VIT - Sau 8 ngày tập trung toàn bộ lực lượng máy bay kể cả máy bay quân sự, tàu biển, tàu chiến, tàu đánh cá để di tản công dân của mình ra khỏi Libya, hôm 4/3 Trung Quốc đã hoàn tất chiến dịch chở toàn bộ 35860 người về tới nước mình.
Dư luận Trung Quốc coi đây là một thắng lợi vĩ đại, thể hiện quốc lực tổng hợp và sức mạnh quân sự to lớn của nước họ, nhiệt liệt ca ngợi chính phủ Trung Quốc sáng suốt và quyết đoán, Bộ Ngoại giao khéo tranh thủ được sự giúp đỡ của nhiều quốc gia. Báo chí viết: mấy chục năm qua, phương Tây đều dùng máy bay quân sự và tàu chiến để di tản công dân của họ ra khỏi các vùng nguy hiểm, nay Trung Quốc cũng làm như vậy, thậm chí làm tốt hơn phương Tây. Báo Mỹ và Hàn Quốc đều ca ngợi Trung Quốc di tản người nhanh, gọn, thật đúng là siêu cường. Còn Tổng thống Phillippines thì than phiền nước ông không đủ sức làm như thế, phải cử Bộ trưởng Ngoại giao sang tận Libya giải quyết chuyện rút người về.
Báo chí Trung Quốc cho rằng việc di tản này đã đạt được thành tích trên 6 mặt : 1. Coi trọng an toàn tính mạng công dân nước mình; 2. Quyết sách nhanh, tổ chức thực hiện chặt chẽ; 3. Động viên được lực lượng tất cả các ngành, kể cả quân đội; 4. Phối hợp tốt lực lượng di tản trong và ngoài nước; 5. Thứ tự ưu tiên rút người là phụ nữ trẻ em, quần chúng, đảng viên cán bộ; 6. Quân đội bảo đảm an ninh cho việc di tản.
Tuy vậy cũng có dư luận cho rằng việc Trung Quốc rút hết người từ Libya về là một thất bại chứ không phải là thắng lợi vĩ đại.
Trung Quốc rất coi trọng châu Phi; Mao Trạch Đông từng coi đây là khu vực chiến lược trọng điểm để Trung Quốc đoàn kết 3 châu Á, Phi, Mỹ La Tinh chống các siêu cường Mỹ và Liên Xô; đặc biệt Bắc Phi lại càng quan trọng vì tiếp giáp cả 3 châu Á, Âu, Phi, hơn nữa lại là vựa dầu mỏ. Kiểm soát Trung Đông, từ đó kiểm soát Bắc Phi vốn là chiến lược của Mỹ. Sau khi Mỹ diệt Iraq của Saddam Hussein, Gaddafi bắt đầu không còn chống Mỹ nữa. Năm 2007, Mỹ lập Bộ Tư lệnh Bắc Phi. Mới đây Mỹ lại đưa tàu sân bay vào Địa Trung Hải, chuẩn bị hành động quân sự đối phó Gaddafi. Mỹ còn tranh thủ lôi kéo EU cùng nhau kiểm soát nguồn dầu mỏ của Libya.
Trung Quốc từng dồn sức đầu tư vào Libya, nhờ đó Gaddafi ngày càng thân Trung Quốc. Nhưng đường lối ngoại giao của Bắc Kinh còn thiển cận, chỉ chú trọng sử dụng sức lao động rẻ tiền của nhân công Trung Quốc đưa sang Libya làm việc, kiếm tiền. Công tác ngoại giao và tình báo thất bại, không có chuẩn bị đối phó với tình huống bất ngờ. Khi Libya xảy ra bạo loạn, đã không đánh giá đúng năng lưc của Gaddafi trong việc kiểm soát nhà nước và quân đội. Vì vậy chỉ còn cách duy nhất là từ bỏ lợi ích chiến lược tại Libya, rút hết người về nước. Tuy vậy rút ra thì dễ, trở lại sẽ rất khó.
Có người cho rằng tình hình Libya hiện nay chưa phải là xấu nhất; rút hết người về tức là Trung Quốc từ bỏ lợi ích bao năm qua tại Bắc Phi, khi trở lại sẽ được gì? Trong khi đó Mỹ khôn ngoan viện cớ bảo vệ công dân của họ để đưa quân đội Mỹ áp sát Libya. Dân Libya sẽ nói khi nước chúng tôi gay go nhất thì người Trung Quốc bỏ chúng tôi. Mặt khác, dân châu Phi sẽ thay đổi thái độ với Trung Quốc.
Tóm lại, trong cuộc xung đột hiện nay tại châu Phi, lợi ích của Trung Quốc tại châu Phi bị thiệt hại nặng nhất, phương Tây đứng đầu là Mỹ được lợi nhất. Trung Quốc ít nhất đã bỏ phí mất công sức của 10 năm. Việc Trung Quốc rút thế lực của mình ra khỏi Bắc Phi là một thất bại chiến lược chứ không phải thắng lợi vĩ đại.
Nguyên Hải
Nguồn:
1. http://review.usqiaobao.com ngày 5/3/2011
2. http://www.zaobao.com ngày 5/3/2011
Nguồn tin: Usqiaobao - Zaobao