AFP PHOTO Một cư dân Nhật nhìn vào
ngôi nhà bị phá hủy vì sóng thần ở
thành phố Rikuzentakata, hôm 22 tháng 3
năm 2011.
ngôi nhà bị phá hủy vì sóng thần ở
thành phố Rikuzentakata, hôm 22 tháng 3
năm 2011.
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 2011-03-23
"Không sợ dầu bằng sợ Nhật!..."
Mươi ngày sau cơn địa chấn Nhật Bản, thế giới lại nín thở theo dõi các biến cố quân sự dồn dập tại khu vực Trung Đông Bắc Phi khiến giá dầu thô lên quá trăm bạc một thùng. Trong hoàn cảnh đầy bất trắc đó, kinh tế thế giới sẽ xoay trở ra sao? Diễn đàn Kinh tế nêu vấn đề với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa và ông đưa ra những phân tích đáng chú ý về đoản kỳ và trường kỳ, về hậu quả trước mắt và ảnh hưởng lâu dài. Xin kính mời quý thính giả theo dõi phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây...
Giá dầu ảnh hưởng giá lương thực
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong kỳ trước vào ngày 16 tháng Ba, nói về những dư chấn của nạn động đất rồi sóng thần và khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản, ông có nêu ý kiến là mọi sự vẫn còn quá sớm để phân tích hậu quả và còn có ý đề nghị là truyền thông chúng ta nên thận trọng để khỏi gây thêm hốt hoảng. Hôm Thứ Hai 21 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo cập nhật về kinh tế Đông Á, trong đó có một lượng định không đến nỗi bi quan về hậu quả của thiên tai Nhật Bản. Nhưng, cùng lúc đó thì bom đạn đã lại rền vang tại khu vực Trung Đông Bắc Phi là nơi cung cấp một mặt hàng chiến lược cho thế giới là dầu thô. Thưa ông, trước những biến động dồn dập như vậy thế giới sẽ xoay trở ra sao về kinh tế?
Khủng hoảng chính trị và cả xung đột quân sự lại xảy ra tại đây nên năm nay giá dầu thô sẽ trở thành vấn đề và gây họa cho các quốc gia phải nhập xăng dầu.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: -Tôi xin đề nghị là chúng ta cùng phân tích những biến cố này nhưng đặt lại trong viễn cảnh gần và xa. Riêng tôi thì lại cho rằng chúng ta đang chứng kiến trước mắt những chuyển động có thể ảnh hưởng đến toàn cầu trong cả chục năm tới.
- Trước hết, thuần về kinh tế thì vụ khủng hoảng tại Trung Đông bùng nổ vào lúc bất lợi nhất vì kinh tế toàn cầu vừa ra khỏi mấy năm suy trầm nên có số cầu khá căng về năng lượng, trước hết là dầu khí, khiến giá dầu sẽ lên tới đỉnh khá cao. Khủng hoảng chính trị và cả xung đột quân sự lại xảy ra tại đây nên năm nay giá dầu thô sẽ trở thành vấn đề và gây họa cho các quốc gia phải nhập xăng dầu. Lạm phát lại có cơ bùng nổ vì giá dầu sẽ tác động tới giá thương phẩm và lương thực. Đây là một điều cực nguy cho Việt Nam, vốn dĩ đang cố gắng kềm hãm lạm phát giữa một cơn khủng hoảng về giá vàng và đô la. Nhưng nhìn về lâu dài, những gì đang xảy ra tại Nhật Bản mới là biến cố có thể xoay chuyển tình hình thế giới qua một hướng khác, có ảnh hưởng tới cả chục năm nữa. Nói vắn tắt thì tôi không sợ dầu bằng sợ Nhật!
Vũ Hoàng: Chúng tôi thường thấy rằng ông hay nêu ra những nghịch lý bất ngờ, nhưng khi nói rằng ông không sợ dầu bằng sợ Nhật thì có lẽ đấy là chuyện bất ngờ nhất! Thưa ông, Ngân hàng Thế giới chẳng mới đưa ra một báo cáo dù sao vẫn có vẻ lạc quan về hiệu ứng Nhật Bản đối với kinh tế thế giới cơ mà? Hẳn là ông có đọc báo cáo đó rồi chứ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng có đọc và cũng biết là công chức quốc tế tới kỳ hạn thì cập nhật một số thống kê và kết quả khảo sát. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới được soạn theo tiến trình đó và sắp hoàn tất thì mới có vụ thiên tai 3-11 tại Nhật, là động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân vào tháng Ba năm 2011. Cho nên thực tế ra, định chế này và cả chính quyền Nhật vẫn chưa thể nắm vững tình hình. Tôi xin được nêu một thí dụ cụ thể để mình rõ.
Khói đen từ lò phản ứng thứ ba của nhà máy điện hạt nhân Tepco Fukushima hôm 23 tháng 3 năm 2011. AFP PHOTO / TEPCO VIA JIJI PRESS.
- Số là mỗi ba tháng, Ngân hàng Trung ương Nhật lại thu thập dữ kiện kinh tế và mức tin tưởng của giới sản xuất qua bản vấn lục họ gửi các doanh nghiệp. Đó là Tankan hay "Đoản Quán", loại thông tin kinh tế đoản kỳ, có ảnh hưởng đến thị trường và chánh sách và rất nên tham khảo nếu ta muốn theo dõi kinh tế Nhật, Á Châu và toàn cầu. Hôm 11 là hạn cuối mà doanh nghiệp phải nộp bản trả lời về tình hình ba tháng đầu năm và dự báo về ba tháng trước mặt. Thế rồi chính hôm đó, Nhật lại bị động đất và sóng thần rồi khủng hoảng nguyên tử! Cho nên mọi khảo sát doanh nghiệp trước đó của Nhật đều lỗi thời. Chúng ta phải chờ ba tháng nữa, may ra thì biết được hậu quả kinh tế của thiên tai và sau đó là kết quả của nỗ lực cứu trợ rồi tái thiết. Nhưng chờ sao được khi trái đất vẫn quay và con người vẫn phải lấy những quyết định tức thời?
- Người ta phải tiếp tục và phỏng đoán xem phần đóng góp và sa sút của Nhật trong cả chu trình cung ứng toàn cầu sẽ ảnh hưởng ra sao tới sinh hoạt kinh tế xứ khác? Cụ thể là Nhật bán những cơ phận gì cho ai, và nếu việc sản xuất các cơ phận ấy mà bị gián đoạn vì thiên tai hay năng lượng thì các công ty hay quốc gia khác bị ảnh hưởng ra sao. Một thí dụ khác là Nhật cho ai vay tiền thì khi tiền Nhật lên hay xuống giá vì hậu quả của thiên tai, những ai sẽ bị ảnh hưởng nhất? Sau Thái Lan, Việt Nam là nuớc mắc nợ bằng tiền Nhật nhiều nhất Đông Á nên sẽ bị vạ lây!
Hiệu ứng Nhật Bản
Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu chuỗi lý luận của ông và đến tháng Sáu này, ta sẽ trở lại các dữ kiện Tankan Nhật Bản, khi mọi sự lắng đọng và con người đã ra khỏi sự hốt hoảng mà lần trước ông đã cảnh báo. Quả thật là sự hốt hoảng đã làm thị trường chứng khoán ở rất xa là Hoa Kỳ cũng mất giá mấy ngày - tức là mất mấy trăm tỷ oan uổng - rồi mới phục hồi. Bây giờ, chúng ta bước qua phần chính mà chúng tôi rất thắc mắc. Đó là vì sao ông nghĩ rằng hậu quả của trận thiên tai vừa qua tại Nhật sẽ có ảnh hưởng đến toàn thế giới nên ông sợ dầu hơn sợ Nhật?
Khi tiền Nhật lên hay xuống giá vì hậu quả của thiên tai, những ai sẽ bị ảnh hưởng nhất? Sau Thái Lan, Việt Nam là nước mắc nợ bằng tiền Nhật nhiều nhất Đông Á nên sẽ bị vạ lây!
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nhật là quốc gia ở cực Bắc của Đông Á. Đông Á có diện tích bằng phân nửa thế giới, là nơi sinh sống của 60% dân số địa cầu mà cũng là nơi bị tới hơn 70% tổng số thiên tai của nhân loại. Vì vị trí địa dư, Nhật thường xuyên lãnh họa nên ta tưởng là dân tộc này đã thành chai lỳ nhờ sức chịu đựng cao. Thế rồi họ vừa bị một cơn địa chấn nặng nhất lịch sử, thuộc loại nặng thứ tư hay thứ năm của nhân loại. Đó là một biến cố đáng nhớ.
- Nhưng dân Nhật, còn có thể nêu câu hỏi sâu xa hơn về tương lai của quốc gia và dân tộc và về thái độ hốt hoảng đến vô trách nhiệm của thế giới khi ai ai cũng sợ phóng xạ và nói đến Nhật thì chỉ lo cho sự an toàn của mình. Chống hay ủng hộ năng lượng hạt nhân đều là có lý do chính đáng, nhưng phải nói có cơ sở chứ hốt hoảng nói nhảm vào chuyện Nhật như truyền thông Mỹ là sự ấu trĩ dại dột khi dân tộc duy nhất bị bom nguyên tử lại là dân Nhật. Mà là bom nguyên tử của Mỹ! Tôi e là thiên tai vừa đánh thức những bản năng sâu kín của dân Nhật. Đó là lý do vì sao ta phải khâm phục mà nên để ý tới dân Nhật! Khi Thủ tướng Naoto Kan nói rằng Nhật bị một trận khủng hoảng chưa từng thấy kể từ Thế chiến II, ông ta không nói theo lối ẩn dụ.
Vũ Hoàng: Ông cho là từ biến cố này, Nhật có thể thay đổi và điều ấy sẽ ảnh hưởng tới thế giới?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nói cho văn hoa để đỡ nhức đầu thì như tên gọi, Nhật Bản là nơi xuất phát mặt trời. Dân Nhật tự xưng là con cháu Thái dương Thần nữ và cho loài người hai chữ thông dụng: Thần phong Kamikaze và Sóng thần Tsunami. Bây giờ, con cháu của nữ thần mặt trời bị kẹt giữa sóng và gió. Họ xoay chuyển ra sao thì thế giới nên biết...
- Nói cho cụ thể thì xứ này là quần đảo gồm bốn đảo lớn giữa 6.800 đảo nhỏ ở khá xa trên vùng cực Bắc của đại lục Á châu. Có diện tích là 378 ngàn cây số vuông - hơn Việt Nam một chút - mà ba phần tư lại là núi, và núi lửa, với thác ghềnh và vực sâu chia cắt thành từng khu vực nhỏ, nên Nhật là nước nghèo. Nơi sinh sống của gần phân nửa dân số là ba đồng bằng chật chội chỉ có 6% diện tích toàn quốc. Cả nước chỉ canh tác được trên từng thửa đất nhỏ, tổng cộng có 12% diện tích quốc gia. Dân Nhật chăm bón ruộng nương với nghệ thuật trồng bonsai, bồn tài cây kiểng, và hiểu chữ "tấc đất tất vàng" theo nghĩa đen. Họ biến xứ sở nghèo khốn thành cường quốc là nhờ ý chí xuất chúng của họ. Hãy nghĩ đến đồng bào miền Trung của chúng ta: nếu từ Thanh Hoá tới Bình Định lại bị quăng ra biển giữa một vùng toàn núi lửa, thì một là chết, hai là thành anh hùng!
Vũ Hoàng: Nghĩa là ông bắt đầu bằng địa dư hình thể để giải thích văn hóa và ý chí dân tộc. Thế rồi bản năng sinh tồn đó mới dẫn tới sức mạnh ngày nay có phải không?
Người Nhật có cảm giác là họ không làm chủ được tương lai nữa. Sau hai chục năm suy trầm rồi bị chấn động, họ sẽ xoay chuyển và khá đột ngột.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Là quần đảo xa xôi, người Nhật thường xoay trở giữa hai nhu cầu tôi xin tạm gọi là "hướng nội" - là tự cô lập với bên ngoài để bảo vệ bản sắc - và "hướng ngoại" là nhoài ra ngoài để học hỏi thiên hạ hầu cải thiện cuộc sống trên một lãnh thổ không có tài nguyên. Mỗi lần Nhật xoay trở giữa hai nhu cầu nội ngoại như vậy là đại dương lại nổi sóng. Mà họ suy ngẫm rất lâu, rất chậm, rồi xoay trở khá đột ngột, ít khi báo trước. Sóng thần có thể bất thần ụp vào, hay tràn ra, và gây họa cho thiên hạ! Dân ta còn dăm ba người nhớ đến trận đói năm Ất Dậu 1945, cũng do Nhật Bản có phần đóng góp...
- Nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì ta thấy là sau cả ngàn năm xoay trở như vậy, lãnh đạo Nhật Bản dần dần xác định ra các mục tiêu sinh tử cho dân tộc.
Sự xoay chuyển đột ngột
Vũ Hoàng: Thưa các mục tiêu ấy là gì mà ông cho là lãnh đạo nào của Nhật cũng theo đuổi?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ai lên lãnh đạo cũng phải tập trung kiểm soát quyền lực trung ương trên một lãnh thổ bị địa dư chia cắt và địa chấn rung chuyển. Thứ hai, phải giành được chủ quyền trên các đảo nhỏ trên vùng ngoại vi ở ngoài khơi. Thứ ba là kiểm soát được mọi ngả đường mà lục địa bên trong có thể tiến vào quần đảo của họ, từ các đảo Kuril phía Bắc đến Sakhalin bên cạnh nước Nga, từ bán đảo Triều Tiên đến đảo Đài Loan. Sau cùng, là phải đảm bảo được nguồn cung cấp tài nguyên, lương thực và nhân lực từ các khu vực xa hơn, như Tây Bá Lợi Á, Mãn Châu, Trung Quốc, Đông Dương và toàn vùng Đông Nam Á....
Vũ Hoàng: Ông cho là lãnh đạo Nhật Bản ý thức được yêu cầu sinh tử đó, nhưng họ tiến hành ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Họ có hai phương thức là 1) thương mại hoặc 2) quân sự.
- Trong 150 năm qua, Nhật luân phiên áp dụng giải pháp chinh chiến để chiếm đoạt hay kinh doanh để đổi chác.... Ngay cả khi đổi chác bây giờ, họ cũng là doanh gia văn minh, lịch sự mà khắc nghiệt, với kỷ luật chẳng thua kém các sĩ quan viễn chinh thời xưa. Dân tộc này vĩ đại trong cách cư xử với nhau, mà cũng dữ dội khi giao tiếp với bên ngoài. Tất cả chỉ vì lẽ tồn vong, nhất là khi dân số bị lão hóa cứ co cụm dần: vài chục năm nữa, Nhật sẽ có dân số bằng với Việt Nam.
Máy bay F18 của Canada tham gia chiến dịch quốc tế tại Libya ngày 22 tháng 3 năm 2011. AFP PHOTO / ALBERTO PIZZOLI.
- Nhớ lại thì nửa thế kỷ liền, từ 1895 đến 1945, Nhật Bản lần lượt áp dụng giải pháp quân sự với Đế quốc Nga, nhà Mãn Thanh, Vương quốc Cao Ly và toàn cõi Đông Nam Á rồi đụng nặng với siêu cường Thái bình dương nằm ngoài châu Á là Hoa Kỳ trong Thế chiến II. Từ đó, Nhật theo giải pháp kinh tế tự do và chính trị dân chủ, với sức mạnh của các tập đoàn kereitsu - ấn bản thời bình của các zaibatsu thời chiến - rồi bành trướng thế lực kinh tế trước tiên cũng tại những nơi xưa kia đã từng bị quân phiệt Nhật chiếm đóng: Nam Hàn, Đài Loan, Hong Kong, Đông Nam Á....
- Nghĩa là Nhật Bản thực hiện chủ trương năm xưa, là xây dựng "Vùng Thịnh vượng Đại Đông Á", với tấm chi phiếu thay cho viên đạn. Ngẫm lại thì chủ trương "quật khởi hòa bình" ngày nay của Trung Quốc chỉ là chiến lược Đại Đông Á năm xưa của Nhật, nhưng với "màu sắc Trung Hoa", tức là dùng cả tấm chi phiếu lẫn viên đạn... Đó là điều Nhật Bản rất quan ngại, cho đến thiên tai năm nay!
Vũ Hoàng: Chúng ta đi tới khúc hồi hộp nhất của câu chuyện. Ông cho là thiên tai năm nay có thể làm Nhật Bản thay đổi?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hai chục năm qua, Nhật bị suy trầm sáu đợt mà dân Nhật thắt lưng buộc bụng cho nhà nước vay tiền để tăng chi hầu khỏi bị thất nghiệp theo tinh thần "rau cháo có nhau". Họ cần năng lượng để chế biến, và nhập dầu khí tới 60%, chủ yếu từ Trung Đông, và tự túc được gần một phần ba năng lượng nhờ kỹ thuật hạt nhân dù sao cũng thuộc loại tiên tiến nhất, đã từng vượt qua nhiều cơn địa chấn. Bây giờ cả thế giới báo động về nguy cơ phóng xạ Nhật Bản!
- Có ai trực tiếp kinh qua kinh nghiệm phóng xạ nguyên tử bằng họ? Nếu có phóng xạ thì dân Nhật sẽ chết trước tiên! Dân Nhật đang cố giải quyết việc đó thì loài người yên bình ở xa cứ báo động là nên tránh không chỉ khu vực Tohoku bị thiên tai mà phải lập tức rời khỏi thủ đô Tokyo! Đúng lúc đó, bom rơi đạn nổ tại Lybia vì một Nghị quyết của Liên hiệp quốc càng khiến người Nhật có cảm giác là họ không làm chủ được tương lai nữa. Sau hai chục năm suy trầm rồi bị chấn động, họ sẽ xoay chuyển và xoay chuyển khá đột ngột. Khi ấy, ta nên nhớ một phần là vì sự hốt hoảng và vô tâm của thế giới. Vì vậy tôi mới nói là rất đáng ngại!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa và sẽ có ngày chúng ta trở lại đề tài này.