Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Mở rộng đối tượng phải bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng

Mở rộng đối tượng phải bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng
SGTT.VN - Có thể ngay đầu tháng 5 tới, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp thành viên (danh sách lấy trực tiếp từ website của ban Đổi mới doanh nghiệp) phải thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ và có quyền mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Tổng số ngoại tệ tổ chức mua lại từ TCTD tối đa bằng tổng số ngoại tệ tổ chức đã bán cho TCTD.

Những biện pháp kiểm soát quyết liệt được đưa ra gần đây có thể là nguyên nhân khiến tỷ giá chợ đen thấp hơn ngân hàng. Ảnh: Lê Quang Nhật
Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong tháng 4 này ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải ban hành thông tư quy định việc mua bán ngoại tệ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thay thế quy định hiện hành. Hiện dự thảo thông tư mới đang được đưa ra thảo luận và tham khảo ý kiến để hoàn thiện. Dự thảo này có bảy nguyên tắc thực hiện – đây là những điểm mới so với thông tư số 26/2009/TT-NHNN (thông tư 26) ban hành năm 2009.
Mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Tại thông tư 26, đối tượng điều chỉnh chỉ là bảy tập đoàn, bao gồm: tập đoàn Dầu khí Việt Nam; tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam; tập đoàn Công nghiệp hoá chất Việt Nam; tổng công ty Cảng hàng không miền Nam; tổng công ty Lương thực miền Nam; tổng công ty Lương thực miền Bắc; tổng công ty Lắp máy Việt Nam. Tại dự thảo thông tư mới, đối tượng điều chỉnh là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bao gồm cả doanh nghiệp thành viên có trên 50% vốn nhà nước (gọi tắt là tổ chức). Cơ sở pháp lý của thông tư mới là nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24.2.2011 của Chính phủ. Danh sách tổ chức sẽ lấy trực tiếp từ website của ban Đổi mới doanh nghiệp và sẽ được cập nhật tại website của NHNN.
Số ngoại tệ được mua tối đa bằng số ngoại tệ đã bán
Theo tinh thần dự thảo thông tư mới, các tổ chức doanh nghiệp phải tự cân đối nguồn thu – nhu cầu chi ngoại tệ hợp lý của mình và bán phần ngoại tệ còn dư. Trước đây tổ chức phải bán số ngoại tệ thu được từ các nguồn thu vãng lai và số dư trên các tài khoản tiền gửi của tổ chức tại TCTD tại thời điểm 31.12.2009 (trừ các khoản ký quỹ, đặt cọc hay bảo lãnh cho nghĩa vụ nợ trong tương lai). Dự thảo thông tư mới quy định nguồn thu ngoại tệ hợp pháp thuộc đối tượng phải bán là: ngoại tệ trên tài khoản sau khi khấu trừ nhu cầu hợp lý; ngoại tệ thu về từ các giấy tờ có giá đáo hạn và thu về từ tổ chức uỷ thác cho vay, uỷ thác đầu tư tại các TCTD và các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp khác của tổ chức...
Trước đây, trường hợp đã mua đủ số ngoại tệ bằng với số ngoại tệ đã bán cho TCTD, nếu tổ chức vẫn có nhu cầu mua ngoại tệ, việc mua – bán ngoại tệ của tổ chức và TCTD được thực hiện trên cơ sở thoả thuận của các bên, nhưng nay: “tổng số ngoại tệ tổ chức mua lại từ TCTD tối đa bằng tổng số ngoại tệ tổ chức đã bán cho TCTD”.
Chuyển ngoại tệ giữa các tài khoản
Theo dự thảo, tổ chức bán ngoại tệ cho TCTD nào thì thực hiện việc mua lại ngoại tệ từ chính TCTD đó. Trường hợp nhu cầu lớn hơn nguồn thu hiện tại có tại TCTD đó, tổ chức trình chứng từ để mua hoặc chuyển ngoại tệ từ TCTD khác. Có thể diễn giải nguyên tắc này như sau: tài khoản ngoại tệ mở tại ngân hàng A (số dư A); nhu cầu ngoại tệ hợp pháp trong tháng (nhu cầu A); tài khoản ngoại tệ mở tại ngân hàng B (số dư B). Trường hợp nhu cầu A > sử dụng A thì tổ chức chuyển ngoại tệ từ tài khoản B sang tài khoản A để bù đắp tối đa bằng phần nhu cầu còn thiếu (nhu cầu – sử dụng A).
Trong dự thảo mới, NHNN không thực hiện việc mua – bán ngoại tệ với TCTD để phục vụ nhu cầu của tổ chức nữa. Để bảo đảm trạng thái ngoại tệ của TCTD đúng quy định, NHNN sẽ căn cứ vào điều kiện thị trường ngoại hối để thực hiện việc mua – bán ngoại tệ với TCTD.
Thời điểm có hiệu lực dự kiến sẽ chọn ngày đầu tháng. Như vậy, nếu thông tư mới được ký ban hành trong tháng 4.2011 thì ngay ngày 1.5.2011 thông tư sẽ có hiệu lực thi hành. Với việc mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh, thông tư mới sẽ giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ của các tổ chức và tiếp tục cải thiện tình hình thị trường ngoại hối của Việt Nam.
Trí Dũng

Tổng số lượt xem trang