Các trung tâm dịch vụ toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam được kỳ vọng là nơi sẽ mang lại những kinh nghiệm quan trọng về hệ thống hoạt động công nghiệp, tạo sức ép lên hệ thống chính sách và sản xuất bên trong. Tất cả sẽ cùng hưởng lợi nhờ sự tác động của các hệ thống sản xuất dịch vụ đến từ bên ngoài.
Bài 1: Tác động từ những trung tâm dịch vụ toàn cầu
SGTT.VN - Khi đưa trung tâm dịch vụ toàn cầu của tập đoàn Bosch (Đức) vào hoạt động tại TP.HCM tuần trước, ông Võ Quang Huệ – tổng giám đốc Robert Bosch Vietnam – nhấn mạnh: “Với trung tâm này, Việt Nam là nơi đầu tiên trên toàn thế giới mà Bosch đang hoạt động toàn trình (end-to-end) bao gồm kinh doanh, sản xuất đến nghiên cứu phát triển”.
Đội ngũ làm phần mềm tại công ty A. (quận 4, TP.HCM). Ảnh: LHT |
Từ câu chuyện của Bosch
Bosch cho biết, việc thành lập trung tâm mới kỳ vọng sẽ thu hút tài năng địa phương tham gia vào các dự án trong khu vực với chi phí cạnh tranh hơn. Đây là trung tâm công nghệ phần mềm và dịch vụ đầu tiên của Bosch tại Đông Nam Á, phát triển các giải pháp kỹ thuật về phần mềm nhúng, thiết bị cơ khí và các dịch vụ công nghệ thông tin. Trong sáu tháng tới, những giải pháp đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thực hiện sẽ được đưa vào ứng dụng. Các kỹ sư của họ ở Việt Nam cũng sẽ tham gia vào các dự án toàn cầu về kỹ thuật ôtô và công nghiệp, hàng tiêu dùng và kỹ thuật xây dựng.
Trước đó, Bosch đã khánh thành cơ sở kỹ thuật cao sản xuất dây truyền lực dùng cho hộp số tự động trong ôtô. Trong vài tháng tới, sẽ tăng đầu tư (hiện là 52 triệu euro) để mở dây chuyền sản xuất các phụ kiện chi tiết, và ngưng nhập khẩu từ nhà máy Hà Lan để sản xuất 100% tại Việt Nam.
Có thể nói trường hợp của Bosch là số ít trong mô hình đầu tư khép kín của các công ty nước ngoài vào Việt Nam. Thông thường họ đặt nhà máy tại Việt Nam như một chi nhánh đối trọng nhằm giảm rủi ro, hoặc để chuẩn bị địa điểm cần thiết khi thị trường có sự tăng trưởng nhanh.
Nhà máy tại Việt Nam bên cạnh nhà máy có cùng lĩnh vực tại Hà Lan và trung tâm phần mềm tại Việt Nam là trung tâm thứ hai sau trung tâm ở Ấn Độ hiện hoạt động với 8.000 người. Thị trường châu Á – Thái Bình Dương năm 2010 cũng mang lại cho Bosch 11 tỉ euro trong tổng doanh số 47,3 tỉ euro và mức tăng trưởng trên 40%. “Chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội để phát triển ở khu vực này và các hoạt động tại Việt Nam nhằm vào mục tiêu này”, theo ông Huệ.
Bao giờ lớn mạnh?
Điểm lại, từ đầu năm đến nay, Việt Nam có thêm nhiều trung tâm dịch vụ của các tập đoàn lớn. Trước Bosch là các trung tâm của HP, Aricent, Sigma Designs, Texas Instruments, Simax Global Services mở chi nhánh hoạt động hỗ trợ thị trường Việt Nam; hay McAfee, Tieto đang vào tìm hiểu thị trường. Ngành gia công phần mềm trải qua hơn một thập kỷ phát triển và hiện ở vào giai đoạn mới.
Vấn đề đặt ra là sự tập trung của nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn này thì có thể có sự phát triển khác biệt nào không. Theo một chuyên gia trong ngành, những trung tâm như vậy là sự chuyển hướng tìm kiếm những thị trường có nguồn nhân lực giá rẻ và chất lượng. Dù nhìn dưới góc độ nào cũng đều tích cực vì giúp nối mạng Việt Nam vào chuỗi mắt xích dịch vụ toàn cầu của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới.
Sau bốn năm phát triển hiện nhân viên tại trung tâm dịch vụ toàn cầu (GDC) của IBM tại TP.HCM cũng mới chỉ vài trăm người. Trong khi các GDC khác của IBM ở Ấn Độ chưa đến 15 năm đã tăng lên 60.000 người, tại Trung Quốc sau vài năm đã vượt con số 3.000 người. CSC khi mua lại FCG để thành lập trung tâm tại Việt Nam cũng có khoảng 700 kỹ sư so với con số toàn châu Á hơn 19.000 nhân viên. Rõ ràng Việt Nam được quan tâm như một điểm đến kỳ vọng nhưng còn nhiều vấn đề cho sự lớn mạnh, nhất là sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong những năm qua.
Cần một “hệ sinh thái”
Là trung tâm gia công chiến lược đầu tiên tại Việt Nam, GDC của IBM ra đời năm 2007 đến nay cũng mới chỉ cung cấp dịch vụ cho các công ty đa quốc gia ở Việt Nam theo hợp đồng toàn cầu. Theo bà Nguyễn Tùng Giang, giám đốc dự án GDC Việt Nam, nếu hiểu gia công là hình thức gia công chiến lược, tức là thuê một công ty đảm trách một phần hoặc toàn bộ hệ thống CNTT để doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn, thì gia công phần mềm tại Việt Nam vẫn còn mới mẻ, chủ yếu phát triển dưới dạng “thầu phụ”, gia công nhỏ lẻ.
Thị trường Việt Nam còn những hạn chế đặc thù đối với gia công chiến lược: các doanh nghiệp nhà nước thì vướng cơ chế, các doanh nghiệp tư nhân chưa sẵn sàng với việc trao trái tim, khối óc của mình cho người khác quản lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, gia công phần mềm nói chung đang chứng tỏ là một nhân tố hỗ trợ tốt nhờ tiết kiệm chi phí trong việc quản lý các hệ thống CNTT qua những giai đoạn biến động lớn. Tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và thuê ngoài những mảng việc không có ưu thế đang dần trở thành một xu hướng toàn cầu. “Với lợi thế nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, được đào tạo và chi phí thấp, Việt Nam đang tiếp tục là một điểm đến cho các hợp đồng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, bà Giang khẳng định.
Theo ông Ngô Hùng Phương, tổng giám đốc CSC Vietnam, khi trở thành một trung tâm dịch vụ toàn cầu của CSC không có nghĩa là trung tâm tại Việt Nam sẽ có sẵn công việc với những dự án rót từ tập đoàn mẹ. Các bộ phận kinh doanh của tập đoàn CSC đều phải tìm kiếm khách hàng và đối tác, họ có thể gia công bên ngoài hệ thống sao cho chi phí thấp nhất mà hiệu quả cao nhất. Vì thế sự cạnh tranh trong nội bộ các trung tâm CSC lẫn nhau cũng không kém với cạnh tranh bên ngoài để khẳng định mình. Điều này cho thấy sức ép của nhân lực Việt Nam trong các guồng máy phát triển CNTT của toàn cầu.
Quy mô nhân lực của Việt Nam còn ít, các doanh nghiệp đang tuyển người của nhau làm cho chi phí tăng lên và tạo ra những rào cản nhất định để thị trường phát triển chiều sâu. Để hoạt động tốt trong các ngành công nghiệp, nhân lực Việt Nam sẽ chịu áp lực tìm kiếm nhiều kỹ năng chuyên nghiệp để hoạt động phù hợp trong “hệ sinh thái” đó. Các bộ phận của CSC Vietnam hiện nay có thể hoạt động độc lập với các trung tâm khác của tập đoàn để tăng doanh thu và năng lực.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, chủ tịch tập đoàn Logigear, sự có mặt càng nhiều trung tâm dịch vụ của các tập đoàn lớn sẽ tạo ra một hệ sinh thái tốt cho ngành CNTT của Việt Nam. Càng nhiều nhà đầu tư tham gia cùng với các công ty nội địa càng tạo áp lực lên hệ thống vĩ mô và cơ sở hạ tầng cứng lẫn mềm phải phát triển để đáp ứng. Trước mắt có thể là sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các doanh nghiệp về nguồn nhân lực nhưng về tổng quan và dài hạn, tất cả cùng hưởng lợi nhờ sự tác động của các hệ thống sản xuất dịch vụ đến từ bên ngoài.
Tuyết Ân
Kỳ tới: Từ gia công đi tìm giá trị riêng
-Bài 2: Từ gia công đến giá trị riêng (Sgtt)-
SGTT.VN - Nhiều doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, nhằm đưa những giải pháp riêng ra thị trường bằng kinh nghiệm và năng lực có được sau thời gian tham gia vào guồng máy gia công phát triển phần mềm cho thị trường quốc tế.
Dây chuyền sản xuất dây truyền lực dùng cho hộp số tự động ôtô của Bosch tại Đồng Nai. Việt Nam là nơi đầu tiên trên thế giới mà Bosch đang hoạt động toàn trình (end-to-end) bao gồm từ kinh doanh, sản xuất đến nghiên cứu phát triển. Ảnh: Lê Toàn |
TestArchitect là công cụ kiểm thử tự động do trung tâm Nghiên cứu và kiểm thử phần mềm Logigear – một doanh nghiệp chuyên về gia công kiểm thử tại Việt Nam nghiên cứu phát triển. Kiến trúc này tích hợp phương pháp và công nghệ kiểm thử hiện đại vào một gói sản phẩm dễ dàng sử dụng, giúp khách hàng sắp xếp hợp lý việc phát triển phần mềm với các mẫu thiết kế kiểm thử trên nền kỹ thuật tự động. Ông Nguyễn Quốc Hùng, chủ tịch Logigear, cho biết ông về Việt Nam năm 2002 và quy tụ đội ngũ nghiên cứu phát triển kiến trúc này để thương mại hoá, nhưng được vài năm thì kế hoạch thất bại vì lúc đó hạ tầng còn yếu kém và đội ngũ chưa đủ năng lực. Logigear sau đó tập trung vào gia công kiểm thử cho khách hàng trong một số lĩnh vực đặc thù như hoá dầu và y tế. Đến năm 2010, TestArchitect mới chính thức được thương mại hoá và các đối tác nước ngoài ứng dụng.
Nghiên cứu và phát triển (R&D)
Cách đây vài năm, TMA Solutions cũng thành lập trung tâm Giải pháp di động (TMS) tập trung vào các dự án dựa trên thế mạnh gia công về mạng, viễn thông và di động. Theo ông Trần Phúc Hồng, giám đốc TMS, trung tâm sẽ chú trọng vào các lĩnh vực đang có tiềm năng ứng dụng cao như y tế, giáo dục, năng lượng… Hiện TMS thiết kế giải pháp điều khiển các thiết bị điện trong nhà cho một công ty Hà Lan có nhà máy ở Bình Dương, để xuất khẩu sang Mỹ.
TMS cũng thiết kế phần mềm gọi di động qua mạng wifi công nghệ chuyển mạng tự động hiện đang được thử nghiệm tại châu Âu và Malaysia, hay các bộ giải pháp hoàn chỉnh ứng dụng cho nhiều ngành như mobilePortal, mobileCalendar, mobileAuctions, mobileSurvey, mobileReport… nhắm đến nhu cầu cần mở kênh thông tin qua điện thoại di động, hoặc những ứng dụng mang lại thông tin tức thời…
Bộ phận gia công của FPT cũng đang đầu tư cho một số dự án riêng. Nổi bật là dự án đầu tư 10 triệu đôla Mỹ để triển khai giải pháp hoàn chỉnh hệ thống công nghệ định vị GPS theo “gói” từ phần cứng, phần mềm và dịch vụ như bản đồ số, RFID, mua sắm trực tuyến, giải trí, truy cập internet... Giải pháp này không mới nhưng nếu nghiên cứu hướng đến dịch vụ gia tăng sẽ là một lợi thế của FPT. Nếu thành công với Mai Linh, FPT có triển vọng mở rộng cho các hệ thống vận tải khác tại Việt Nam.
Công nghệ RFID gần đây được đề cập nhiều tại Việt Nam khi đội ngũ của SplendIT, với một nhóm có kinh nghiệm phát triển vi mạch, sẽ phát triển các ứng dụng RFID vào giải pháp FoodID dùng truy xuất nguồn gốc thực phẩm; YardID để quản lý thiết bị ngoài trời; PlaceID cho việc kiểm soát vị trí…
Nhỏ yếu nhưng phải tự bơi
“Phát triển công nghệ riêng sẽ nhiều thử thách nhưng vì mục tiêu dài hạn nên phải quyết tâm đầu tư, đó là cách nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trên toàn cầu”, ông Hùng cho biết. Các doanh nghiệp nhắm vào các ứng dụng được phát triển nhanh và có khả năng cạnh tranh ngay ở thị trường trong nước, nhưng chưa nhiều doanh nghiệp đủ khả năng phát triển các ứng dụng sâu hơn vốn cần nhiều thời gian thử nghiệm và đánh giá thị trường. Mà điều quan trọng nhất của dự án R&D là ý tưởng sản phẩm phải gắn với mô hình kinh doanh, đa số dự án thành công không phải từ công nghệ mà nhờ sự hiểu biết thị trường.
Theo ông Hồng, để có những sản phẩm “made in Vietnam” trên thị trường thế giới không dễ. Về mặt công nghệ đã khó thì về mặt thị trường còn khó nhiều lần. Việc đầu tư lại đầy rủi ro vì muốn thương mại hoá được ở thị trường nước ngoài phải liên kết với đối tác, để tận dụng kinh nghiệm thị trường và chia sẻ rủi ro về tài chính. “Nếu đầu tư cho hàng chục giải pháp mà khi thương mại hoá thành công một, hai sản phẩm xem như đã có lợi nhuận”, ông Hồng cho biết.
Tại các thị trường lớn, các tập đoàn hàng đầu khi tham gia thị trường đều có các quỹ đầu tư đi theo tìm kiếm ý tưởng của các nhà doanh nghiệp địa phương, hạn chế tình trạng vừa nghiên cứu phát triển vừa phải lo huy động nguồn tài chính. Theo các doanh nghiệp, trong chiến lược phát triển phải đề ra một lộ trình nâng cao ngành bằng kế hoạch R&D có sự đầu tư của Nhà nước làm đầu tàu, và doanh nghiệp sẽ theo đó định hướng cho mình. Còn hiện nay các doanh nghiệp đầu tư tuỳ theo khả năng, rủi ro cao trong khi ở thị trường trong nước, năng lực R&D của doanh nghiệp còn yếu chưa thể tạo ra các công nghệ hay sản phẩm mang tính đột phá trên thị trường.
Ở thị trường quốc tế, khả năng cung ứng của Việt Nam chưa tạo ra được những lĩnh vực đặc trưng. Nếu chính sách về R&D rõ ràng và tích cực, mới thúc đẩy những ý tưởng mới trong doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, chủ tịch TMA Solutions, thường Nhà nước là đầu mối liên kết, triển khai, ứng dụng các dự án R&D. Chỉ cần khung phát triển R&D thuận lợi, các quỹ đầu tư và doanh nghiệp sẽ nhìn ra cơ hội tham gia thị trường.
Tuyết Ân