Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Lãnh đạo PVCOM bị tố làm thất thoát hơn 76 tỉ đồng

Lãnh đạo PVCOM bị tố làm thất thoát hơn 76 tỉ đồng (Kỳ 1)
(Tamnhin.net) - Ban lãnh đạo cũ của Công ty VIP Việt Nam (PVCOM), đóng tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An vừa bị tố cáo vì đã làm thất thoát hơn 76 tỉ đồng trong quá trình điều hành hoạt động của công ty.

Đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng
Trong đơn gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, ông Lê Đức Doanh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dầu khí VIP Việt Nam - PVCOM) và ông Takashi Kitahara (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietnam Investments Partners) nêu:

“Tháng 1/2010, Công ty Vietnam Investments Partners góp vốn 86,4 tỉ VNĐ tương ứng với 48% số vốn, Công ty cổ phần xây dựng dầu khí Nghệ An (PVNC) góp vốn 51%, ông Lê Đức Doanh góp vốn 1% cùng liên doanh xây dựng pháp nhân mới mang tên Công ty cổ phần đầu tư dầu khí VIP Việt Nam (PVCOM) để quản lí và phát triển Khu công nghiệp Hoàng Mai (có địa chỉ tại xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).



Khi Khu công nghiệp Hoàng Mai còn đang dang dỡ thì nội bộ công ty đã xảy ra mâu thuẩn

Do sở hữu 51% số vốn góp nên Công ty cổ phần xây dựng dầu khí Nghệ An chi phối hầu như toàn bộ quyền hành trong hoạt động quản lí PVCOM, đặc biệt khi điều lệ PVCOM trong thời kỳ này quy định rằng PVNC có quyền tuyệt đối trong việc đề xuất người giữ chức Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng PVCOM”.

Nội dung đơn tố cáo lãnh đạo PVCOM chỉ rõ: “Nhận thấy Ban lãnh đạo Công ty PVCOM điều hành doanh nghiệp không rõ ràng, minh bạch về tài chính, các hạng mục công trình có dấu hiệu không đảm bảo về chất lượng, đã nhiều lần chúng tôi yêu cầu Công ty PVCOM trình báo cáo tài chính nhưng đến tháng 8/2010, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ một văn bản nào thể hiện sự minh bạch và rõ ràng trong hoạt động của doanh nghiệp”.

Trước tình trạng không có thông tin về hoạt động tài chính của doang nghiệp cũng như bất lực trước việc thay đổi Ban điều hành do tỉ lệ góp vốn dưới 50%, Công ty Vietnam Investments Partners đã quyết định mua thêm cổ phần từ Công ty PVNC để nâng tổng phần góp tại PVCOM lên 74%.

Sau khi có cổ phần lớn nhất tại PVCOM, Công ty Vietnam Investments Partners đã thay thế Ban lãnh đạo cũ và tiến hành mời Công ty Kiểm toán độc lập về kiểm tra.

Theo báo cáo của kiểm toán cho thấy trong quá trình hoạt động của Ban lãnh đạo cũ của PVCOM đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam, làm thất thoát hơn 76,3 tỉ VNĐ.

Trước kết quả này ông Doanh và ông Takashi Kitahara đề nghị các cơ quan xác minh kết quả của kiểm toán, xem xét tiến hành điều tra toàn diện, thu hồi những tài sản thất thoát của liên doanh và Nhà nước.

(còn tiếp)

Hà Vy


(Tamnhin.net) - Kết luận kiểm toán khẳng định, chỉ sau một thời gian ngắn điều hành hoạt động công ty, tổng giám đốc và kế toán trưởng của PVCOM (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã làm thất thoát số tiền hơn 76 tỉ đồng.

Liệu có phải mâu thuẫn nội bộ trong PVCOM đã khiến khu công nghiệp Hoàng Mai đến nay vẫn còn nhiều hạng mục dang dở? Ảnh: Hà Vy
Sau khi có cổ phần lớn nhất tại PVCOM (74%), phía Công ty cổ phần Vietnam Investments Partners đã tiến hành thay tổng giám đốc, đồng thời thuê Công ty TNHH kiểm toán tư vấn Thủ đô (số 16 D6, Phường Phan Xuân Bức, Thanh Xuân, Hà Nội) về kiểm toán một số nội dung tại công ty PVCOM, gồm: kiểm toán chi phí xây lắp thực hiện đến ngày 30/9/2010 tại dự án "Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Mai; đồng ý để đơn vị kiểm toán thuê một đơn vị tư vấn kiểm tra lại kết quả một số hạng mục công trình tại Khu công nghiệp Hoàng Mai để xác định lại khối lượng và chất lượng công trình.

"Choáng" với kết luận kiểm toán

Sau gần 5 tháng thực hiện công tác kiểm toán, kết luận số 19/CACC/CT ngày 16/2/2011 của Công ty kiểm toán tư vấn Thủ đô đã chỉ rõ những vi phạm nghiêm trọng của lãnh đạo PVCOM cũ khiến hàng chục tỉ đồng bị thất thoát:

Thứ nhất: Chủ đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng Luật đấu thầu. Chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thi công mà dùng hình thức chỉ định thầu; việc đình chỉ thầu không đúng trình tự quy định; các hợp đồng được ký kết giữa Ban quản lí dự án - Công ty cổ phần xây dựng dầu khí Nghệ An và Công ty cổ phần xây dựng dầu khí Nghệ An là hình thức tự thực hiện, do vậy giá trị các hạng mục không được tính tiền thu nhập chịu thuế trước (kiểm toán giảm 6,73 tỉ đồng).

Thứ hai: Mỏ đất Đồi Chanh chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép cho khai thác nhưng đơn vị đã tiến hành các thủ tục như: đền bù, làm đường vào mỏ, thi công khai thác, thời gian thực  hiện và nghiệm thu chất đổ thải có trước thời gian cấp phép đổ thải như tại mục khai thác đất Đồi Chanh phần thi công bóc đất chân tầng mỏ đất và thi công khai thác đất mỏ giai đoạn 3; văn bản số 12 CV/UND ngày 26/3/2009 của UBND huyện Quỳnh Lưu đã ký khống không ghi vị trí đổ thải mà để trống để đơn vị tự ghi vào hồ sơ cho các gói thầu; kết hợp với việc kiểm tra hiện trường các bãi thải đổ thải thấy khối lượng đổ thải rất ít và thành phần đổ thải không phải là bóc đất tầng phủ (kiểm toán giảm 8,54 tỉ đồng).


Kết luận của kiểm toán về các sai phạm của Ban lãnh đạo cũ PVCOM (Ảnh: Hà Vy)

Cũng tương tự, đối với hạng mục san nền, phía kiểm toán cũng từ  chối xác định tính có thật, tính đầy đủ đồng thời giảm trừ công tác vận chuyển đất hữu cơ đổ đi (kiểm toán giảm 13,53 tỉ đồng).

Thứ ba: Bể xử lí số 1, số 2 và bó vỉa hè cường độ bê tông không đạt mác thiết kế tại vị trí khoan kiểm tra của công ty kiểm định (kiểm toán giảm 9,96 tỉ đồng).

Thứ tư: Một số hạng mục chưa thi công hoàn thành giai đoạn xây lắp nhưng các bên đã ký biên bản nghiệm thu và hồ sơ đề nghị thanh toán (kiểm toán giảm 7,12 tỉ đồng).

Thứ năm: Giảm trừ khối lượng và đơn giá một số công tác khác do nguyên nhân đã trình bày trong báo cáo kiểm toán số 20/BCKT.

"Nếu chưa chính xác sẽ tiếp tục yếu cầu"

Ngay sau khi có kết luận kiểm toán này, Chủ tịch HĐQT Công ty PVCOM là ông Lê Đức Doanh và ông Takashi Kitahara - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietnam Investments Partner, đã viết đơn tố cáo gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An và Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam để xác minh lại kết quả kiểm toán, đồng thời xem xét tiến hành điều tra toàn diện, thu hồi những tài sản thất thoát của liên doanh và nhà nước.


Ông Lế Đức Doanh - Chủ tịch HĐQT (ngoài cùng bên trái) và Ban Giám đốc mới của PVCOM trong buổi làm việc với PV Tamnhin.net. Ảnh: Hà Vy

Trao đổi với Tamnhin.net, ông Lê Đức Doanh cho biết: "Trước khi có kết luận của công ty kiểm toán, một số người trong công ty PVCOM đã phản ánh về những việc làm vi phạm của tổng giám đốc và kế toán. Hiện tại, do cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh sự việc nên chúng tôi chưa có khẳng định gì về số tiền này. Tuy nhiên, nếu kết luận của cơ quan điều tra không chính xác, phía công ty sẽ tiếp tục yêu cầu làm rõ".

(Còn tiếp)

Hà Vy
 
(Tamnhin.net) - Tại kết luận kiểm toán của mình Công ty TNHH kiểm toán Thủ đô khẳng định, Tổng giám đốc và Kế toán trưởng của PVCOM đã có nhiều sai phạm dẫn đến việc làm thất thoát hơn 76 tỉ đồng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai (Quỳnh Lưu - Nghệ An).

Mô hình dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai khi hoàn thành (Ảnh: Hà Vy)
Không chỉ "luận tội" các sai phạm trong vấn đề xây lắp Dự án "Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Mai", tại Kết luận của kiểm toán số 17/CACC/CT ngày 16/2/2011, phía Công ty TNHH kiểm toán tư vấn Thủ đô tiếp tục chỉ ra các sai phạm nghiêm trọng về vấn đề tài chính tại dự án này của ban lãnh đạo PVCOM cũ.

Thứ nhất: Đơn vị đã vi phạm công tác quản lý chi phí, sử dụng hoá đơn: hạch toán chi phí đầu tư thực hiện khống vượt quá giá trị nghiệm thu. Ví dụ:

- Tại hợp đồng số 22A/01/2010 thi công Kênh thoát nước số 03 và nạo vét kênh nhà Lê; theo hồ sơ nghiệm thu thanh toán ngày 30/08/2010 thì giá trị nghiệm thu là 4,69 tỉ đồng; công ty VIP chấp nhận thanh toán 70% là 3,281 tỉ đồng; tuy nhiên PVNC (Công ty cổ phần xây dựng dầu khí Nghệ An)  đã xuất hoá đơn là 5 tỉ đồng; vượt giá trị là 1,71 tỉ đồng.

- Tại hợ đồng số 24/06/2009-HĐKT-BDA ngày thi công hành rào khu công nghiệp gói 1; theo hồ sơ nghiệp thu thanh toán đợt 1+2 giá trị nghiệm thu là 844,5 triệu đồng; tuy nhiên PVNC đã xuất hoá đơn là 1,07 tỉ đồng; vượt giá trị 226 triệu đồng.


Kết luận của kiểm toán số 17 ra ngày 16/2/2011 của Công ty TNHH kiểm toán Thủ đô về các sai phạm của ban lãnh đạo PVCOM cũ

- Tại hợp đồng 26/06/2009 ngày 16/6/2009 thi công hạng mục hệ thống cấp nước khu công nghiệp Hoàng Mai; giá trị hồ sơ thanh toán 45 tỉ đồng; PVCN đã xuất hoá đơn là 51,7 tỉ; vượt giá trị 6,679 tỉ đồng...

Trách nhiệm những sai phạm này thuộc về đồng chí Tổng giám đốc và đồng chí Kế toán trưởng của V.I.P (Công ty cổ phần đầu tư dầu khí VIP Việt Nam-PVCOM) đã kiểm tra khối lượng nghiệm thu thanh toán so với hoá đơn.

Thứ hai: Đơn vị đã vi phạm nghiêm trọng công tác quản lí chi tiền đền bù tại khu công nghiệp Hoàng Mai. Ví dụ:

- Tại quyết định số 807/QĐ-UBND ngày 26/04/2010 phê duyệt phương án chi tiết giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Mai (đợt 30); tổng giá trị bồi thường là 3,927 tỉ đồng (số tiền này đơn vị giải thích đã chi tiền đền bù hết trong năm 2009); trong khi đó Quyết định phê duyệt phương án giá trị bồi thường số 807/QĐ-UBND ký ngày 26/04/2010. Như vậy, đơn vị chi bồi thường trước khi có quyết định phê duyệt phương án chi tiết bồi thường.

- Tại quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 26/04/2010 phê duyệt phương án chi tiết giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Mai (đợt 33); tổng giá trị bồi thường là 1,866 tỉ đồng; phiếu chi ngày 09/07/2010 chi 348 triệu đồng; số tiền còn lại chưa đền bù là 1,518 tỉ (số tiền còn lại đơn vị giải thích là đã chi tiền đền bù hết trong năm 2009); trong khi đó Quyết định phê duyệt phương án chi tiết giá trị bồi thường 810/QĐ-UBND ký ngày 26/04/2010. Như vậy, đơn vị chi bồi thường trước khi có quyết định phê duyệt phương án chi tiết bồi thường.

Trách nhiệm thuộc về đồng chí Tổng giám đốc và đồng chí Kế toán trưởng của V.I.P đã sử dụng không đúng mục đích tiền ngân sách nhà nước, vi phạm nghiêm trọng công tác quản lí chi phí sử dụng tiền

Thứ ba: Đơn vị đã vi phạm nghiêm trọng công tác tài chính, lập hồ sơ chi tiền sai quy định. Ví dụ như: mỏ đất Đồi Chanh chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép cho khai thác nhưng đơn vị đã tiến hành các thủ tục đền bù; làm đường vào mỏ; hồ sơ đền bù không đúng trình tự, vi phạm tính chính xác...

Thứ tư: Đơn vị đã vi phạm nghiêm trọng công tác hạch toán kế toán: xác định giá trị lợi thế thương mại là tài sản cố định, hạch toán tăng giá trị đầu tư của lợi thế thương mại trong điều kiện công ty hoạt động bình thường.

Thứ năm: Đơn vị đã hach toán quá công nợ phải trả: xác định quá giá trị công nợ phải trả do ghi nhận chi phí vượt thực tế.


Ông Phạm Trần Lê - Tổng giám đốc mới của PVCOM (bên trái) và trợ lý của mình trong buổi làm việc với PV Tamnhin.net (Ảnh: Hà Vy)

Trao đổi với PV Tamnhin.net về kết luận của Công ty TNHH kiểm toán tư vấn Thủ đô, ông Phạm Trần Lê - Tổng giám đốc mới của PVCOM có cùng quan điểm với Chủ tịch HĐQT PVCOM là ông Lê Đức Doanh khi ông Lê cho rằng, hiện chưa thể khẳng định sai phạm của ban lãnh đạo PVCOM cũ mà phải chờ vào kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên đây là một kết luận có đầy đủ tích chất pháp lý.

(còn tiếp)

Tổng số lượt xem trang