Tác giả: Erica Down
Theo Erica Down, các công ty ở Trung quốc đang đóng vai trò định hình chính sách ngoại giao của nước này. Quá trình bành trướng ra nước ngoài và gia tăng ảnh hưởng của các công ty Trung quốc lên chính sách ngoại giao đang làm xói mòn nguyên tắc lâu đời của ngoại giao Trung quốc là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
LTS: Tuần Việt Nam xin giới thiệu với độc giả bài phát biểu của Erica Down, chuyên viên trung tâm nghiên cứuTrung quốc mang tên John L.Thornton thuộc Viện Brookings. Washington, Hoa Kỳ trước Ủy ban đặc trách các vấn đề kinh tế và an ninh Mỹ- Trung tại hội thảo: "Chính sách đối ngoại của Trung quốc: thách thức và những người tham gia cuộc chơi" hôm 13/4/2011.
Trước tiên tôi xin phép được cảm ơn Ủy ban đã cho tôi vinh dự được trình bày ý kiến trong cuộc hội thảo ngày hôm nay.
Bài phát biểu này sẽ tập trung vào đánh giá thực trạng hiện nay các công ty ở Trung quốc đang đóng vai trò định hình chính sách ngoại giao ra sao. Quá trình bành trướng ra nước ngoài và gia tăng ảnh hưởng của các công ty Trung quốc lên chính sách ngoại giao đang làm xói mòn nguyên tắc lâu đời của ngoại giao Trung quốc là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác như thế nào. Cũng như các hoạt động kinh doanh trên toàn cầu của các công ty Trung quốc đang làm gia tăng áp lực quốc tế và trong nước lên chính phủ nhằm bảo vệ tài sản, công dân ở nước ngoài và hỗ trợ giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế.
Tôi sẽ trình bày bốn phương thức mà những giao dịch kinh doanh qua biên giới của các công ty Trung quốc đã thúc đẩy chính phủ Trung quốc xa rời nguyên tắc không can thiệp nội bộ các quốc gia khác, dẫn chứng cụ thể được lấy từ hoạt động của các công ty dầu khí quốc gia và ngân hàng Phát triển TQ.
Thứ nhất, những hoạt động mang tính toàn cầu của các công ty TQ đang thúc đẩy chính phủ gia tăng đáng kể các nỗ lực nhằm bảo vệ công dân TQ ở nước ngoài.
Sự hiện diện ngày một mạnh mẽ của các công ty TQ trên toàn thế giới đã kéo theo sự gia tăng số lượng công dân TQ làm việc ở nước ngoài, kể cả những quốc gia có độ rủi ro chính trị- xã hội cao. Nếu năm 2005 ước tính có 3,5 triệu công nhân làm việc ở nước ngoài thì hiện nay con số đó đã tăng lên thành 5,5 triệu (1). Tình hình này đã buộc ngành ngoại giao phải nỗ lực hơn để đảm bảo sự an toàn cho công dân của họ ở nước ngoài.
Chiến dịch sơ tán gần 36. 000 công dân TQ ra khỏi Libya là một dẫn chứng hùng hồn cho xu thế vừa nêu trên. Thực sự đó là một chiến dịch sơ tán ở nước ngoài lớn nhất, phức tạp nhất trong lịch sử của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa. Nó đáng được ghi nhớ bởi một lý do nữa đó là sự tham gia của các đơn vị quân đội ở bên ngoài lãnh thổ TQ.
Trung Quốc đang gia tăng chi phí quốc phòng và phát triển quân đội. |
Quả thực, chiến dịch di tản mau lẹ và hiệu quả công dân TQ ở Libya vừa qua hoàn toàn trái ngược với phản ứng lờ phờ của chính phủ trong các tình huống khủng hoảng xảy ra trước đó , ví dụ như vụ các công nhân dầu khí TQ bị giết hại ở Ethiopia năm 2007. Thái độ thiếu nhiệt tình lúc đó đã châm ngòi cho những tranh luận phê phán trên các mạng Internet TQ và có một số người thậm chí còn thúc giục chính phủ Bắc kinh phải mang quân đội ra để bảo vệ quyền lợi ở nước ngoài (2).
Thứ hai, sự bành trướng của các công ty TQ với những hạng mục đầu tư có tầm cỡ toàn cầu đang thúc ép Bắc kinh tìm cách gây ảnh hưởng lên chính sách kinh tế của các quốc gia khác nhằm bảo vệ các khoản đầu tư của các công ty TQ và để làm sao chắc chắn rằng những khoản tín dụng được gia hạn của các ngân hàng TQ sẽ được hoàn trả.
Tín dụng của ngân hàng Phát triển TQ dành cho Vênêzuêla là một ví dụ điển hình. Năm 2010 ngân hàng Phát triển TQ thỏa thuận cho chính phủ Vênêzuêla vay 02 khoản tổng cộng là 20,6 tỷ USD. Điều đáng nói là đã có những nỗ lực từ phía ngân hàng với mục đích là đảm bảo sự hoàn trả các khoản vay nhưng lại ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế của quốc gia này.
Trước tiên, vào tháng 5 /2010 một phái đoàn TQ gồm hơn 30 thành viên các cơ quan khác nhau của chính phủ, các xí nghiệp nhà nước đã lưu lại Venezuela 18 ngày nhằm mục đích soạn thảo kế hoạch hỗ trợ Caracas cải thiện nền kinh tế của mình. Kế hoạch này bao gồm các lĩnh vực như ổn định giá cả, hoàn thiện môi trường đầu tư , cải cách tỷ giá hối đoái và phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lựa. Dĩ nhiên là nếu nền kinh tế Venezuela càng khỏe mạnh thì khả năng trả nợ của đất nước này càng cao.
Thứ nữa là ngân hàng Phát triển TQ đã đóng một vai trò tích cực trong việc đưa ra các quyết định phân bổ vốn. Các dự án được tài trợ từ vốn vay đòi hỏi phải được ngân hàng chấp thuận và ngân hàng Phát triển TQ có thể đã tính đến yêu cầu phải phục vụ các dự án làm lợi cho đất nước Venezuel nói chung chứ không chỉ dành riêng cho chính quyền của Tổng thống Hugo Chavez. Các chuyên viên chính phủ TQ và lãnh đạo doanh nghiệp đã tính toán kỹ lưỡng mối quan tâm chủ yếu của ngân hàng Phát triển TQ phải đặt vào các dự án nào để ngay cả khi Chavez đã thôi chức vụ thì người kế vị vẫn tiếp tục trả nợ được (3).
Thứ ba, các giao dịch xuyên quốc gia của ngân hàng Phát triển TQ nhằm tạo ra công cụ đòn bẩy tài chính đối với những kẻ đi vay kiệt sức nhằm củng cố lợi thế cho các quyền lợi khác của TQ.
Điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Venezuela và Turkmennistan , nơi mà ngân hàng Phát triển TQ dùng công cụ đòn bẩy tài chính để đạt các mục tiêu của chính sách đối ngoại TQ, bao gồm việc sử dụng trong giao dịch quốc tế đồng tiền TQ là Nhân dân tệ và cải thiện an ninh nguồn cung ứng năng lượng .
Trong trường hợp Venezuela , ngân hàng Phát triển TQ đã giành được thế thượng phong với tư cách là chủ nợ nước ngoài lớn nhất để tiếp tục dấn tới đạt mục đích của chính phủ TQ là khuyến khích việc quốc tế sử dụng rộng rãi hơn đồng Nhân dân tệ. Hơn một nửa trong số 20,6 tỷ USD ( $10,6 tỷ) ngân hàng Phát triển TQ đặt điều kiện cho vay bằng Nhân dân tệ làm cho Venezuela bị khóa chặt trong tình trạng phải mua hàng và dịch vụ của TQ. Ngân hàng Phát triển TQ đã có thể chủ động cơ cấu nợ theo cách vừa nêu bởi lẽ Venezuela có mức độ rủi ro tín dụng cao nên khó có thể tiếp cận các thị trường tài chính quốc tế và Tổng thống Hugo Chavez đã thề không vay quỹ tiền tệ quốc tế IMF vì lý do các điều kiện mà tổ chức này đưa ra sẽ làm cho chính phủ của ông sụp đổ.
Trường hợp của Turkmenistan thì ngân hàng Phát triển TQ đã sử dụng công cụ đòn bẩy tài chính thông qua vai trò là nhà cung cấp các khoản tín dụng khẩn cấp nhằm mục đích cải thiện an ninh nguồn cung ứng năng lượng cho nên kinh tế TQ.( Turkmenistan là nướcTrung Á có nhiều mỏ dầu và khí đốt - ND).
Năm 2009 ngân hàng đã đồng ý một khoản tín dụng trị giá 4 tỷ USD sau vụ nổ đường ống dẫn khí đốt của Turkmenistan sang Nga làm cho Ashgabat bị cắt nguồn thu nhập chủ yếu trong suốt 9 tháng. Khoản tiền này đã được sử dụng vào việc phát triển vùng Nam Yolotan- một trong số 5 khu vực có trữ lượng khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới . Khoản tín dụng này không chỉ giúp tập đoàn dầu khí Quốc gia TQ đảm bảo vị trí quan trọng trong dự án phát triển Nam Yolotan mà còn nhiều khu vực có khí đốt khác cũng được khai thác phục vụ TQ.
Ảnh minh họa |
Hai trong số các ví dụ sắc nét nhất đó là Sudan và Iran. Trong trường hợp Sudan , Washington và các quốc gia khác đã hối thúc Bắc kinh sử dụng ảnh hưởng của mình trên cơ sở những khoản đầu tư to lớn của Tập đoàn dầu khí quốc gia TQ tại đây để buộc Khartoum ngăn chặn bạo loạn ở Dafur. Trong trường hợp Iran, Washington và các quốc gia khác đã vận động hành lang Bắc kinh nhằm ưu tiên việc kiềm chế những tham vọng hạt nhân của Teheran trên cơ sở những ảnh hưởng thực tế mà TQ có ở đây nhờ hoạt động của các công ty dầu khí .
Trong cả hai trường hợp áp lực quốc tế đã gây ảnh hưởng tuy còn khiêm tốn lên chính sách ngoại giao của TQ. Với Sudan chẳng hạn, năm 2006-2007 Bắc kinh đã giúp thuyết phục Khartoum chấp thuận lực lượng gìn giữ hòa bình gồm binh lính các quốc gia Phi châu và Liên hiệp quốc vào Dafur. Còn đối với Iran, năm 2010 TQ đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ số 1929. Gần đây hơn, các công ty dầu khí TQ cũng đã làm theo lời cảnh báo của Washington không nhẩy vào " thế chân" các dự án khai thác dầu và khí đốt do các công ty Châu âu và các nước khác đã tẩy chay trước đó.
Tóm lại, sự bành trướng toàn cầu của các công ty TQ đang xác định lại quyền lợi quốc gia TQ cũng như hành động mà Bắc kinh tiến hành để bảo vệ những quyền lợi đó. Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác giờ đây không còn là một sự lựa chọn đối với chính phủ TQ khi mà các sự kiện xảy ra trên thế giới đe dọa tài sản của các công ty cũng như sinh mệnh của công dân TQ.
Quả thực, chiến dịch di tản ở Libya dường như đã nâng cao kỳ vọng dân chúng vào hành động tương tự của chính phủ để bảo vệ công dân TQ trong những cuộc khủng hoảng xảy ra ở nước ngoài trong tương lai. Hơn thế nữa, khi mà các công ty TQ tiếp tục bành trướng ra nước ngoài, Bắc kinh cũng sẽ chịu áp lực quốc tế ngày càng mạnh mẽ hơn yêu cầu gây ảnh hưởng lên chính sách của các quốc gia nơi mà các công ty TQ có nhiều đầu tư, nhằm đáp ứng những thách thức toàn cầu mà các quốc gia đó phải đối mặt.
- Phạm Gia Minh dịch theo brookings.edu/testimony
(1). " Libya a reminder that citizens must come first" South China Morning Post, March 4, 2011.
(2). Edward Cody, " China Expansion Put Workers in Harm Way; Attack on Ethiopan Oil Fields Highlights Political Perils of Pursuing Resources Abroad, " Washington Post, April26,2007: and RowanCallick, " China's African venture is risky business," The Australian, April 30,2007.
(3). Erica Downs, Inside China, Inc: China Development Bank's Cross-Border Energy Deals, John L.Thornton China Center Monograph Series, No . 3 ( Brookings Institution, March 2011).
>> Ai đang điều khiển chính sách đối ngoại của Trung Quốc?
Tác giả: Joshua Kurlantzick
Trong khi một số học giả Trung Quốc ủng hộ một chính sách đối ngoại tương đối khiêm nhường, thì nhiều học giả khác - và một số sĩ quan quân đội - lại cho rằng Mỹ đang cố bao vây Trung Quốc bằng việc xây dựng các liên minh với các nước như Afghanistan, Ấn Độ...Bên lề cuộc gặp tại diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hồi tháng 7/2010, một số quốc gia Đông Nam Á, lo ngại sức mạnh đang lớn dần của Trung Quốc, đã thúc giục Mỹ xác nhận lại một vai trò lớn hơn trong khu vực, đặc biệt là hòa giải các cuộc tranh chấp tại biển Đông, mà Trung Quốc đang đòi là phần lớn vùng biển này là thuộc chủ quyền của mình. Khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ủng hộ các đề nghị của các quốc gia này - tuyên bố rằng tự do hàng hải tại biển Đông nằm trong "lợi ích quốc gia" của Mỹ - Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tỏ ra mất bình tĩnh. Theo một số nguồn tin, ông đã bất ngờ đứng dậy và rời phòng họp. Một giờ sau, ông quay lại tuyên bố "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ, và đó là một thực tế". Ông Dương muốn nhằm vào Singapore, nước được biết đến trong khu vực như một trong những người bạn trung thành nhất của Mỹ.
Sự bật lại của ông Dương có thể là một điểm khác thường đối với một hội nghị của ASEAN. (Đây cũng không giống với tính cách của ông - một người lịch sự và khéo léo, được biết đến là một chính khách ôn hòa). Nhưng phản ứng này không khác với tính cách của Chính phủ Trung Quốc hiện nay. Những cảnh ngoại giao vô vị diễn ra từ Washington tuần trước - Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Barack Obama mỉm cười trước ống kính camera, cùng ăn tối với các ngôi sao như Barba Streisand, và trao cho nhau những ngôn từ mang tính hòa giải về vấn đề nhân quyền - hoàn toàn ngược lại với một thực tế là: Trung Quốc trong hai năm qua liên tục khiêu khích những người láng giềng của mình - và cả Mỹ.
Năm 2010, nước này đã cử 10 tàu chiến đến các vùng biển quốc tế giáp với đảo Okinawa của Nhật Bản, trong khi các máy bay trực thăng của hải quân Trung Quốc bay là là phía trên các tàu của Nhật. Sau đó tháng 9, khi Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) bắt giữ một thuyền trưởng Trung Quốc sau vụ va chạm tàu tại vùng biển đang tranh chấp, Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật, loại nguyên liệu đầu vào có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các công nghệ hiện đại như máy điện thoại di động. Trung Quốc cũng đã bắt giữ các tàu Việt Nam và đe dọa nhiều tàu biển của Indonesia tại các vùng biển đang tranh chấp. Và đầu tháng 1, họ đã làm bẽ mặt Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates khi thử một loại máy bay tàng hình mới, chỉ vài giờ trước khi ông này gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh.
Một quan chức cấp cao Đông Nam Á cho biết: "Ngày nay, chúng ta đang thấy một Trung Quốc hoàn toàn khác. Bạn có thể thấy bộ mặt thật của họ hiện nay". Thực vậy, điều khiến ta nhận ra điều này rõ nét là chỉ cách đây 10 năm, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã khiêm tốn và kiềm chế, hoàn toàn ngược lại với sự khiêu khích ngày nay. Nhưng trong thập kỷ vừa qua, Chính phủ ở Bắc Kinh đã tiến hành một sự biến đổi lớn từ bên trong. Và sự biến đổi này đã thay đổi hoàn toàn cách Trung Quốc quan hệ với phần còn lại của thế giới.
Ảnh minh họa: news.cn |
Thay vì khoe khoang ầm ĩ trên trường quốc tế, Bắc Kinh đã kín đáo tập trung vào tăng cường quyền lực mềm của mình. Họ chi hàng triệu đô để tăng số sinh viên nước ngoài đăng ký học tại Trung Quốc, đồng thời áp dụng cách tiếp cận khiêm nhường đối với các nước khác. Năm 2003, Trung Quốc đã nhất trí với Thỏa thuận Bằng hữu và Hợp tác, chính thức cam kết củng cố hòa bình ở Đông Nam Á. Họ giải quyết các tranh chấp biên giới với Việt Nam và cử các nhà ngoại giao mới tới vận động hậu trường tại Đồi Capitol. Để chào mời về sự quyến rũ toàn cầu của Bắc Kinh, ông Zheng Bijian, một học giả cấp cao của Trung Quốc thân cận với giới lãnh đạo, đã đưa ra một cụm từ nói đến sự nổi lên của nước này trên thế giới là "sự trỗi dậy hòa bình".
Dù Trung Quốc đang ve vãn các bạn hữu, nhưng những thay đổi ngầm vẫn đang diễn ra tại Bắc Kinh có thể thay đổi đường đi của chính sách đối ngoại của nước này. Thay đổi quan trọng nhất - mà theo một nghĩa nào đó đã mở đường cho tất cả các thay đổi khác - là giảm bớt quyền lực của người đứng đầu đảng Cộng sản. Đặng Tiểu Bình, người lãnh đạo Trung Quốc cho tới những năm 1990, là một người theo đường lối Đại nhảy vọt và là khuôn mặt xuất chúng trong lịch sử Trung Quốc. Ông có đủ uy tín và sự tôn trọng để làm chủ Hội đồng nhà nước (tức chính phủ Trung Quốc) và không ai có thể chỉ trích. Nhưng sau khi ông về hưu và qua đời, các lãnh đạo kế cận - trẻ hơn hoặc thiếu kinh nghiệm quân sự - đã không có được quyền lực lớn như ông.
Có vẻ kỳ quặc khi sự yếu đi của các chính trị gia Cộng sản lại khiến Trung Quốc trở nên chống phương Tây nhiều hơn. Nhưng nhìn vào các thực thể đang lớn mạnh khi các chính trị gia này yếu đi, bạn sẽ bắt đầu hiểu tại sao chính sách đối ngoại của Trung Quốc thay đổi. Quan trọng nhất trong các thực thể đó là lực lượng Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA). Vì sức mạnh quân sự được củng cố trong những năm gần đây, các sĩ quan quân sự cấp cao của PLA ngày càng ít muốn chiều theo ý của các lãnh đạo dân sự trong đảng Cộng sản. Ông Jin Canrong, một chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, phân tích: Thay vì thế, PLA đã bắt đầu tự xem mình là người bảo vệ quan trọng nhất cho sự an toàn và lợi ích của Trung Quốc.
Một nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ghi nhận quân đội ngày càng thúc đẩy các ý tưởng của mình thông qua các nhóm chuyên gia cố vấn. Một số sĩ quan hiện nay đã viết bài nhiều trong các ấn phẩm cố vấn và lưu hành chúng trong giới cố vấn tại các hội thảo - trong quá khứ việc này chưa từng xảy ra. Theo một quan chức Trung Quốc, quân đội chưa bao giờ thích một đường lối mềm dẻo như vậy trong một loạt các vấn đề chính sách đối ngoại, mà chỉ bây giờ, khi họ có quyền lực chính trị thực sự.
Một vài lần trong thập kỷ qua, PLA dường như chủ đích gây ra hoặc làm leo thang các tranh cãi quốc tế nhằm đẩy chính sách Trung Quốc theo hướng cứng rắn hơn. Trong các cuộc hội thảo quốc tế tại Singapore năm 2009, một tướng lĩnh cấp cao Trung Quốc đã nguyền rủa Mỹ. Tương tự với vụ thử máy bay tàng hình vào đúng lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng 1: Chủ tịch Hồ Cẩm Đào dường như đã ngạc nhiên khi thấy cuộc thử nghiệm diễn ra, điều có nghĩa là PLA đã ra lệnh tiến hành bay thử nghiệm mà không cần sự đồng ý của các lãnh đạo dân sự.
PLA cũng dường như đã tạo lập một liên minh thử nghiệm với các công ty năng lượng đầy quyền lực của Trung Quốc - những công ty đã lao vào một cuộc săn lùng tài nguyên toàn cầu - để thúc đẩy một chính sách đối ngoại mang tính tấn công hơn. Thường thì những người quản lý cấp cao của các công ty năng lượng tuyển dụng các cựu sĩ quan của PLA. Các công ty năng lượng có liên hệ với chính phủ - các lãnh đạo của họ là các thành viên cấp cao trong đảng Cộng sản - nhưng, khác với thời Mao Trạch Đông và cả trong những năm 1980, giờ đây họ cạnh tranh lẫn nhau và không phải lúc nào cũng làm theo mệnh lệnh của chính phủ.
Năm 2006, gã khổng lồ dầu lửa Trung Quốc CNOOC đã bắt đầu khai thác các mỏ dầu tại các vùng biển đang tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản, dù các lãnh đạo ở Bắc Kinh chưa đạt bất cứ thỏa thuận nào với Tokyo về việc chia sẻ các mỏ dầu này. Các công ty năng lượng cũng là những đầu tàu chính lái sự bành trướng của Trung Quốc tới châu Phi, đặc biệt là tại các nước vốn là các nhà cung cấp dầu lửa chủ chốt như Angola.
Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đóng một vai trò trong sự chuyển đổi của Bắc Kinh sang một chính sách đối ngoại mang tính tấn công hơn. Hơn cả những gì người ngoài nhận thấy, đảng Cộng sản ngày nay nắm quyền lực hầu hết bằng cách bấu víu vào, chứ không phải là kiểm soát, tầng lớp trung lưu ở đô thị. Vì vậy Bắc Kinh ít nhất buộc phải tính đến dư luận, đặc biệt trên mạng internet, vốn yêu nước điên cuồng.
Trong một sự cố nổi tiếng, một băng video phát tán trên mạng mang tên "Trung Quốc 2008 nổi dậy!" - đăng tải những bức hình và video clip trên nền nhạc kích động nhằm miêu tả một cuộc chiến tranh lạnh giữa Trung Quốc và phương Tây - đã nhanh chóng thu hút hàng triệu người truy cập. Theo nghiên cứu của SIPRI, "tình cảm yêu nước đã lan rộng và những lời chỉ trích giới lãnh đạo Trung Quốc khom lưng trước các đòi hỏi quốc tế nhan nhản trên internet... Giới chức Trung Quốc ý thức được rằng sự không hài lòng của dân chúng có thể dẫn tới nghi ngờ khả năng lãnh đạo của Đảng".
Giới hàn lâm cũng đã thể hiện tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong các vấn đề đối ngoại. Trước đây, hầu hết các phân tích chính sách đều do chính phủ tự làm. Nhưng trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển nhóm chuyên gia cố vấn "made in China", hầu hết có trụ sở tại Thượng Hải và Bắc Kinh, và một vài thành phố cấp tỉnh. Họ không hoàn toàn độc lập với chính phủ - nhiều người có liên hệ với đảng Cộng sản theo nhiều cách khác nhau hoặc nhận tài trợ từ chính phủ - nhưng họ có một mức độ độc lập chưa từng thấy trong quá khứ. Nhiều người trong số các nhóm chuyên gia cố vấn này trưởng thành sau cuộc Cách mạng Văn hóa, vì vậy họ không nhớ tới một thời kỳ Trung Quốc cực nghèo khó, yếu kém và bị quốc tế cô lập. Họ chỉ biết một thế giới trong đó Trung Quốc được hưởng tăng trưởng mạnh về quyền lực chính trị và kinh tế - nhưng Mỹ vẫn kiểm soát các tuyến đường biển và can thiệp vào châu Á. Sự oán giận đối với tình trạng quan hệ này đã làm cơ sở cho thế giới quan của họ.
Trong khi một số học giả Trung Quốc ủng hộ một chính sách đối ngoại tương đối khiêm nhường, thì nhiều học giả khác - và một số sĩ quan quân đội - lại cho rằng Mỹ đang cố bao vây Trung Quốc bằng việc xây dựng các liên minh với các nước như Afghanistan, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam. Một trong các học giả nổi tiếng nhất Trung Quốc, một giáo sư trường Đại học Fudan ở Thượng Hải tên là Shen Dingli, là bằng chứng cho những quan điểm dân tộc này. Vốn là người ngay từ đầu ủng hộ việc chuyển đổi sang một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn và là một nhà tư tưởng sán lạn từng được đào tạo tại Princeton, ông Shen đã thúc đẩy một chiến lược thận trọng nhưng ngày càng cứng rắn, cho rằng Mỹ nên đóng vai trò ít hơn ở biển Đông. Khác với các học giả Trung Quốc trước đây, những người không tham gia trò chơi chính trị, ông Shen có quan hệ mật thiết với giới chức cấp cao.
PLA, các công ty năng lượng, tầng lớp trung lưu, và các học giả đều có thể thúc đẩy Trung Quốc hướng tới một chính sách đối ngoại mang tính chiến đấu nhiều hơn, nhưng họ còn có một số trợ giúp quan trọng từ nền kinh tế quốc tế. Cũng giống như cách vụ 11/9 cho phép những người tân bảo thủ cơ hội đưa ra lập luận của mình về chính sách đối ngoại của Mỹ, bối cảnh kinh tế toàn cầu đã giúp những con diều hâu ở Bắc Kinh cất cánh.
Trong khi các nền dân chủ công nghiệp hóa như Nhật Bản và Mỹ suy thoái 5,2% và 2,6% vào năm 2009, Trung Quốc đạt con số tăng trưởng ấn tượng là 9,1%. Các công ty Trung Quốc giàu có đã mua lại những tài sản trong thời khốn khó của phương Tây, mua cả các thương hiệu như Volvo với giá rất rẻ. Các nhà tư tưởng và lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc đã bắt đầu tin rằng có thể Trung Quốc, với mô hình chủ nghĩa tư bản có kiểm soát của mình, đã tạo ra một mô hình phát triển hiệu quả hơn của phương Tây. Nhiều lãnh đạo và học giả nước ngoài tán dương sự ổn định của Trung Quốc trong khủng hoảng và tuyên bố Bắc Kinh đã sẵn sàng để trở thành một cường quốc lớn. Các chuyên gia lỗi lạc về chính sách đã cho ra đời nhiều cuốn sách với chủ đề như Khi nào Trung Quốc cai trị thế giới và Sự đồng thuận Bắc Kinh.
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đang điên đầu vì các vấn đề của mình nên họ bắt đầu ngày càng muốn điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc. Ít lâu sau khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Obama nói rõ sẽ theo đuổi cách tiếp cận theo hướng không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, khác so với các chính phủ tiền nhiệm. Ngoại trưởng Clinton thông báo nhân quyền hiện chiếm vị trí ưu tiên thứ yếu trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Uốn theo sức ép của Trung Quốc, Obama đã cho phép Đạt lai Lạt ma thăm Mỹ nhưng không được ghé vào Nhà Trắng, đây là lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua một Tổng thống Mỹ phớt lờ vị thủ lĩnh Tây Tạng này. Và trong khi trước đây nhiều lãnh đạo phương Tây rao giảng với Bắc Kinh về việc cần mở cửa nền kinh tế nhanh hơn, thì nay các nước từ Ailen đến Mỹ đều đang phải vật lộn với nền kinh tế ảm đạm của chính mình, khiến họ khó mà chỉ trích Trung Quốc.
Hoảng sợ trước cách ứng xử mới của Bắc Kinh, các nước khác ở châu Á đã tìm sự trợ giúp của Mỹ. Tháng 7, các quốc gia Đông Nam Á đã chính thức mời Mỹ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Các nước này cũng thúc giục Nhà Trắng giúp bảo vệ các lợi ích của họ trên biển Đông. Nhật Bản, dưới sự lãnh đạo của chính phủ mới của đảng Dân chủ (DPJ), từng muốn giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, nhưng trong những tháng gần đây đã phải củng cố quan hệ đồng minh này. Trong khi đó, tại châu Âu, sự vỡ mộng với Trung Quốc đang lớn dần. Ông Charles Grant, thuộc Trung tâm cải cách châu Âu, nhận định: "Giới lãnh đạo châu Âu ngày càng chỉ trích Trung Quốc".
Điều còn cần phải chờ xem là liệu việc thiết lập chính sách đối ngoại mới ở Trung Quốc có chú ý đủ đến các hậu quả của nó để làm gió đổi chiều hay không. Nếu dựa vào sự kỳ công của PLA trong thời gian chuyến thăm của ông Gates là một chỉ dẫn, thì câu trả lời là không. Hơn nữa, theo nhiều quan chức Trung Quốc, khi ông Hồ Cẩm Đào mãn nhiệm vào năm 2012, người được cho là sẽ kế nhiệm ông - Tập Cận Bình - sẽ thậm chí có ít quyền lực hơn. "Tập Cận Bình có vị thế yếu hơn và rất thận trọng", chuyên gia phân tích chính trị nổi tiếng Li Datong nhận định hồi năm ngoái. Ông có quan hệ không mật thiết với giới quân sự và được ít người có vai vế trong giới chóp bu mặc quân phục ủng hộ.
Nghe bài diễn văn chống lại nước ngoài mà ông đọc tại Mexico năm 2009, người ta thấy dường như ông có thiên hướng dân tộc chủ nghĩa; nhưng ngay cả khi không phải vậy, ông cũng sẽ không muốn thách thức PLA hay các cử tri cứng rắn khác mà ông sẽ phải làm vừa lòng. Và vì vậy, đối với các quan chức Trung Quốc cho rằng chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đang phản tác dụng, mọi chuyện đang tiến triển không tốt. Một nhà ngoại giao Trung Quốc tâm sự: "Chúng ta cần trở lại các chiến lược của những năm 2000"./.
- Quốc Thái (lược dịch từ The New Republic)