Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Xayaburi và Thất Thủ Hạ Bì

-Xayaburi và Thất Thủ Hạ Bì
Kinh Tế Cũng Là Chính Trị  
Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 20110526 

Đập nước bên Lào khiến ta trào máu họng....

    Sắp bị chết đuối trên cạn - Ảnh của Internationalrivers.org

Tuần qua, Chính quyền của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thông báo rằng họ sẽ tạm hoãn dự án thủy điện Xayaburi trên thác nước Kaeng Luang của sông Mekong. Chúng ta không nên tin vào quyết định ấy vì dự án đem lại nhiều lợi thế cho xứ Lào, dù có thể gây họa cho dân chúng ở dưới hạ nguồn, nhất là cho Việt Nam. Đây là một trường hợp điển hình của "kinh tế cũng là chính trị" mà ta nên tìm hiểu. May ra thì sẽ thấy được giải pháp khác....

***


Lào là một quốc gia bị khóa trong lục địa, xứ duy nhất gặp hoàn cảnh bất lợi này trong khu vực Đông Nam Á. Với dân số hơn sáu triệu, bên cạnh nhiều lân bang giàu mạnh hơn, xứ này nằm kẹt giữa núi rừng và thác ghềnh nên tất nhiên là phải nghĩ đến khai thác thủy điện làm phương tiện phát triển.

Nếu họ không nghĩ ra thì đã có xứ khác mách bảo....

Từ năm ngoái, Lào thông báo kế hoạch phát triển quốc gia dựa trên năng lượng thủy điện. Ngoài 14 dự án đã có sẵn và đang xúc tiến, Lào trù tính thực hiện thêm 20 dự án trong 10 năm tới. Mục tiêu là từ khả năng sản xuất hiện nay là 2,54 gigawatts (GW) sẽ đạt hơn tám ngàn megawatts (MW) điện, hay 8,04 GW, để bán cho các lân bang. Nhìn trên tổng thể thì Lào đã được viện trợ kỹ thuật và mách bảo rằng do vị trí địa dư đó, họ có tiềm năng thủy điện lên tới 18 GW.

Xứ khác có biển khơi và hải cảng thuận tiện cho giao thương, Lào có thủy điện, trên thác ghềnh - và khoảng 12,5 GW trong triển vọng 18 GW là từ hệ thống Mekong.

Nhìn cách khác, kinh tế Lào lệ thuộc vào xuất cảng, chủ yếu là khoáng sản, tới 30% Tổng sản lượng Nội địa GDP. Trong số này, chừng 30% là xuất cảng điện (9% GDP). Từ gần hai chục năm nay, hai lân bang mua nhiều điện nhất của Lào chính là Thái Lan và Việt Nam. Nghĩa là Việt Nam không thể không biết về triển vọng điện năng của Lào. Và nguy cơ môi sinh của mình, xuất phát từ các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong.

Đập Xayaburi là bước đầu tiên của Lào, được trù tính từ năm 2007. Bước kế tiếp là thực hiện thêm tám dự án khác trên sông Mekong. Nếu kể thêm hai dự án của Cambốt, sông Mekong sẽ bị chặn tại 11 khúc và Cửu Long ở dưới coi như chín con rồng đều bị cắt gân, điểm huyệt!

Từ năm 2007, doanh nghiệp xây cất lớn thứ nhì của Thái Lam là Ch. Karnchang Public Co. đã ký kết với Chính quyền Vạn Tượng hợp đồng thực hiện dự án Xayaburi. Tức là từ bốn năm trước, Việt Nam phải thấy ra vấn đề nếu chịu khó theo dõi, nhất là khi các tỉnh của Việt Nam đã từng mua điện của Lào.

Với hợp đồng Xayaburi trong tay, Tháng Sáu năm ngoái, tập đoàn xây cất Karnchang của Thái ký thỏa ước hứa bán cho quốc doanh điện lực Thái Lan EGAT (Electricity Generating Authority of Thailand) 95% lượng điện sau này của Xayaburi, chuyển qua đường dây cao thế kéo dài 200 cây số từ Lào qua Thái.

Ngày nay, công trường Xayaburi đã được thiết trí và việc khởi công xây cất đã thực tế bắt đầu với dụng cụ thiết bị của Thái Lan.

Khi một số cơ quan bảo vệ môi sinh của quốc tế nêu vấn đề và Việt Nam phàn nàn về hậu quả tai hại của dự án Xayaburi, đại diện của Lào tại Ủy ban Mekong MRC họp tại Cambốt đã thông báo ngày 19 vừa rồi là họ sẽ tạm đình hoãn dăm ba tháng để nghiên cứu lại! Rất khó tin.

Ủy ban Mekong MRC quy tụ bốn nước ở hạ nguồn Mekong, là Lào, Thái, Miên và Việt Nam. MRC là tổ chức chuyên môn có mục tiêu phối hợp và hợp tác giữa các nước, và có hai xứ đối tác gởi quan sát viên tới tham dự thảo luận là Trung Quốc và Miến Điện. Ủy ban không có khả năng pháp lý hay sức cưỡng hành chống lại quyết định của các quốc gia cùng chia sẻ dòng sông sinh tử này.

Đầu tiên ở trên đầu nguồn chính là Trung Quốc.

Từ 15 năm nay, Trung Quốc có khoảng 15 dự án thủy điện trên dòng Mekong dài hơn 4.300 cây số từ Cao nguyên Thanh Tạng xuống tới Châu thổ Cửu Long của Việt Nam. Bốn cái đã hoạt động và gieo họa cho 60 triệu dân sinh sống dưới hạ nguồn. Mở đầu cho "tứ quý" đó là đập Mạn Loan, hoạt động từ năm 1996 - xin nhớ thời điểm này. Còn lại, Trung Quốc có hai cái đang xây thêm, chuẩn bị xây tiếp sáu cái và hai ba cái khác thì đã lên khung trong kế hoạch.

Bây giờ sẽ có thêm 11 cái của Lào và Cambốt, mở màn - hay đóng chốt - chính là đập Xayaburi!

Khi tham dự thượng đỉnh đầu tiên của Ủy ban Mekong được triệu tập đầu tháng Tư năm ngoái tại Hua Nin thuộc Thái Lan, Thủ tướng của Hà Nội đã xiết tay khắng khít với các Thủ tướng Thái, Miên, Lào và không thể không biết tới mối nguy Xayaburi. Là chuyện sinh tử cho 20 triệu người Việt sống và chết với dòng Cửu Long ở dưới.

Mà sao bây giờ mới la làng? Vì bận chuyện Vinashin, Đại hội đảng hay vì những trò quái quỷ gì khác?


***



Chúng ta nên nhớ lại chuyện xưa....

Việt Nam có quan hệ gắn bó với Lào và Cambốt - xứ này đổi tên quá nhiều nên cứ xin nói gọn theo kiểu xưa và không ác ý là xứ Cao Miên. Lào là nhược tiểu lãnh phận chư hầu, Cao Miên là lân bang bị mất Thủy Chân Lạp. Rồi ba xứ Việt, Miên, Lào đều mất chủ quyền về tay thực dân Pháp thành ra năm nước Đông Dương.

Ngay từ những năm 1930, nỗ lực đấu tranh giành độc lập của Việt Nam bị dìm trong ảo tưởng cách mạng vô sản của người cộng sản, và dẫn tới cuộc chiến tương tàn 1945-1975. Chiến tranh kết thúc năm 1975 mà không giải quyết được vấn đề cho Việt Nam vì là nền độc lập của cộng sản và dẫn tới khủng hoảng, thậm chí nội chiến trong khối cộng sản tại Đông dương - vụ Khờ me Đỏ - và sự can thiệp của Trung Quốc.

Chủ quan tin tưởng vào ảnh hưởng truyền thống của mình tại Lào và Miên - với hai đảng Cộng sản do mình gây dựng ra, lãnh đạo Hà Nội không nhìn thấy những xoay chuyển của toàn khu vực.

Điển hình là hàng loạt chính biến tại Cao Miên từ năm 1996 - thời điểm Mạn Loan bên Tầu - khi Đệ nhị "Đồng Thủ tướng" là Hun Sen đảo chính Chính phủ Liên hiệp tại Nam Vang vào đầu năm 1997 để loại đảng FUNCINPEC và Hoàng thân Norodom Ranariddh, con trai Norodom Sihakouk, lãnh tụ phe Bảo hoàng. Là người do Hà Nội gây dựng trong lực lượng Khờ Me Đỏ, Hun Sen có bản lãnh hơn mọi lãnh tụ Đông Dương trong suốt ba chục năm qua.

Vẫn duy trì chế độ quân chủ hình thức, Hun Sen loại khỏi vòng chiến các lãnh tụ bảo hoàng lẫn phe "quốc gia" của đảng mang tên lãnh tụ Sam Rainsy và đạt kết quả như... Hồ Chí Minh thời 1945: khiến các đối thủ phải lưu vong để một mình một chợ.

Hun Sen còn cao điệu là vừa nương theo trào lưu quốc tế để kết án và truy tố các đồ tể Khờ Me Đỏ, như Ta Mok, vừa thỏa hiệp với một lãnh tụ sắt máu khác của lực lượng này là Ieng Sary vào mùa Hè năm 1996, mở đầu cho việc hoà hợp hòa giải với Khờ Me Đỏ và thế lực bảo trợ ở đằng sau là Trung Quốc! Một trong những quyết định kinh tế - mà cũng là chính trị - là đoạn giao với hệ thống đầu tư của Đài Loan để tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc vào khoảng trống đó. Hun Sen ra khỏi quỹ đạo Hà Nội và "nói chuyện với người lớn hơn" - ở Bắc Kinh.

Khi ấy, thế giới chỉ quan tâm đến vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á 1997-1998 hoặc sự kiện là chế độ Hun Sen tại Cao Miên có dân chủ hay không. Vậy mà Cao Miên vẫn gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tiến hành bầu cử linh tinh ra dáng dân chủ.

Vốn dĩ coi thường các nước láng giềng nhược tiểu chúng ta ít chú ý tới sự xoay chuyển này và cũng chẳng cần biết rằng con trai lớn của Hun Sen là Hun Manet đã tốt nghiệp West Point của Mỹ năm 1999 - ngay giữa những vụ chính biến tại Nam Vang - và còn có bằng Tiến sĩ Kinh tế của một Đại học Anh quốc!

Ngẫm lại thì Đông Tây gì, Hun Sen cũng có bạn chứ hết là phỗng đá của Hà Nội.

Lãnh đạo Vạn Tượng tất nhiên học được bài học đó và không muốn làm con voi đất cho Việt Nam: Từ năm năm nay, Trung Quốc lần lượt thay thế Thái Lan và Việt Nam trở thành quốc gia đầu tư mạnh nhất vào xứ Lào trong hai khu vực chiến lược của  Lào là khoáng sản và năng lượng. Hệ thống chính trị Lào do Hà Nội xây dựng từ thời 1975 đã thoát xác và trôi dần vào trật tự Trung Quốc. Ta trở lại chuyện ngày nay.

Khi Việt Nam bị lạm phát và nguy cơ khủng hoảng, còn Lào và Miên đều vì quyền lợi của họ mà lấy những quyết định kinh tế gây thiệt hại hiển nhiên cho sông Cửu Long, người ta phải tính sao?

Câu hỏi ấy dẫn ta về thực tế là Việt Nam chưa ra khỏi trạng thái nông nghiệp, với canh nông đóng góp chừng 20% vào tổng sản lượng - thực tế chỉ tăng 2% trong đà tăng trưởng trung bình toàn quốc năm ngoái là 6,8% - nhưng nuôi sống hơn phân nửa lực lượng lao động. Và thủy sản của vùng châu thổ Cửu Long là một quyền lợi chiến lược có khi sẽ bị bóp chết từ thượng nguồn.



***


Câu trả lời dễ dãi mà cực kỳ tai hại là phải lên tiếng phản đối xứ Lào về dự án Xayaburi.

Bất chấp phản ứng quốc tế, Bắc Kinh đã ngang nhiên thực hiện cả chục dự án tai hại gấp bội cho năm xứ lân bang dưới hạ nguồn Mekong - mà họ coi là hạ lưu! Việt Nam đã bị bao vây ngoài biển, bị đe dọa ở bên trong với các dự án xây dựng hạ tầng khác mà Trung Quốc đang trù tính với Lào và Cao Miên. Họ cần mở cửa thông thương cho các tỉnh bị khóa trong lục địa, từ Quảng Tây, Vân Nam tới Tứ Xuyên trổ xuống Vịnh Thái Lan ra tới Ấn Độ dương.

Hai chìa khóa then chốt cho việc mở cửa đó là Miên và Lào đã đổi chủ. Từ Hà Nội nay lọt vào tay Bắc Kinh. Một chìa khác là quyền lợi thương mại của Thái Lan.

Càng gây áp lực với xứ Lào - chư hầu cũ của mình - Hà Nội sẽ càng khiến lãnh đạo Vạn Tượng học phép Nam Vang, là trông cậy và nương tựa nhiều hơn vào Trung Quốc. Nói cho phũ phàng, sức ép tiêu cực của Việt Nam càng đẩy xứ Lào vào tay Trung Quốc. Vấn đề vì vậy tất nhiên không chỉ có Đông hải, Hoàng Sa hay Trường Sa, Nam Quan hay Bản Giốc, nó ăn sâu vào rừng núi thác ghềnh bên Lào và tuôn xuống Biển Hồ Tonlé Sap. Đó là vùng trái độn mở rộng và xiết chặt của Bắc Kinh.

Giải pháp chính danh của vấn đề phải là vận động ngoại giao và quốc tế. Đó là giải pháp chính trị tất yếu. Nhưng không thuộc loại "ắt đủ".

Tích cực và thực tế hơn vậy phải có cái vế kinh tế của bài toán chính trị: làm sao giúp Lào phát triển kinh tế của họ mà khỏi bị lệ thuộc duy nhất vào mạng thủy lợi Mekong. Đây là vấn đề vượt khỏi khả năng tư duy của Hà Nội; hãy nhìn họ phát triển kinh tế của chính Việt Nam thì rõ.

Trong mọi cuộc tranh luận hoặc thuyết phục, dân Lào phải khách quan nhìn thấy rằng quyền lợi lâu dài của họ được đáp ứng. Cho đến nay, Hà Nội không nhìn như vậy mà chỉ chủ quan thiển cận giải quyết chuyện vặt cho tay chân sớm thành tỷ phú! Cho nên họ đang hy sinh quyền lợi của nông dân Cửu Long khi Bắc Kinh xây dựng khả năng trấn nước Hạ Bì từ trên thượng nguồn!

Ngày xưa, danh hài Lã Bố đã gặp cảnh đó mà vẫn kiêu: "Ta có ngựa Xích Thố và Thiên phương họa kích thì còn sợ ai?" Ngày nay, Hà Nội có thể kỷ niệm Tháng Tư 1975 và những chiến công vô địch của một thằng đầy tớ ba họ - Đế quốc Tây Nhật Mỹ gì thì ta cũng thắng - bằng cách diễn lại truyện thất thủ Hạ Bì.

Bố khỉ!

-Laos to review controversial dam plans DPA- Hoa Kỳ lên tiếng về dự án đập thủy lợi Xayaburi  —  (RFA).

Tổng số lượt xem trang