Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Vơ vét Titan: Dân gánh hậu quả

 - Vơ vét Titan: Dân gánh hậu quả 

TT - Khai thác titan đang gây ra những bức xúc lớn trong nhân dân. Không chỉ đơn thuần là việc chảy máu khoáng sản, mà còn là tiền đề làm nảy sinh khiếu kiện, tranh chấp và nghiêm trọng nhất là ô nhiễm môi trường.
Một máy tuyển quặng titan nằm dọc bờ biển xã Hòa Thắng, Bắc Bình, Bình Thuận - Ảnh: Thành Vinh
Bình Thuận đang “sốt” titan - “sốt” khai thác và “sốt” cả lòng dân. Ở đây, các công ty khai thác titan liên tục sai phạm, làm đảo lộn cuộc sống người dân.
Đứng ở phường Mũi Né thuộc TP Phan Thiết nhìn sang, người ta không khỏi giật mình khi thấy một dải bờ biển tự dưng có một đoạn dài bụi màu vàng đỏ bốc mịt mù. Đó chính là một trong những điểm nóng khai thác titan tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận.
Đủ sai phạm
Đến Hòa Thắng những ngày này, chẳng ai ngờ đây chính là mảnh đất từng sum suê cây trái, bây giờ cằn cỗi do bị nhiễm mặn từ nước xả thải của việc đãi quặng titan. Gia đình chị Vũ Thị Yến (thôn Hồng Chính) lâm vào cảnh giếng nước ăn nhiễm mặn, còn vườn cây ăn trái với xoài, dừa, điều bị chết trơ gốc do việc lấy nước biển đãi quặng của các công ty khai thác titan. “Khi còn khai thác, họ hỗ trợ nước sinh hoạt 15m3/tháng. Mọi thứ xong xuôi, họ đưa máy móc đi thì hậu quả nhiễm mặn người dân lãnh đủ, không có cả nước ngọt để xài” - chị Yến nói
Ảnh hưởng tới du lịch
Theo thống kê, ở Bình Thuận có bảy điểm được cấp phép khai thác titan tại các huyện ven biển Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và hầu hết đều nằm chồng lấn các dự án cấp phép du lịch.
Ngoài ra, chính quyền địa phương còn cấp phép cho các công ty tận thu titan do sóng đánh vào dọc các bờ biển. Trong số những điểm khai thác titan hiện nay, khu vực Thiện Ái, Hồng Chính (xã Hòa Thắng, Bắc Bình), giáp khu du lịch nổi tiếng Mũi Né đang gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất.
Hai xã Hòa Thắng, Hồng Phong của huyện Bắc Bình đang trở thành điểm khai thác titan ồ ạt ở Bình Thuận. Người ta cho rằng trữ lượng titan ở đây có giá trị lên tới hàng tỉ USD. Hồng Phong chỉ có 2km đường biển, còn Hòa Thắng có tới 23km, chỉ vì “may mắn” có titan quý giá mà cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Chỉ cần trèo lên một đồi cát nằm ngay bên vệ đường đối diện với thôn Hồng Chính, có thể nhìn toàn cảnh công trường đãi titan của các công ty. Mỗi mỏ titan trông như một thung lũng lớn màu vàng đỏ ngập lênh láng nước. Trên đó là cả một dây chuyền đang vận hành hết công suất: hút cát, đãi, thu quặng và xả nước thải màu đỏ quạch chảy trực tiếp vào lòng đất.
Một cán bộ thanh tra của Sở Tài nguyên - môi trường Bình Thuận cho biết: “Biên lai tiền phạt các công ty đãi quặng titan đã thành một xấp dày cộp. Nhưng nó chẳng có ý nghĩa gì. Phạt cứ phạt, đãi cứ đãi”.
Hiện có năm công ty đang đãi titan ở đây gồm: Đô Thành, Đường Lâm, Dương Anh, Sao Mai, Hưng Thịnh Phát. Các công ty này được phép đãi titan từ cát với chiều sâu khai thác từ 1-30m, trên những khu vực rộng hàng chục hecta, với trữ lượng khai thác hàng chục nghìn tấn. Mỗi công ty tuy có diện tích và trữ lượng khác nhau nhưng đều được cấp phép và gia hạn giấy phép khai thác sau khi đã... cùng nhau sai phạm.
Theo hồ sơ, những sai phạm của các công ty này xảy ra liên miên, kéo dài dai dẳng. Sau khi đã có “bảo bối” là giấy phép chung về khai thác và gia hạn thời gian khai thác thì tất cả những giấy phép “con”, liên quan cụ thể từng công đoạn khai thác, xử lý chất thải... đều bị bỏ qua hoặc bị vi phạm. Thậm chí có công ty chưa được phép nhưng vẫn khai thác ồ ạt.
Biên bản làm việc từ đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - môi trường (ngày 23-12-2010) cho thấy kết quả kiểm tra cả năm công ty đang đãi cát đen ở Hòa Thắng đều có những sai phạm giống nhau: chưa thông báo kế hoạch khai thác với cơ quan có thẩm quyền, lập bản đồ hiện trạng khai thác chưa đúng quy định, khai thác không có thiết kế mỏ, thực hiện không đầy đủ nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường trong khai thác khoáng sản đã được phê duyệt...
Nhức nhối nhất là cả năm công ty này đều bị xử phạt do “chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước”. Theo tìm hiểu, các công ty này đã không dùng nước ngọt để đãi quặng như quy định, họ bơm thẳng nước mặn từ biển lên để đãi rồi xả thẳng vào lòng đất.
Máy tuyển quặng titan trên bờ biển xã Hòa Thắng (Bắc Bình, Bình Thuận) - Ảnh: Thành Vinh
Sợ... titan
Nhiều người dân tại thôn Hiệp Trí (xã Tân Hải, thị xã La Gi) từng mơ đến ngày bộ mặt làng quê nghèo sẽ thay đổi khi kết quả thăm dò cho thấy titan tại khu vực mỏ Gò Đình có trữ lượng lớn. Càng vui hơn khi năm 2007, Công ty khoáng sản quốc tế Hải Tinh bắt tay vào khai thác.
Thế nhưng sự thật lại khác hẳn, việc khai thác titan không giúp ích gì cho kinh tế địa phương phát triển mà còn gây ra bao nỗi khổ khi hằng ngày cát bay mù mịt, động cơ xe máy ầm ĩ cả ngày lẫn đêm, giao thông nông thôn bị cày nát.
Tại đây, Công ty Hải Tinh đã không tuân thủ các cam kết bảo vệ môi trường, trong đó có việc dùng nước biển để tuyển quặng, làm hàng chục hecta đất trồng lúa của bà con trong thôn bị ảnh hưởng.
Theo ông Đặng Quốc Trị - phó chủ tịch UBND xã Tân Hải, thời điểm đó công ty này đã đứng ra nhận trách nhiệm và đền bù phần diện tích bị nhiễm mặn cho các hộ dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn phần lớn diện tích đất phải bỏ hoang, nhiều hộ không thể canh tác trên mảnh đất của mình nên phải bươn chải mưu sinh bằng những nghề khác.
Rút kinh nghiệm của những nơi khác, người dân xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong) đã có thái độ hết sức quyết liệt khi chính quyền địa phương nhắc đến hai từ “titan”. Vụ việc này ầm ĩ khi có thông tin Công ty Khai thác khoáng sản chế biến tài nguyên VN đưa máy móc quay lại thăm dò khai thác titan tại xã này.
Ông Trần Do Thái, phó chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, nói: “Nguyện vọng của người dân là hoàn toàn chính đáng bởi địa chất xã Bình Thạnh mạch nước ngầm chủ yếu là mạch ngang, phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu trước hụt sau, lấy đâu ra nước ngọt để dành cho việc tuyển quặng titan. Do đó địa phương đã kiến nghị và UBND tỉnh ngưng việc cấp phép thăm dò titan”.
Những cảnh báo
Tháng 4-2011, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội thảo về sử dụng bền vững nguồn tài nguyên titan. Hầu hết các nhà khoa học đều khuyến cáo cần phải hết sức thận trọng, nếu không điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng một cách chính xác sẽ rất khó trong việc quy hoạch, khai thác.
Đặc thù phân bố titan ở Bình Thuận là trên vùng cồn cát khô hạn, trong khi đó khai thác, tuyển khoáng cần một lượng nước khá lớn, các doanh nghiệp (phần lớn hiện nay có công nghệ cũ, lạc hậu) thường sử dụng nước biển để tuyển quặng. Điều này làm nhiễm mặn nguồn nước, ô nhiễm đất đai, phá hủy lớp đất và thảm thực vật tự nhiên, đẩy nhanh sa mạc hóa.
Còn rất nhiều ý kiến khác cho rằng không thể tiếp tục khai thác titan tại Bình Thuận như hiện nay. Ông Đào Xuân Nay, phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội Bình Thuận (khóa XII), khẳng định: “Việc cấp phép khai thác titan vội vã khi chưa có quy hoạch lâu dài là hoàn toàn không nên. Những hậu quả gây ra cho môi trường và đời sống người dân hiện nay cho thấy điều đó”.
Còn ông Đặng Văn Hải, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, bức xúc: “Việc khai thác titan bán nguyên liệu thô là một lãng phí rất lớn. Và càng bất hợp lý hơn khi nó được bán giá rẻ nhưng gây ra nhiều hệ lụy không lường trước”.
THÀNH VINH - NHƯ MINH
Kim loại quý
Theo Wikipedia, titan là một kim loại nhẹ, cứng, bề mặt bóng láng, chống ăn mòn tốt (giống như platin). Titan cứng như thép nhưng nhẹ hơn 40%, nặng hơn nhôm nhưng cứng hơn gấp đôi.
Khoảng 95% lượng titan được dùng ở dạng titan điôxít (TiO2), làm thuốc nhuộm trắng trong sơn, giấy, kem đánh răng và nhựa. Nó cũng được dùng trong ximăng, đá quý. Vì có khả năng kéo giãn tốt (kể cả khi nhiệt độ cao), nhẹ, chống ăn mòn tốt, khả năng chịu đựng nhiệt độ rất cao, hợp kim titan được dùng chủ yếu trong hàng không, xe bọc thép, tàu hải quân, tàu vũ trụ và tên lửa, áo chống đạn.
Nhiều sản phẩm khác cũng dùng titan để chế tạo như gậy đánh golf, xe đạp, dụng cụ thí nghiệm, nhẫn cưới và máy tính xách tay.
(TH.TÂM)


-Miền cát trắng không yên bình

 Tường thuật vụ dân Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định đấu tranh chống khai thác titan
...Thật bất ngờ, với một số đông dân chúng từ thôn 9 tiến vào trụ sở thôn 11, họ chuẩn bị ổ khóa, và nhốt 17 cán bộ (bao gồm... công an huyện, công an xã, bộ đội biên phòng và cán bộ xã) trong vòng 2 ngày một đêm và chờ cán bộ cấp cao xuống thương lượng, giải quyết vụ việc....


Dọc ven biển duyên hải miền Trung có nhiều bãi cát trắng trải dài và một bãi cát rộng nhất đó thuộc địa phận xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định. Thế nhưng, những ngày qua 20 - 21 tháng 4, 2011 , miền cát trắng đó không yên bình, bởi một đoàn khai thác titan do huyện Phù Mỹ hổ trợ, đến vùng biển này khai thác. Dân ở đó không đồng ý, họ đấu tranh quyết liệt, và những kết quả ban đầu thật khích lệ. Một cán bộ xã đã đánh một thanh niên ở thôn 9, Mỹ Thắng trọng thương, và một cuộc đấu tranh của người dân bao gồm phụ nữ, đàn ông, người già, người trẻ thật sự bắt đầu (phần lớn là phụ nữ).
Sau khi đánh trọng thương người thanh niên đó, đoàn cán bộ gồm: 3 công an huyện, 2 bộ đội biên phòng, 12 cán bộ xã đã áp giải người thanh niên đó vào trụ sở thôn 11, xã Mỹ Thắng họp và lập biên bản. Thật bất ngờ, với một số đông dân chúng từ thôn 9 tiến vào trụ sở thôn 11, họ chuẩn bị ổ khóa, và nhốt 17 cán bộ (bao gồm... công an huyện, công an xã, bộ đội biên phòng và cán bộ xã) trong vòng 2 ngày một đêm và chờ cán bộ cấp cao xuống thương lượng, giải quyết vụ việc.

Hàng ngàn hecta rừng phòng hộ ở ven biển Bình Định nhường chỗ cho việc khai thác titan. Ảnh: Võ Hoàng Minh
Trong thời gian nhốt những cán bộ đó trong trụ sở thôn, người dân vẫn cho phép tiếp tế lương thực gồm bánh mì, nước cho các vị đó nhưng tiểu tiện tại chỗ chứ không được ra ngoài. Uỷ ban nhân dân huyện Phù Mỹ đã được thông báo vụ việc, điều động công an xuống, nhưng những cán bộ kia vẫn chưa được thả. Và cán bộ huyện Phù Mỹ thừa biết rằng dân xã Mỹ Thắng có truyền thống đấu tranh trong kháng chiến chống Mỹ (danh hiệu anh hùng) những cũng đấu tranh quyết liệt với quan tham, sách nhiễu dân lành, họ từng lật xe của chủ tịch huyện Phù Mỹ và đốt (BCC Vietnamese từng đưa tin vệ sự kiện này).
Và huyện biết rằng họ không thể giải quyết vụ việc nên họ nhờ đến tỉnh Bình Định. Cán bộ tỉnh bắt đầu xuất hiện (đích thân phó Chủ Tịch Tỉnh) và cảnh sát 113 xuất hiện hàng loạt hiện trường thôn 11, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định, và cuộc thương lượng để thả 17 cán bộ đang bị dân nhốt bắt đầu diễn ra: Trước khi thả những cán bộ đó, người dân yêu cầu:
1. Gỉai thích cho họ ...rõ tại sao đánh người thanh niên kia, xác định thủ phạm đánh chính, xử lý người đánh đó, bồi thường thiệt hại, đưa đi bệnh viện, và xin lỗi trước dân.
2. Ký giấy xác nhận chấm dứt khai thác titan trên địa phận xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định.
Những yêu cầu đó nhanh chóng được đáp ứng và 17 cán bộ đó được thả. Cán bộ giải thích rằng họ đang làm nguồn nước sạch cho dân, nhưng tại sao việc làm đó lại lén lút, diễn ra ban đêm.  Người dân thừa biết đây là dự án khai thác titan họ nhưng lừa biệp người dân dưới chiêu bài dự án nước sạch. Dân nói họ không cần nguồn nước đó và nước uống của họ đang sạch, đừng làm ô nhiễm.
Một chi tiết thú vị là ông phó chủ tịch tỉnh Hồ Nghĩa Dũng (trùng tên với ông bộ trưởng giao thông vận tải) lên phát biểu, thuyết phục nhưng người dân không tin nữa, không một tràng vỗ tay, nhưng một tràng vỗ tay vang lên sau bài phát biểu của một chị bán cả ở làng chài thôn 9.  Dân Mỹ Thắng đang hân hoan, miền cát trắng trở lại yên bình, nhưng chưa biết chắc sau này sẽ ra sao, công ty khai thác đó có còn quay lại nữa không, đó là một câu hỏi lớn.  Một bài học rút ra từ sự kiện này là sự đấu tranh quyết liệt, đoàn kết của người dân từ dưới cơ sở mới có thể làm thối lui tham nhủng, cửa quyền, khai thác vô tội vạ tài nguyên thiên nhiên quốc gia.


- Xới tung bờ biển để lấy titan (PL TPHCM).-
Những ngày này, các thôn phía đông của xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) ngổn ngang như một bãi chiến trường. Cả dải rừng phi lao phòng hộ dài hơn 7 km ven bờ biển bị chặt phá không thương tiếc để có mặt bằng khai thác, tận thu titan.
Đua nhau lấy “vàng đen”
Ở các thôn An Quang Đông, An Quang Tây, Nghĩa An, Chính Lợi... titan đổ thành đống khắp nơi để bán cho thương lái. Nhiều con đường không thể đi lại bằng xe máy do cát ụn dày cả nửa mét. Nhiều chiếc xe tải ngang nhiên chở cát đen gom thành đống ngay trước các ngôi nhà. Ông Trần Văn Th., một người dân địa phương, cho biết: “Quặng titan ở đây rất cạn, chỉ cần đào gạt vào lớp cát trắng là đến cát đen. Không cần máy hút cũng có thể lấy được titan có tỉ lệ đậm. Mấy hôm chưa “có động” (tức lực lượng chức năng đi kiểm tra - PV), mỗi ngày có hàng trăm người đi đào lấy titan”.
Hầu hết nguồn titan do người dân khai thác, tận thu ở Cát Khánh đều được các thương lái mua, vận chuyển vào cảng Quy Nhơn, đưa xuống tàu xuất bán thô sang Trung Quốc. Những ngày này, nhiều thương lái đổ về Cát Khánh đặt tiền cọc trước càng khiến nhiều người dân địa phương đổ xô đi lấy titan. Hằng đêm, nhiều chiếc xe tải hạng nặng chở titan ầm ầm từ Cát Khánh chạy dọc các con đường ven biển để vào cảng Quy Nhơn.
Ông H. (ở thôn An Quang Đông), chuyên thu gom titan để bán cho thương lái, tiết lộ: “Quan trọng là giá cả thế nào chứ nguồn hàng lúc nào cũng có sẵn, cần bao nhiêu cũng có. Trong một tuần, tôi có thể gom được 1.000 tấn titan. Thỏa thuận giá xong chúng tôi sẽ đưa hàng vào cảng Quy Nhơn. Mấy bữa trước việc vận chuyển không khó khăn gì vì chúng tôi “chung chi” hết rồi; gần đây có thanh tra nên phải tìm cách đi cho khéo. Chỉ sợ mấy ông công an tỉnh chứ xã thì lo gì!”.


Khu rừng phi lao phòng hộ ven bờ biển xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) bị chặt phá để lấy titan. Ảnh: TẤN LỘC


Xe tải chở titan đổ thành từng đống ngổn ngang trong các ngôi nhà ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Ảnh: TẤN LỘC
Chính quyền xã bó tay?
Ông Nguyễn Thanh Tri, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết tình trạng khai thác, tận thu, mua bán titan trái phép bùng phát ở địa phương này từ tháng 3 đến nay và diễn biến rất phức tạp. Cuối năm 2010, sau 15 năm khai thác titan tại các xã Cát Thành, Cát Khánh, Công ty Liên doanh Khoáng sản Bình Định Việt Nam-Malaysia (gọi tắt là Công ty Khoáng sản Bimal) hết hạn giấy phép nên đã giải thể. Công ty này bán toàn bộ nhà xưởng, thiết bị tuyển tinh quặng ở thôn An Quang Đông cho một doanh nghiệp. Doanh nghiệp này tháo dỡ, để lại mặt bằng ngổn ngang.
Sau khi được UBND xã Cát Khánh giao quản lý mặt bằng này, chính quyền thôn An Quang Đông đã cho một số người vào tận thu titan. Thấy thế, hàng trăm người dân bắt đầu đua nhau đi đào bới lấy titan, lúc đầu ở khu vực nhà máy, sau lan rộng ra nhiều nơi khác. Thấy chỗ nào cũng có titan, người dân xã Cát Khánh đua nhau mua bán đất cát trái phép tràn lan. Nhiều người bỏ cả công việc hằng ngày đi đào lấy titan để bán cho các thương lái khiến tình hình an ninh trật tự ở địa phương rất phức tạp. Khi sự việc diễn biến ngày càng phức tạp, UBND xã Cát Khánh đã yêu cầu chính quyền thôn An Quang Đông chấm dứt ngay việc tận thu titan, đồng thời thành lập tổ kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác, mua bán titan trái phép.
Theo ông Tri, lực lượng chức năng của địa phương mỏng và không đủ chức năng để ngăn chặn, xử lý tình hình này; đặc biệt chính quyền xã không có thẩm quyền ngăn chặn, kiểm tra các xe tải chở titan trái phép. Do đó, mới đây UBND xã Cát Khánh đã báo cáo tình hình lên các cơ quan chức năng tỉnh, đề nghị các lực lượng chức năng của huyện Phù Cát, nhất là công an hỗ trợ giải quyết. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đến ngày 17-4 vẫn chưa có một lực lượng chức năng nào vào cuộc để ngăn chặn. Trong khi đó, ông Trần Thái Nga, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định, cho biết sở đang cử lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nạn khai thác, tận thu titan trái phép ở huyện Phù Cát nói chung, xã Cát Khánh nói riêng.

Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển titan trái phép bùng phát ở xã Cát Khánh có nguyên nhân từ việc Công ty Khoáng sản Bimal không thực hiện việc hoàn thổ, bàn giao mặt bằng đúng quy định. Hầu hết nguồn titan thô này đều xuất lậu sang Trung Quốc, gây thất thoát tài nguyên rất lớn. Tình trạng này có phần do các lực lượng chức năng địa phương chưa kiên quyết ngăn chặn, xử lý.
Ông NGUYỄN KIM PHƯƠNG, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định
TẤN LỘC


-
(PL)- Ngày 30-3, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ngày 31-3, Bộ TN&MT sẽ công bố quyết định thanh tra toàn diện hoạt động khai thác titan trên địa bàn tỉnh.
Hiện Bình Thuận có năm khu vực đang khai thác titan với diện tích gần 500 ha. Gần 80 dự án bị chồng lấn trong ranh giới đề án khai thác titan; hơn 60 dự án nằm trong khu vực đề nghị thăm dò titan. Ngoài ra, hoạt động khai thác titan còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Từ ngày 30-3, đoàn thanh tra Bộ TN&MT cũng tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động khai thác titan tại Bình Định. Báo cáo với đoàn thanh tra, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết đã quy hoạch bốn khu vực mỏ sa khoáng titan gồm Vĩnh Lợi, Mỹ Thắng, Mỹ An (huyện Phù Mỹ), Đề Gi (huyện Phù Cát). Hiện có 20 doanh nghiệp đang khai thác titan với tổng diện tích gần 1.400 ha. Sở TN&MT cũng thừa nhận thời gian qua hoạt động khai thác titan ở tỉnh còn nhiều hạn chế như gây thất thoát tài nguyên, hủy hoại môi trường… Trước đây, Pháp Luật TP.HCM đã có loạt bài “Đại công trường khai thác titan ở Bình Định” phản ánh những hạn chế trên.
PN - T.LỘC

Trên 1.000 ha đất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác titan.
Khu vực ven biển tỉnh Bình Định đang bị tận thu khai thác titan - loại khoáng sản được xem như vàng đen. Đời sống người dân ngày càng bị đảo lộn vì kiểu khai thác hủy hoại môi trường, còn nhà nước cũng bị thất thoát tài nguyên.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản Sở TN&MT tỉnh Bình Định, cho biết tổng diện tích do Bộ TN&MT cấp phép cho các doanh nghiệp được khai thác tại hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát lên đến 945 ha; tổng diện tích do UBND tỉnh Bình Định cấp phép hơn 360 ha. Việc khai thác titan ở Bình Định diễn ra ở hầu hết các xã ven biển của hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Khu kinh tế Nhơn Hội.
Xới tung bờ biển
Một cán bộ Phòng TN&MT huyện Phù Mỹ cho biết chỉ riêng địa phương này hiện có hơn 20 dự án khai thác, thăm dò titan. Thậm chí vị cán bộ này dù đã lục lọi nhiều sổ sách cũng không biết hết, nhớ hết tên các doanh nghiệp đang khai thác titan trên địa bàn mình!
Chỉ riêng tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ - một trong những địa phương có trữ lượng titan lớn nhất Bình Định, hiện có hơn 10 doanh nghiệp đang đua nhau xới tung bờ biển với vài chục giàn hút titan. Chỉ riêng thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành đang có đến bảy doanh nghiệp đào xới lòng đất để lấy titan. Các thôn Vĩnh Lợi, Hưng Lạc, Hòa Hội của xã Mỹ Thành cũng diễn ra cảnh tương tự.


Giàn hút titan ở thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh: TẤN LỘC
Khắp các xã ven biển Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng, Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ), Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (huyện Phù Cát)... đâu đâu cũng nghe ầm ầm tiếng vít khoan titan chạy hết công suất. Nhiều nơi hàng chục dãy vít khoan titan chưa lắp đặt nằm ngổn ngang. Cùng với đó là những núi cát khổng lồ đang ngày càng phình to.
Làm du lịch kèm tận thu titan
Không chỉ Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bình Định cấp 28 giấy phép khai thác, thăm dò, tận thu titan. Tại Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), hoạt động khai thác titan hết sức rầm rộ. Từ khi UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp được khai thác tận thu titan trước khi san lấp mặt bằng triển khai các dự án đầu tư, các doanh nghiệp hối hả đua nhau lắp đặt các giàn khoan hút titan. Tại khu A rộng 630 ha được giao cho Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội, một số dự án khu kinh tế hầu như chỉ tập trung khai thác loại khoáng sản này.
Việc khai thác titan khá đơn giản: bốc hết lớp cát vàng là đến lớp cát đen - dấu hiệu của mỏ titan, xong lắp vít khoan, cứ thế titan trồi lên theo các rãnh xoáy, dồn thành từng đống khổng lồ nằm ngổn ngang trên đường. Ngay bãi biển Trung Lương (thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) được xem là bãi biển đẹp nhất Bình Định cũng đang bị đào xới. Đầu năm 2008, Công ty TNHH Mỹ Tài là doanh nghiệp đầu tiên được UBND tỉnh giao 30 ha đất tại bãi biển Trung Lương để xây dựng khu du lịch với vốn đăng ký đầu tư 5 triệu USD. Thế nhưng theo phản ánh của người dân địa phương, từ đó đến nay, doanh nghiệp này chỉ tập trung tìm titan. Ông Cao Văn Tấn, người thôn Trung Lương, bức xúc: “Trong khi khu du lịch vẫn còn nằm trên giấy thì cả bãi biển trước đây đẹp như tranh giờ bị băm nát, ngổn ngang”.
Khi lập dự án, các doanh nghiệp đều không đăng ký khai thác titan nhưng sau khi được giao đất, họ báo cáo có trữ lượng titan dưới mặt bằng được giao nên xin khai thác tận thu. Ông Huỳnh Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Bình Định, cũng thừa nhận: “Nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc lập dự án phát triển du lịch hay các lĩnh vực khác để đăng ký bổ sung ngành nghề nhằm khai thác titan”. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng đây là việc làm bình thường nhằm tận thu nguồn khoáng sản, không để thất thoát tài nguyên trước khi triển khai các dự án.
Theo kết quả thăm dò, khảo sát của các liên đoàn địa chất, Bình Định có trữ lượng titan hơn 10 triệu tấn, tập trung tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Khu kinh tế Nhơn Hội. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp khai thác ở Bình Định 400.000 tấn quặng tinh, 400 tấn quặng thô. Đây chỉ mới là con số kê khai của các doanh nghiệp.

Cấp phép lố?
Bộ TN&MT đã cấp 14 giấy phép, trong đó có năm giấy phép khai thác, chín giấy phép thăm dò. Trong khi đó, theo Quyết định 104 ngày 13-7-2007 của Thủ tướng, Bộ TN&MT chỉ cấp năm giấy phép khai thác, thăm dò. Bộ TN&MT nên xem xét lại việc cấp giấy phép mới, đảm bảo quy hoạch khai thác, chế biến titan của tỉnh Bình Định.
Ông NGUYỄN KIM PHƯƠNG, Giám đốc Sở Công thương
tỉnh Bình Định
Tỉnh Bình Định chỉ cấp phép các điểm ngoài khu vực mỏ mà Bộ TN&MT đã cấp phép và các điểm tận thu. Gần đây số giấy phép và sản lượng titan khai thác vượt quy hoạch là do các dự án tận thu quá mức tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Những điểm khai thác dưới 10 ha do tỉnh cấp phép sẽ chấm dứt khai thác vào năm 2011. Sắp tới, tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh lại các điểm khai thác ngoài khu vực mỏ, các điểm tận thu.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định
TẤN LỘC

“ĐẠI CÔNG TRƯỜNG” KHAI THÁC TITAN Ở BÌNH ĐỊNH - BÀI 2:
Mỗi giấy phép khai thác titan có thể triệt hạ vài hecta rừng.
Những cánh rừng dương phòng hộ dày đặc ven biển được trồng từ những năm đầu những năm 1980 nay đang bị các dự án khai thác titan triệt phá không thương tiếc.
Bức tử rừng ven biển
Ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, những cánh rừng dương ven biển dần dần bị đốn hạ. Bãi biển ở Mỹ Thành giờ trống trơn, chỉ còn những hố hầm có chu vi hàng trăm mét, sâu đến 20-30 m, chứa những bè hút cát, giàn lọc titan. Ông Lê Văn Thanh (thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành) bức xúc: “Thôn Vĩnh Lợi như một bán đảo mà giờ không còn rừng phòng hộ. Họ ồ ạt đặt máy hút cát rất sâu khiến bờ biển như bị rỗng ruột. Nay mai nước biển xâm thực sâu vào, chúng tôi biết ở đâu?”.
Hàng loạt cánh rừng phòng hộ, rừng sản xuất ven biển tại các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ), Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (huyện Phù Cát) đã và đang bị khai tử. Ông Trần Văn Thông ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát nói: “Khi những dự án khai thác titan đến đâu, rừng dương chắn cát lần lượt gục ngã đến đó. Nghe đâu nhiều doanh nghiệp đang xin mở rộng diện tích khai thác. Không biết bao nhiêu rừng sẽ bị triệt hạ khi bên dưới những cánh rừng này vẫn còn các mỏ titan”. Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Phù Mỹ thừa nhận chưa thống kê hết diện tích rừng ven biển bị chặt để khai thác titan nhưng mỗi giấy phép khai thác titan có thể triệt hạ vài hecta rừng. 


Một giàn lọc titan ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh: TẤN LỘC
Ai phải trồng lại diện tích rừng bị triệt hạ nói trên? Ông Huỳnh Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản - Sở TN&MT Bình Định, cho biết: “Theo thỏa thuận, sau khi khai thác, doanh nghiệp phải trồng lại toàn bộ diện tích rừng bị chặt phá, trả lại nguyên trạng mặt bằng”. Thế nhưng ông Vinh cũng thừa nhận hiện tỉnh chưa kiểm soát được những vấn đề hậu khai thác titan. Nhiều doanh nghiệp chỉ lo khai thác mà không trồng lại rừng nên hầu hết diện tích đất sau khi khai thác trở nên hoang hóa với đầy hầm hố, núi cát.
Dân sống chung với cát bay
Do không còn rừng dương chặn cát nên gặp mùa nắng nóng, người dân càng khốn khổ hơn với nạn cát bay, cát tràn. Bà Nguyễn Thị Hai (thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) kể: “Mỗi khi có gió biển, cát bay mịt mù. Nhiều khi đang ăn cơm, cát bay rào rào vào mâm, phải bỏ bữa. Nhiều nhà phải chui vào mùng ngồi ăn cơm, thảm lắm! Ngay cả giặt giũ quần áo cũng không biết phơi đâu vì chỗ nào cát cũng bay rát mặt”.
Xung quanh nhiều khu khai thác titan có những khu đất sản xuất bị bỏ hoang do cát tràn lấp dày. Người dân chỉ cho xem những khu đất sản xuất bị bỏ hoang do cát tràn, lấp dày, không cây gì sống nổi. Ông Đặng Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, xác nhận người dân nơi đây đang rất bức xúc trước nạn cát bay, cát tràn.
Đóng phạt rồi vi phạm
Song song đó, người dân ở xã Mỹ Thành đang rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hằng ngày, hàng trăm chiếc máy thi nhau khoan hút nước ngầm để lọc titan. Ông Phan Văn Thìn ngụ ở đây cho biết: “Trước đây giếng nhà tôi đủ cung cấp cho hàng chục gia đình nhưng gần năm nay đã trở nên cạn kiệt”.


Sau khi khai thác titan, các doanh nghiệp để lại những hầm hố cát khổng lồ ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh: TẤN LỘC
Theo ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Bình Định, các doanh nghiệp sử dụng rất nhiều nước ngọt để tách titan. Tuy nhiên, hiện nhà nước không quản lý được lượng nước cần dùng khi khai thác một tấn quặng là bao nhiêu để thu thuế tài nguyên. Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Hà Ngọc Tân cho biết: “Thực tế, sản lượng titan khai thác rất lớn nhưng hiện mức thuế tài nguyên còn thấp, chỉ 50.000 đồng/tấn. Trong khi đó, hạ tầng giao thông ở địa phương hư hỏng rất nhanh do lượng xe chở titan quá tải ra vào các mỏ”.
Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng TN&MT huyện Phù Mỹ, thừa nhận: “Trước khi tiến hành khai thác, các doanh nghiệp đều cam kết bảo vệ môi trường. Nhưng khi khai thác, họ không thực hiện đúng yêu cầu đề ra”. Ông Huỳnh Quang Vinh cho biết lần nào kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng xử phạt các doanh nghiệp vi phạm nhưng đâu lại vào đó. Doanh nghiệp sẵn sàng đóng phạt rồi tiếp tục vi phạm.

Những dự án khai thác titan trong ba năm không phải đánh giá tác động môi trường, các doanh nghiệp chỉ làm cam kết bảo vệ môi trường, không có chế tài kèm theo. Điều này càng làm tăng tình trạng hủy hoại môi trường do khai thác titan.
Ông NGUYỄN KIM PHƯƠNG, Giám đốc Sở Công thương Bình Định
Chưa có kinh phí tái đầu tư vùng mỏ
Theo quy định, doanh nghiệp khai thác titan phải trích lợi nhuận 80-160 triệu đồng/ha để hỗ trợ các địa phương cải tạo, tu sửa đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo một số cán bộ lãnh đạo các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, đến nay vẫn chưa thể thu nguồn kinh phí này do các dự án được cấp phép trước khi có quy định trên.
TẤN LỘC

Bà bán thuốc lá thoắt cái trở thành giám đốc, được thuê để ký các hợp đồng mua bán quặng thô, xuất lậu sang Trung Quốc.
Từ quốc lộ 1A đi xã Mỹ Thành chỉ hơn 14 km nhưng phải mất gần một giờ đồng hồ mới đến nơi bởi con đường bị hàng đoàn xe tải hạng nặng chở titan tung bụi mù trời. Nhiều ngôi nhà hai bên đường phải đóng cửa quanh năm.
Doanh nghiệp tự ghi trữ lượng
Hầu như không cơ quan chức năng nào ở Bình Định kiểm tra, quản lý sản lượng quặng do các doanh nghiệp khai thác. Các con số thống kê đều do doanh nghiệp tự kê khai. Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Bình Định, cho biết khi lập hồ sơ đăng ký khai thác titan, các doanh nghiệp không thăm dò, đánh giá trữ lượng mà chỉ ước lượng. Trong quá trình khai thác, các doanh nghiệp liên tục xin gia hạn thời gian khai thác vì cho rằng ban đầu chưa đánh giá hết trữ lượng. Do đó, thực tế không ai biết mỏ ấy có trữ lượng bao nhiêu. Thực trạng này khiến nguồn tài nguyên titan ngày càng bị thất thoát.
Ông Phương thừa nhận: “Đúng là Sở Công thương có nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động khai thác, chế biến titan của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện Sở chưa có cán bộ làm nhiệm vụ này do không tuyển được cán bộ có chuyên môn”.


Giàn khoan titan của một doanh nghiệp gần khu dân cư ở thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh: TẤN LỘC
Nhà nước thua thiệt
Theo chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tinh quặng, chế biến sâu titan. Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đăng ký đầu tư chế biến sâu tinh quặng titan của sáu nhà đầu tư, trong đó có ba nhà đầu tư đã đi vào sản xuất giai đoạn một với tổng công suất 36.000 tấn sản phẩm xỉ titan/năm. Tuy nhiên, hiện hầu hết các doanh nghiệp này đều rơi vào bế tắc trong xuất khẩu do vướng mức thuế xuất khẩu 18% theo thông tư của Bộ Tài chính. Theo tính toán, mỗi tấn xỉ titan xuất khẩu, doanh nghiệp lỗ gần 900.000 đồng. Do đó, các nhà máy này đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.
Trong khi doanh nghiệp làm tinh quặng titan bí đường thì việc bán titan thô lại rất rộng đường. Theo ông Nguyễn Kim Phương, đa số các doanh nghiệp sau khi khai thác chỉ tìm cách bán lậu titan thô. Các doanh nghiệp này liên kết với nhiều công ty ma bán titan thô ra khỏi Bình Định, sau đó xuất khẩu lậu sang Trung Quốc và các nước lân cận. Tình trạng này gây thất thoát tài nguyên rất lớn, song hiện chưa có chế tài để quản lý việc bán quặng thô.
Ông Phương kể: “Một lần lực lượng chức năng tỉnh kiểm tra việc mua bán quặng thô của một doanh nghiệp, phát hiện giám đốc doanh nghiệp này là một bà... bán thuốc lá. Bà này khai được một doanh nghiệp thuê làm giám đốc để ký các hợp đồng mua bán titan thô!”. Một cán bộ Sở TN&MT Bình Định tính toán, mỗi năm có 200.000 tấn titan được tuồn ra ngoài tỉnh bằng đường bán lậu, tức ngân sách tỉnh này mất đi 2 triệu USD khoản thu thuế xuất khẩu.
Phạt không được!
So sánh với mức thu tiền thuê đất chỉ 20 triệu đồng/ha, thuế tài nguyên chỉ 50.000 đồng/tấn titan, các doanh nghiệp khai thác titan thu vào khoản lợi nhuận khổng lồ, trong khi nguồn thu ngân sách bị thất thoát khá lớn. Đó là chưa kể những hậu quả nặng nề về môi trường, xã hội do hoạt động khai thác titan gây ra.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Phương thừa nhận tỉnh chưa có giải pháp triệt để ngăn chảy máu tài nguyên. Hiện nay, biện pháp chủ yếu vẫn là vận động các doanh nghiệp chế biến tinh quặng hoặc bán quặng thô cho các doanh nghiệp có cơ sở chế biến sâu titan trên địa bàn Bình Định. Tuy nhiên, như đã nói trên, các doanh nghiệp chế biến titan sâu đang gặp nhiều khó khăn do không xuất khẩu được nên việc vận động thu mua quặng thô cũng gần như bế tắc!
TẤN LỘC



 

 


Tổng số lượt xem trang