Ngày 18-3-2011
Khi màn đêm đổ xuống những ngôi làng nổi trên dòng Mekong ở Đông Nam Á, một luồng sáng yếu ớt phát ra từ bên trong hàng trăm căn lều dựng trên những cái kèo cắm vào đáy sông. Tuy ở đây chưa có điện, nhưng mọi người xem tivi từ nguồn ắc quy xe hơi, có thể sạc lại được.
Đã có kế hoạch sản xuất điện sớm. Đương đầu với việc giá nhiên liệu hóa thạch tăng cùng với những nỗi lo ngại về hiện tượng nóng lên toàn cầu, các chính phủ trên khắp khu vực này đã tăng cường nỗ lực tìm cách xóa bỏ khoảng cách chênh lệch giữa cung và cầu năng lượng trong khu vực.
Điện hạt nhân từ lâu đã được coi là một giải pháp hứa hẹn ở đây. Mặc dù ngành năng lượng hạt nhân toàn cầu trải qua một thời kỳ đen tối sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine và Three Mile Island ở Mỹ, nó vừa trở lại, thậm chí ngay vào lúc nỗi lo về môi trường đang dâng lên. Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), từ năm 2010, khoảng 65 nước không có nhà máy hạt nhân đang cân nhắc hoặc chủ động lập kế hoạch sản xuất điện hạt nhân. Hai phần ba số nhà máy hạt nhân đang được xây dựng nằm ở châu Á, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đi đầu.
Bước vào khủng hoảng hạt nhân Nhật Bản. Đột nhiên, triển vọng tăng trưởng năng lượng hạt nhân ở châu Á bị lật nhào. Hôm thứ tư (16-3), Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng việc cấp phép cho tất cả các nhà máy hạt nhân mới – chiếm khoảng 40% số dự án đã được quy hoạch trên toàn thế giới.
Câu hỏi đặt ra cho giới quan sát là có phải khủng hoảng Nhật Bản chứng tỏ một bước ngoặt hay một cú giảm tốc không. Có thể cảm thấy ý nghĩa của việc này – cả đối với ngành công nghiệp hạt nhân lẫn an ninh năng lượng và phát triển kinh tế – một cách rộng khắp trên toàn châu Á.
Kích thích tăng trưởng kinh tế
Ngày nay, năng lượng hạt nhân chiếm 16% năng lượng sản xuất toàn cầu, và OECD ước tính rằng cho tới năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng tới 22%. Đa số nhà máy nằm ở một số ít nước – Pháp, Mỹ, và Nhật sản xuất 57% công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu – nhưng tình hình đang thay đổi nhanh chóng. Năng lượng hạt nhân không phải là viên đạn thần để giải quyết nhu cầu năng lượng sạch của thế giới, nhưng ở châu Á thì nó là thành tố căn bản đối với tăng trưởng, có lẽ quan trọng hơn ở tất cả các khu vực khác.
Không như ở châu Âu – nơi một dân số tương đối đa dạng có thể sử dụng hiệu quả năng lượng mặt trời, hydro, hoặc địa nhiệt để thay thế năng lượng hạt nhân – châu Á là một thị trường đang phát triển với những vùng dân số tập trung với mật độ dày đặc, đòi hỏi những nguồn năng lượng tiết kiệm (nguyên văn: compact energy) để phục vụ hàng tỷ người dân. Chỉ riêng Việt Nam đã có 87 triệu dân – đông hơn cả Đức, nước lớn nhất trong khối EU – và rất nhiều trong số 87 triệu người đó đang vật lộn để vươn được lên tầng lớp thu nhập trung bình.
“Tôi có cảm giác các chính phủ trong khu vực không tìm thấy một giải pháp thay thế nào cho năng lượng hạt nhân, để có thể duy trì tăng trưởng kinh tế” – Tiến sĩ T.S. Gopi Rethinaraj, trường Hành chính công Lý Quang Diệu ở Singapore, nói.
Trung Quốc, với mức tiêu thụ điện năng tăng 12%/ năm, hiện có 13 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và hàng chục lò nữa đang được thi công. Nói tới vấn đề hạt nhân thì đây là quốc gia tham vọng nhất thế giới. Không rõ lệnh ngừng cấm giấy phép cho các dự án điện hạt nhân mới của Bắc Kinh sẽ kéo dài bao lâu – chính phủ cho biết trước hết họ phải tinh lọc lại các quy định về an toàn và kiểm tra tất cả các lò phản ứng hiện hành, đề phòng rủi ro tiềm ẩn.
Việc Trung Quốc tạm ngừng cấp phép mới là động thái gây ấn tượng sâu sắc nhất cho tới nay ở châu Á, mặc dù chính quyền tất cả các nước có lò phản ứng hạt nhân đang vận hành đều đã tuyên bố tiến hành kiểm tra an toàn để làm dịu bớt sự lo ngại của dư luận. Những quốc gia như Hàn Quốc và Ấn Độ, từng triển khai các chương trình hạt nhân đồ sộ để tự vệ trước các vị láng giềng thù địch, đều sử dụng tới 20 lò phản ứng để cung cấp điện hạt nhân cho khối dân số đang mở rộng không ngừng của họ.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Hàn Quốc sử dụng hạt nhân để đáp ứng 35% nhu cầu năng lượng, và có mục tiêu đưa tỷ trọng này lên 59% vào năm 2030. Ấn Độ không đến mức gần như phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân như thế, song cả hai nước đều đã có rất nhiều hợp đồng chuẩn bị thực hiện, đến nỗi mỗi nước sẽ mất kha khá tiền nếu kế hoạch bị ngừng lại. Nhất là Ấn Độ, họ vừa ký một thỏa thuận trị giá hàng tỷ đôla với Mỹ, nên gần như không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục.
Bất ổn ở Đông Nam Á
Câu chuyện hơi khác đi một chút ở Đông Nam Á, nơi các chương trình hạt nhân chỉ mới bắt đầu. Việt Nam đi xa nhất, đã ký nhiều thỏa thuận chính thức với Nhật Bản và Nga hồi đầu năm nay để xây hai lò phản ứng hạt nhân, hoàn thành trước 2025. Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ theo đuổi sự nghiệp này. Indonesia, Malaysia và Thái Lan gần đây cũng quyết định xây dựng các chương trình hạt nhân.
Khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản đã gây ra sự bất bình – vừa đúng lúc. Phong trào phản đối nổ ra ở đông bắc Thái Lan hôm thứ ba (15-3), và một số thành viên chính phủ kêu gọi hủy bỏ các chương trình hạt nhân của Thái. Malaysia cũng rơi vào tranh cãi, cựu Thủ tướng nước này đứng ra vận động cho một chính sách năng lượng phi hạt nhân.
Có lẽ quốc gia thẳng thắn nhất trong “tọa độ tranh cãi” bây giờ là Indonesia. Chính quyền Indonesia đã dành riêng 8 tỷ USD để xây hai lò phản ứng hạt nhân, và kể từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, nước này cũng đã và đang đào tạo hàng chục nhà khoa học, để chuẩn bị cho tham vọng hạt nhân của mình. Tình trạng cúp điện ở thủ đô Jakarta đang ngày một phổ biến. Than và dầu cạn kiệt dần. Nhưng Indonesia lại tọa lạc trên vùng đất “Vành đai Lửa” (nguyên văn: “Ring of Fire”) đầy nguy hiểm. Đó là nơi xảy ra nhiều động đất hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới.
Simon Tay, Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Singapore, gần đâ có viết một bài xã luận trên tờ Jakarta Post, kêu gọi hợp tác toàn khu vực để thiết lập những tiêu chuẩn về an toàn hạt nhân. “Tình hình Nhật Bản là một lời cảnh báo sâu sắc, để chúng ta phải tỏ ra bớt tự tin hơn trước rủi ro, và phải ngừng lại những tham vọng quá nguy hiểm” – Simon Tay viết. “Những nơi nhạy cảm với động đất – đặc biệt Indonesia, và cả một số tỉnh ở Trung Quốc nữa – sẽ phải sẵn sàng xem xét lại các vấn đề an toàn”.
Rõ ràng là còn quá sớm để biết chắc chắn khủng hoảng ở Nhật Bản sẽ ảnh hưởng như thế nào tới ngành công nghiệp hạt nhân. Giới hoạch định chính sách ở châu Á đã rút ra bài học từ khủng hoảng, và họ cũng nói rằng giải pháp giảm nhẹ nhất là thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy hạt nhân tương lai ở nơi cách xa những nơi dân số đông và địa hình có nứt gãy. Nước nào cũng tuyên bố là họ thiết kế ưu việt hơn lò phản ứng 40 năm tuổi của Nhật Bản, họ có hệ thống làm lạnh tự động và hệ thống máy phát điện không nằm ngang mực nước biển. Rồi thì trong chế độ kiểm tra an toàn, sẽ có việc kiểm tra động đất ở cường độ thế này hoặc cao hơn nữa.
Việc công luận gần đây quan tâm trở lại tới hạt nhân xuất phát từ những mối lo về khí hậu – những mối lo chưa hề chấm dứt. Than và các tài nguyên có thể phục hồi đã không thể đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng gia tăng của châu Á. Chính trị là một cản trở thực sự vào lúc này đối với công nghiệp hạt nhân toàn cầu, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu. Nhưng có thể tin rằng các chính phủ châu Á – đặc biệt những nước ít độ lượng với phản biện xã hội hơn phương Tây – đều sẽ “xốc tới” như đã lên kế hoạch.
Người dịch: Đan Thanh