Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Đừng cầu nguyện cho ngoại giao Mỹ-Việt

-Đừng cầu nguyện cho ngoại giao Mỹ-Việt
Asia Times--Scott Johnson
Ngày 7 tháng 4 năm 2011
Trong khi người ta quan tâm nhiều tới vai trò của những bức công điện ngoại giao của Hoa Kỳ trong những biến động chính trị hiện đang càn quét Trung Đông và Bắc Phi thì chí ít có một loạt công điện cho thấy chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã cố tình quay mặt đi trước những vụ ngược đãi liên tục vi phạm bởi một đồng minh chiến lược mới xuất hiện tại châu Á: Việt Nam.

Các bức công điện đang được nói tới này có nhan đề “Cập nhật tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam – Chứng cứ chống lại việc đưa Việt Nam vào danh sách CPC [Quốc gia được Quan tâm đặc biệt]” do đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak soạn thảo hồi năm 2010 và được WikiLeaks công bố vào tháng 1 năm ngoái. Các bức công điện đánh giá tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam nói trên bị tiết lộ cho thấy một điều rành rành là chúng không nhắc tới hàng trăm người Thượng theo Thiên Chúa giáo hoặc những người theo Tin lành Degar hiện đang bị giam trong tù vì thực hành tín ngưỡng tôn giáo của họ và các vụ ngược đãi nhà thờ tại gia độc lập vẫn tiếp tục diễn ra.
Các bức điện được tiết lộ này chỉ đề cập qua loa tình hình đàn áp tôn giáo tại Việt Nam và coi đó chỉ là “những vấn đề chủ yếu liên quan đến đất đai” và không vì những hành động đàn áp đó mà “chúng ta coi nhẹ những kết quả quan trọng do Việt Nam đạt được trong việc mở rộng tự do tôn giáo”.
Từ nhiều năm nay các nhóm nhân quyền và dân biểu Hoa Kỳ quan tâm tới nhân quyền đều than phiền là rất khó tiếp cận hồ sơ tự do tôn giáo của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ do mải mê khuyến khích các mối quan hệ với Hà Nội với hi vọng dùng Hà Nội làm đối trọng trước vị thế đang lên của Trung Quốc nên họ đã ngậm miệng và trên thực tế là họ đã hợp thức hóa những tuyên bố của Việt Nam trước sau như một phủ nhận họ vi phạm nhân quyền, trong đó có sự ngược đãi người Thượng.
Một bản báo cáo mới đây của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch có nhan đề “Người Thượng tại Việt Nam: Một nghiên cứu về tình hình đàn áp tôn giáo” viết rằng “trong thập niên vừa qua chính phủ Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt đàn áp người Thượng tại Tây Nguyên” và  “trên 300 người Thượng đã nhận bản án tù nhiều năm vì những lời buộc tội được định nghĩa mơ hồ là vi phạm an ninh quốc gia chỉ vì họ tham gia các cuộc biểu tình của người dân và tổ chức các buổi thờ phụng tôn giáo tại gia không đăng ký “.
Bản báo cáo ghi nhận rằng “các vụ bắt giữ vẫn tiếp tục xảy ra, hơn 70 người Thượng đã bị bắt giữ hoặc bị bỏ tù trong năm 2010” và “ít nhât 25 người Thượng đã chết trong tù, trong trại giam hoặc phòng tạm giam tại đồn cảnh sát do bị đánh đập hoặc bị bệnh trong khi bị giam giữ”.
Năm 2004, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xếp Việt Nam là một CPC và Việt Nam có tên trong danh sách các quốc gia thường xuyên vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng có thể phải chịu những lệnh trừng phạt. Vào thời điểm này Việt Nam đang cuống cuồng tìm cách để gia nhập Tổ chức Thường mại Thế giới (WTO) và trên thực tế họ bắt buộc phải được Washington phê chuẩn bình thường hóa quan hệ thương mại thì mới có thể gia nhập tổ chức này.
Năm 2006, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đàm phán để đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC sau khi Hà Nội cam kết cải thiện hồ sơ nhân quyền và sau lần đó hai nước đã bình thường hóa quan hệ thương mại. Thế nhưng ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào tháng 1 năm 2007 thì họ lại quay ngoắt trở lại với những biện pháp đàn áp hệt như trước. Chỉ vì động cơ ngoại giao hoặc sự lúng túng nào đó mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kể từ ngày đó đã cố tình phớt lờ tình cảnh khốn khổ của người Thượng và các nhóm tôn giáo bị ngược đãi khác.
Hãy nhìn vào lịch sử thâm sâu giữa Hoa Kỳ và người Thượng thì cũng có thể thấy rằng việc giả mù giả điếc nói trên là một hành động phản bội. Hàng chục ngàn người Thượng đã được quân đội Mỹ tuyển mộ và huấn luyện và họ đã phục vụ Washington một cách trung thành trong suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam. Người Thượng nổi tiếng về tinh thần chiến đấu quả cảm chống lại những người cộng sản, theo lời kể của nhiều lính Mỹ. Trong suốt những năm chiến tranh, ước tính có khoảng 100 ngàn người Thượng chiến đấu bên cạnh quân đội My và thường xuyên có khoảng 30 ngàn người tại ngũ. Vào giai đoạn cuối chiến tranh hồi năm 1975, ước tính một phần tư dân số người Thượng, tức là trên 200 ngàn người, đã bỏ mình trong chiến tranh.
Những người sống sót đã bị bỏ rơi và thân cô thế cô đối mặt với sự trả thù của những người cộng sản vừa chiến thắng. Ngay sau khi tiếp quản Miền Nam, những người cộng sản đã bỏ tù và hành quyết các lãnh tự chính trị và tôn giáo của người Thượng. Hầu hết người Thượng bị cưỡng bức rời bỏ quê quán và hàng ngàn người phải tới sinh sống tại những vùng đất đai khó trồng trọt nhất của đất nước. Ngoài ra quân đội trong khi mở rộng hoạt động khai thác gỗ tới tận những khu rừng tiếp giáp với Lào và Cam Pu Chia đã đã tàn phá đất rừng do cha ông để lại từ bao đời nay của người Thượng. Người Thượng bị chủ tâm gạt ra rìa như những kẻ bại trận và ngày nay họ sống sót trong một vòng luẩn quẩn của đói nghèo không ngóc đầu lên được.
Những người bạn có thể dùng xong rồi vứt
Lấy ví dụ trường hợp của Puih Hbat, một người Thượng theo Thiên chúa giáo có bốn con và có cha đẻ từng phục vụ trong quân đội Mỹ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ngày 11 tháng 4 năm 2008, tám sỹ quan an ninh giữa đêm đã đưa bà lên một chiếc xe tải đang đợi ở bên ngoài mặc cho bà gào thét rồi bà bị đưa tới nhà giam. Tội của bà: tổ chức các buổi cầu kinh cho mọi người tại ngôi nhà sàn rộng rãi của mình. Dĩ nhiên là tên của bà đã không xuất hiện trong công diện bị tiết lộ của Mỹ được cho là mang nội dung đánh giá tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Ấy vậy mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã biết cụ thể tên của bà và tên của hàng trăm người Thượng khác hiện đang ở trong tù. Năm 2006, John Q Adams, khi đó là chuyên viên của Vụ Việt Nam của Bộ Ngoại giao đã nhận được một bản báo cáo được trình bày tỉ mỉ cẩn thận kèm theo tên và ảnh của hơn 350 người Thượng bị bỏ tù vì những hoạt động bất bạo động trong đó có việc chỉ đơn thuần thực hành tín ngưỡng của họ.
Chính những người tù nói trên đã có tên trong hồ sơ của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), tổ chức Ân xá Quốc tế và Ủy ban Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ (USCIRF). Hồi tháng 1 năm 2009, Nghị viện châu Âu đã khẳng định Puih Hbat đã bị bỏ tù “vì hướng dẫn các buổi cầu nguyện dành cho những tín đồ Thiên Chúa giáo tại nhà của bà”. Nhiều nguồn tin xác nhận rằng các nhân viên của Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã từng điều tra vụ bắt giữ bà.
Các bức công điện bị tiết lộ đã nhiều lần nhắc tới “những kết quả quan trọng” được cho là Việt Nam đã đạt được trong việc duy trì tự do tôn giáo. Trong nội dung đánh giá các bức công điện đó còn dẫn chiếu “sự đăng ký nhiều tôn giáo mới” và “đào tạo hàng trăm mục sư và linh mục mới”.
“Đăng ký” và “đào tạo” trên thực tế cần phải hiểu đó là cơ chế nhà nước kiểm soát các giáo đoàn. Cái gọi là “tôn giáo mới” thực ra là các chương trình do chính phủ triển khai nhằm kiểm soát cách thức người Việt Nam thực hành tín ngưỡng. Chỉ có một lần duy nhất Hà Nội chịu thay đổi chiến thuật đàn áp ấy là vào năm 2006 khi họ đang được đưa ra khỏi danh sách xếp loại một quốc gia CPC.
Nhưng rồi kể từ sau đó trở đi hàng ngàn người Thượng theo Thiên Chúa giáo đã bị bắt giam, đánh đập, tra tấn rồi được thả trong một chính sách có chủ định nhằm đàn áp các nhà thờ tại gia để họ không mở rộng số lượng thành viên. Trong thập niên vừa qua, các giáo đoàn Tin lành, nhiều giáo đoàn tụ tập để cầu nguyện bí mật, được biết đã tăng  600%, một con số thống kê nghe nói đã khiến các viên chức cộng sản lo sợ. Bằng cách khen ngợi thành tích mở rộng việc các nhà thờ đăng ký với chính phủ, trong đó có Giáo hội Tin lành Nam Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trên thực tế đã hợp thức hóa chiến thuật đàn áp của chính phủ cộng sản chống lại các nhà thờ độc lập với chính phủ.
USCIRF, một cơ quan độc lập ở cấp Liên Bang của Hoa Kỳ, kể từ khi Viêt Nam được đưa ra khỏi danh sách CPC vào năm 2006 hằng năm đều  kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách này. Tháng 5 năm 2010, cơ quan này đã chỉ đích danh những tù nhân người Thượng là lý do chính đáng để đưa Việt Nam trở lại là một quốc gia CPC.
Cơ quan này nói rằng “hàng trăm tín đồ Tin Lành người Thượng tại Tây Nguyên bị bắt giữ sau năm 2001 và 2004 vì biểu tình đòi tự do tôn giáo và các quyền về đất đai vẫn tiếp tục bị giam trong tù. Khó xác định được những trường hợp và lời buộc tội chống lại họ, song có đủ bằng chứng để xác định rằng người ta đã bắt giữ các mục sư ôn hòa và tín đồ của họ và những người đó hiện vẫn tiếp tục bị giam trong tù.”
USCIRF còn nói rằng “tiêu chuẩn của Bộ Ngoại giao để xác định ai là một “tù nhân tôn giáo được quan tâm” đang vạch ra một ranh giới độc đoán tùy tiện giữa hoạt động “chính trị” và hoạt động “tôn giáo” mà chúng ta không tìm thấy trong luật nhân quyền quốc tế.” Nói cách khác, USCIRF cho rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang tự đặt ra nguyên tắc phân loại riêng khi đối xử với Việt Nam. Trong khi ấy thì các bức công điện bị tiết lộ lại cho thấy rằng các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã cố tình phớt  lờ số phận của những tù nhân người Thượng và song song với việc phớt lờ đó thì họ đang khen ngợi việc tăng cường kiểm soát tôn giáo của những người cộng sản đang cầm quyền.
Puih Hbat và hàng trăm người Thượng khác đang mòn mỏi chờ đợi trong nhà tù chỉ vì họ thực hành tín ngưỡng của mình, trong khi đó thì chính quyền của Obama đang tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ chiến lược với chế độ cộng sản Việt Nam. Mặc dù người cha quá cố của bà từng tự hào phục vụ trong quân đội Mỹ chống lại chính những người cộng sản trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, thế nhưng không rõ ông ấy liệu có đứng về phía những người Mỹ nữa hay không nếu ngày ấy ông biết rằng gần 40 năm sau chính phủ Mỹ đã không thừa nhận người con gái của ông bị bỏ tù oan trái và nỗi thống khổ không biết bao giờ mới chấm dứt của những người Thượng khác.
Scott Johnson là một luật sư, nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền chú tâm  vào các dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á.


Người dịch: Phạm Anh Tuấn

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Tổng số lượt xem trang