Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Từ cái ly đến cái… lý

Từ cái ly đến cái… lý
Mấy tháng qua, chuyện những cái ly thủy tinh Trung Quốc nhiễm chì với dư lượng cao gấp hàng nghìn lần mức cho phép vẫn đang được bày bán tràn lan trên thị trường Việt Nam đã nóng lên trong dư luận.
Những cái ly nhỏ ấy khiến người ta nghĩ đến vấn đề lớn: sức khỏe cộng đồng. Trẻ em có thể bị giảm chỉ số thông minh. Người lớn có thể vướng phải những căn bệnh nguy hiểm nếu sử dụng loại ly có độc tố.
Hàng độc thì phải thu hồi là lẽ đương nhiên. Nhưng ai thu hồi khi một cái ly mà có đến 3 bộ (Y tế - KHCN - Công thương) quản lý với những quy định chồng chéo nhau? Căn cứ pháp lý nào để thu hồi? Lộ trình thu hồi như thế nào? Cơ quan nào thu hồi? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời khi mà những văn bản dưới luật của chúng ta tỏ ra lúng túng khi đối mặt với những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra. Ly thủy tinh Trung Quốc vẫn điềm nhiên có mặt trên thị trường. Người tiêu dùng hoang mang. Các cơ quan chức năng nhìn nhau, đi từng bước “thận trọng” cũng là điều dễ hiểu.

Cơ quan chức năng chậm vào cuộc cũng có cái lý của họ là thiếu hành lang pháp lý. Chỉ người tiêu dùng là… đuối lý mà thôi. Từ cái ly đến cái… lý sao thật lắm nhiêu khê và vòng vèo đến thế?
Còn nhớ dạo năm ngoái, trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng độc xuất hiện tràn lan, ảnh hưởng đến tài chính và sức khỏe của người tiêu dùng, một cán bộ trong ngành chức năng đã “phủ dụ”, đại thể là… nên đắn đo chọn lựa trước khi mua hàng, người tiêu dùng phải thông minh, phải biết tự bảo vệ mình, phải tự cứu mình trước khi trời cứu!
Nếu người tiêu dùng đạt được những “phẩm chất” đó thì có lẽ một số cơ quan, ban ngành thuộc các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, khoa học - công nghệ, thương mại… sẽ còn rất ít đầu việc để làm nếu không muốn nói là các đơn vị này thiếu những lý do căn bản để tồn tại.
“Hãy đặt những cái ly lên bàn”. Một câu vớ vẩn? Nhưng không phải vậy. Người tiêu dùng muốn nói những cái ly nhiễm độc tố phải được đặt lên bàn nghị sự với tư cách là đề tài nóng, cần có giải pháp xử lý ngay, kể cả việc đưa ra những lời khuyên đúng đắn đối với những người đã và đang dùng loại ly gây nguy hiểm cho sức khỏe mà báo chí đã nêu.
Lý thuyết thường nảy sinh và được đúc kết từ thực tế cuộc sống. Từ những cái ly không bình thường này, hãy xây dựng những văn bản pháp lý đủ mạnh, quy về “một cửa” thôi. Để khi xử lý vụ việc, ngành chức năng không tỏ ra chậm chạp vì lúng túng và cũng để người tiêu dùng không phải đối mặt với những thiệt thòi, kể cả những tổn hại cho sức khỏe.
Trần Cao Duyê

Tổng số lượt xem trang