Cắt giảm chi tiêu công là lựa chọn… chính trị
(Tamnhin.net) - Cắt giảm chi tiêu công không còn là lựa chọn kinh tế nữa mà là lựa chọn chính trị, nên rà soát lại danh sách đầu tư trong 5 năm tới, để có ưu tiên cao cho viễn cảnh kinh tế dài hạn của Việt Nam.
Ông Michel Henry Bouchet, cựu quản lý tài chính các nước vay nợ World Bank, nhận định như vậy khi trao đổi về tình hình tài chính và ưu tiên phát triển của Việt Nam.
Ông Michel Henry Bouchet cho rằng, ưu tiên hiện tại của Việt Nam phải là ổn định và tăng trưởng bền vững, phát triển phải là tăng trưởng GDP cộng với các nhân tố giáo dục, quản trị, cơ sở hạ tầng tốt trong dài hạn. Mục tiêu tăng GDP của Việt Nam không hẳn là 7, 8 hay 9%, có thể chỉ là 5%/năm mà không có lạm phát 9 hay 12%. Theo đó, kìm chế lạm phát phải là ưu tiên đầu tiên.
Cũng theo ông Bouchet, bất động sản không nên nằm trong danh sách ưu tiên, thay vào đó là giáo dục, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, du lịch, bán lẻ.
Ông Bouchet nhận định, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một tốt một biện pháp là áp trần lãi suất huy động với ngoại tệ là 3%/năm, giúp người dân có hứng thú hơn với tiền đồng với lãi suất 14%. Nhưng điều đó là chưa đủ, Việt Nam cần kìm hãm tốc độ tăng trưởng “quá nóng” của 5 năm qua.
Về vấn đề cắt giảm chi tiêu công, TS.Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng, Chính phủ không coi cắt giảm đầu tư công là giải pháp tình thế mà đặt nó trong lộ trình dài hạn và biện pháp tổng thể.
Theo đó, cùng với thắt chặt và điều chỉnh cơ cấu hoạt động tín dụng, tiền tệ (khống chế mức tăng dư nợ tín dụng cả năm dưới 20% ) để nâng cao hiệu quả và giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội; giảm tổng cầu phi sản xuất để kiềm chế lạm phát, nhập siêu, tiết kiệm năng lượng.
Nói cách khác, cắt giảm đầu tư công năm 2011 không chỉ là cắt giảm để chống lạm phát mà là dịp để rà soát tính hợp lý, nâng cao hiệu quả của đầu tư công và tái cấu trúc nền kinh tế…
Chúng ta đã biết năm 2011, Chính phủ cùng lúc tiến hành những nhiệm vụ nặng nề trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa thực hiện xoá bỏ bao cấp nhiều mặt hàng đầu vào chiến lược, lại phải có các giải pháp kiềm chế lạm phát, tăng cường an sinh xã hội.
Trong những năm trước, đã có những tranh luận về thực hiện mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, 2 nhiệm vụ có những mục tiêu trái chiều, vấn đề tăng trưởng kinh tế dường như đã được ưu tiên hơn. Nhưng năm 2011, lần đầu tiên việc cắt giảm đầu tư công được thực hiện trên tinh thần mới, với những định hướng quan trọng theo Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, trong đó nêu bật quan điểm: Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, không quá bị ràng buộc và câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kể hoạch 5 năm.
Thứ hai, tuy không đặt vấn đề thu hồi vốn đầu tư NSNN về trung ương mà để các địa phương, các ngành và doanh nghiệp tự thẩm định, cắt, giảm hoặc điều chỉnh vốn đầu tư trong phạm vi phân cấp quản lý của mình để dồn vốn cho những dự án hiệu quả, nhưng về nguyên tắc, sau khi kiểm tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi các khoản bố trí sai mục tiêu nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ, để điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác.
Trong tháng 4/2011, các đơn vị tiếp tục hoàn chỉnh phương án điều chuyển vốn, trước khi báo cáo Thủ tướng.
Như vậy có thể nói với động thái quyết liệt này, sẽ có hàng ngàn dự án cắt giảm, kéo theo lợi ích cho rất nhiều tập đoàn, tổng công ty, bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tiêu chí cắt giảm đầu tư công gồm những dự án chưa có quyết định đầu tư, dự án kéo dài quá mức, dự án khả năng hoàn thành lâu phải cắt giảm sẽ đình hoãn để tập trung vốn cho dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2011, 2012. Các khoản chuyển nguồn và ứng vốn (thông thường trước đây cho tạm ứng 30% mức vốn của năm sau) nay sẽ không được tạm ứng nữa. Vốn sẽ được tập trung cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2011 và các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án thuộc ngành nghề sản xuất - kinh doanh chính.
Theo ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lần cắt giảm đầu tư công năm 2011 sẽ làm quyết liệt hơn năm 2008.
Trong công văn số 1070 gửi các bộ, UBND các tỉnh thành và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh đến các nguyên tắc hướng dẫn việc tự rà soát sắp xếp các dự án theo nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.
Ví dụ, không bố trí vốn NSNN và trái phiếu chính phủ cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định, các dự án kém hiệu quả, các dự án mới khởi công trong năm 2011, trừ các dự án phòng chống, khắc phục thiên tai cấp bách, các dự án sử dụng vốn ODA... Hoặc đình hoãn, giãn tiến độ các dự án thực hiện nhiều năm, nhưng triển khai chậm, bố trí vốn nhỏ giọt, kéo dài; các dự án khó có khả năng hoàn thành trong năm 2011 do không giải phóng được mặt bằng; không bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ do nhu cầu mở rộng quy mô...
Những dự án thuộc diện phải đình hoãn, giãn tiến độ là các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhiều năm nhưng triển khai quá chậm; các dự án không có khả năng thực hiện trong năm 2011 do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, hoặc các vướng mắc khác… Với các tập đoàn Nhà nước thì phải đình hoãn, giãn tiến độ các dự án kém hiệu quả, chưa rõ nguồn vốn.
Minh Giang