Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

Chất lượng nguồn nhân lực KCN: Giậm chân tại chỗ vì tâm lý thích làmthầy

-Chất lượng nguồn nhân lực KCN: Giậm chân tại chỗ vì tâm lý thích làm thầy(ND 12-5-11) -- Trên báo Nhân Dân!!!! 




Đào tạo nghề - hướng đi cần có chính sách hiệu quả hơn để thu hút học viên   ( Ảnh: vccinews.vn )


NDĐT – Việc ra đời và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (KCN) ở Việt Nam trong suốt 20 năm qua đã góp phần đáng kể vào việc thu hút nguồn nhân lực, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đem lại công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động, đặc biệt là những người ở nông thôn. Tuy nhiên điều đáng nói là chất lượng và số lượng của đội ngũa này dường như phát triển theo tỷ lệ nghịch.



Công nhân bậc 7 chiếm 3,2%

Điều tra, khảo sát về “tiền lương, thu nhập của người lao động trong các KCN” do Viện Công nhân - Công đoàn, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gần đây cho thấy: Đến năm 2010, các KCN đã tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động nhưng lại có tới 10,5% trình độ tiểu học; 43,7% trình độ THCS, 45,5% có trình độ THPT, đặc biệt vẫn còn 0,28% người lao động không biết chữ.


Theo kết quả khảo sát, 75% lao động chưa qua học nghề tại các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp, trong đó khoảng 94% người được đào tạo ngắn hạn tại doanh nghiệp trước khi bắt đầu công việc. Chỉ có 9,5% công nhân lao động kỹ thuật, 3,7% công nhân có trình độ trung cấp, 3% cao đẳng và 5,6% có trình độ đại học.

Nếu tính chung, số công nhân được đào tạo nghề (cả ở các cơ sở và doanh nghiệp) thì tỷ lệ công nhân lao động bậc cao là rất ít. Số công nhân bậc 4 chiếm 8,4% và bậc 6-7 chỉ chiếm 3,2%. Kết quả này cho thấy, lực lượng công nhân chủ yếu vẫn là lao động giản đơn.

Chất lượng thấp, do đâu?

Nguyên nhân của thực trạng này là do hầu hết người lao động đến từ các vùng nông thôn chưa qua đào tạo nghề một cách bải bản. Khi được doanh nghiệp nào đó nhận vào làm việc trong các đợt tuyển lao động ồ ạt, thường họ chỉ được học để biết nghề trong thời hạn khoảng một tuần, nhằm đáp ứng một khâu nào đó rất nhỏ trong quy trình sản xuất. Ngay chính bản thân doanh nghiệp cũng chỉ cần “tuyển lao động phổ thông”. Mà ngay cả tiêu chuẩn “tốt nghiệp PTTH” đối với người lao động, đôi khi cũng bị làm giả từ khâu hồ sơ mà ngay cả nhà tuyển dụng chưa chắc để ý đến.

Điều này khiến chất lượng nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp giậm chân tại chỗ. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô sản xuất hạn chế, máy móc thiết bị sản xuất đơn giản, việc tranh thủ được nguồn nhân công giá rẻ vẫn là ưu tiên hàng đầu để nâng cao lợi nhuận.

Đó mới là nguyên nhân bề nổi.

Nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của chất lượng nhân lực người lao động chính là ở việc sính bằng cấp của người Việt. Điều đó khiến nhiều vị trí dù rất thiếu thợ lành nghề, công nhân kĩ thuật bậc cao, dẫu chào mời kêu gọi, nhưng cũng không thể tuyển dụng được.

Rõ ràng, vấn đề nằm ở phía cung chứ không nằm ở phía cầu. Truyền thông đã nói nhiều về việc “con đường vào đời không phải duy nhất qua cánh cửa đại học”. Song thực tế, ai cũng muốn được “bước chân” vào “cánh cửa đổi đời” đó. Tâm lý sính bằng cấp dẫn tới tình trạng thừa thầy thiếu thợ khiến các nhà quản lý không tìm ra phương thức để giải quyết một cách có hiệu quả nhất. Chỉ khi nào không có lựa chọn nào khác hoặc chỉ coi đây là bước đệm cho trên con đường sự nghiệp của mình người ta mới đi học nghề để trở thành công nhân kĩ thuật.

Sẽ được nâng cao khi không còn cảnh “dạy chay, học chay”?

Về các giải pháp nâng cao chất lượng lao động ở các KCN, Giám đốc Viện Công nhân - Công đoàn Đặng Quang Điều cho rằng, cần có giải pháp mang tính tổng thể, quy hoạch, phân luồng đào tạo ngày từ đầu.

Cũng cần có chính sách ưu đãi đối với đào tạo nghề như, người học nghề sẽ được hỗ trợ tiền, thậm chí được miễn phí học nghề trong khi sinh viên học các trường cao đẳng, đại học sẽ phải nộp học phí mức cao hơn; khuyến khích những người thợ trong xã hội bằng chính sách lương đủ hấp dẫn, bằng môi trường làm việc và bằng cả thái độ coi trọng những người trực tiếp làm ra của cải cho xã hội; nâng cao năng lực đào tạo cho các trường nghề kể cả cơ sở vật chất lẫn chất lượng của giáo viên. Chỉ khi nào chấm dứt việc dạy chay, học chay, tay nghề của người lao động mới nâng cao lên được.

Tuy nhiên, đảm bảo vị thế và thu nhập cho những người đi theo con đường “làm thợ” mới là một khía cạnh trong khi tâm lý thích làm thầy, dù thu nhập ít hơn, vẫn là lựa chọn của đa số các bạn trẻ.


Hương Nguyên

Tổng số lượt xem trang