Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Người lao động kêu cứu

--Người lao động kêu cứu (TNO) -
Gần 2 năm nay, một số người lao động ở Ninh Thuận dù đã hoàn tất thủ tục để một công ty đưa đi xuất khẩu lao động, nhưng vẫn ở tại chỗ. Nhiều người muốn lấy lại tiền đã nộp từ hơn 16 tháng qua thì bị công ty này khất lần.
Anh Nguyễn Văn Tam (xã Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) cho biết: “Đầu năm 2009, tôi liên hệ với chi nhánh Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom - trụ sở tại TP.HCM (Nguyễn Minh Hoàng, P.12, Q.Tân Bình). Sau khi làm hết các thủ tục như khám sức khỏe, làm hộ chiếu…, ngày 26.10.2009, tôi đóng cho công ty số tiền 18.180.000 đồng, đại diện công ty bảo chờ xuất cảnh sang Anh. Đến ngày 27.5.2010, công ty thông báo không đi Anh được và phải nộp thêm tiền để chuyển qua đi Úc. Tôi tiếp tục đóng thêm 2.000 USD, công ty ký giấy biên nhận và kèm theo điều khoản “đến ngày 31.8.2010 mà người lao động không nhận được lịch phỏng vấn xin visa xuất cảnh sang Úc làm việc được thì sẽ nhận lại đủ số tiền đã đóng trên. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tôi không được đi xuất khẩu lao động và muốn lấy tiền lại công ty cũng không giải quyết”.

Tương tự như trường hợp anh Tam, các anh Lê Thanh Hải (23 tuổi), Phan Văn Quyết (34 tuổi), Phan Mạnh Hùng (24 tuổi), Phạm Văn Hải (32 tuổi), Nguyễn Ngọc Dinh (36 tuổi), đều trú tại Ninh Thuận; Nguyễn Mạnh Tiến (22 tuổi, ở Quảng Bình) và Nguyễn Công Hòa (24 tuổi, ở Nghệ An) đều đã nộp đủ số tiền 3.000 USD sau khi làm xong các thủ tục để công ty nói trên đưa đi Úc. Tuy nhiên, từ đó đến nay họ vẫn chưa được đi. Những người lao động trên cho hay, hầu hết số tiền đóng cho công ty đều phải đi vay ngân hàng hoặc vay nóng với lãi suất cao. “Gia đình tôi đã phải chạy vạy nhiều nơi để vay với lãi suất từ 1,5 - 2,0%/tháng. Giờ đây, số tiền lãi đã tăng lên rất nhiều mà tôi vẫn chưa đi xuất khẩu lao động khiến cuộc sống gia đình khốn đốn vì nợ nần”, anh Quyết nói.

Bản cam kết và Giấy biên nhận tiền
Qua số điện thoại 0937679... mà các nạn nhân cung cấp, chúng tôi liên lạc được với một người tên Sơn, xưng là Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom. Ông này cho biết do các đối tác phá vỡ hợp đồng tuyển dụng, nên không thể đưa những lao động này đi được. Khi chúng tôi hỏi vì sao người lao động muốn lấy lại tiền mà không được, ông này im lặng và tắt máy.
Việc tuyển dụng và nhận tiền để đưa lao động đi nước ngoài làm việc nhưng hoàn toàn không có trách nhiệm của công ty nói trên đã đẩy nhiều người lao động lâm vào cảnh khốn cùng, nợ nần chồng chất. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ, trả lại công bằng cho người lao động.
Lê Xuân
- Vài Nhận Xét Về Lĩnh Vực Xuất Khẩu Lao Động Việt Nam —  (Mạch sống).
Công Ty Làm Ăn Chộp Giật, Nhà Nước Quản Lý Kém
CAMSA - ngày 01/03/2011
LTS: Dưới đây là những nhận xét về hoạt động của các chủ thể trong lĩnh vực xuất khẩu lao động Việt Nam - người lao động, công ty XKLĐ, Nhà nước Việt Nam.
1. Người lao động
Tình trạng người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài bị các cá nhân hoặc doanh nghiệp không có chức năng lừa đảo để đi làm việc ở nước ngoài vẫn là vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội, được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, hầu hết nạn nhân là người lao động nghèo, thiếu thông tin, đi qua môi giới, trung gian.
Phần lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài sống ở nông thôn, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mức sống trung bình, nghèo, nên trình độ học vấn thấp, chưa qua đào tạo nghề, không có ngoại ngữ, ý thức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp và sức khỏe hạn chế. Một bộ phận lao động chưa chú tâm tìm hiểu kỹ pháp luật, thông tin về thị trường lao động, chưa nghiên cứu kỹ các nội dung hợp đồng ký kết trước khi đi, chỉ mong được đi nhanh, rút ngắn thời gian đào tạo, sẵn sàng mất tiền qua trung gian, “cò mồi” để ra nước ngoài; trong quá trình lao động ý thức kỷ luật kém, chưa chấp hành đầy đủ quy định pháp luật, thiếu tôn trọng phong tục, tập quán của nước sở tại… Tình trạng lao động bỏ trốn, phá hợp đồng ra ngoài làm việc, nấu rượu lậu, đánh bạc, đánh nhau, trộm cắp…
2. Hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý quá trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, chi nhánh chưa thực hiện hoặc thực hiện không tốt, không đầy đủ chế độ báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là việc thông báo những vấn đề liên quan đến người lao động với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác đầu tư, đào tạo nghề, giáo dục định hướng của không ít doanh nghiệp thiếu kỹ lưỡng, có tính hình thức, chưa bảo đảm chất lượng, việc bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động chưa đảm bảo yêu cầu, chỉ dừng lại ở việc giáo dục định hướng, trang bị bước đầu một số kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp.
Trình độ của đội ngũ cán bộ hạn chế, nhất là các doanh nghiệp hoạt động đa ngành chưa quan tâm đầy đủ đối với tổ chức chuyên hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng cung ứng lao động có ý nghĩa quyết định nhưng chủ yếu qua môi giới, doanh nghiệp không có điều kiện tìm hiểu đầy đủ về đơn vị tiếp nhận lao động nên chất lượng hợp đồng cung ứng lao động chưa bảo đảm. Việc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động vẫn còn vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau như: không đăng ký hợp đồng; tổ chức thực hiện hợp đồng trước khi đăng ký; đưa lao động đi nhiều hơn số lượng hợp đồng đăng ký; chưa có chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước vẫn thực hiện hợp đồng. Hợp đồng cung ứng lao động còn những nội dung chưa được bảo đảm theo quy định của pháp luật, thiếu rõ ràng về nội dung, nhất là các điều khoản liên quan đến quyền lợi của người lao động.
Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động vẫn xảy ra mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả; một bộ phận doanh nghiệp được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng lao động, tư vấn, tuyển chọn lao động mà khoán trắng mọi hoạt động từ việc tìm kiếm thị trường, thực hiện hợp đồng cung ứng lao động cho chi nhánh hoặc trung tâm trực thuộc trong khi quản lý không chặt chẽ hoạt động thực sự của chi nhánh, trung tâm; tuyển chọn lao động thông qua môi giới, liên kết tràn lan, triển khai không thống nhất; vẫn còn hiện tượng nhân viên doanh nghiệp đi tuyển chọn lao động nhưng lại “chuyển” lao động tuyển được cho doanh nghiệp khác để nhận hoa hồng và tình trạng doanh nghiệp dồn người lao động vào thế bị động khi ký kết hợp đồng trước khi ra nước ngoài làm việc, có những nội dung giữa thực tế và ký kết không theo hợp đồng và phần thiệt hại chủ yếu thuộc về người lao động.
3. Chính sách của Nhà nước Việt Nam
Việc ban hành các văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài 2006 chậm so với yêu cầu; một số quy định của Luật chưa có hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa cụ thể, đầy đủ như: mức trần ký quỹ của người lao động, mẫu và nội dung của hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với từng thị trường lao động; quy định về chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, người dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài chưa thống nhất, đồng bộ về mức vay và lãi suất cho vay.
Chưa tích cực trong xây dựng chính sách để tổ chức thực hiện một số quy định của Luật như: hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; khuyến khích đưa nhiều lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao; đi làm việc tại các công trình, dự án do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước trúng thầu, nhận thầu, đầu tư ở nước ngoài; chính sách hỗ trợ sau khi người lao động về nước; chính sách đầu tư của nhà nước đối với cơ sở dạy nghề tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, hình thành một số trường dạy nghề đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động theo quy định dạy nghề gắn với việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, quy định chế tài xử lý vi phạm, xử phạt chưa đủ mạnh và khó có thể thực hiện đối với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài…
Việc quản lý, sử dụng và thực hiện chính sách đối với người lao động sau khi về nước chưa được quan tâm. Mặc dù Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài 2006 đã quy định hỗ trợ việc làm và khuyến khích tạo việc làm đối với lao động sau khi về nước, song Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng này, chưa có chính sách khuyến khích người lao động và gia đình họ đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng hiệu quả thu nhập có được từ việc đi lao động ở nước ngoài, cũng như thông tin và hướng dẫn họ đăng ký tìm việc làm phù hợp. Phần lớn người lao động về nước phải tự tìm việc làm, tạo việc làm cho mình. Bên cạnh đó, một số tác động xã hội đối với người lao động khi về nước cũng chưa được quan tâm thỏa đáng.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sâu rộng, còn mang tính hình thức. Đối tượng tuyên truyền, phổ biến chủ yếu là cán bộ, công chức các cơ quan, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã có liên quan đến hoạt động này. Đối với người dân, chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tài liệu in ấn khác, ít được phổ biến trực tiếp. Đối với các doanh nghiệp, việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lĩnh vực này chỉ nhằm mục đích chính là phục vụ cho tuyển dụng lao động, chưa bảo đảm để người lao động hiểu biết đầy đủ pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Việc thực hiện quy định doanh nghiệp đăng ký để cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động còn hạn chế do thiếu nhân lực, chưa có thông tin đầy đủ ở các thị trường tiếp nhận; việc phối hợp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với các cơ quan ngoại giao Việt Nam và các cơ quan liên quan ở các nước trong việc thẩm định hợp đồng đăng ký chưa nhiều.
Công tác phối hợp liên ngành giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ cho doanh nghiệp khai thác, mở thị trường mới, quản lý doanh nghiệp và người lao động vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục khắc phục, một số doanh nghiệp phản ánh việc hỗ trợ này của các cơ quan quản lý nhà nước chưa liên tục và chưa cập nhật. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao ít nhận được thông tin của các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc, không có danh sách người lao động để chủ động trong việc thực hiện trợ giúp hay bảo hộ công dân khi cần thiết, chỉ khi xảy ra vụ việc các cơ quan liên quan mới thông báo để tham gia xử lý, giải quyết.
Chưa có sự phân định rõ ràng trong việc bảo hộ công dân nói chung với bảo hộ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Một số quy định còn bất cập trong thực tiễn, gây khó khăn và bất lợi hơn cho người lao động như công dân xuất cảnh theo các trường hợp thông thường nếu xảy ra vụ việc thì các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài có thể sử dụng ngay Quỹ Bảo hộ công dân để mua vé máy bay, các nhu yếu phẩm tối thiểu... hỗ trợ cho công dân, nhưng đối với người lao động lại phải qua nhiều công đoạn và thủ tục để xác minh từ doanh nghiệp đưa đi, cam kết của Cục quản lý lao động ngoài nước, mất không ít thời gian ... mới có thể sử dụng Quỹ để tạm ứng, giải quyết cho lao động về nước. Một bộ phận lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài còn bị phân biệt đối xử nhưng việc bảo hộ cũng còn hạn chế.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng cũng chỉ mới nắm được số liệu cơ bản về lao động đi từ các doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức sự nghiệp và giải quyết các sự cố xảy ra, chưa cập nhật được số lượng lao động đi - về, vi phạm hợp đồng, vi phạm kỷ luật, pháp luật. Đối với hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo trúng thầu, nhận thầu; đầu tư ra nước ngoài, thực tập tay nghề và hợp đồng cá nhân chỉ nắm sơ bộ, chưa đánh giá được đầy đủ hiệu quả. Việc sử dụng và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước chưa nhiều, yếu và kém hiệu quả. Cho đến thời điểm này, Quỹ mới sử dụng được khoảng trên 5 tỷ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa kiên quyết. Số lượng cán bộ thanh tra của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục quản lý lao động ngoài nước và các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quá ít, hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc vi phạm của doanh nghiệp về tổ chức bộ máy; hoạt động của chi nhánh, trung tâm, tổ chức tuyển dụng, đào tạo, giáo dục định hướng, thu phí, tổ chức quản lý người lao động, thực hiện chế độ báo cáo… diễn ra ở rất nhiều nhưng chưa kiểm soát được nên quy định về thu hồi giấy phép, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này không được thực hiện. Trên thực tế, chưa có doanh nghiệp nào bị thu hồi giấy phép theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 15 của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; cũng chưa có trường hợp nào bị xử phạt vi phạm hành chính do người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 144/2007/NĐ-CP.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]

Tổng số lượt xem trang