SGTT.VN - Trong buổi hội thảo về quản lý ngoại hối sáng 18.4 tại Hà Nội, ông Michel Henry Bouchet, cựu quản lý tài chính các nước vay nợ của ngân hàng Thế giới (WB), nhận định tiền đồng của Việt Nam thực chất không yếu.
Nhận định của chuyên gia ngân hàng Thế giới cho rằng tiền đồng của Việt Nam thực chất không yếu. Ảnh: TL SGTT |
Theo ông Bouchet, tiền đồng đã có lúc đi lên trong giai đoạn 2006 - 2010. Nhưng hiện nay, tiền đồng đang suy yếu do áp lực của lạm phát, dự kiến 13% trong năm nay và thâm hụt thương mại cao (9 tỷ USD). Và nếu như dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại thì sẽ gây thêm áp lực cho tiền đồng. Do đó, ông Bouchet cho rằng, tỷ giá hối đoái của VND/USD không phải vấn đề kỹ thuật, được quy định bởi ngân hàng Nhà nước, mà là vấn đề tâm lý, người dân và nhà đầu tư cần có niềm tin vào viễn cảnh dài hạn của Việt Nam.
Ông Bouchet nhận định, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một tốt một biện pháp là áp trần lãi suất huy động với ngoại tệ là 3%/năm, giúp người dân có hứng thú hơn với tiền đồng, với lãi suất 14%. Nhưng điều đó là chưa đủ, Việt Nam cần kìm hãm tốc độ tăng trưởng “quá nóng” của 5 năm qua. Ưu tiên hiện tại phải là ổn định và tăng trưởng bền vững, phát triển phải là tăng trưởng GDP cộng với các nhân tố giáo dục, quản trị, cơ sở hạ tầng tốt trong dài hạn. Mục tiêu tăng GDP của Việt Nam không hẳn là 7, 8 hay 9%, có thể chỉ là 5%/năm mà không có lạm phát 9 hay 12%. Theo đó, kìm chế lạm phát phải là ưu tiên đầu tiên, ông nói.
Bên cạnh đó, cắt giảm chi tiêu công không còn là lựa chọn kinh tế nữa mà là lựa chọn chính trị, nên rà soát lại danh sách đầu tư trong 5 năm tới, để có ưu tiên cao cho viễn cảnh kinh tế dài hạn của Việt Nam. Cũng theo ông Bouchet, bất động sản không nên nằm trong danh sách ưu tiên, thay vào đó là giáo dục, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, du lịch, bán lẻ….
Việt Anh (ghi)