Asia Sentinel
--Philip Dorling Ngày 28-2-2011
Theo báo cáo, các quan chức hàng đầu Trung Quốc muốn đuổi kịp kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Các quan chức hàng đầu Trung Quốc vừa tuyên bố rằng không thể có giới hạn nào đối với hoạt động mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh. Họ tuyên bố như vậy trong bối cảnh cả khu vực lo sợ rằng kho hạt nhân của Trung Quốc rồi sẽ ngang bằng Mỹ, và gây những hậu quả nghiêm trọng cho thế cân bằng chiến lược ở châu Á.
Những bản ghi âm các cuộc bàn bạc bí mật về quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc, được rò rỉ đến tay WikiLeaks và chuyển tới Asia Sentinel, tiết lộ việc các nhà ngoại giao Mỹ đã liên tiếp thất bại khi thuyết phục siêu cường đang lên ở châu Á kia minh bạch hơn về hạt nhân; và giới quan chức Trung Quốc cũng đã thừa nhận riêng rằng họ rất khao khát lợi thế quân sự, niềm khao khát ấy càng củng cố thêm sự bí mật.
Theo những điện tín ngoại giao của Mỹ, hồi tháng 6 năm 2008, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Trung tướng Mã Hiểu Thiên (Ma Xiaotian), có nói với các quan chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ rằng, sự phát triển của lực lượng hạt nhân Trung Hoa là một “thực tế bắt buộc” và “không thể có giới hạn nào cho tiến bộ kỹ thuật”.
Trung tướng Mã phản đối việc Mỹ kêu gọi Trung Quốc tiết lộ quy mô năng lực hạt nhân. Ông tuyên bố một cách trắng trợn là “(Trung Quốc) Không thể thay đổi đường lối làm kinh doanh của hàng thập kỷ nay để mà minh bạch hóa như mô hình Mỹ được”.
Mặc dù đã từng tuyên bố trong một cuộc thảo luận sâu hơn, vào tháng 7 năm 2009, rằng sức mạnh hạt nhân của Bắc Kinh “về bản chất luôn nhằm tự vệ, và Trung Quốc không bao giờ bước chân vào một cuộc chạy đua vũ trang nào”, ông Mã cũng thừa nhận: “Thẳng thắn mà nói, có những khía cạnh trong chương trình hạt nhân của Trung Quốc cũng không được minh bạch lắm”. Tuy nhiên để tối đa hóa hiệu quả của lực lượng hạt nhân, ông Mã nói đi nói lại rằng “Trung Quốc phải hạn chế sự minh bạch khi đề cập đến các cơ sở hạt nhân, bản chất của hệ thống vũ khí, và cơ cấu lực lượng của mình”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi (He Yafei) cũng phát biểu tương tự với quan chức Mỹ vào tháng 6 năm 2008 rằng minh bạch về hạt nhân là “một vấn đề nhạy cảm” và “bây giờ không phải lúc Trung Quốc cho mọi người biết chúng tôi đang có gì trong tay”. Ông nói thêm, sẽ có “một sự mở rộng tự nhiên và tất yếu” sức mạnh quân sự của Trung Quốc, và Trung Quốc “không thể chấp nhận để những nước khác hạn chế năng lực của mình”.
Các điện tín rò rỉ khác tiết lộ, Nhật Bản rất sợ kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc cuối cùng sẽ vươn lên ngang bằng với Mỹ. Tokyo đã yêu cầu Washington duy trì năng lực hạt nhân thật mạnh mẽ để ngăn cản một nước Trung Hoa “ngày càng liều lĩnh” khỏi “làm điều gì đó ngu ngốc”.
Trong các cuộc thảo luận cấp cao nhất về chính sách hạt nhân, tháng 6/2009, quan chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói với đại diện phía Mỹ là Tokyo đánh giá Trung Quốc “đang nhanh chóng phát triển năng lực hạt nhân vượt khỏi mức độ “tương đối tầm thường” hồi thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, và đang cố gắng đạt trình độ ngang bằng Nga và Mỹ”.
“Trung Quốc đang thể hiện sự tự tin mới vào năng lực quân sự của họ, và đang phô diễn rất rõ ràng sức mạnh của họ trong khu vực, đặc biệt liên quan đến quần đảo Senkaku của Nhật Bản” – Giám đốc Chương trình Hợp tác Quốc phòng Nhật-Mỹ Kiyoshi Serizawa nói với các nhà ngoại giao Mỹ. Serizawa cảnh báo, Trung Quốc “đang tiến hành từng bước một khúc dạo đầu, tiến tới ra yêu sách chủ quyền đối với quần đảo”.
Tương tự, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản cảnh báo rằng cần phải xem xét chương trình hạt nhân “phức tạp” của Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành nhiều hoạt động khác, như việc thử nghiệm phản vệ tinh năm 2007, tấn công trên mạng (hack), và tăng cường sức mạnh hải quân.
Điều phối viên cao cấp của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ Yusuke Arai nói: “Nếu Trung Quốc thấy Mỹ gặp khó khăn khi tiếp cận khu vực này, chắc chắn họ sẽ “làm điều gì đó ngu ngốc”.
Trong một cuộc trao đổi độc lập với các nhà ngoại giao Mỹ, quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ lo ngại rằng ý định đàm phán với Nga của chính quyền Obama, về việc cắt giảm mạnh lực lượng hạt nhân, có thể sẽ kích thích Trung Quốc đẩy mạnh chương trình hạt nhân của họ.
Giám đốc Văn phòng Chính sách Quốc phòng Nhật Bản – Tướng Nobushige Takamizawa – tuyên bố những bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates về chuyện Mỹ và Nga cần phải giảm bớt quy mô hạt nhân “tạo cảm giác là Mỹ coi sức mạnh hạt nhân Trung Quốc là nhỏ bé đến mức không cần phải hứa hẹn sẽ dừng chương trình lại, do đó “khuyến khích” Trung Quốc tiếp tục tăng cường vũ khí hạt nhân”. Ông Robert Gates đã phát biểu như vậy trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc tế, tổ chức năm 2009 (gọi là Đối thoại Shangri-La).
Tướng Takamizawa khẳng định: “Trước việc Nhật liên tục đề nghị Trung Quốc cắt giảm vũ khí hạt nhân, Trung Quốc và các thành viên khác trong Đối thoại Shangri-La hẳn đã hiểu những bình luận của Bộ trưởng Gates như là dấu hiệu của một khoảng cách về vị thế giữa Mỹ và Nhật Bản. Tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã tỏ ra vui mừng một cách rất chân thật trước những bình luận ấy của Bộ trưởng Gates”.
Cũng trong cuộc thảo luận đó, một quan chức quốc phòng cao cấp khác của Nhật Bản cảnh báo rằng mặc dù Trung Quốc từ lâu đã tuyên bố quan điểm về chương trình vũ khí hạt nhân là “không ra tay trước”, nhưng “chẳng chuyên gia hạt nhân nào tin đó là sự thật”.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng nhấn mạnh điều mà chính phủ Nhật coi là những đặc điểm “đáng ao ước” của năng lực tấn công bằng hạt nhân của Mỹ: “linh hoạt – tin cậy – mau chóng – có tính phân biệt và lựa chọn – tàng hình và cũng có thể hiện hình – đủ để ngăn cản người khác”.
Quan chức của cả Mỹ và Nhật Bản đều nhất trí rằng bản chất không minh bạch của chương trình hạt nhân Trung Quốc là rất phức tạp, và phía Nhật Bản nhấn mạnh: hợp tác chặt chẽ Mỹ-Nhật là “quan trọng sống còn” trước bất cứ quyết định nào của Mỹ nhằm “cắt giảm mạnh” những cuộc đối thoại với Nga về vũ khí hạt nhân.
Tòa Đại sứ Mỹ ở Tokyo báo cáo với Washington: “Nhật Bản về căn bản hoan nghênh việc Mỹ và Nga cắt giảm vũ khí hạt nhân, nhưng hai chính phủ cần ý thức được về hoạt động mở rộng và hiện đại hóa năng lực hạt nhân của Trung Quốc”. Tòa Đại sứ này cho biết thêm rằng quan chức Nhật Bản đã nhấn mạnh “nền tảng an ninh quốc gia của Nhật phụ thuộc vào mức độ đáng tin cậy của chính sách ngăn chặn mở rộng (extended deterrence) của phía Mỹ”.
Tiếp sau việc chính quyền Obama ban hành bản “Đánh giá sức mạnh hạt nhân” vào đầu năm ngoái, Mỹ và Nga đã ký một thỏa thuận mới – Hiệp ước Hạn chế Vũ khí Chiến lược – vào ngày 8/4/2010, theo đó Washington và Moscow nhất trí cắt giảm một nửa quy mô kho vũ khí hạt nhân xuống còn 1.550 đầu vũ khí hạt nhân, trong vòng 7 năm tới.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ước tính Trung Quốc hiện có tới 90 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa – gồm 66 tên lửa đạn đạo hạt nhân trên đất liền (land-based ICBMs) và 24 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (submarine launched ballistic missiles) – cùng với hơn 400 tên lửa tầm trung hướng vào Đài Loan và Nhật Bản. Những con số ước đoán tương tự được công bố trong báo cáo 2010 của Bộ Quốc phòng Mỹ gửi Quốc hội, về sức mạnh quân sự Trung Quốc – mặc dù người ta cũng đã tính là số tên lửa tầm ngắn và tầm trung sẵn sàng nhằm hướng Đài Loan và Nhật Bản có thể vượt hơn 1.500. Theo các tin tức trên báo chí, tình báo Mỹ dự đoán rằng cho đến giữa những năm 2020, Trung Quốc có thể tăng hơn 100% (hơn gấp đôi) số đầu đạn tên lửa có khả năng đe dọa Mỹ.
Do vấn đề có độ nhạy cảm lớn, chính phủ Mỹ và Nhật Bản thống nhất là sẽ không công bố công khai bất kỳ chi tiết nào trong các cuộc thảo luận tháng 6/2009 về hạt nhân.
Những điện tín ngoại giao Mỹ bị rò rỉ khác tiết lộ, Bắc Kinh đã có một số đảm bảo về độ an toàn và an ninh của hạt nhân, với việc chỉ huy chương trình tên lửa truyền thống và hạt nhân chiến lược, tư lệnh Quân đoàn Pháo binh số 2 của Trung Quốc, tướng Tĩnh Chí Viễn (Jing Zhiyuan), nói với một phái đoàn quốc hội Mỹ vào tháng 8/2007 rằng việc khai hỏa một vũ khí hạt nhân mà không được phép, hoặc bất ngờ, là “hoàn toàn không thể được”.
Tướng Tĩnh giải thích, vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được giám sát nghiêm ngặt và đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Ông nêu một ví dụ của cá nhân là ngay cả trên cương vị tư lệnh Quân đoàn Pháo binh số 2, ông cũng phải xin phép mới có thể tiếp cận các cơ sở khai hỏa vũ khí, và phải có nhân viên tháp tùng.
Được hỏi về hàng trăm tên lửa đạn đạo truyền thống mà Trung Quốc đã triển khai dọc bờ biển phía đông nam với Đài Loan, tướng Tĩnh khẳng định lập trường lâu nay của Trung Quốc là Đài Loan là một phần của Trung Quốc, và khẳng định “việc triển khai những tên lửa truyền thống này không nhằm vào “những người Đài Loan yêu nước của chúng tôi” hay các nước khác. Những tên lửa ấy nhằm vào các lực lượng đòi độc lập”.
Một bản khác của bài viết này được đăng trên Melbourne Age và Sydney Morning Herald.
Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
Ảnh: Hồ Cẩm Đào duyệt đội danh dự.- Secret Technology: Chinese military weapons could include a cloaking device for its aircraft (GlobalPost)