Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Xăng Dầu và Bầu Cử

-Xăng Dầu và Bầu CửNguyễn Xuân Nghĩa - Ngày Nay Houston 20110425   

Giá Xăng Nó Bốc Lên Đầu     
    Barack Obama như Peter Pan trong truyện cổ tích: 
    " Kết án doanh nghiệp xăng dầu và gọt đầu bọn có tiền là xong".
    Hý hoạ của Michael Ramirez, nhật báo Investor's Business Daily

Từ đầu năm nay, giá dầu thô trên thế giới tăng quá 22% làm giá xăng tại Hoa Kỳ lại mấp mé gần bốn đô la một ga lông với hậu quả đáng ngại cho kinh tế và cho hy vọng tái đắc cử của Tổng thống Barack Obama. Nhưng, những gì khiến dầu xăng lên giá? Ngày Nay nêu câu hỏi cho bỉnh bút Nguyễn Xuân Nghĩa, một chuyên gia kinh tế tại Hoa Kỳ....  


Năm 2008 vừa mở đầu thì giá dầu thô đã chờn vờn trăm bạc một thùng. Tới Tháng Bảy thì lên tới đỉnh cao kỷ lục là 147 đồng, rồi sụt rất nhanh khi cả thế giới bị tổng suy trầm vì khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ. Vụ khủng hoảng và giá xăng khi ấy có góp phần cho một ứng cử viên tay mơ và rất mỏng kinh nghiệm ngoại giao và kinh tế là Nghị sĩ Barack Obama đắc cử Tổng thống, với sự hỗ trợ đáng kể của ứng cử viên Cộng hoà là Nghị sĩ John McCain, một kiện tướng mắc bệnh hốt hoảng đúng lúc dầu sôi lửa bỏng!

Năm 2011 này, dầu thô lại bốc hoả và vượt ngưỡng trăm đồng, khiến giá xăng tại Mỹ mau chóng lên lại gần bốn đồng một ga lông ba lít tám. Người ta dự báo là đến lễ Chiến sĩ Trận vong - một tháng nữa - giá xăng tại Mỹ sẽ lên tới 4,25 đồng....

Rút kinh nghiệm lần trước, hôm Thứ Năm 21 rồi Thứ Bảy 23 vừa qua, Chính quyền Obama lại học thói mị dân của các chính khách khinh dân mà tấn công các tổ hợp dầu khí là trục lợi nhờ giá dầu làm làm dân Mỹ bị móc túi khi mua xăng. Ông Obama có lý khi bịp dân như vậy vì một phần ba dân Mỹ vẫn ngây ngô tin rằng các doanh nghiệp năng lượng Mỹ làm giá để trục lợi. Nhất là khi doanh lợi các tổ hợp như Exxon hay Chevron đều tăng khi giá dầu vượt ngưỡng trăm đồng từ Tháng Hai và cứ thế mà lên tiếp.

Nhưng sự thật nó lại rắc rối hơn thế. Mức lời của doanh nghiệp dầu khí Mỹ không cao hơn trung bình của doanh trường và thấp hơn nhiều ngành khác....


***


Dầu thô là nguyên nhiên liệu cần thiết cho sản xuất và rất nhiều sinh hoạt của loài người.

Vì vai trò này, dầu thô cũng là võ khí chiến lược của các nước sản xuất và xuất cảng, đầu tiên là thành viên của Hiệp hội OPEC. Nhưng, các quốc gia trong liên minh làm giá này cũng hiểu ra quy luật "già néo đứt dây": kiểm soát sản lượng để nâng giá quá cao thì cũng như giết chết con gà đẻ trứng vàng. Dầu cao giá làm kinh tế suy trầm, kinh tế suy trầm sẽ đánh sụt cố cầu và đặc tính co giãn - quy luật "đàn hồi" - rất cao của giá cả khiến số cầu sụt ít thì giá lại giảm nhiều.

Chẳng hạn, sau vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997-1998, nạn suy trầm khiến số cầu về dầu khí giảm 10%, mà giá dầu sụt mất 75% và Hiệp hội OPEC bị thiệt nặng khi dầu thô chỉ còn 22 đồng một thùng! Hai chục năm sau, dầu thô cũng sụt giá mạnh sau khi lên tới đỉnh vào giữa năm 2008: trong có một năm mà sụt hơn hai phần ba, từ khoảng trăm tư chỉ còn hơn bốn chục!

Nạn Tổng suy trầm 2008-2009 kết thúc và đà hồi phục kinh tế trong năm 2010 bắt đầu làm dầu thô lên giá, nội trong 52 tuần qua đã từ hơn 73 đồng lên lại mức báo động là trăm bạc một thùng.

Yếu tố chính giải thích việc dầu thô lên giá một cách tiệm tiến như vậy chỉ là quy luật cung cầu chứ chẳng có kẻ gian nào nhảy vào cuộc để trục lợi. Kẻ gian đều biết rằng đà hồi phục của kinh tế thế giới còn mong manh, nhất là trong ba đầu máy mạnh sản xuất của địa cầu là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu.

Hoa Kỳ thì được ơn mưa móc từ kế hoạch cải tạo xã hội của Obama nên bị bội chi mạnh, thất nghiệp cao và hy vọng tăng trưởng đầy "ấn tượng" - xin mượn chữ ngô nghê hoành tránh của Hà Nội - là hơn 4% có khi là ảo giác năm tới. Bài này xin miễn nói về chuyện đó vội. Nhật thì chưa ra khỏi hai chục năm lụn bại với sáu đợt suy trầm kinh tế kể từ 1991. Còn Âu Châu thì lãnh họa Euro và những lý do khủng hoảng y hệt như Hoa Kỳ thời 2007-2008. Trong khối "tân hưng" còn lại, các đầu máy khác như Trung Quốc hay Nam Hàn còn lệ thuộc nặng hơn vào dầu thô. Vì vậy, mọi người đều cho rằng dầu thô sẽ lên giá, nhưng một cách "phải đạo", tự nhiên theo quy luật cung cầu.

Tuy nhiên, giữa thời điểm mong manh bất trắc đó lại xảy ra ba biến cố bất ngờ.

Thứ nhất là biến động chính trị tại Trung Đông Bắc Phi - Middle East North Africa, hay MENA - khởi đầu từ Tunisie rồi lan qua Ai Cập và bật tia lửa vào một trung tâm dầu thô thế giới là Vịnh Á Rập. Thứ hai là thiên tai Nhật Bản khiến sau động đất và sóng thần, Nhật lãnh thêm khủng hoảng năng lượng vì tai nạn của các lò hạch tâm Fukushima Dai-Itchi. Thứ ba là quyết định của các nước Tây phương nhằm can thiệp vào Libya, trong có có trách nhiệm của chính ông Obama.

Những biến cố ấy dẫn tới hậu quả là gây thêm căng thẳng về cung cầu - vì số cung bị hạn chế mà số cầu gia tăng - lồng trong bất ổn về an ninh khiến cho việc khai thác và chuyển vận dầu khí có thể bị cản trở. Tức là càng làm dầu thô lên giá.

Một thí dụ điển hình là khi khu vực MENA bị động, đệ nhất đại gia dầu khí thế giới - và đồng minh của Hoa Kỳ - đã hiểu ngay những rủi ro cho đà phục hồi kinh tế Tây phương nên hứa hẹn và thực tế còn bơm thêm dầu để trấn an thị trường quốc tế. Nhưng khi thấy Hoa Kỳ hy sinh các đồng minh Tunisie hay Ai Cập, bỏ qua tội khuynh đảo của Iran tại Bahrain và trong vùng Vịnh, và lại còn can thiệp vào Libya, Saudi Arabia đã bật tín hiệu bất mãn cho Mỹ: khóa bớt vòi bơm dầu!

Nếu nhìn lại như vậy, ta có thể thấy rằng "khách quan" mà nói, giá dầu thô sẽ khá căng, nhưng vì chủ quan về chánh sách, Hoa Kỳ có góp phần thổi lên giá dầu! Bảo rằng đó là thói xấu của các tổ hợp dầu khí là chỉ nhìn ra hay nói tới một phần của sự thật mà thôi. Một phần của sự thật thì vẫn chưa là sự thật!...

Nhưng vấn đề không chỉ có vậy và chúng ta phải đi vào một chút chuyên môn.


***



   Bảng yết giá xăng gần xa lộ 59, Houston - Texas.



Từ cả chục năm nay, thế giới dầu hỏa thấy xuất hiện một thế hệ tốt nghiệp nghệ thuật đổ bác của các sòng bạc, với kỹ thuật điện tử trong tay để bay nhảy vào kiếm lời trên không gian điện toán.

Họ là giới đầu tư trên thị trường thương phẩm - commodities traders - khi mua và bán các hợp đồng nguyên nhiên vật liệu hay nông sản được tiêu chuẩn hóa. Họ kiếm lời nhờ sai biệt giá cả khi mua vào và lúc bán ra. Thế giới giao dịch về dầu thô còn bày ra khí cụ đầu tư gọi là "phái sinh" hay "biến phiếu" (derivatives) dựa trên chỉ số về giá dầu.

Giới đầu tư không chỉ có doanh nghiệp dầu khí mua vào - dù là để tích trữ - mà còn có cả triệu nhà đầu tư thương phẩm.

Loại doanh gia đặc biệt này mua vào cả ngàn hợp đồng trị giá bạc triệu mà không sờ lấy một giọt dầu, vì rồi sẽ bán ra kiếm lời khi thấy giá hết tăng mà có thể giảm. Trong 10 năm, từ 2000 đến 2011, lượng giao dịch "trên giấy" như vậy đã tăng hơn gấp bốn. Sức mạnh đó có góp phần đẩy giá lên trời! Gọi đó là "bọn đầu cơ" trong ý phê phán là.... chẳng hiểu gì về kinh tế: đầu cơ chỉ là nghiệp vụ đầu tư kiếm lời thật nhanh trong ngắn hạn với rủi ro thật cao. Trong số này, có 5% là đại thành công và chiếm trọn phần lỗ của 95% còn lại, theo quy luật "hơn bù kém" - zero sum game!

Đáng chú ý là đa số trong thành phần này là thế hệ sinh sau Thế chiến II - các Baby boomers, sinh từ năm 1946 đến 1964. Nay họ đã có tiền và chuẩn bị về hưu với cái nệm kê phao cho êm. Khi có tiền lẫn kiến thức mà muốn dưỡng già trong điều kiện êm ái hơn thì họ là tay đầu tư hay đầu cơ lão luyện. Riêng tại Hoa Kỳ, họ càng có nhu cầu đó khi bội chi gia tăng, mọi phúc lợi hay hưu bổng thì giảm và lãi suất lại bò trên sàn nhờ nhà máy in bạc của Ngân hàng Trung ương Mỹ.

Thay vì "chơi vàng" như mấy kẻ khác "chơi stock" kiểu VN-Index tại Việt Nam, hoặc "chơi đất" tại Trung Quốc thì họ "chơi dầu"!

Giá càng lên thì người khác cho rằng coi chừng, sẽ có ngày giá sụt như cục gạch, chứ giới đầu tư siêu hạng này lại lý luận ngược. Là càng nên dấn tới để khỏi lỡ dịp may - nay mai có gì thì cũng nhanh tay chạy trước.

Trong một thị trường rất bất thường là dầu khí, những tay chơi đó đã gây ảnh hưởng lớn hơn sức nặng thực tế của họ vì hàng ngày vẫn đẩy giá dầu thô có hạn kỳ - trên thị trường gọi là "futures" - là giá sẽ giao bán trong tương lai, dăm ba tháng hay cả năm trước. Vì vậy mà giá dầu mới điên đảo hơn mọi tính toán bình thường về cung cầu. Khi giá đã lên thì lại còn lên mạnh hơn nữa, dù các tổ hợp như Exxon hay Chevron hay BP hay các đại gia có cho các kỹ sư nát óc đoán ra thì cũng có khi trật!

Đã thế, vụ khủng hoảnh tài chánh tại Mỹ rồi nạn Tổng suy trầm đã dẫn tới một hiện tượng phổ biến mà thiên hạ cứ tưởng là đặc thù của Mỹ: các chính quyền đều ráo riết bơm tiền vào kinh tế để kích cầu và thổi lên một khối tiền tệ lưu hành lớn chưa từng thấy!

Cả thế giới than phiền biện pháp "gia tăng mức lưu hoạt có định lượng" - QE hay quantitative easing - của Ngân hàng Trung ương Mỹ, được Thống đốc Ben Bernanke thông báo vào mùng ba tháng 11 năm ngoái. Người ta than phiền vì lượng tiền bơm thêm chừng 50 tỷ đô la một tháng trong tám tháng hay 10 tháng sẽ chảy vào thị trường thương phẩm và còn gây ra lạm phát cho xứ khác.

Lý luận này đúng mà chưa đủ, vì thế giới không chỉ có nước Mỹ! Các khối kinh tế lớn khác, như Nhật Bản, Âu Châu hay Trung Quốc cũng đều bơm tiền như vậy.

Khối tiền tệ lưu hành của các nước có gia tăng đáng kể, riêng bốn khối cầm đầu là Mỹ-Âu-Tầu-Nhật thì đã bơm thêm một lượng tiền tương đương với gần 17.000 tỷ đô la, trong đó, phần của Mỹ chỉ là 15%. Người ta quên rằng khối Euro đã bơm thêm hơn 50% khối tiền tệ lưu hành và đại gia Trung Quốc thì dẫn đầu thiên hạ với 250% và đóng góp phân nửa cho lượng tiền gần 17 ngàn tỷ này - chính xác là bảy ngàn 800 tỷ! (Một cước chú con con ở đây là... Việt Nam với máy bơm tín dụng cũng đã thổi lên nguy cơ lạm phát...)

Như vậy, ta nên nhìn lại chuyện giá dầu trên toàn cảnh....

Giá dầu thô được niêm yết chủ yếu bằng Mỹ kim và đô la sụt giá vì những nguyên nhân nội tại của Mỹ - hay khả năng bội chi để cải tạo của Obama - là một yếu tố đẩy giá dầu lên cao. Nhưng, ba đồng bạc kia, như Euro Âu châu, đồng Nguyên Trung Quốc hay đồng Yen Nhật cũng đang dư dôi tràn ngập trên thị trường để kích thích sản xuất và giúp cho nhiều doanh nghiệp khỏi phá sản.

Mấy đồng tiền khôn ngoan ấy cũng biết chảy vào thị trường thương phẩm để kiếm lời. Trong thị trường đó, có dầu thô.


***


Tổng kết lại, yếu tố cung cầu, an ninh, đầu tư, đầu cơ và cả lượng tiền tệ lưu hành đang gây bất ổn lớn về giá cả, trong đó có giá vàng và giá dầu.

Lãnh đạo Hà Nội khôn ngoan kiểu người rừng mà cấm buôn bán vàng miếng. Obama thì văn minh hơn nên mạnh miệng kết án kỹ nghệ dầu khí - chỉ thiếu điều thiết lập chế độ kiểm soát giá cả. Cả hai đều chẳng hiểu gì cả.

Riêng trường hợp Tổng thống Mỹ, ông quên mất rằng mình có góp phần đáng kể cho vụ tăng giá này. Và người ta dự báo rằng nếu tình hình không cải thiện, qua năm tới, dân Mỹ sẽ gặp giá xăng là hơn sáu đồng một gia lông. Nếu thất nghiệp không trở lại mức 7% thì giá xăng đó vào năm tới sẽ tạo cơ hội cho ông Obama sớm về viết hồi ký!

Tổng số lượt xem trang