Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Quan hệ Việt - Mỹ: Điểm sáng trong quá trình hội nhập và phát triển

Quan hệ Việt - Mỹ: Điểm sáng trong quá trình hội nhập và phát triển(28-04-2011)


Chiến tranh không có chỗ cho kẻ đê hèn Sự hợp tác không có chỗ cho sự dối trá
Quan hệ Việt - Mỹ: Điểm sáng trong quá trình hội nhập và phát triển
Tổng thống Mỹ Bill Clinton quyết định bỏ cấm vận Việt Nam vào ngày 3-2-1994, chỉ một năm sau đó, hai nước đã bình thường hoá quan hệ, chấm dứt 20 năm căng thẳng sau chiến tranh. Việt Nam và Mỹ đã có bước phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại.
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton giờ đây không còn là tổng thống Mỹ, nhưng những tình cảm mà ông dành cho Việt Nam vẫn hết sức đặc biệt. Đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong những cuộc thăm viếng song phương hay đa phương tại Mỹ, cũng đều dành thời gian để gặp gỡ vị tổng thống đặc biệt này.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Lê Công Phụng cho rằng, sự kiện Mỹ bỏ cấm vận cho Việt Nam vào năm 1994 ngoài việc Mỹ nhìn nhận và đánh giá đúng về Việt Nam, điều đó còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc đổi mới tại Việt Nam.




Ngày 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận với Việt Nam và vào ngày 11/7/1995, hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng đã đến Việt Nam và ấn tượng với tình cảm ấm áp của nhân dân Việt Nam, sẵn sàng muốn gác lại quá khứ. Qua đó, Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội về hợp tác đầu tư.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sau chiến tranh là một điểm sáng của quá trình hội nhập. Năm 1995 Việt Nam và Mỹ đã chính thức bình thường hóa quan hệ, mở ra một thời kỳ mới trong hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Thương mại và đầu tư phát triển là những gì dễ thấy nhất trong quá trình cải thiện quan hệ Việt - Mỹ. Từ chỗ hầu như không có mối quan hệ thương mại nào, Hoa Kỳ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hai nước hiện là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và đang trong quá trình tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế song phương trong khuôn khổ các Hiệp định liên khu vực.






Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Tổng thống Mỹ George Bush tại Phủ chủ tịch trong dịp Hội nghị APEC tháng 11-2006

 Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết cách đây hơn 10 năm cũng đánh dấu một bước phát triển mới cho kinh tế Việt Nam. Đây cũng được coi là một sự kiện góp phần hoàn tất quá trình bình thường hóa quan hệ, thực hiện quan hệ đầy đủ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Nhờ có hiệp định thương mại, nhờ được hưởng quy chế tối huệ quốc, xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ tăng nhanh với khối lượng lớn chưa từng có với bất cứ thị trường nào trong lịch sử ngoại thương Việt Nam. Tăng nhanh hơn cả sự tưởng tượng của những người lạc quan nhất.

Nếu như năm 2000, xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ có khoảng hơn 400 triệu USD thì năm 2009 nó đã đạt con số gần 13 tỷ USD, và nếu năm 2000 xuất khẩu Hoa Kỳ vào Việt Nam khoảng vài trăm triệu USD thì năm 2009 là trên 3 tỷ USD (nguồn: số liệu Hải quan Hoa Kỳ năm 2009). Những năm gần đây xuất siêu của Việt Nam vào Hoa Kỳ luôn ở mức trên dưới 10 tỷ USD, góp phần bù đắp sự thiếu hụt trong cán cân thương mại luôn nhập siêu lớn từ các nước châu Á láng giềng.

Từ chỗ chưa có gì đáng kể, nhưng trong 10 năm, Việt Nam đã vượt lên xếp thứ 26 trong số 30 quốc gia xuất khẩu hàng tiêu dùng lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ. Những hàng hoá đã vào được thị trường Mỹ thì có đủ trình độ, có thể vào bất cứ thị trường nào trên thế giới. Và như vậy xuất khẩu Việt Nam nói chung tăng nhanh. Trong sự tăng trưởng nhanh chóng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải nhắc đến một số mặt hàng tăng nhiều, tăng nhanh như dệt may, giày dép, đồ gỗ và nội thất.

Nhờ có lượng tiền xuất siêu vào thị trường Mỹ và một lượng lớn kiều hối mà phần lớn là do người Việt gửi từ Mỹ về Việt Nam đã làm cho cán cân mậu dịch của Việt Nam ở vào thế ổn định. Năm 2010 lượng kiều hối là 8 tỷ, theo ước tính năm 2011 lượng kiều hối sẽ tăng thêm khoảng 6%.




USS George Wasington ngày 8/8/2010, viếng thăm Đà Nẵng (Việt Nam)
Thế hệ trẻ Việt Nam càng ngày càng tiếp cận nhiều hơn với nền giáo dục của Mỹ. Theo thống kê năm 2011 có 13112 sinh viên Việt Nam đang theo học ở các trường Đại học, cao đẳng tại Mỹ. Với số lượng du học sinh này, Việt Nam xếp thứ 9 về lượng sinh viên tại Mỹ, và xếp thứ 2 về số sinh viên theo học tại các trường cao đẳng cộng đồng.

Ngoại trưởng Mỹ C. Rice đã từng nói, cần phải học tập người Việt Nam vượt lên quá khứ, hướng tới tương lai. Bà khẳng định: “Việt Nam đã có quyết định chiến lược, tạo cho người dân của mình tìm được những người bạn ở Hoa Kỳ, xử lý các vấn đề hai bên cùng quan tâm... Việt Nam giờ là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ. Hai bên đã cùng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Có rất nhiều quốc gia khác đang hy vọng vượt qua được quá khứ để phát triển như Việt Nam”.

Từng là những quốc gia đối địch, nhưng Việt Nam và Mỹ hiện cũng đã phát triển quan hệ về quốc phòng, một vấn đề vốn được coi là nhạy cảm giữa hai nước. Quan hệ này bắt nguồn từ sự hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực nhân đạo, đặc biệt là hoạt động tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.




Quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển

Giờ đây, ngày càng có nhiều người Mỹ được tìm hiểu và tiếp cận văn hoá Việt Nam qua các cuộc trao đổi và giao lưu văn hoá giữa các đoàn nghệ thuật hai nước. Thông qua những hành động cụ thể, hai quốc gia vốn cách xa nhau về mặt địa lý đang ngày càng có sự gần gũi cần thiết để cùng thúc đẩy sự phát triển ổn định, thịnh vượng của mỗi nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của cả hai dân tộc.

Qua những hành động thực tế càng ngày càng cho thấy người Mỹ và người Việt Nam là những người đồng hành trung thực đáng tin cậy của nhau cùng đi tới tương lai.
Nguồn tin: Vov - Vneconomy - Bbc - Vov

Tổng số lượt xem trang