thứ hai, theo tôi có 2 đối tượng cũng dễ bị khen một cách ngoại giao. Một là phụ nữ cũng dễ bị khen một cách ngoại giao lắm, không ai chê phụ nữ bao giờ. Thứ hai là lãnh đạo được cấp dưới khen hay được các nhà ngoại giao khen thì cũng phải sàng lọc. Tôi tin Chính phủ sẽ sàng lọc những cái gì chê là đúng, cái gì khen là đúng để tiếp tục phấn đấu.
Trong Báo cáo của Chính phủ tôi thấy có rất nhiều điều tán thành, nhiều điều chia sẻ. Nhưng có một điều mà nó át tất cả những tán thành, những chia sẻ ấy chính là về vụ Vinashin. Có thể nói sau khi công bố Báo cáo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng rất nhiều cử tri gọi điện cho tôi, người ta đặt những câu hỏi mà tôi thấy rất khó trả lời.
Câu hỏi thứ nhất là tại sao Bộ Chính trị lại kết luận như vậy trước khi có kết luận thanh tra, đành là cái nhìn của Đảng rộng hơn thanh tra nhiều lắm, nhưng ít nhất phải có cơ sở kết luận của thanh tra đã.
Thứ hai, tại sao Bộ Chính trị thông báo với Quốc hội không ký một văn bản để thông báo, mà lại thông báo qua đồng chí Phó Thủ tướng thường trực qua Báo cáo của Chính phủ.
Thứ ba, cử tri cũng muốn biết đồng chí A, đồng chí B trong Chính phủ có những hạn chế gì, có những ưu điểm gì trong điều hành Vinashin, trên cơ sở đó cử tri người ta dễ nhất trí nếu như mình thấy rằng không đến mức phải kỷ luật. Tôi cho chỗ này nên công bố một cách rất rõ ràng như thế. Nếu không cử tri rất buồn, người ta rất phân vân và Quốc hội chúng ta không hoàn thành được nhiệm vụ với cử tri, Chính phủ cũng không hoàn thành được nhiệm vụ với cử tri.
Lúc nãy phát biểu trước tôi đại biểu Đặng Như Lợi có kiến nghị Quốc hội cần hoàn thành nốt món nợ với cử tri, từ nay đến tháng 7 cũng cần phải lập Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của các đồng chí trong Chính phủ và có một kết luận để cho nhân dân tán thành, người ta được yên tâm.
Trước đây tôi có đề nghị vấn đề này, nhưng sau khi nhận được ý kiến của Thường vụ trả lời thì tôi cũng nhất trí, bởi vì tôi nghĩ thời điểm rất tế nhị, đấy là thời điểm trước Đại hội Đảng, nếu không khéo thì mình lại nghĩ có ý này, ý khác. Nhưng bây giờ Đại hội xong rồi, kết quả tốt đẹp, bây giờ tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm vấn đề này một cách đàng hoàng để cho nhân dân không băn khoăn, thắc mắc gì cả. Chúng tôi xin đề nghị Thường vụ cân nhắc và cho ý kiến sớm về vấn đề này.
Vấn đề thứ hai, vấn đề rất thời sự hiện nay đó là việc đối phó với thảm họa thiên tai. Từ hôm 11/3 đến giờ không phải chỉ người Việt Nam, mà nhân dân toàn thế giới hết sức quan tâm đến diễn biến thiên tai ở Nhật Bản, chia sẻ sâu sắc đến những mất mát của nhân dân Nhật Bản, đồng thời bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với cách giải quyết, cách khắc phục thiên tai của Chính phủ Nhật và của nhân dân Nhật. Tôi cũng đặt câu hỏi tại sao người Nhật có cách hành xử được ngưỡng mộ như vậy? Tôi tự trả lời không biết có đúng không?
Trước hết là dịch vụ công của họ rất tốt, hàng chục nghìn người tạm trú trong nhà tạm lánh đều được chăm sóc y tế, thức ăn có thể phải xếp hàng nhưng không thể có ai đói, người ta có Chính phủ quan tâm, sắp xếp như vậy thì làm sao người ta phải nhốn nháo, tranh cướp nhau.
Thứ hai nữa là nền văn hóa cao nhưng nguyên nhân quan trọng nhất cho cách ứng phó của Nhật Bản thành công là người Nhật đã được chuẩn bị rất kỹ để sống chung với động đất, với sóng thần, từ thiết kế các nhà, sử dụng các vật liệu nhẹ đến kết cấu thích hợp với việc chống động đất đã làm giảm thiểu thiệt hại. Nữa là người dân được dạy từ bé cách chống động đất, tránh sóng thần như thế nào nên ứng phó được.
Ở nước ta, là một nước lúc nào cũng có mùa rét, thậm chí rét đậm, rét hại nhưng năm nào cũng chết trâu, chết bò, lúc nào cũng có bão, lũ lụt, không có năm nào không cả nhưng năm nào cũng có người chết, các đồng chí từ lãnh đạo đến nông dân hết sức vất vả để chống chọi. Vậy tại sao chúng ta không nghiêu cứu những phương thức để chống rét, chống bão lụt mà rất đơn giản là cấp thuyền cho người ta, tôi nghĩ sắp tới cần nghiên cứu thêm vấn đề này.
Thứ hai, cần rà soát lại độ an toàn của tất cả công trình hiện nay, nhất là thủy điện, điện hạt nhân. Về điện hạt nhân Quốc hội đã biểu quyết rồi, chúng ta thấy các đồng chí làm công trình này khẳng định yên tâm, nhưng chúng tôi mới nhận được thông tin Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga có chỉ ra những nhược điểm của những điểm mà mình đã chọn, có địa điểm thì nó có độ địa chấn cao thì nó nằm ngay ở đường đứt gãy, thậm chí nằm gần tam giác của 3 đường đứt gãy, có địa điểm thì nằm ở sát ven biển khó mà có thể chống được sóng thần, những chuyện này là mình đã có kinh nghiệm ở Dung Quất rồi mình điều tra không kỹ cho nên khắc phục rất mệt. Tôi đề nghị là các cơ quan giúp việc của Chính phủ phải điều tra hết sức cẩn thận, chứ không thể chủ quan được. Vì chúng ta không thể tưởng tượng được, tuy nhiên sẽ đàm phán thế nào, riêng trận động đất ở Nhật người ta tính ra là sức phá hoại của nó gấp 1.000 lần toàn bộ bom hạt nhân ở trên trái đất này, ở tất cả các nước. Đấy là điều mình không thể tưởng tượng được, nếu bây giờ mình cứ chủ quan, mình nói là yên tâm, chúng ta thế hệ 3 rồi nền đất ở đấy thế này, thế kia sợ đến lúc mình hối không kịp thì đấy là những điều chúng tôi rất mong được Quốc hội, được Chính phủ quan tâm. Xin cảm ơn Quốc hội.
 
 
- Bùi Hoàng Tám (Kính tặng thầy Nguyễn Minh Thuyết): VỀ THÔI THẦY ƠI! (Trần Nhương) Về sống với nhân dân, nhưng người thật lòng kính trọng thầy bởi thầy thật lòng yêu quý họ và hi sinh vì họ.
Về thôi thầy ơi!
Về với những cuộc đời lam lũ, nghèo nàn trong những căn nhà tăm tối nhưng tấm lòng hồn hậu và tâm hồn trong sáng.
Về thôi thầy ơi!
Về với sinh viên, với thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước dậy họ biết sống làm người, đổi thay đất nước.
Em với thầy là nghĩa thày trò nhưng tình anh em. Nhấc điện thoại là có thể a lố, à lồ với nhau nhưng em vẫn muốn viết lá thư này gửi đến thầy bởi lẽ em mừng cho thầy lắm lắm. Mừng đến mức chỉ muốn hét thật to lên cho mọi người cùng chia sẻ: May thế thầy ơi!

Em muốn hét to lên “May thế thày ơi!” là bởi kỳ họp Quốc hội trước, thầy đã đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng xung quanh vụ Vinasin (giờ đã có kết luận không kỉ luật ai cả) em đã rất lo lắng cho số phận của thầy. Em lo đến mức dịp tết vừa rồi, đến đền thờ cụ Chu Văn An (ở Hà Nội), em đã thầm cầu Cụ phù hộ độ trì cho thầy. Em còn xin Cụ đưa đường, chỉ lối mách nước cho thầy vượt qua hoạn nạn bởi em thấy sử cũ chép lại rằng thời đó “Các gian thần kéo bè kết đảng lũng đoạn triều chính… Dụ Tông ham chơi bời luời chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê. Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy”. Sử gia Ngô Sĩ Liên bàn về Trần Dụ Tông trong sách Đại Việt sử ký toàn thư như sau[1]: Vua biết tôn trọng thầy dạy (tức Chu Văn An), nhưng lại không bàn việc nước với thầy. Vì thế bậc hiền năng không nên để chỉ làm vì. Chu An đi rồi, không còn ai bảo ban vua đạo hay lẽ phải nữa. Đó thực là “không tin bậc nhân hiền thì nước trống rỗng như không có người” vậy.
Chao ôi, thời phong kiến suy đồi, Cụ Chu dâng đến thất trảm sớ đòi chém đầu 7 người quyền thế mà tính mệnh vẫn an toàn để còn được treo mũ về quê thì xem ra Cụ Chu may mắn lắm và thời ấy cũng còn tươi sáng lắm. Nay, thầy cũng được an toàn để về dạy học thì làm sao mà em không thể hét lên: May thế thầy ơi!
Về thôi thầy ơi! Hãy về sống với nhân dân, những người thật lòng kính trọng thầy bởi thầy thật lòng yêu quý họ và hi sinh vì họ.
Về thôi thầy ơi! Về với những cuộc đời lam lũ, nghèo nàn trong những căn nhà tăm tối nhưng tấm lòng hồn hậu và tâm hồn trong sáng.
Về thôi thầy ơi! Về với sinh viên, với thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước dậy họ biết sống làm người, đổi thay đất nước.
Có thể thầy và cả em nữa chẳng được chứng kiến ngày đất nước Việt Nam hùng mạnh “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu nhưng cần hi vọng thầy ạ. Bởi chúng ta là những người lạc quan và luôn tin tưởng ở tương lai như câu nói của Nhà văn Nam Cao cách đây 70 năm, rằng: Chúng ta đã hi vọng, đã thất vọng nhưng mãi mãi vẫn còn hi vọng.

– Phạm Quang Trung: THẦY NGUYỄN MINH THUYẾT CỦA TÔI.

Tôi vào đại học năm 1968, là sinh viên Khóa 3, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc – tiền thân của Trường Đại học Thái Nguyên bây giờ. Dạo ấy, do trường tôi mới mở, các thầy cô chủ yếu được chi viện thẳng từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chỉ một số rất ít lấy trực tiếp từ những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong đó có thầy Nguyễn Minh Thuyết. Khi đó, thầy Thuyết còn trẻ lắm. Ấy là so với đội ngũ giảng viên lớp trước với những tên tuổi như Hoàng Nhân, Lương Duy Thứ, Phạm Luận, Trần Văn Bính… Ngay so với lớp sinh viên chúng tôi thầy cũng còn rất trẻ. Nhiều học viên Khóa tôi là cán bộ đi học, tuổi đời thường cao hơn thầy. Vì vậy, xin thú thật, giữa thầy với chúng tôi không thật nhiều kỷ niệm sâu đậm như với các thầy cao niên khác. Chúng tôi chỉ biết vài dòng vắn tắt thế này: Thầy Nguyễn Minh Thuyết là một sinh viên giỏi, chuyên ngành Ngôn ngữ học, học trò “ruột” của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Bẵng đi một thời gian, vào đầu những năm 1980, khi sang làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ, tôi biết thầy cũng đang tu nghiệp tại đây. Vì xa xôi cách trở, lại bận bịu với việc học hành, thầy trò chúng tôi ít có dịp gặp nhau, và tôi chỉ lưu giữ lại một vài ấn tượng cũng không thật nổi bật cho lắm với thầy…
Cho đến những năm gần đây, nhất là trong nhiệm kỳ Quốc hội chuẩn bị kết thúc, tôi được nghe biết nhiều hơn đến tên tuổi thầy Nguyễn Minh Thuyết ở cương vị Phó ban, tức tương đương với hàm Thứ trưởng, nào đó. Tôi trọng thầy như trọng tất cả những người giữ bất kỳ trọng trách nào trong bộ máy công quyền mà luôn làm hết trách nhiệm với dân, với nước lại giữ được phẩm chất cần có ở một con người. Còn nhớ, tại Lễ Khai mạc Đại hội toàn thể Hội Nhà văn Việt Nam Lần thứ VIII năm 2010, tôi có vinh dự gặp thầy với tư cách là Đại biểu mời ở tiền sảnh Hội trường. Giữa các nhà văn – đồng nghiệp của tôi, thầy trịnh trọng giới thiệu tôi với người cán bộ trẻ đi cùng. Tôi không quên nhấn mạnh: “Tôi từng được vinh hạnh thụ giáo thầy Thuyết cách đây 40 năm”. Giọng tôi run run. Phải nói là ít khi tôi cảm động đến thế. Bởi, trước mặt tôi không chỉ là một người thầy cũ mà thế hệ chúng tôi buộc phải hàm ơn. Đặc biệt hơn nữa, trước mặt tôi còn là một đại biểu Quốc hội chuyên trách nổi tiếng, ở chỗ, không kỳ họp, thậm chí không phiên họp nào thầy lại không đại diện cho cơ quan lập pháp đưa ra những câu chất vấn thẳng thắn, thấu tình, thấu lý đối với những đại diện cao nhất của cơ quan hành pháp, kể cả Thủ tướng. Trong những buổi họp quan trọng của Quốc hội mà Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp, tôi thường ngồi chăm chú theo dõi ý kiến của các vị đại biểu. Nhiều lời phát biểu thú thật là rất nhạt, hình như nói chiếu lệ, cho qua chuyện. Lại cứ khư khư cầm văn bản in sẵn trên tay. Cứ thế mà đọc liên tục, không ngưng nghỉ, từ chữ đầu cho đến chữ cuối. Chỉ sợ rời văn bản ra là sẽ “nói lạc”, nghĩa là nói thật lòng mình, cũng có nghĩa là đụng chạm đến người khác. Không loại trừ cả những bậc quyền cao chức trọng đang ngồi kia. Nhưng cũng có không ít những lời phát biểu đầy dũng khí, đi thẳng vào vấn đề, với trách nhiệm cao nhất có thể có của một vị đại biểu của dân, vì dân và do dân. Tôi tự hào thấy trong số những đại biểu xứng đáng này có thầy Nguyễn Minh Thuyết của chúng tôi. Hẳn nhiên, trung ngôn tất nghịch nhĩ. Vì thế, tôi biết chắc… nhiệm kỳ này sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của thầy tôi với tư cách là đại biểu của dân. Không thể nào khác được. Bảo tôi có nuối tiếc không ư? Có chứ! Cũng không thể nào khác được. Chỉ không biết là nên buồn hay nên vui đây, thưa thầy!
Nhưng, có điều này thì tôi biết chắc chắn lắm: Sau nhiều năm tạm rời xa giảng đường, thầy sẽ trở về với nghề dạy học với nguyên tư cách và phẩm cách vốn có của một ông thầy mẫu mực trên mọi phương diện mà dân tộc cần lao, thông minh và trung thực này đã sinh ra. Làm người, vậy là đủ mãn nguyện lắm rồi, thầy ơi!
Đà Lạt, chiều 22/03/2011
Học trò cũ của thầy Nguyễn Minh Thuyết

“Có lẽ tôi về nhà dạy học…”
Lời dẫn: Hôm nay, trong báo cáo đọc trước Quốc hội, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết Bộ Chính trị đã quyết định “không xử lý kỷ luật đối với các tổ chức và cá nhân” (trong Chính phủ) về vụ VINASHIN. Nhà báo Trần Ngọc Kha có cuộc phỏng vấn nhanh qua điện thọai Giáo sư, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, người từng đăng đàn tại kỳ họp trước của Quốc hội đề nghị kiểm điểm trách nhiệm Thủ tướng và các thành viên Chính phủ về vụ này.
PV: Trước quyết định không kỷ luật ai trong vụ VINASHIN, hay là ông lại vui lòng cho tôi phỏng vấn… ?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Cũng được! Nhưng có gì để nói nữa đâu?
PV: Hình như ông Bao Công cũng thường nói một câu tương tự? [...có còn gì để nói nữa không?]
GS Nguyễn Minh Thuyết (cười): Mình làm sao dám đọ với Bao Công. Có mà Bao… (lại cười).
PV: Hôm trước thấy trong phòng làm việc của ông có tấm ảnh ông sánh vai với một vị đại đức trên Yên Tử. Sắp được nghỉ rồi, ông tính lên chùa à?
GS Nguyễn Minh Thuyết (lại cười): Mình có vợ có con, lại vẫn thích ăn mặn nên không dám…
PV: Thế ông định làm gì?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Còn nhiều việc phải làm lắm. Về dạy học chẳng hạn. Nhưng bây giờ mở trường không dễ như thời Cụ Chu Văn An đâu, ông ạ.
PV: Cảm ơn ông!
TRẦN NGỌC KHA thực hiện


- Vào QH làm gì nếu không nói! Nói thì… hết được vào!?
Dân Làm Báo - Thôi thì coi như những ghế ngon ghế tốt đã được 100% cử tri nào đó nhất trí trước khi dân ta bị nắm đầu đi xoa cái bụng bầu của đảng. Còn loe ngoe mấy cái ghế làm kiểng đảng sẽ để dành cho vài anh công dân ngoài đảng nhưng ngoan ngoãn như lừa. Quốc hội khóa XIII nằm trong trọn trong tay Nguyễn Tấn Dũng. Vinashin, Bauxite Tây Nguyên, Rừng đầu nguồn sẽ im lặng đi vào dĩ vãng. Tương lai sẽ là Đường sắt Cao tốc và bất cứ đề án nào xài tiền như nước, lợi nhuận riêng rủng rỉnh và nợ to như núi – gãy đòn gánh toàn dân sẽ được “quyết” chẳng cần “bàn”.
*
Tôi quan tâm đến việc phát biểu như thế nào chứ không phải phát biểu bao nhiêu vấn đề. Vào Quốc hội mà không nói thì vào làm gì!“. ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết trong một cuộc phỏng vấn đã tuyên bố như vậy. Giờ thì ông không cần phải lo nhiều về chuyện ấy nữa. Quốc hội khóa XIII sẽ không có ghế dành cho ông.
Ông Nguyễn Minh Thuyết được dư luận xem như là nhân vật của năm 2010. (Rất tiếc ông không được báo ta bình bầu là nhân vật xuất sắc nhất vì không biết nhờ công ty rác vận động). Ông là một trong số hiếm hoi các ĐBQH đã đứng lên chất vấn nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia. Ông đã đặt thẳng vấn đề cho thuê rừng đầu nguồn với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phát biểu 7 phút của ông vào ngày 1-11-2010 được xem là 7 phút sự thật đã làm chấn động Quốc hội trong đó ông đã can đảm đưa vấn đề trách nhiệm Vinashin “Báo cáo của Chính phủ cho biết “Chính phủ có trách nhiệm” và “đã nghiêm túc kiểm điểm”. Nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu, trong trường hợp này, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm”
Hôm qua, ngày 14 tháng 3, 2011 thời ông Thuyết đăng đàn làm đúng nghĩa vụ đại diện cho dân bị chấm dứt. Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị với 240 cử tri đại diện cho toàn thể cán bộ đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 61 ứng cử viên của khối đơn vị này. Ở đâu ra 61 người này? Xin thưa: 9 người do Bộ Chính trị giới thiệu + 33 người do Ban Bí thư giới thiệu +  19 người do Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu = 61. Tất cả đều do đảng ta. 240 cử tri đại diện không biết có ai là phó thường dân không, nhưng cũng không thành vấn đề. Đề nghị 61 và thông qua 61 thì còn gì để nói!.
Trong khi đó thì Văn phòng TƯ đảng cũng thực hiện công tác “lấy ý kiến cử tri” , chủ tọa là ngài Tổng bí thư – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. 100% số cử tri có mặt nhất trí giới thiệu 2 vị ứng cử ĐBQH khóa XIII.  Con số 100% là con số thần kỳ của đảng.
Văn phòng Chính phủ cũng đồng hành tổ chức hội nghị “lấy ý kiến cử tri” với sự chủ tọa của ngài thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.  Cũng với  100% số cử tri có mặt, nhất trí giới thiệu 5 người ứng cử ĐBQH khóa XIII, bao gồm: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng; Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo thông tin của Dân Trí, lẫn Đất Việt, 1 Phó Chủ tịch Quốc hội, 5 Chủ nhiệm các UB của Quốc hội không có trong danh sách giới thiệu tái cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tới do đã quá tuổi quy định. Theo Dân Làm Báo biết thì tiêu chuẩn tuổi tác của ĐBQH là phải 21 tuổi trở lên và không thấy quy định nào để cho ông Nguyễn Minh Thuyết sinh năm 1948 (63 tuổi) phải về vườn. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Sinh Hùng sinh năm 1946 vẫn được 100% cử tri nhất trí kia mà.
Thôi thì coi như những ghế ngon ghế tốt đã được 100% cử tri nào đó nhất trí trước khi dân ta xoa cái bụng bầu của đảng. Còn vài cái ghế làm kiểng đảng sẽ để dành cho vài anh công dân ngoài đảng nhưng ngoan ngoãn như lừa. Quốc hội khóa XIII nằm trong trọn trong tay Nguyễn Tấn Dũng. Vinashin, Bauxite Tây Nguyên, Rừng đầu nguồn sẽ im lặng như quá khứ. Tương lai sẽ là Đường sắt cao tốc và bất cứ đề án nào xài tiền như nước, lợi nhuận riêng rủng rỉnh và nợ to như Trường Sơn gãy đòn gánh toàn dân sẽ được “quyết” chẳng cần bàn.
Ghi lại đây những chất vấn của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết làm… kỷ niệm vì sẽ không biết đến bao giờ nó mới xảy ra lần nữa.

Thưa Thủ tướng, thời gian qua, dư luận rất bức xúc về việc một số tỉnh cho tổ chức nước ngoài thuê đất rừng biên giới, đất rừng đầu nguồn. Đề nghị Thủ tướng cho biết trước khi cho thuê rừng ở những vùng nhạy cảm như vậy, các tỉnh có xin ý kiến Chính phủ không? Trách nhiệm quản lý của Chính phủ như thế nào ?
Cũng trong thời gian qua, dư luận rất bất bình về việc các cơ quan quản lý nhà nước duyệt xếp luwong cho lãnh đạo Tổng công ty SCIC và một số lãnh đạo Bộ Tài chính ở mức cao bất thường, có người tới gần 1 tỷ đồng/năm, trong khi doanh nghiệp này làm ăn không hiệu quả. Đề nghị Thủ tướng cho biết đây có phải là hình thức tham nhũng không, trách nhiệm thuộc về những ai, Chính phủ đã xử lý như thế nào (trong đó có xử lý kỷ luật)?
Thưa bộ trưởng,
– Theo Bộ trưởng, những tổ chức cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên kém hiệu quả, thậm chí lãng phí, vô tổ chức trong thời gian qua? Bộ TN-MT có kế hoạch như thế nào để khắc phục tình trạng trên tiến tới xây dựng ngành kinh tế TN-MT
- Cán bộ, viên chức ngành giáo dục và đông đảo cử tri cả nước đều đánh giá cao tâm huyết của Phó Thủ tướng trong quản lý điều hành chỉ đạo ngành giáo dục. Tuy nhiên một số cán bộ viên chức trong ngành và cử tri băn khoăn về việc thực hiện một số lời hứa của đồng chí (ví dụ đến năm 2010, giáo viên sống được bằng lương) và hiệu quả của một số cuộc vận động mà đồng chí phát động (ví dụ: “Hai không”, “trường học thân thiện, học sinh tích cực”..v..v)
Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Chất lượng lao động xuất khẩu hiện nay rất thấp, hoạt động của các tổ chức xuất khẩu lao động có rất nhiều yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trong việc này? Bộ có giải pháp gì để khắc phục?
Bộ LĐ-TB-XH đã làm gì để phát hiện, xử lý các trường hợp chủ DNNN trốn tránh đóng BHXH cho công nhân, ngược đãi, nợ lương công nhân, bỏ trốn v.v… và để cải thiện điều kiện sinh hoạt, làm việc cho người lao động? Thời gian tới, Bộ sẽ áp dụng những biện pháp gì để pháp luật về lao động được thi hành nghiêm chỉnh, đời sống người lao động được cải thiện?
Câu hỏi thứ nhất, cử tri và đồng bào cả nước, đại biểu Quốc hội rất xúc động trước hình ảnh đồng bào ở một số địa phương ở tỉnh Kon Tum phải đu trên dây cáp để vượt sông PôKô. Chúng tôi xin hỏi Bộ trưởng là những ai phải chịu trách nhiệm về việc chậm khắc phục hậu quả của cơn bão số 9 cuối năm ngoái để xảy ra tình trạng như thế, từ khi báo chí nêu lên Bộ trưởng đã cử người đi kiểm tra chưa và Bộ sẽ áp dụng những biện pháp như thế nào để khắc phục tình trạng này.
Câu hỏi thứ hai của tôi là qua tổng hợp tin tức tôi rất băn khoăn về đối tác thực sự của đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Giả sử Quốc hội thông qua nghị quyết, nhất trí với chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam mà sau đó về phía Nhật Bản cũng là ngân hàng thế giới, không sẵn sàng cho vay tiền như cảnh báo của một số vị có trách nhiệm ở phía Nhật Bản cũng như ngân hàng thế giới mà lại có một nước khác có thể sẵn sàng cho vay tiền và sẵn sàng làm với một giá rẻ hơn thì Chính phủ có sẵn sàng giao hợp đồng làm cho công ty của nước đó không? Vì con đường này là con đường huyết mạch của đất nước cho nên chúng tôi rất quan tâm.
Vấn đề thứ ba, tại phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội tháng 3 năm nay, tôi có hỏi Bộ trưởng tổng vốn xây dựng đường vành đai 3 của Hà Nội sau khi điều chỉnh thiết kế là bao nhiêu, trội lên bao nhiêu thì Bộ trưởng có nói sẽ kiểm tra và sẽ có trả lời sau. Nhưng chắc Bộ trưởng rất bận nên chưa trả lời được. Cho nên chúng tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết tổng vốn là bao nhiêu, nếu ngay ngày hôm nay Bộ trưởng chưa có điều kiện để trả lời thì Bộ trưởng gửi văn bản để trả lời cho chúng tôi biết.
Tôi được biết Bộ trưởng hiện nay đang kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty SCIC, tôi xin hỏi điều đó có đúng không. Trên thế giới này và ngay ở Việt Nam ta có Bộ trưởng nào đồng thời kiêm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty, kể cả công ty tư nhân không.
Trích đoạn phát biểu 7 phút:
Trong thời gian có hạn, tôi chỉ tập trung nói về vụ Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) sụp đổ. Vâng, thực sự là nó đã sụp đổ, mặc dù chúng ta có thể dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn theo truyền thống tu từ của mình. Tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1000 tỷ đồng / năm phải làm quần quật, không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi. Đối với đồng bào nhiều nơi, nhất là nông thôn, miền núi thì trả món nợ khổng lồ này có nghĩa là chậm làm đường, làm cầu, xây trường học, bệnh viện,… – những nhu cầu rất thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào.
Sai phạm trong chỉ đạo, điều hành thì đã rõ. Nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là: “Ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?”.
Báo cáo của Chính phủ cho biết “Chính phủ có trách nhiệm” và “đã nghiêm túc kiểm điểm”. Nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu, trong trường hợp này, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm.
Vụ việc này nhắc tôi nhớ đến vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm. Vì nuông chiều, luôn áp dụng những “siêu cơ chế” cho công ty của Lã Thị Kim Oanh, dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và hai vị Thứ trưởng phải ra trước vành móng ngựa.
Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận định “có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản nhà nước”. Nhưng ai bao che, bao che thế nào, vì nguyên nhân gì, nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm thế nào thì Ủy ban Tư pháp chưa có điều kiện kết luận. Thế mà Quốc hội không làm rõ được điều này thì không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân.
Vì vậy, căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan.
Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Uỷ ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra…
*****

1 Phó Chủ tịch và 5 Chủ nhiệm UB của Quốc hội không tái cử

(Dân trí) – 1 Phó Chủ tịch Quốc hội, 5 Chủ nhiệm các UB của Quốc hội không có trong danh sách giới thiệu tái cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tới do đã quá tuổi quy định.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận sẽ không tái cử khoá tới (Ảnh: Việt Hưng)
Ngày 14/3, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác về những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tại các cơ quan của Quốc hội. 240 cử tri đại diện cho toàn thể cán bộ đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 61 ứng cử viên của khối đơn vị này.
Cơ cấu ứng viên gồm 9 người do Bộ Chính trị giới thiệu, 33 người do Ban Bí thư giới thiệu và 19 người do Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu.
Trong danh sách này, nhiều đại biểu hiện đang giữ vị trí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội không tiếp tục tham gia Quốc hội khóa tới như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ & môi trường Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình, Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên & nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết…

*

Lấy ý kiến cử tri nơi công tác những người ứng cử ĐBQH

Trong số các đại biểu không tái cử QH khóa tới, có Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết…
Ngày 14/3, Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với những người ứng cử ĐBQH khóa XIII. Dự hội nghị có Tổng bí thư – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang.
Hội nghị đã nghe Thông báo của Bộ Chính trị về việc giới thiệu các vị là lãnh đạo Đảng tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIII và việc tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Trung ương Đảng theo đúng quy trình, thủ tục luật định; báo cáo tóm tắt tiểu sử và quá trình công tác của từng vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIII; nghe giới thiệu các tiêu chuẩn ĐBQH, những người không được ứng cử ĐBQH, theo quy định tại Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội.
Hội nghị đã tiến hành biểu quyết với 100% số cử tri có mặt, nhất trí giới thiệu 2 vị ứng cử ĐBQH khóa XIII.
* Chiều 14/3, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác về những người ứng cử ĐBQH khóa XIII. Dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hội nghị đã nghe giới thiệu các tiêu chuẩn ĐBQH, những người không được ứng cử ĐBQH… Các cử tri tham dự hội nghị đã nghe giới thiệu danh sách 5 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và tóm tắt tiểu sử, quá trình công tác của từng người. Hội nghị đã tiến hành biểu quyết với 100% số cử tri có mặt, nhất trí giới thiệu 5 người ứng cử ĐBQH khóa XIII, bao gồm: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng; Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
* Sáng cùng ngày, Văn phòng Quốc hội cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác về những người ứng cử ĐBQH khóa XIII tại các cơ quan của Quốc hội. Hội nghị đã nghe giới thiệu danh sách 61 người ứng cử ĐBQH khóa XIII, bao gồm 9 ứng cử viên do Bộ Chính trị giới thiệu; 33 ứng cử viên do Ban Bí thư giới thiệu và 19 ứng cử viên do Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu.
Theo danh sách, có 3 trong số 4 Phó chủ tịch Quốc hội sẽ tiếp tục được giới thiệu tái cử là bà Tòng Thị Phóng, ông Uông Chu Lưu và ông Huỳnh Ngọc Sơn. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên sẽ không tái cử khóa này. Tương tự, nhiều vị Chủ nhiệm các Ủy ban cũng sẽ nghỉ do quá tuổi, gồm: ông Lê Quang Bình (Ủy ban Quốc phòng, An ninh), ông Nguyễn Văn Thuận (Ủy ban Pháp luật), ông Hà Văn Hiền (Ủy ban Kinh tế), ông Đặng Vũ Minh (Ủy ban KH-CN-MT), ông Trần Thế Vượng (Trưởng ban Dân nguyện). Một số vị Phó chủ nhiệm Ủy ban cũng sẽ không tái cử, trong đó có ông Nguyễn Minh Thuyết (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội)…
Hội nghị đã biểu quyết với 100% số cử tri có mặt, nhất trí thông qua danh sách 61 ứng viên tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIII.
Mạnh Đồng

*

Cử tri VPCP nhất trí tuyệt đối giới thiệu 5 ứng cử viên ĐBQH Khóa XIII

Chiều nay (14/3), Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác về 5 đồng chí là Lãnh đạo Chính phủ và VPCP tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Cử tri VPCP nhất trí tuyệt đối giới thiệu 5 đồng chí lãnh đạo Chính phủ và VPCP tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII - Ảnh Chinhphu.vn
Cử tri VPCP nhất trí tuyệt đối giới thiệu 5 đồng chí lãnh đạo Chính phủ và VPCP tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII – Ảnh Chinhphu.vn
Theo sự giới thiệu của Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng; các Phó Thủ tướng, Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thiện Nhân và Hoàng Trung Hải; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc là những đồng chí đang công tác và sinh hoạt tại các đơn vị thuộc VPCP sẽ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Thực hiện các quy trình về bầu cử đại biểu Quốc hội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác về 5 đồng chí là Lãnh đạo Chính phủ và VPCP nêu trên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Tại Hội nghị, cử tri thuộc các đơn vị của VPCP đã phát biểu ý kiến thể hiện sự nhất trí tuyệt đối về việc giới thiệu 5 đồng chí là Lãnh đạo Chính phủ và VPCP tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn và Chủ tịch Công đoàn VPCP, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Nguyễn Tiến Dũng chủ trì Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác những người ứng cử đại biểu Quốc hội của VPCP
Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn và Chủ tịch Công đoàn VPCP, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Nguyễn Tiến Dũng chủ trì Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác những người ứng cử đại biểu Quốc hội của VPCP
Căn cứ theo các tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội được quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, các ý kiến cử tri VPCP đều bày tỏ các đồng chí được giới thiệu nêu trên hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn và rất xứng đáng là đại biểu của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta.
Các đồng chí đều thể hiện phẩm chất chính trị tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân; thể hiện năng lực lãnh đạo xuất sắc, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, đặc biệt là sự nắm bắt, phân tích tình hình, quyết đoán, quyết liệt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành các mặt kinh tế – xã hội của đất nước.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, các đồng chí đều có những đóng góp quan trọng và quyết định, góp phần đưa đất nước vượt qua những thách thức, khó khăn, giành những thành tựu to lớn, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, các đồng chí đều được tín nhiệm bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.
Các cử tri tại VPCP phát biểu ý kiến bày tỏ sự nhất trí tuyệt đối giới thiệu 5 đồng chí lãnh đạo Chính phủ và VPCP tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII - Ảnh Chinhphu.vn
Các cử tri tại VPCP phát biểu ý kiến bày tỏ sự nhất trí tuyệt đối giới thiệu 5 đồng chí lãnh đạo Chính phủ và VPCP tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII – Ảnh Chinhphu.vn
Các đồng chí luôn gần gũi lắng nghe, quan tâm, động viên, chăm sóc đội ngũ cán bộ, công chức trong đơn vị và đều là những tấm gương sáng về tinh thần làm việc, trách nhiệm, tận tụy trong công việc, là hạt nhân đoàn kết trong đơn vị.
Các cử tri đã nêu lên nhiều ví dụ tiêu biểu cho phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo, tính nhân văn, tuân thủ nguyên tắc trong công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng; về sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đối với VPCP trong thực hiện nhiệm vụ là cơ quan tham mưu tổng hợp và phục vụ cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các cử tri VPCP đã biểu quyết nhất trí 100% giới thiệu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Theo VGP News

Tổng số lượt xem trang