Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Phóng Xạ của Địa Chấn Nhật Bản

-Phóng Xạ của Địa Chấn Nhật Bản
Kinh Tế Cũng Là Chính Trị  
Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 20110328  

Khi Đồng Minh Tháo Chạy... Khỏi Nhật Bản   

     Con cá tra trong huyền thoại Nhật -  
     Tranh mộc bản của Masami Teraoka 

Nếu có thể ghi vào loại sổ tay của lịch sử ngắn gọn, thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 mở ra với ba biến cố sẽ có ảnh hưởng lâu dài trên thế giới.
Đó là vụ khủng bố 9-11 năm 2001 ở giữa một chu kỳ suy trầm kinh tế tại Hoa Kỳ, với hậu quả là cuộc chiến chống lại các lực lượng Hồi giáo cực đoan trên toàn cầu. Hoa Kỳ khởi xướng cuộc chiến thật ra rộng lớn và tốn kém nhất kể từ Thế chiến II mà không tăng thuế hay giảm chi, lại dùng biện pháp tiền tệ làm cho tiền rẻ. Kinh tế cũng là chính trị!

Tiền rẻ mới dẫn đến hiện tượng bong bóng đầu tư trên thị trường địa ốc, rồi sự bất cẩn của doanh trường trong giai đoạn tiền rẻ đó dẫn tới khủng hoảng tài chánh khi bóng bể. Khủng hoảng bùng nổ giữa một chu kỳ suy trầm nữa  vào năm 2008 nên gây ra vụ Tổng suy trầm 2008-2009, một đợt suy trầm nguy kịch nhất kể từ Thế chiến II.

Vì cuộc chiến - gọi sai là "chống khủng bố toàn cầu" - Hoa Kỳ cũng muốn các chế độ Hồi giáo thân Mỹ phải cải cách kinh tế và chính trị cho tự do và dân chủ hơn. Việc cải cách tạo ra thay đổi về kinh tế hơn là chính trị và khi toàn cầu bị suy trầm kinh tế, bất mãn xã hội dẫn tới sự chống đối của người dân trong khu vực Trung Đông Bắc Phi (MENA). Phản ứng dây chuyền của sự chống đối là một chuỗi hỗn loạn lớn, một biến cố nghiêm trọng nhất trong thế giới Á Rập Hồi giáo, giữa một trung tâm sản xuất và xuất cảng dầu thô lớn nhất cho toàn cầu.

Ngay giữa những chuyển động phức tạp ấy tại khu vực MENA, ngày 11 Tháng Ba, Nhật lại bị một trận động đất mạnh nhất lịch sử, nhồi theo đợt sóng thần và tai nạn nguyên tử nên lâm vào một cuộc khủng hoảng nguy ngập nhất kể từ Thế chiến II. Khác với ba biến cố đầu tiên - khủng bố, tổng suy trầm và biến động MENA - là loại "nhân họa" ít nhiều xuất phát từ phản ứng của đệ nhất siêu cường là Hoa Kỳ, vụ khủng hoảng 3-11 tại Nhật là hậu quả của thiên tai.

Nhưng phương cách Nhật Bản đối phó với hậu quả của thiên tai cũng sẽ ảnh hưởng đến thế giới trong nhiều năm tới, khởi đầu là từ khu vực sinh sống của dân tộc Nhật Bản, vùng Đông Á. Bài này sẽ tìm hiểu về sự chuyển động ấy của Nhật....


***

Xin hãy nhìn từ xa....

Nhật là quốc gia quần đảo không có tài nguyên thiên nhiên, lại nằm trong một khu vực địa dư dễ bị động đất và động đất dễ gây ra sóng thần. Người Nhật có thể đã quen sống trong không gian bất trắc như vậy. Tục truyền rằng lãnh thổ Nhật được cột trên lưng một con cá tra khổng lồ nên thường bị dằn xóc mỗi khi con vật xoay mình! (Xin xem bức tranh mộc bản rất hiện đại của danh họa Masami Teraoka, sinh năm 1936. Ông này nổi tiếng với loại "Xuân họa"  rất quái, nhưng không thể giới thiệu được vì có nhiều độc giả... dưới 18 tuổi!)

Thực tế thì những vụ thiên tai lớn đều có dẫn tới phản ứng gây ảnh hưởng lâu dài cho vận mệnh quốc gia, bài này xin miễn kể lại những trận tiêu biểu nhất của Nhật, xin để dịp khác. Riêng thiên tai 3-11 lại gây họa cho một khu vực chiến lược của kinh tế là năng lượng, cho nên thế giới nên chờ đợi sự xoay chuyển đáng chú ý của dân tộc Nhật Bản.

Ba tuần sau vụ thiên tai, Chính quyền Nhật ước lượng tổn thất ở khoảng 185 đến 310 tỷ Mỹ kim - họ tính bằng tiền Nhật, ta nói ra đồng đô la để dễ so sánh. Số ước tính này chỉ là sơ khởi và không kể đến tổn thất về sinh mạng.

Kể về tổn thất sinh mạng, trận động đất Kanto năm 1923 tàn phá phân nửa thủ đô Tokyo khiến 10 vạn người thiệt mạng, bằng với số người chết vì bom Mỹ dội trên Tokyo trong nửa năm đầu của 1945, trước khi Thế chiến II kết thúc bằng bom nguyên tử trên hai thành phố Quảng Đảo và Trường Kỳ (Hiroshima và Nagasaki). Lần này, số tử vong có thể "chỉ" - xin lỗi về chữ này - là vài vạn và tổn thất kinh tế cũng ngang ngửa với trận động đất Kobe năm 1995.

Nhưng hậu quả lâu dài không nằm ở đó, mà ở trong tâm lý người dân và sẽ dẫn tới nhiều xoay chuyển chính trị.....

Xin nói về kinh tế trước


***


Nhật Bản bị thiên tai giữa một chu kỳ suy thoái kéo dài hai chục năm - từ 1991 tới nay - với sáu đợt suy trầm, gọi là recession. Thực tế thì xứ này bị khủng hoảng nặng vì chưa tìm ra định hướng thích hợp cho quốc gia khi dân số sút giảm dần mà kinh tế lại lệ thuộc quá nặng vào các nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu từ bên ngoài.

Trong hai thập niên, các Chính quyền nối tiếp nhau lãnh đạo nước Nhật đều tìm cách chống đỡ bằng giải pháp tăng chi và đi vay. Chủ yếu là vay chính người dân. Đến 90% của gánh công trái - nợ của khu vực công - nằm trên vai dân Nhật. Chính phủ của đảng Dân Chủ đang cầm quyền muốn cải tổ phương thức đối phó qua 1) chánh sách thuế khoá và 2) tiến trình quyết định về cơ chế. Tiến trình ấy có hướng tập trung thẩm quyền vào nội các để vượt rào cản và phá vỡ quán tính - sự ù lỳ và cưỡng chống - của bộ máy hành chánh công quyền. 

Trước khi lên làm Thủ tướng, ông Naoto Kan là người đã chuẩn bị kế hoạch cải tổ cơ chế đó để tiến đến cải tổ cả hệ thống công chi thu - ta gọi là tài chánh công, public finance. Bây giờ, sau vụ thiên tai, Chính quyền Natoto Kan phải giải quyết hai vấn đề. 

Về lượng là khoản tiền cho cứu trợ và tái thiết: bao nhiêu và lấy ở đâu ra? Những dự kiến ban đầu có thể là một ngân sách bổ sung chừng 125 tỷ đô la, bằng 2% của Tổng sản lượng GDP. Về phẩm là bơm tiền cấp cứu vào đâu, ai bơm và khu vực nào sẽ nhận? Trong cơn quốc nạn, đảng đối lập (Tự do Dân chủ) bày tỏ thiện chí hợp tác nhưng không tham gia nội các mà ngồi ngoài canh chừng.

Kết quả của cứu trợ và tái thiết sẽ ảnh hưởng đến việc cải tổ cơ chế chính trị và sẽ được chứng nghiệm qua bầu cử, có khi là bầu cử sớm nếu đảng cầm quyền bị vấp váp quá nhiều trong những ngày tới. Đấy là chuyện "kinh tế cũng là chính trị" trong nội bộ nước Nhật.

Nhưng Nhật Bản cũng là một cường quốc kỹ nghệ của thế giới và là một trục xoay then chốt tại Đông Á. Cho nên thiên tai và phản ứng của quốc gia này sau vụ 3-11 sẽ có ảnh hưởng toàn cầu.

Với toàn cầu, Nhật là trung tâm chế biến các sản phẩm công nghiệp, kể cả bán chế phẩm - loại sản phẩm chưa hoàn tất mà các nước khác cần nhập cảng cho hệ thống sản xuất của họ.  Hãy nghĩ đến một mạng lưới mua bán, một chuỗi quan hệ nhân quả, mà Nhật là một mắt lưới quan trọng. Thiên tai khiến chu trình cung cấp ấy bị gián đoạn. Thí dụ như nhiều hãng xe hơi Nhật tại Hoa Kỳ hay điện toán Đài Loan và Trung Quốc bị gián đoạn sản xuất vì thiếu cơ phận do Nhật Bản cung cấp. 

Kỹ thuật cải tiến hiệu năng kiểu Nhật (mà Hoa Kỳ cũng học được )là giữ tồn kho rất thấp, cần tới đâu mới giao tới đó, gọi là just in time, có gây ra vấn đề cho xứ khác.

Nhưng dù sao, đây chỉ là bất lợi ngắn hạn, trong vài tuần vài tháng. Hậu quả lâu dài nằm ở chỗ khác. Chuyện phóng xạ Nhật Bản.


***


Thiên tai xảy ra tại bốn huyện - xin hiểu là tỉnh - ở vùng Đông Bắc gọi là Tohoku và gây tai họa cho hệ thống điện năng nguyên tử - hạch tâm, hạt nhân. Nặng nhất là hai trong sáu lò phản ứng hạch tâm của Fukushima Daiichi (Phúc Đảo Đệ Nhất), với nguy cơ là bộ phận cốt lõi bên trong - tâm lò, lô tâm - có thể bị tiêu hủy và gây phóng xạ. Dù chưa tới độ chết người, mức phóng xạ gia tăng có gây ra hốt hoảng trên toàn thế giới.

Tai nạn nguyên tử, nguy cơ phóng xạ và sự hốt hoảng của thiên hạ đã thổi bùng cuộc tranh luận toàn cầu về mối lợi và rủi ro của năng lượng nguyên tử. Hai chục năm sau khi thế giới có vẻ hơi tin tưởng vào giải pháp nguyên tử cho bài toán năng lượng, vụ 3-11 tại Nhật lại đảo lộn tất cả. Những tin tức về phóng xạ Nhật Bản và mối họa nguyên tử lại dội ngược vào kinh tế Nhật: hàng hóa của Nhật có thể nhiễm phóng xạ.

Nhiều quốc gia bắt đầu giăng lưới kiểm soát, ngăn chặn, thậm chí tẩy chay hàng Nhật. 

Quốc gia này không có tài nguyên, sống nhờ nhập cảng để chế biến và tái xuất cảng ra ngoài hầu kiếm ra tiền nên có tổng số ngoại thương xuất nhập cảng lên tới hơn 1.400 tỷ đô la. Khi hàng xuất cảng bị thanh lọc vì nỗi lo phóng xạ, Nhật Bản coi như bị xiết họng và sẽ có phản ứng với hàng nhập cảng của thế giới. Kinh tế cũng là chính trị! Nguy cơ phóng xạ chưa thấy đâu, người ta đã gây phản ứng bảo hộ mậu dịch - protectionism - vào đúng lúc kinh tế toàn cầu vừa ra khỏi Tổng suy trầm và bị khủng hoảng từ khu vực MENA.

Mà vấn đề không chỉ có vậy.


***

Nhật cần năng lượng như một cơ thể cần máu. Dù đã lãnh bom nguyên tử, họ vẫn bấm bụng sử dụng điện năng nguyên tử để tự túc được chừng một phần ba nhu cầu. Còn lại, thì lệ thuộc vào dầu thô và khí đốt tới hơn 60% - phải nhập cảng từ những nơi ít có khả năng kiểm soát, chủ yếu là tại MENA. Vì tai nạn nguyên tử, mỗi ngày Nhật có thể phải nhập thêm chừng 200 ngàn thùng dầu thô, hay 12 tỷ thước khối khí lỏng  - nghĩa là càng lệ thuộc hơn vào bùng MENA đỏ lửa.

Sau khi kiểm điểm tổn thất và nhìn trong lâu dài, dân Nhật sẽ xoay trở ra sao với bài toán sinh tử này?

Một giải pháp trước mắt sẽ có hậu quả trường kỳ là tăng cường hợp tác và đầu tư với Liên bang Nga. 

Ngay sau thiên tai Nhật Bản, Nga mau mắn yểm trợ Nhật về khí đốt, dầu thô, hoá phẩm gốc dầu và cả than đá. Từ năm 2007, Nhật đã muốn có giải pháp điền thế, qua kế hoạch hợp tác và đầu tư quy mô với Nam Hàn, Cộng hoà Mông Cổ và Liên bang Nga để đưa nguyên nhiên vật liệu vượt qua Tây Bá Lợi Á tới biển Đông hải của mình. Trong khi chờ đợi giải pháp quang năng - năng lượng mặt trời - sau thiên tai 3-11, Nhật sẽ cố san bằng mâu thuẫn với Nga về chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Kuril tại vùng cực Bắc, và bắt tay với nước Nga.

Ở trên đầu.... Trung Quốc.

Sống trên một quốc gia quần đảo, dân Nhật có kinh nghiệm hải hành từ thời lập quốc để nối liền bốn đảo lớn với nhau và trở thành cường quốc hải dương sớm nhất Đông Á. Trong nửa thế kỷ, Hải quân Nhật đã đại thắng cả Trung Quốc (1895) lẫn Nga (1905) rồi kiểm soát toàn vùng Đông hải trước khi bị Hoa Kỳ khuất phục bằng bom nguyên tử. Sau Thế chiến II, Nhật quay về hướng cũ bằng phương pháp khác, là qua ngoại thương, mà làm chủ được nguồn cung cấp sinh tử cho kinh tế.

Bây giờ, thiên tai tại Nhật sẽ làm Trung Quốc thất kinh khi vừa lò dò bước ra, thò chân xuống nước để thực hiện giấc mơ đại cường hải dương chưa từng có trong lịch sử.


***


Cả thế giới chỉ nói đến nguy cơ phóng xạ Nhật Bản mà không thấy một sự kiện quan trọng khác.

Quân đội Nhật, với danh xưng là "Lực lượng Phòng vệ", được huy động vào việc cứu trợ. Mười vạn binh lính với kỷ cương rất Nhật bung ra khắp nơi, và trở thành một sức mạnh đáng yêu, đáng kính trong những ngày hoạn nạn. Khi cả thế giới nghi ngờ khả năng Nhật Bản và gây thêm vấn đề giữa những đổ vỡ nguy nàn, với quốc dân Nhật thì quân đội là một niềm tin mới.

Từ cả chục năm nay, lãnh đạo Nhật thấy là sẽ phải suy diễn điều chín của bản Hiến pháp do Mỹ viết ra để thoát dần khỏi tình trạng bị giải giới. Mục tiêu không để tái võ trang thành cường quốc quân sự như ngày xưa. Mà để có phương tiện bảo vệ nguồn cung cấp từ Đông hải qua biển Đông Nam Á, từ eo biển Malacca qua Ấn Độ dương, tới Hồng hải và eo biển Hormuz ở Trung Đông.... Bằng ngoại giao và chi phiếu, Nhật tham gia nhiều nỗ lực quốc tế với sự xuất hiện của tuần duyên có thực lực của chiến hạm viễn duyên tại Đông Nam Á. Chính thức chỉ là để tiễu trừ hải tặc hay cứu trợ nhân đạo mà thôi.

Bây giờ, thiên tai và sức yểm trợ của quân đội sẽ càng đẩy mạnh xu hướng tăng cường vai trò quân sự đã manh nha từ nhiều năm trước. Chúng ta không vội kết luận rằng Nhật sẽ quay về giải pháp chiến tranh hoặc khuynh hướng quân phiệt sẽ thắng trong hệ thống chính trị, nhưng nên chú ý tới một yếu tố tâm lý mới: với dân Nhật, quân đội hết là vấn đề mà có thể là giải pháp.

Thêm một chuyện đáng lo cho các đấng con trời đỏ tại Bắc Kinh.


***


Đáng chú ý hơn cả là phản ứng của dân Nhật với đồng minh chiến lược là Hoa Kỳ.

Sau Thế chiến II, Nhật chọn giải pháp ngoại thương để phát triển dưới sự bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ. Cho nên quân đội chỉ là lực lượng phòng vệ và bán hàng cho Mỹ là quy luật. Khi ấy, trong gần nửa thế kỷ của Chiến tranh Hoa Kỳ cần neo Nhật vào hệ thống an ninh của mình tại Đông Á để ngăn ngừa Liên Xô khỏi tràn qua Thái bình dương. Nhật được áp dụng chế độ bảo hộ ngoại thương vì cũng làm nhiệm vụ canh cửa Đông Á cho Hoa Kỳ.

Khi Liên Xô bắt đầu suy sụp, nhu cầu đó của Hoa Kỳ giảm dần. Mỹ bắt đầu gây sức ép về cải tổ kinh tế, ngoại thương và hối đoái. Một hậu quả kinh tế của sức ép chính trị này là bong bóng đầu tư tại Nhật. Năm 1991, khi Liên Xô tan rã thì cũng là lúc bóng bể, mở đầu cho hai thập niên sa sút của Nhật.

Trong hai chục năm đó, quan hệ Mỹ-Nhật trải qua nhiều sóng gió, điển hình là cuộc tranh luận về các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Nhật, Okinawa là một thí dụ. Thiên tai vừa qua càng phơi bày những dị biệt giữa hai nước về hồ sơ phóng xạ.

Vì nhu cầu chính trị nội bộ, Hoa Kỳ báo động trước tiên về nguy cơ phóng xạ tại Nhật và than phiền Chính quyền Nhật là không nói hết sự thật về tai nạn nguyên tử Fukushima. Điều ấy không sai vì Nhật sợ dân chúng hốt hoảng. Ngược lại, Nhật Bản cũng thấy rằng Mỹ không thật lòng làm hết để giúp đỡ trong cơn hoạn nạn mà chỉ gây thêm vấn đề cho mình. Thậm chí đơn phương điều tra về nguy cơ phóng xạ Nhật Bản mà không chia sẻ các thông tin cần thiết.

Dân Nhật thì rất hiểu tâm lý "khi đồng minh tháo chạy" của nước Mỹ. Khi có vấn đề, Hoa Kỳ ưu tiên cho lo cho mình và coi thường đồng minh. Ngay giữa một cơn khủng hoảng mà người Nhật cho là nguy kịch nhất kể từ Thế chiến II, Mỹ lại cùng các đồng minh Âu Châu mở chiến dịch can thiệp vào Libya và gây thêm khó khăn về năng lượng cho Nhật Bản!

Vì vậy, quan hệ Mỹ-Nhật đang bị phóng xạ. Và điều ấy cũng ảnh hưởng tới an ninh của Đông Á.

Hậu quả kinh tế của thiên tai thì có thể thấy ra trong một vài năm, hậu quả chính trị và an ninh thì phải chờ đợi lâu hơn. Vì sẽ là những chuyển động ngầm.... như một sự xê dịch chậm rãi của các tầng địa chất có thể bất ngờ gây địa chấn sau này...

Tổng số lượt xem trang