Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Đối đầu cảnh sát giao thông và người vi phạm?

Đối đầu cảnh sát giao thông và người vi phạm?
(VnMeda) - Người vi phạm sẵn sàng lao vào chống đối CSGT bằng mọi cách. Trong khi đó, nhiều CSGT cũng sẵn sàng mày tao, coi người vi phạm giao thông như tội phạm. Những hành vi này cho thấy, hai bên đang cư xử với nhau như... "đối thủ"...
Cảnh sát giao thông là người thi hành công vụ, có chức năng, quyền hạn được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, không ít cảnh sát giao thông đã bị người vi phạm chống đối một cách công khai trong khi đang thi hành nhiệm vụ. Ngược lại, khi gặp những trường hợp vi phạm, nhiều cảnh sát giao thông đã không giữ được bình tĩnh, có những hành vi cư xử không đúng với quy định của pháp luật. Quan sát tại nhiều vụ giải quyết vi phạm cho thấy, thái độ của cả hai bên đều có điều chưa ổn...



Sẵn sàng chống đối cảnh sát giao thông
Chỉ tính riêng từ cuối năm 2010, đầu năm 2011 đến nay, đã có khá nhiều vụ cảnh sát giao thông bị các đối tượng chống đối, hành hung. Tiêu biểu là một số vụ sau đây:
Nhổ nước bọt vào mặt CSGT: Khoảng 12h30 chiều 4/10/2010, tại ngã tư Khâm Thiên - Tôn Đức Thắng - Đê La Thành - Tây Sơn (Hà Nội), khi Đội CSGT số 3, Công an TP Hà Nội gồm 4 người đang tuần tra giao thông thì phát hiện một chiếc xe máy SH biển kiểm soát 29Z4 - 6666 có dấu hiệu vi phạm giao thông (không có gương chiếu hậu).
 Ảnh minh họa
Trung úy Quách Anh Tuấn bị đối tượng nhổ nước bọt vào mặt

Ngay lập tức, Đại úy Nguyễn Ngọc Dũng, Tổ trưởng tổ công tác đã cho dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, khi lực lượng CSGT yêu cầu đối tượng xuất trình giấy tờ thì chủ xe không xuất trình được. Tổ công tác sau đó đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và biên bản tạm giữ xe. Thấy vậy, chủ xe đã liên tiếp lăng mạ, xúc phạm tổ điều tra và nhiều lần nhổ nước bọt vào mặt Trung úy Quách Anh Tuấn.

Tát bay mũ CSGT: Khoảng 18h20 ngày 19/3/2011, thượng sĩ Trần Phương Tiến (Đội CSGT số 4) đang làm nhiệm vụ điều hành giao thông tại ngã ba Lê Duẩn - Trần Nhân Tông (Hà Nội) thì phát hiện chiếc xe ô tô BKS 38H-9992 rẽ phải sai làn đường quy định.

Thượng sĩ Tiến ra hiệu lệnh dừng xe nhưng lái xe cố tình không chịu dừng, buộc anh Tiến phải đứng trước đầu xe để chặn lại. Sau khi chặn được chiếc xe, thượng sĩ Tiến yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ, song người này không những không chấp hành mà còn liên tục chửi bới, thóa mạ, xưng hô " mày - tao" với người thi hành công vụ và thậm chí còn tát vào mặt, làm rơi mũ của CSGT. Trước thái độ hung hăng của người đàn ông này, lực lượng cảnh sát 113 và lực lượng tăng cường công an phường Nguyễn Du đã có mặt để bắt và đưa đối tượng về công an phường làm việc.

 Ảnh minh họa
Thượng sĩ Trần Phương Tiến bị lái xe ô tô tát vào mặt

Đánh “hội đồng CSGT: Tối 29/3, trong lúc tuần tra tại khu vực hẻm số 73 đường Ni Sư Huỳnh Liên, phường 10, quận Tân Bình (TP.HCM), các đồng chí Kiền và Hoàng thuộc Tổ tuần tra thuộc Đội CSGT Công an quận Tân Bình phát hiện Nguyễn Hoàng Phú chở theo Thái chạy xe máy với tốc độ cao liên tục lạng lách, nẹt pô khiêu khích lực lượng chức năng.

Lúc này CSGT ra hiệu dừng xe để kiểm tra hành chính, vừa tiến lại gần bất ngờ 1 chiến sĩ công an bị tên Thái dùng gạch ống ném thẳng vào mặt gây thương tích nặng. Riêng tên Phú không ngừng lăng mạ, chửi bới. Trước tình huống đó, công an buộc phải nổ 2 phát súng chỉ thiên để cảnh cáo.

Thấy súng nổ, hai đối tượng vi phạm vội tháo chạy, nhưng ngay sau đó, tên Lâm Dương chạy đến cầm gạch ống đập xe CSGT. Có người tiếp sức, tên Thái tiếp tục quay lại bưng chậu cây cảnh ném trúng người đồng chí Kiền. Đối tượng Phú cầm cây gỗ lao đến đánh “hội đồng” thì bị tổ tuần tra bắt, hai tên đồng phạm của Phú bỏ chạy thoát thân.

Chèn xe, đạp ngã CSGT: Lúc 22h ngày 15/4, tổ công tác gồm chiến sĩ Dương Minh Cường và chiến sĩ Tuấn thuộc Đại đội 7, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động – Công an TP Hà Nội đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Tuệ Tĩnh - Bà Triệu (Q. Hai Bà Trưng, HN) phát hiện 2 thanh niên đi xe máy phóng nhanh lạng lách. Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe, nhưng các đối tượng không chấp hành và bỏ chạy.

Tổ công tác đuổi theo đến ngõ Bà Triệu, đối tượng cầm lái đã điều khiển xe của mình ép vào xe tổ công tác để đối tượng ngồi sau dùng chân đạp. Xe của hai chiến sĩ đã bị chúng đạp đổ xuống đường, làm anh Cường bị thương, còn hai đối tượng tiếp tục bỏ chạy đến phố Hồ Xuân Hương thì bị tổ công tác bắt giữ. Tuy nhiên, lợi dụng sơ hở, một đối tượng đã bỏ trốn, đến ngày hôm sau mới ra tự thú…

Nhưng cũng có thể bị CSGT “xử”

Có rất nhiều vụ CSGT bị hành hung, nhưng cũng không ít vụ người vi phạm hoặc người tham gia giao thông bị CSGT đối xử thiếu văn hóa, giằng kéo phương tiện, thậm chí bị đánh đập, hành hung. Nhưng phổ biến nhất vẫn là hành vi cư xử thô lỗ, mắng mỏ, lăng mạ, coi người vi phạm như tội phạm.

Tối 24/4/2010, khi anh Huỳnh Tấn Nam - bảo vệ Tổng kho DFC - chạy xe máy từ cơ quan ra QL1A mua bánh mỳ ăn tối, không đội mũ bảo hiểm. Thượng sĩ CSGT huyện Diên Khánh Vũ Văn Duy chở Nguyễn Trọng Hiếu rượt đuổi gắt gao, làm anh Nam ngã xe, bị đa chấn thương nguy kịch, dẫn đến tàn phế (mất 77% sức khỏe).

Các nhân chứng đều khai thấy người ngồi sau xe máy quật dùi cui trúng vai anh Nam, làm anh ngã xuống đường. Hai CSGT còn đánh, đá anh Nam túi bụi. Theo phản ánh của anh Trần Trung Long, khi anh vượt đèn đỏ, chỉ xin lập biên bản nhanh, người vi phạm đã được CSGT cho một màn đối đáp bằng "mày - tao" cùng với những lời văng tục...

 Ảnh minh họa
 Thái độ, hành vi của CSGT nhiều khi không đúng mực


Báo chí cũng từng nêu một vụ việc, Theo phản ánh của anh Trần Trung Long (SN 1988, ở Việt Trì, Phú Thọ), sự việc xảy ra vào 18h ngày 16/6, tại ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền, anh cùng bạn gái đi xe máy vượt đèn vàng thì bị CSGT làm nhiệm vụ yêu cầu dừng xe. Tuy nhiên, sau đó nhưng lại bị CSGT ghi vào biên bản là "đội MBH không cài quai". Khi anh Long chần chừ không ký và nói rõ lỗi thì bị CSGT vo tờ biên bản ném xuống đường. Tiếp đó, khi anh Long xin lỗi thì bị thiếu uý CSGT luôn miệng chửi bậy, xưng mày, tao…
Chính Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Thân Văn Thanh cũng từng nhận xét, có một bộ phận chưa ý thức được lời ăn, tiếng nói khi giao tiếp với người dân. Chính vì vậy mà Tháng an toàn giao thông năm 2010 đã lấy chủ đề "Văn hóa giao thông vì an toàn cộng đồng và thanh thiếu nhi", trong đó quy định Thanh tra giao thông cũng sẽ được cơ quan hữu trách và người dân giám sát.

Người vi phạm, dẫu có lỗi vẫn sẵn sàng chống đối lại cảnh sát giao thông, mặc dù họ biết rằng sau đó có thể bị xử lý nặng. Trong khi đó, nhiều cảnh sát giao thông khi thấy người vi phạm đã có lời nói, hành vi cư xử thô lỗ, thiếu văn hóa, mặc dù đã có những quy định hết sức cụ thể về tác phong của người CSGT trong khi làm nhiệm vụ.

Nguyên nhân của việc hai bên (CSGT và người vi phạm) đối xử với nhau như “đối thủ” là gì? VnMedia sẽ có những bài viết lý giải hiện tượng này.


Tổng số lượt xem trang