Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Tâm Chấn Động (Nguyễn Xuân Nghĩa)

-Tâm Chấn ĐộngNguyễn Xuân Nghĩa - Việt Tribune (San Jose) ngày 20110318  

Biến cố Nhật Bản và vụ khủng hoảng thứ tư của thế kỷ 21
 

    Godzilla dưới biển đang ngoi lên....


Cách đây hơn nửa thế kỷ - cùng thời với Genève 54 của Việt Nam ta - người Nhật phát minh ra một con "quái thú" (chữ của họ) cho loại truyện giả tưởng về thảm họa. Con thú có tên Godzilla và cứ theo nguyên ngữ thì là  quái vậtnửa đười ươi khỉ đột nửa... cá kình cá voi. Từ đấy, Godzilla trở thành biểu tượng của tai họa trong nhiều bộ phim rẻ tiền của Nhật làm chúng ta phì cười.
Cách đây một tuần, chiều Thứ Sáu 11, Tháng ba, Nhật Bản lãnh một trận thiên tai cũng mang hai dạng quái đản.

Một cơn địa chấn với cường độ 9,0 trên địa chấn kế Richter, nhồi theo một chuỗi sóng thần cao hơn chục thước. Khu vực bị nạn là vùng Đông-Bắc gọi là Tohoku. Tâm chấn nằm ngoài biển, cách thủ phủ Sendai - Tiên Đài, cái tên thật đẹp - của tỉnh Miyagi chưa tới 80 cây số và cách Fukushima khoảng 130 cây số, nhưng dọng mạnh vào cả ba tỉnh miền Đông, từ Miyagi xuống Fukushima tới Ibaraki phía Nam. Và sóng thần quét sâu vào đất liền hơn một chục cây số, tàn phá vùng duyên hải còn nặng hơn địa chấn.

Người ta gọi đó là thiên tai Tohoku hay Sendai. Cho dễ nhớ, người viết xin gọi đó là "Vụ 3-11 của Nhật": tai họa tháng Ba năm 2011, trên ba tỉnh của Nhật và thể hiện dưới ba dạng tàn phá: động đất, sóng thần và... nguyên tử.

Chỉ vì nơi đây có ba trung tâm điện năng chạy bằng nguyên tử. Nói cho đúng hơn, bằng hạch tâm hay hạt nhân vì không phải là atomic mà nuclear. Đó là từ Bắc xuống Nam, Onagawa trong tỉnh Miyagi và Fukushima Daiichi (Đệ nhất) cùng Fukushima Daini (Đệ nhị) tại thủ phủ Fukushima của tỉnh Fukushima (có tên mỹ miều là Phúc Đảo).

Bị nặng nhất là Fukushima Daiichi, một trung tâm có sáu lò phản ứng hạch tâm.

Khi có địa chấn thì các nhà máy tự động tắt, nhưng sóng thần ụp xuống phá hủy hệ thống cung cấp điện có chức năng bảo vệ sự an toàn của nhà máy. Chức năng đó là lập tức làm nguội các thanh uranium trong tim lò phản ứng. Qua bốn lớp bao bọc từ trong ra ngoài, mỗi lớp lại có khả năng riêng, nếu tim lò hoặc nói văn hoa là "tâm lô" mà không kịp nguội thì lõi uranium bên trong cùng có thể bị tiêu chảy. Và gây tai họa như bom nguyên tử.

Điều ấy chưa xảy ra, nhưng mỗi lớp bọc ngoài mà cháy, hay nổ, là thế giới lại thất kinh và theo dõi tin tức từng phút, từng giờ việc chống đỡ để làm nguội lò, bằng phun nước biển hay hoá chất làm lạnh, v.v... Người ta báo động về tai họa hạt nhân bị dung hủy, tiêu tán thành nước, tại Nhật Bản - nghĩa là một vụ atomic meltdown - và nói đến nguy cơ phóng xạ lan rộng ra mọi nơi....

Người ta cũng nêu câu hỏi, rằng vì sao Nhật không xây lò hạch tâm kiên cố hơn khi đã biết rằng lãnh thổ thường bị động đất?

Theo truyền thống, dân Mỹ lạc quan về mọi chuyện lại hốt hoảng trước tiên và để khỏi bị đổ lỗi là bất cẩn, thiếu trách nhiệm, chính quyền lập tức báo động cho dân Mỹ tại Nhật và ở nhà về nguy cơ phóng xạ. Truyền thông làm nốt nhiệm vụ còn lại là gây sợ hãi! Phóng xạ có thể vượt biển Thái bình vào tới Hawaii, Alaska hay miền Tây nước Mỹ!

Cổ phiếu tổ hợp G.E. của Mỹ liền sụt giá nặng vì là doanh nghiệp thiết kế cả sáu lò tại trung tâm Daiichi! Thủ phạm đây rồi....

Ít ai chú ý đến sự kiện là một trong sáu lò đã hoạt động từ 40 năm nay mà không có vấn đề sau nhiều lần động đất và còn hai tuần nữa thì sẽ ngưng để kiểm lại. Và rằng các lò hạch tâm được xây dựng với khả năng chống lại động đất cấp 8,0 trên thang Richter. Theo thang điểm algorithmic, một trận động đất cấp 9,0 thì mạnh gấp 10 lần cấp 8,0! Và đây là một cơn địa chấn mạnh thứ năm kể từ khi loài người có phương tiện kiểm tra và ghi nhận.

Nếu vậy thì sao không xây lò an toàn cho một cơn động đất cấp 10. Hay 20 cho chắc?

Cũng theo truyền thống Mỹ, chính khách con buôn và bình luận gia thiên tả chạy theo xu hướng bảo vệ môi sinh nhảy vào ăn có: họ nói đến một vụ Chernobyl kinh hoàng như tại Ukraine trong Liên Xô cũ vào năm 1986. Nhẹ ra thì cũng như tai nạn nguyên tử Three Mile Island tại Hoa Kỳ năm 1979. Và kêu gọi chấm dứt việc khai thác năng lượng hạch tâm vì không sạch như người ta tưởng!

Đâm ra Tổng thống Barack Obama lại lãnh họa vì vừa mon men đề nghị giải pháp hạch tâm để khỏi dùng dầu khí và khỏi khai thác các trữ lượng dầu thô của Hoa Kỳ nên phải họp báo giải thích lung tung.

Xin hãy để họ ở tại đó với nỗi lo bị phóng xạ mà quay trở về Nhật Bản.


***


Hãy nói về vùng  bị họa, từ tâm chấn ra tới bên ngoài...

Nhật Bản gọi 43 tỉnh của họ là "huyện", bên trong có thủ phủ và nhiều thành phố lớn, lẫn các thị trấn hay làng.

Trong khu vực bị nạn, số thương vong có thể lên tới hơn một vạn vì nhiều làng bị sóng thần quét ra biển và đường xá đều bị bóc sạch nên gây trở ngại cho việc cấp cứu và kiểm tra tổn thất nhân mạng. Họ rất thận trọng và kỹ lưỡng khi đếm xác và ước lượng số người mất tích nên vài năm nữa thì mới biết bao nhiêu người thiệt mạng. Phải 10 năm sau trận động đất Kobe năm 1995 Nhật Bản mới có con số tử vong chính thức....

Nhìn trong trung hạn, ba tỉnh bị nạn không là khu vực kỹ nghệ chế biến then chốt như các tỉnh dưới miền Nam hay khu vực Tokyo-Osaka. Và thật ra không cung cấp sản vật cần thiết trong một chu trình sản xuất - thí dụ như phụ tùng cho kỹ nghệ xe hơi - khiến toàn bộ hệ thống sản xuất của Nhật bị tê liệt. Sản lượng công nghiệp của khu vực bị nạn chỉ bằng 7% sản lượng toàn quốc. Tỉnh Miyagi có cung cấp chừng 20% lượng gạo, nhưng vì địa dư và thời tiết khắc nghiệt, một năm chỉ có một mùa Hè Thu nên trước mắt thì ruộng đồng không có lúa, nay đang ngập nước mặn.

Người ta chưa thể tính ra tổn thất trực tiếp và gián tiếp về kinh tế, những con số như 120 hay 180 tỷ đô la chỉ là sự đoán mò, và sẽ còn phải điều chỉnh.

Nhưng nhu cầu về năng lượng đang trở thành vấn đề cấp bách.

Nhật Bản là quốc gia quần đảo không có tài nguyên thiên nhiên và trở thành một cường quốc kỹ nghệ chủ yếu là nhờ sức người và khả năng tổ chức xuất chúng. Để lên tới trình độ ấy, Nhật phải nhập cảng hầu hết nguyên nhiên vật liệu từ bên ngoài. Về năng lượng - sản xuất điện năng cho kinh tế - Nhật lệ thuộc vào dầu khí tới hơn 60%. Năng lượng hạch tâm - tự túc và tái tạo - chiếm chừng một phần ba. Còn lại là thủy điện hay than đá.... Khi tai họa xảy ra, các lò hạch tâm ở tại chỗ đều bị thiệt hại, ở nơi khác phải tạm ngưng hoạt động để kiểm tra lại an toàn và khả năng cung cấp điện năng coi như bị gián đoạn.

Do địa dư hình thể bị chia cắt bởi núi non, khu vực nào cũng tiến dần đến tự túc về điện năng và có khả năng tồn trữ riêng để khỏi lệ thuộc vào khu vực khác. Từ khi bong bóng đầu tư bị bể 20 năm trước, kinh tế Nhật đã bị sáu trận suy trầm, và nhu cầu điện năng có giảm dần. Kết quả là nhiều khu vực nằm ngoài vùng hoạn nạn vẫn còn công xuất chưa sử dụng hết, hoặc tồn kho về dầu khí vẫn còn đủ cho yêu cầu trước mắt.

Khi thiên tai xảy ra, ngần ấy cơ sở sản xuất đều tạm ngưng hoạt động để kiểm tra thiệt hại nên nhất thời thì số cầu về dầu khí có giảm. Nhưng, khi một nguồn cung cấp năng lượng hạch tâm bị động đất và sóng thần gieo họa, tại Oganawa và nhất là Fukushima I và II, Nhật Bản sẽ cần tới dầu khí và đấy là vấn đề cho sau này.

Chúng ta cần lùi lại để nhìn toàn bộ vấn đề.


***


Nhật Bản cần nguyên nhiên vật liệu cho một nền kinh tế đứng hạng thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Tầu. Nguyên liệu thì còn có nhiều nguồn cung cấp, chứ nhiên liệu - chất đốt - thì lại tập trung ở Trung Đông, trong vùng Vịnh Ba Tư. Đó là cái "nghiệp" của nước Nhật.

Nhìn lại quá khứ, chính là việc đảm bảo nguồn cung cấp cho tiến trình công nghiệp hoá khiến Nhật muốn kiểm soát toàn khu vực Đông Á bằng quân sự, như xâm chiếm Mãn Châu rồi Trung Quốc và theo đuổi chiến lược  "Khối Thịnh vượng Đại Đông Á" dưới chế độ Phát xít. Những gì Trung Quốc đang tiến hành ngày nay dưới khẩu hiệu "quật khởi hòa bình" chỉ là chiến lược Nhật... dưới màu sắc Trung Hoa.

Khi bị Hoa Kỳ vận động Pháp và Hoà Lan phong tỏa hai nguồn cung cấp là Đông Dương và Nam Dương (Indonesia, thời ấy là thuộc địa của Hoà Lan), Nhật có sự chọn lựa: hoặc cúi đầu hoặc phản công. Họ chọn lựa giải pháp Trân Châu Cảng năm 1941, rồi lãnh bom nguyên tử của Mỹ.

Thế chiến II kết thúc và Nhật bước qua hướng khác.

Không dùng quân sự mà qua ngoại thương, Nhật Bản giao tiếp ôn hòa với cả thế giới để bảo đàm nguồn cung cấp, dưới cây dù nguyên tử của Hoa Kỳ trong gần nửa thế kỷ Chiến tranh lạnh. Và đạt thành tích ngoạn mục, quá ngoạn mục với bong bóng đầu tư căng phồng. Khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991 thì cũng là lúc bóng bể nên Nhật bị suy trầm trong 20 năm liền.

Vì đức tính khắc khổ cần kiệm và tinh thần liên đới truyền thống - rau cháo có nhau - trên một lãnh thổ có quá nhiều tai ương, Nhật không vượt khủng hoảng theo kiểu Mỹ là chấp nhận đào thải để tái sinh trong hoàn cảnh mới. Chính quyền Nhật đã đổ liên tục từ 1993 đến nay, trung bình mỗi năm một Thủ tướng, nhưng đều có một nền tảng đồng thuận là tăng chi để duy trì công ăn việc làm cho mọi người thay vì cải tổ toàn bộ nền kinh tế, trong khi dân số cứ lão hóa dần, co cụm dần....

Hai chục năm sau, và qua sáu đợt suy trầm, từ vị trí một quốc gia chủ nợ Nhật trở thành quốc gia mắc nợ.

Khoản nợ của Nhà nước lên tới 200% Tổng sản lượng nội địa GDP, nếu có trừ đi tài sản do nhà nước kiểm soát thì cũng còn nợ từ 117 đến 120% GDP. Nhưng chủ yếu là nợ người dân. Cả nước và thực tế là nguyên một thế hệ đã thắt lưng buộc bụng trong tinh thần liên đới tương thân như vậy.

Chính là hoàn cảnh khắc nghiệt đó mới khiến Nhật Bản đầu tư mạnh vào năng lượng hạch tâm dù là quốc gia duy nhất ăn bom nguyên tử. Họ chấp nhận rủi ro động đất để phần nào làm chủ vận mệnh về năng lượng. Đó là tấm lưới an toàn sau cùng trong khi vẫn lệ thuộc vào dầu khí tới 62% và sinh mệnh kinh tế của cả quốc gia nằm tại... Vịnh Ba Tư, Bán đảo Á Rập hay eo biển Hormuz, trước khi về tới eo biển Malacca ở Đông Nam Á....

Ngần ấy yết hầu đều do kẻ ném bom nguyên tử ngày xưa là Hoa Kỳ kiểm soát. Và nay lại có thêm Trung Quốc, một đối thủ cũ, đòi nhập cuộc chơi.

Trong khi chờ đợi cái ngày mà Nhật có thể phóng vệ tinh to bằng cả sân banh lên trời để lấy năng lượng mặt trời toả xuống nhà máy điện theo phương pháp vi ba - microwave - thì Nhật Bản đang bị xiết họng.

Và Nhật càng lo ngại khi biến động bùng nổ tại Trung Đông và Bắc Phi khiến cả Vịnh Ba Tư bị rung chuyển, Saudi Arabia phải cố gắng ngăn ngừa Iran khuynh đảo đến độ đem quân vào giải cứu Vương quốc Bharain....  

Thế giới chỉ lạc quan nói đến "cách mạng hoa nhài", hay cái tội của Mỹ là bao che cho độc tài, chứ không nhìn ra mối lo chiến lược của Nhật Bản. Đúng lúc ấy, Nhật lại bị vụ 3-11, còn kinh hoàng hơn vụ khủng bố 9-11 tại Mỹ năm 2011. Đó là bài toán của Nhật Bản ngày nay.

So với sự hốt hoảng ấu trĩ tại Hoa Kỳ, vấn đề của Nhật còn sinh tử hơn nhiều. 

Sau khi bấm bụng tái thiết, người dân và lãnh đạo Nhật Bản sẽ phải tự hỏi là toàn bộ hệ thống tổ chức xã hội và chiến lược đối ngoại theo đuổi từ 65 năm nay có còn giá trị không? Thế rồi, khi họ đang chịu những hiểm tai cùng cực để cứu vớt lẫn nhau mà các đồng minh cố cựu như Hoa Kỳ và Âu Châu liên tiếp báo động về phóng xạ, kêu gọi kiều dân xa lánh vùng bị nạn, thậm chí ra khỏi Tokyo, người Nhật nghĩ sao? Đồng minh đang đổ dầu vào lửa hoặc hô hoán cho mọi người dẫm đạp lên nhau mà chết!

Chúng ta không nên coi thường phản ứng bất ngờ của một dân tộc có sức tự chế rất cao, nhưng cũng có những bản năng đáng sợ.


***


Nhìn lại thì thế kỷ 21 vừa mở ra đã lãnh ba trận động đất kinh tế chính trị toàn cầu. 

Thứ nhất là vụ khủng bố 9-11 tại Mỹ năm 2001 khiến Hoa Kỳ mở ra cuộc chiến toàn cầu và cho Iran cái thế mạnh trong cả khu vực Trung Đông trong khi cứ quay lưng lại Đông Á. Thứ nhì là khủng hoảng tài chánh tại Mỹ trong một năm tranh cử 2008 đầy hốt hoảng khiến cả thế giới bị suy trầm kinh tế 2008-2009, nặng nhất kể từ Thế chiến II tới nay. Thứ ba là khủng hoảng Trung Đông mà người ngây thơ cứ gọi là "cách mạng dân chủ", khiến dầu thô lại vượt ngưỡng trăm đồng và đe dọa một trận suy trầm toàn cầu nữa. Lãnh tụ khật khùng của Libya thật ra không điên và sau khi tàn sát cả vạn người dân thì vẫn lại là một đại gia có dầu!

Sau ba vụ kinh hoàng đó là biến cố 3-11 tại Nhật, động đất nhồi theo sóng thần và sụp lò hạch tâm. Đâm ra sóng thần Nhật Bản lại đẩy lui làn sóng dân chủ Trung Đông! Đấy là chuyện ngắn hạn.

Chuyện lâu dài là từ đổ nát đứng dậy, sau này con cháu Thái dương thần nữ sẽ quyết định ra sao về tương lai? Một câu hỏi khiến chúng ta phải rợn mình, còn kinh hơn phóng xạ.

Biết đâu chừng, động đất đang đánh thức con Godzilla ngoài Đông hải?...

Tổng số lượt xem trang