Cho thuê di tích để... nuôi yến!
TT - Người dân thị xã Gò Công (Tiền Giang) và các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử không khỏi bất ngờ và bức xúc khi hay tin chính quyền địa phương cho Công ty TNHH Yến Gò Công thuê nguyên tòa nhà dinh tỉnh trưởng (cũ) để... nuôi yến.Dinh tỉnh trưởng Gò Công nhìn từ bên ngoài
- Ảnh: N.Hậu
Xem video do nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ thực hiện
Ngày 6-4, phóng viên Tuổi Trẻ đã đến dinh tỉnh trưởng Gò Công. Đó là một công trình được xây dựng từ năm 1885 theo lối kiến trúc Pháp rất đẹp. Nhìn bên ngoài vẫn còn nguyên vẻ uy nghi của một nơi từng là trụ sở làm việc của chánh tham biện (tỉnh trưởng) tỉnh Gò Công thời Pháp thuộc.
Tuy nhiên, phía bên trong tòa nhà lại rất hoang tàn. Doanh nghiệp thuê công trình đã cho xây bít 5/6 diện tích tòa nhà để nuôi yến. Chỉ còn một góc nhà cho người giữ yến ở và để một số vật dụng của ngành văn hóa - thông tin thị xã Gò Công.
Ông Hai, một người giữ nhà nuôi yến này, cho biết ông bắt đầu làm công việc này ở dinh tỉnh trưởng từ năm 2006 đến nay. UBND thị xã Gò Công cho thuê nguyên căn nhà này để nuôi yến với giá 30 triệu đồng/năm.
Thạc sĩ Hoàng Ngọc Hùng, nhà nghiên cứu về Gò Công, cho biết: “Dinh tỉnh trưởng là công trình kiến trúc do Pháp xây dựng từ năm 1885 bằng vật liệu từ Pháp chuyển sang. Đây là tòa nhà đồ sộ nhất ở Nam kỳ, trừ Sài Gòn. Đối với người dân địa phương, đây còn là công trình văn hóa, lịch sử rất có giá trị (đã làm hồ sơ đề nghị công nhận là di tích)”.
Theo người dân địa phương, thay vì phải tôn tạo, trùng tu công trình trên để giữ gìn cho thế hệ mai sau thì chính quyền lại làm một việc không giống ai như vậy. Nếu được trùng tu tốt thì đây sẽ trở thành một địa điểm du lịch rất hấp dẫn của tỉnh Tiền Giang chứ không riêng gì Gò Công.
Việc UBND thị xã Gò Công cho thuê nuôi yến càng làm công trình này xuống cấp nhanh hơn vì môi trường yến sinh sống thường ẩm ướt, chưa kể phân chim thải ra.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang, cho biết thị xã Gò Công có làm hồ sơ đề nghị công nhận dinh tỉnh trưởng là di tích. Tỉnh đã yêu cầu thị xã phải kết thúc hợp đồng cho thuê để tiến hành trùng tu. Khi đó tỉnh sẽ công nhận đây là di tích cấp tỉnh.
Trong khi đó, hàng trăm tiểu thương chợ Gò Công đang khốn đốn vì yến được nuôi ngay phía trên đầu. Theo tiểu thương, yến được nuôi tại chợ này cũng do UBND thị xã Gò Công cho phép và cho một doanh nghiệp thuê “mặt bằng”.
Để bảo vệ cho hàng hóa không bị dính phân chim yến, họ phải dùng bạt nilông hoặc vải dày che chắn phía trên. Ngày 6-4, chúng tôi ghi nhận phân chim yến rơi dày đặc trên những tấm bạt này. Cũng vì trong chợ có mùi hôi của phân chim yến nên đã có rất nhiều khách hàng “một đi không trở lại”, làm việc kinh doanh của tiểu thương gặp nhiều khó khăn.
N.HẬU - M.THUẬN