Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Bán Vải Thưa (Nguyễn Xuân Nghĩa)

-Bán Vải ThưaNguyễn Xuân Nghĩa - Việt Tribune 20110414

Nghệ sĩ Barack Obama vừa diễn vở "Che Mắt Thánh" vừa bán cả tấm vải thưa....  

   Ngân sách Obama đã thăng hà. Vạn tuế ngân sách Obama

Năm 2006, khi còn là Nghị sĩ tay mơ của Illinois, ông Barack Obama bỏ phiếu chống lại việc nâng định mức đi vay của chính quyền liên bang. Năm năm sau, khi làm Tổng thống và định mức 14.294 tỷ Mỹ kim sắp tới hạn - chỉ còn hơn 80 tỷ là nhà nước hết quyền đi vay - ông Obama khám phá quy luật "tri dị hành nan". Nói thì dễ, làm mới khó.
Và tuần này lật đật kêu gọi Quốc hội sớm nâng định mức đi vay! Ban tham mưu của ông ngỏn ngoẻn giải thích, rằng Tổng thống ân hận - regrets - về quyết định năm 2006.

Mãi rồi cũng đến tuổi trưởng thành.

Ngày 14 tháng Hai năm nay, khi đã là Tổng thống được hai năm và đẩy bội chi tới mức kỷ lục khiến Hoa Kỳ vay mượn nhiều hơn tổng số công trái của 42 tổng thống tiền nhiệm, từ George Washington đến George W. Bush, ông Obama đề nghị quốc dân một ngân sách vô sự cho tài khóa 2012. "Vô sự" vì tiếp tục tăng chi cho đến chân trời chưa ai nhìn thấy.

Thế rồi Thứ Hai mùng năm tuần trước, khi ban tham mưu Obama lỏn lẻn thông báo quyết định tái tranh cử của Tổng thống thì Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện là Dân biểu Paul Ryan của tiểu bang Wisconsin công bố đề nghị ngân sách từ phía Cộng Hoà. Sẽ triệt để giảm chi để cắt hơn sáu ngàn tỷ công chi trong 10 năm tới. Cũng liều. May ra thì đến năm 2040, Hoa Kỳ sẽ quân bình được chuyện chi thu.

Đề nghị đó xuất hiện khi lưỡng viện Quốc hội đang phải tranh cãi về một chuyện xưa.

Là ngân sách tài khóa 2011 - sẽ hết hạn trong sáu tháng tới - mà bên đảng Dân Chủ lỡ quên biểu quyết năm ngoái khi còn kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Khôn thấy mẫu thân: dại gì mà biểu quyết trước khi cử tri đi bầu hôm mùng hai tháng 11? Dầu khôn vậy thì cũng mất Hạ viện, và Chủ tịch Hạ viện Dân Chủ Nancy Pelosi mất luôn cái búa.

Với 87 dân biểu tân cử, đảng Cộng Hoà dàn trận dưới lá cờ giảm chi để quân bình ngân sách. Và yêu cầu giảm chi đó mới khiến Quốc hội lâm vòng ách tắc: sau sáu lần triển hạn, ngân sách liên bang của một tài khóa đã tiêu mất sáu tháng sẽ lại hết tiền. Và hết quyền chi trả vào đêm Thứ Sáu tuần trước.

Trận đánh tuần trước về ngân sách cho thấy phe Dân Chủ không chịu giảm chi một đồng, rồi đồng ý cắt bớt bốn tỷ, sáu tỷ và cò kè bớt một thêm hai là sẽ cắt 32 tỷ. Bên Cộng Hoà đòi cắt bốn chục, rồi 62 tỷ và sau cùng đôi bên ngã giá 38 tỷ hai trăm triệu. Tưởng rằng lớn nhưng so với dự chi là gần bốn ngàn tỷ thì chỉ bằng 1%, và chưa thấm thía gì với mức bội chi ngàn rưởi.

Nhưng dù sao thì cũng đạt thoả thuận để khỏi đóng cửa chính quyền vào lúc nửa đêm.

Lần này bớt dại, phe Cộng Hoà không lãnh tội là làm chính quyền bị tê liệt như hồi cuối năm 1994 và đầu năm 1995.

Sau khi đã thủ vai ông tiên ung dung tự tại trong mấy ngày dầu sôi lửa bỏng, diễn viên Barack Obama lại tái xuất hiện. Và quyết liệt chống lại đề nghi giảm chi của phe Cộng Hoà. Nhưng đến khi đảng Dân Chủ của ông phải lùi một bước và đồng ý cắt 38,2 tỷ, ông bước ra ngợi ca thành tích "giảm chi nhiều nhất trong lịch sử" của một năm.

Nhận vơ là thói của chàng! Mà đa số dân Mỹ lại chàng màng cóc biết, cứ tưởng rằng đó là nhờ ơn mưa móc của Tổng thống.

Cho tới khi Obama bị chọc quê thì ban tham mưu mới lại nghĩ lại và thông báo: Tổng thống sẽ long trọng nói chuyện với quốc dân về ngân sách tài khóa 2012. Diễn lại cho đúng: hãy quên đi đề nghị rất vô tích sự hồi tháng Hai. Vì giảm chi mới là quy luật.

Và chiều Thứ Tư 13, Barack Obama lên bục của Đại học George Washington tại thủ đô trình diễn vở hài có tên là "Lấy Vải Thưa Che Mắt Thánh"! Vở kịch dài đến hơn 40 phút.... Một bài diễn văn dài và cạn tới giật mình.

Nửa đầu là phần uốn éo múa thiệu để diễn giải sự thật theo kiểu riêng. Người Mỹ gọi đó là "narrative".... Nửa sau mới ném ra vài ba con số hỏa mù. Khác với hai tháng trước thì lần này có đề nghị giảm chi thật: chừng bốn ngàn tỷ trong 12 năm tới - so với 6.200 tỷ của Dân biểu Paul Ryan trong 10 năm.

Nhưng cũng khác với hai tháng trước, lồng bên trong vẫn là khẩu hiệu đấu tranh giai cấp: phải gọt đầu bọn nhà giầu để bảo vệ chế độ phúc lợi y tế cho người già và nhà nghèo. Không chỉ diễn xuất, Tổng thống còn biết... đá khéo mà khỏi cần nói lái: kể từ năm 2012 này sẽ chấm dứt kế hoạch giảm thuế cho bọn nhà giàu của người tiền nhiệm. Nghĩa là lại đi ngược lý luận hòa hợp hòa giải vào buổi đầu năm. Rồi nhân tiện diễn giải lại sự thể bi đát ngày nay.

Vì sao bị bội chi như vậy? Thưa là vì chứng tật của thập niên vừa qua.

Obama là người biết đếm, từ một đến 10. Thập niên vừa qua khởi đầu năm 2001 với nhiệm kỳ Bush 43. Nhưng ông Obama quên không làm tính trừ là trong 10 năm đó có hai năm của mình và thành tích đẩy số bội chi tới mức chóng mặt để cải tạo xã hội.

Khách quan mà nói thì trước khi vào cuộc tranh cử, tăng thuế là giải pháp dễ nuốt hơn giảm chi, nhất là giảm bớt phúc lợi của giới cao niên hay người cùng khốn vì dễ mất phiếu của họ. Nhưng sự đời lại không đơn giản như trong cõi màu hồng của Obama.

Người ta có thể tranh cãi về lẽ công bằng xã hội của chế độ thuế khóa cấp tiến hiện nay ở bên Mỹ.

Càng có lợi tức cao thì chịu thuế suất càng nặng, ai cũng có thể đồng ý như vậy, nhất là khi còn đứng dưới chân thang. Chuyện rắc rối ấy thường được các chính khách giản lược hóa: 1% những kẻ giàu nhất - tính theo lợi tức - đã chịu một gánh thuế tổng cộng còn lớn hơn 95% những người còn lại, trong đó phân nửa, hay 47% dân chúng, chẳng phải trả thuế lợi tức. Hoặc 5% những hộ có lợi tức cao nhất đã gánh hơn phân nửa tổng số thuế lợi tức liên bang.

Nhưng cũng công bằng thôi vì bọn nhà giàu này làm chủ một khoản tài sản bằng gần 60% của cả nước. Nếu có bị gọt đầu thêm một chút thì họ cũng chưa thể là vô sản được.

Nhưng sự thật éo le là bọn nhà giàu trả thuế này cũng lại là những kẻ trả lương cho người khác khi họ đem tài sản ra đầu tư.

Và ở trên cùng, các đại gia tỷ phú còn trả lương cho các chuyên gia thuế khoá loại thượng thặng để lách khỏi cái máy chém rất sắc của thuế vụ. Dư tiền thì nuôi các chính khách nói chuyện ích quốc lợi dân với một hệ thống thuế khóa rắc rối nhất thế giới! Nếu chưa hiểu thì xin nhớ đến General Electric, doanh nghiệp lớn thứ nhì thế giới.

Trong năm qua, khi kinh tế Hoa Kỳ còn láp ngáp và thất nghiệp còn cao, G.E. kiếm ra doanh lợi sơ sơ là hơn 14 tỷ đô là - mà không phải trả một xu thuế! Có lẽ nhờ tài năng đó mà đầu năm nay, Chủ tịch Tổng giám đốc Jeffrey Immelt của G.E. được Tổng thống mời vào cầm đầu dàn cố vấn kinh tế về công ăn việc làm và cạnh tranh quốc tế! Ông Immelt này lại phải hy sinh thời giờ cho việc cứu quốc vì lãnh lương ba triệu ba của G.E. cộng thêm bảy triệu tiền bổng.... Nếu có trả thêm vài phần trăm thuế lợi tức thì cũng chẳng là một thiệt thòi ghê gớm. Năm 2007, lương và bổng của ông lên tới hơn 14 triệu đô la cơ mà!

Và đáng lẽ Chính quyền nên mời thêm các chuyên gia thuế vụ của G.E. làm cho sở thuế liên bang IRS, may ra mới bít được những thất thoát thuế khóa từ các đại gia bậc sư như vậy....

Ngẫu nhiên sao, trưa Thứ Tư 13, sau khi nghe Tổng thống Obama nói chuyện về ngân sách người viết lại gặp một ông chủ chợ nho nhỏ tại Quận Cam.

Gia đình ông này là thuyền nhân, hai vợ chồng cùng sáu người con đã trước sau bốn đợt vượt biên và dạt vào bốn nước khác nhau tại Đông Nam Á. Cuối cùng thì cũng tay trắng vào đến đất Mỹ. Ngày nay, con cái đều đã thành tài và làm việc trong các hãng của Hoa Kỳ. Nhưng ông bà vẫn giữ nghề cũ cùng người con gái lớn.

Lúc ban đầu, 26 năm về trước, đêm đêm ông phải lẩm nhẩm dò tiếng Anh trong từ điển, để tờ mờ sáng còn biết giải thích cho người Mỹ rằng mình cần mua những gì.... Một phần tư thế kỷ cần cù như vậy để nuôi con cái. Bây giờ, họ đã thuộc thành phần có tóc vì lợi tức đã lên tới cái đỉnh sẽ bị gọt.

Tay "nhà giầu" này chưa thể sánh với loại tỷ phú Immelt, họa chăng thì đợi kiếp sau. Nhưng đang là chủ một ngôi chợ và một cửa hàng "food to go" - sau khi đã đóng bớt một cửa hàng. Họ nuôi sống mấy chục nhân viên, với nào lương, nào bổng, nào phúc lợi y tế và họ không thể lách thuế như các đại gia có tư thế điện thoại cho dân biểu nghị sĩ để nói về kinh bang tế thế.

Nhưng là nhà đầu tư cò con đang tạo ra công ăn việc làm cho người khác, Mỹ, Mễ hay Việt gì thì cũng như nhau cả.

Hơn 70% lực lượng lao động của nước Mỹ là công nhân viên của loại tiểu doanh thương, những cơ sở có dưới 100 nhân viên. Giới tiểu doanh này rất thấm thía chuyện dao kéo gọt đầu cái bọn nhà giàu! Khi hàng họ ế ẩm, sale mãi mà vẫn ế và nay mai lại chịu thuế nhiều hơn thì họ đành đóng cửa, dẹp tiệm. Và chờ ăn "eo phe" cùng với dàn nhân viên thất nghiệp.

"Giấc mơ của Hoa Kỳ" đấy chăng?

Thực tế ấy, đại trí thức như Barack Obama lại không hiểu ra. Và cũng chẳng hiểu ra là nếu có quốc hữu hóa hết tài sản của những kẻ có tiền thì cũng không đủ lấp cái hố sâu năm sáu ngàn tỷ mà Chính quyền đã gây ra. Vì vậy nên vẫn đòi lấy vải thưa che mắt thiên hạ!

Tổng số lượt xem trang