Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Sinh viên biểu tình tại Trung Quốc

-Sinh viên biểu tình tại Trung Quốc(Nguyễn Xuân Nghĩa)500 sinh viên biểu tình tại Đại học Công nghiệp Tây-Bắc....
    Năm 2003 hàng ngàn sinh viên đã biểu tình tại Tây An - Ảnh Getty Images

Chiều ngày 20 tháng Ba, khi cả thế giới còn theo dõi việc liên quân Tây phương tấn công vào Libya, khoảng 500 sinh viên Trung Quốc đã biểu tình thầm lặng tại Đại học Công nghiệp Tây Bắc trong thủ phủ Tây An của tỉnh Thiểm Tây. Nguồn tin là từ nhật báo Apple Daily (Tần quả Nhật báo) xuất bản tại Hong Kong.

Tây Bắc Công nghiệp Đại học là một đại học lâu đời và nổi tiếng của Trung Quốc, hiện hữu trước khi Cộng sản làm chủ Hoa lục. Nơi đây, nhiều ngàn sinh viên cũng đã từng biểu tình vào năm 2003 mà ít được dư luận bên ngoài để ý. Lần này, cuộc biểu tình và thời điểm - ngày 20 - lại trùng hợp với lời kêu gọi trên mạng của một nhóm khuyết danh: là sinh viên của 20 đại học cùng tiến hành đợt biểu tình thứ năm. Nơi gặp nhau là trước thư viện của trường.

Tuy nhiên, trong danh sách 20 đại học này không có tên trường Tây Bắc Công nghiệp! Vậy mà vẫn có 500 sinh viên lặng lẽ tụ tập. Ai kêu gọi, ai hưởng ứng? 

Cho đến nay, thế giới ít chú ý tới các cuộc biểu tình này tại Trung Quốc. Nhưng sự kiện rất đáng quan tâm là vẫn có người biểu tình và lời kêu gọi biểu tình lại lan vào các đại học, rồi cũng có sinh viên hưởng ứng. Tây Bắc Công nghiệp có hai vạn sinh viên trong 13 phân khoa và là Đại học thuộc hệ thống quản lý của trung ương để đào tạo các kỹ sư công nghiệp. Bỗng dưng 500 sinh viên lại lặng lẽ xuất hiện vào hai giờ trưa ngày 20 là sự kiện lạ. 

Những người kêu gọi biểu tình đang vận động thành phần ưu tú của tuổi trẻ... Và có người lặng lẽ trả lời.

Lãnh đạo Bắc Kinh là những người thuộc sử. 

Họ không quên sự tham gia của sinh viên vào cuộc "Vận động Ngũ Tứ", ngày bốn tháng Năm năm 1919, nhằm phản đối Hòa ước Versailles và tạo ra những chuyển biến có lợi cho chủ nghĩa cộng sản tại Trung Quốc. Họ cũng không quên là đảng Cộng sản đã phát động cuộc biểu tình của sinh viên, gọi là Phong trào 12 Tháng Chạp, vào năm 1935 để đòi hỏi Chính quyền Quốc dân đảng chuẩn bị đối phó với nguy cơ xâm lăng của Phát xít Nhật. Lần sau cùng vào năm 1989, phong trào quần chúng chống đối tham nhũng và lạm phát đã dẫn tới sự tham gia của thanh niên sinh viên và chuyển thành phong trào đấu tranh cho dân chủ.

Mà trong lịch sử cận đại, sinh viên Tây Bắc Công nghiệp nổi tiếng là có tinh thần ái quốc vì đã từng tham gia biểu tình chống Nhật! Bây giờ, họ biểu tình chống ai, đòi hỏi cái gì?

Từ cả tháng nay, đảng Cộng sản đã huy động cảnh sát võ trang tiến vào các trường đại học mỗi Chủ Nhật, kể từ khi có cuộc biểu tình đầu tiên vào ngày 20 tháng Hai. Lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ ngòi nổ trong các đại học nên không hề coi thường, vì vậy lực lượng công an thường đông hơn người biểu tình trong khuôn viên đại học.

Bên trong các đại học, đảng cũng có nhân sự để đoàn ngũ hóa và kiểm soát sinh viên, đó là Đoàn Thanh niên Cộng sản với các chi bộ tỏa rộng trong từng phân khoa, xuống từng lớp, hoạt động song song cùng các hiệp hội sinh viên cũng do đoàn Thanh niên lập ra và kiểm soát. Khi đi học, sinh viên mà tham gia vào các đoàn thể hay cơ sở này của đảng thì có điều kiện thăng tiến dễ dàng hơn. Sau này còn có thể gia nhập đảng - và thăng quan tiến chức. Những lãnh tụ như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hoặc Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường - Thủ tướng sau này - đều xuất thân từ Thành đoàn mà lên.

Vì vậy, hệ thống kiểm soát theo kiểu âm nhu là Thành đoàn đi cùng bạo lực là công an võ trang có thể khép kín tầm nhìn của sinh viên: con đường tiến thân là theo đảng. Chống đối như trong vụ Thiên an môn năm 1989 chỉ là vô vọng, và dẫn tới thảm sát. Đa số thanh niên thời nay trở thành "thực tiễn" hơn, nghĩa là đã bị khuất phục và chỉ còn nghĩ tới quyền lợi thiết thực của mình cho mình.

Vậy mà đảng vẫn chưa yên tâm. 

Sau vụ thảm sát Thiên an môn năm 1989, các tay lý luận trong đảng đã phát huy một số tư tưởng gọi là "Tân Tả", lý luận tả khuynh mới, nhằm giải thích lại biến cố để đề cao sự ổn định. Và xuyên tạc mọi ý nguyện tự do dân chủ là âm mưu "diễn biến hoà bình" của bọn xấu nước ngoài nhằm gây hỗn loạn để làm suy yếu Trung Quốc.

Nghĩa là thành phần ưu tú của thanh niên Trung Quốc bị đoàn ngũ hóa khi đi học, bị kiểm soát khi có tư tưởng vọng động, chỉ nhìn thấy quyền lợi của mình là chính, và quyền lợi đó đi cùng quyền lợi của đảng: gìn giữ sự ổn định là yêu nước.

Vậy mà vẫn có sinh viên biểu tình!

Tại sao? Vì họ còn khát khao một điều gì đó cao xa hơn? Chúng ta nên theo dõi chuyện này, nhất là ở các đại học "nội địa" không thuộc hai trung tâm uy tín nhất là Bắc Kinh và Thượng Hải, lò đào tạo nhân tài cho đảng.
 
-Giới trung lưu châu Á nổi lên ngoạn mục(TVN) -Nhiều chuyên gia kinh tế vẫn còn hoài nghi về ý tưởng cho rằng Trung Quốc, hay một nền kinh tế mới nổi nào khác ở châu Á, có thể chuyển một tầng lớp tiêu dùng lớn từ chỗ chủ yếu là người nghèo, lên một tầm đỉnh của kim tự tháp xã hội. Nhưng mối hoài nghi này đang bắt đầu nhạt dần.-Ai là “nạn nhân thực sự” của sự mất cân bằng toàn cầu?China Daily

Tổng số lượt xem trang