Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Bốn xu thế mới của bức tranh quân sự toàn cầu

- - GS Hàn Húc Đông thuộc trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc: Bốn xu thế mới của bức tranh quân sự toàn cầu (NCBĐ/Global times).
Mạng Global times vừa đăng bài viết của Giáo sư Hàn Húc Đông thuộc trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc phân tích về những thời cơ cũng như thách thức của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện nay, trong đó khẳng định PLA tới đây cần tích cực tham gia các hoạt động quân sự quốc tế. Theo tác giả bài báo, từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, đặc biệt trong thập kỷ đầu của thế kỷ mới, quân đội ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội quốc tế. Xu hướng phân hóa và bố trí lại lực lượng quân sự toàn cầu đang dần thể hiện rõ, mang lại cho Bắc Kinh những cơ hội và thách thức mới. 

Thứ nhất, cục diện quân sự thế giới đang chuyển nhanh mô hình “tam giác” sang “hình thang”. Trận địa quân sự thế giới thời kỳ Chiến tranh Lạnh được hình thành bởi hai tập đoàn quân sự của các nước do Liên Xô và Mỹ đứng đầu, do đó tạo nên cục diện “hai tam giác” đối đỉnh. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cục diện kể trên dần chuyển sang kiểu “hình thang” với các đặc điểm chính như: Tính quyền lực tuyệt đối của Oasinhtơn dần bị hạ thấp; Lực lượng quân sự của Mỹ và các nước từ chỗ coi trọng “sức mạnh cứng” đã chuyển sang cạnh tranh “sức mạnh mềm”…
Thứ hai, ngày càng nhiều quốc gia thịnh hành chiến lược quân sự “hướng ngoại”. Các cuộc như Chiến tranh vùng Vịnh, Nội chiến Bôxnia-Hécxêgôvina, Chiến tranh Kosovo, Ápganixtan, Irắc và Libi… cho thấy một đặc điểm nổi bật là các nước rất tự do trong việc quyết định tham ra hoặc rút khỏi các hoạt động quân sự liên quan. Đây là điểm khác hẳn so với cơ chế đại diện và khống chế chiến tranh chặt chẽ của Liên Xô và Mỹ thời Chiến tranh Lạnh trước đây. Bên cạnh đó, các nước còn thông qua nhiều hoạt động liên hợp như diễn tập quân sự, khai thác vũ khí trang bị, diễu binh kỷ niệm chiến thắng của Chiến tranh thế giới thứ 2…để không ngừng mở rộng và nâng cao vai trò ảnh hưởng của mình. 
Thứ ba, ngày càng nhiều tổ chức quốc tế chú trọng vai trò của lực lượng quân sự. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây chỉ có Liên hợp quốc (LHQ) và các liên minh quân sự do Mỹ và Liên Xô xây dựng phát huy vai trò của quân sự. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, không chỉ có Mỹ và LHQ mà các tổ chức quốc tế khác cũng chú trọng phát huy vai trò của lực lượng quân sự. Ví dụ: Ủy ban hợp tác vùng Vịnh khi Baranh đối mặt với nguy cơ nội chiến đã cử Arập Xêút và một số nước khác mang quân đến duy trì trật tự; ASEAN ngày càng coi trọng việc phát huy tác dụng trên lĩnh vực quốc phòng; Châu Phi tích cực tham gia Chiến tranh Libi…
Thứ tư, “quân đội đa quốc gia” ngày càng trở thành mô hình thời thượng. Mô hình “quân đội đa quốc gia” trước đây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh rất ít khi được áp dụng, dường như chỉ diễn ra với Chiến tranh vùng Vịnh - cuộc chiến cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, mô hình này hiện nay được vận dụng rất nhiều, “quân đội đa quốc gia” dường như đã trở thành phương thức phổ biến để xã hội quốc tế can dự vào một quốc gia nào đó. Mô hình “quân đội đa quốc gia” liên tục được LHQ sử dụng, tuy nhiên cùng với đó nó cũng bị một số quốc gia có dụng ý khác lợi dụng nên mức độ giả dối ngày càng cao.
Giáo sư Hàn Húc Đông kết luận, vai trò ảnh hưởng quân sự quốc tế của Trung Quốc ngày càng lớn, mức độ tham dự của Bắc Kinh trong các hoạt động diễn tập quân sự liên hợp cũng như khai thác kỹ thuật quân sự với các nước cũng ngày càng sâu hơn. Trung Quốc nên nắm lấy cơ hội tái bố trí lực lượng quân sự thế giới hiện nay để nâng cao địa vị quân sự của mình, trong đó tập trung vào các biện pháp:
1/ Xây dựng sự tự tin quân sự, mạnh dạn tham dự; 
2/ Xác lập địa vị của mình trên vũ đài quân sự thế giới qua các kênh như hợp tác quốc phòng, diễn tập quân sự liên hợp, khai thác khoa học kỹ thuật…; 
3/ Dám chịu trách nhiệm và xây dựng uy tín; 
4/ Chủ động đề xuất các kiến nghị mang tính xây dựng liên quan đến xu hướng phát triển của quân sự thế giới.


- Về cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Ấn Độ Dương (Nghiên cứu BĐ/Dailypioneer).- Mục đích chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nga tới vùng đảo tranh chấp với Nhật Bản (Nghiên cứu BĐ/Asashi).

- Về chuyến thăm quân sự cấp cao của Trung Quốc tới Mỹ (Nghiên cứu BĐ). – Khi ban nhạc quân đội Trung Quốc chơi trên đất Mỹ (VNN).
- TQ bác bỏ báo cáo của LHQ về các vụ mua bán phi đạn của Bắc Triều Tiên  —  (VOA). - Mỹ cân nhắc khả năng cử phái đoàn ngoại giao đến Bắc Triều Tiên  —  (VOA).


Chiến lược lớn của Trung Quốc
--Foreign Policy

Daniel Blumenthal

 29-04-2010

Ông Robert Kaplan đã viết một bài xuất sắc, có ý khiêu khích đăng trên Foreign Affairs. Ông lập luận rằng nhu cầu không thể thỏa mãn của Trung Quốc về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên đang tạo nên chính sách chiến lược của họ, như việc mở rộng sự tiếp cận quân sự và ảnh hưởng của Trung Quốc lên cả đất liền lẫn trên biển ở Châu Á. Không phải Trung Quốc có một kế hoạch tổng thể nhằm thống trị thế giới, thay vào đó, như tất cả các cường quốc đang lên, (gồm cả Mỹ hồi thế kỷ 19) logic của sự tăng trưởng đòi hỏi nước này đóng một vai trò quốc tế lớn hơn.


Ở phía Tây, Trung Quốc tăng cường kềm kẹp Tân Cương và Tây Tạng. Chẳng bao lâu nữa, họ sẽ hoàn thành hai đường ống dẫn dầu chính kéo dài từ Trung Á đến Tân Cương. Ở Tây Tạng họ đang xây dựng các đường giao thông và đường sắt để lấy tài nguyên, bình định đám dân cứng cổ, và giữ không rơi vào tay Ấn Độ.

Trung Quốc cũng đang hành quân về phía nam như, gia tăng sự kiểm soát Miến Điện, điều này có thể cung cấp cho Bắc Kinh một hải cảng và việc sử dụng hàng hải ở vịnh Bengal. Và họ đang cố gắng, như ông Kaplan nói, “chia để trị” các nước ASEAN khác, những nước hưởng ứng sự lơ là của Mỹ, đang bắt đầu họp lại thành nhóm đối lập với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo ông Kaplan, mục đích chính của Bắc Kinh ở bán đảo Triều Tiên là giúp Bắc Hàn phát triển thành một nhà nước “độc tài hiện đại” hơn, để Bắc Hàn vẫn là đối thủ chống lại Nam Hàn – liên minh của Mỹ. Dù vậy, ông Kaplan viết, Trung Quốc không nhất thiết phản đối một Triều Tiên thống nhất, vì lý do kinh tế, sẽ là một phần của tầm ảnh hưởng của “Trung Quốc lớn mạnh”, và cuối cùng dẫn đến việc loại bỏ quân đội Mỹ ở Nam Hàn.

Theo ông Kaplan, khi Trung Quốc trông về vùng biển dọc bờ biển phía Đông, họ cảm thấy bị bao vây. Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Indonesia, và Úc là tất cả, ở các mức độ khác nhau, các đồng minh của Mỹ không chấp nhận sự đột phá của Trung Quốc vào Thái Bình Dương. Trung Quốc đang cố gắng để thoát ra ra khỏi cái hộp này bằng việc gia tăng hạm đội tàu ngầm và hành trình thường lệ với sức mạnh tên lửa đạn đạo. Cuối cùng, theo ông Kaplan, Đài Loan là chìa khóa để hải quân Trung Quốc vượt rào. Kiểm soát Đài Loan sẽ cho phép Trung Quốc phô trương sức mạnh vượt ra khỏi chuỗi “đảo đầu tiên” (1).

Ở phía nam, Trung Quốc cố gắng kiểm soát Biển Đông, với hai lý do, thứ nhất đó là cửa ngõ vào Ấn Độ Dương và thứ hai là đó là vùng biển này rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Để đạt được mục đích đó, Trung Quốc đã xây một căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam tại Biển Đông. Đảo Hải Nam có thể cho phép hải quân Trung Quốc không bị cản trở khi đi vào các vùng trở ngại chính trên biển.

Trong khi đánh giá của ông Kaplan về địa chiến lược của Trung Quốc nghe có lý đối với tôi, Trung Quốc cũng đã thực hiện công việc của mình với vài ý khiêu khích. Tôi sẽ cung cấp ba ý nghĩ:

Trước tiên, tôi không đồng ý rằng Trung Quốc có thể đạt được việc củng cố lục địa của họ qua nỗ lực dân số – dân số Tây Tạng, Tân Cương, người Nga ở Viễn Đông – hoặc chỉ riêng các mối quan hệ thương mại. Để làm được điều ông Kaplan đưa ra, rằng Bắc Kinh đang cố gắng – củng cố biên giới đất liền của họ, mở rộng việc vươn tới Trung Á, Miến Điện và Nam Hàn – Trung Quốc cũng cần phải phát triển lực lượng đất đai viễn chinh. Tại sao? Để đáp trả các cuộc tấn công khủng bố, để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh biên giới có thể xảy ra với Ấn Độ, và để nâng các mục tiêu trên bán đảo Triều Tiên trong trường hợp sụp đổ và hỗn loạn [xảy ra]  ở miền Bắc.

Thứ hai, ông Kaplan dường như xác nhận “kế hoạch của Garret”, đó là tìm cách đi vòng quanh Lầu Năm Góc, một kế hoạch mà trong bối cảnh các mục tiêu chính trị khu vực của Mỹ có vẻ như ương ngạnh. Ý kiến cơ bản là “bỏ các căn cứ chủ chốt” ở Nhật Bản và Nam Hàn và thay vào đó, tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Châu Đại Dương (2) – đảo Guam và Caroline, Bắc Mariana, Solomon, và các đảo Marshal – trong khi cùng lúc mở rộng sự hiện diện bao la của hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương. Chiến lược này đòi hỏi Washington phải nâng cấp quan hệ quốc phòng với Ấn Độ – để sử dụng một số hòn đảo bên ngoài của họ, cũng như với Brunei, Malaysia, và Singapore. Hải quân Hoa Kỳ vẫn sẽ hợp tác với lực lượng tự vệ hàng hải Nhật Bản. Kế hoạch này, theo ông Kaplan, sẽ ít khiêu khích Trung Quốc trong khi cùng lúc vẫn cho phép Hoa Kỳ có cái gì đó để chơi, hơn là vai trò của một nước giữ cân bằng ngoài khơi.

Kế hoạch này gặp một số trở ngại. Không rõ liệu các nước mà chúng ta cần cho kế hoạch làm việc sẽ hợp tác [với chúng ta không], đặc biệt là sau khi chúng ta rút ra khỏi Nhật Bản và Nam Hàn. Việc rút khỏi các “căn cứ chính” được xem như là cam kết của Hoa Kỳ đã không còn đối với các đồng minh của mình. Và trong khi đúng là “chuỗi đảo thứ nhất” ngày càng ít phòng thủ hơn, không phải là quá muộn để thực hiện các bước cẩn trọng nhằm đảo ngược tình thế nguy hiểm này. Chúng ta vẫn chưa cứng rắn với các căn cứ không quân ở Nhật Bản, đẩy mạnh các nỗ lực phòng thủ tên lửa, hoặc tìm các lựa chọn tốt hơn trong việc chống lại lực lượng tên lửa của Trung Quốc (Việc triển khai tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nhật dọc theo Ryukus (3) nhắm tới các giàn phóng của Trung Quốc thì sao?)

Thứ ba, ông Kaplan nhấn mạnh tầm quan trọng của Đài Loan về vị trí địa chiến lược, thay vì địa chính trị, là [điểm cần] tranh cãi. Đài Loan sẽ cung cấp cho Trung Quốc các cảng hiện đại và Trung Quốc có thể mở rộng khả năng giám sát hàng hải của mình. Nhưng trừ khi chúng ta phát triển hệ thống phòng thủ thích hợp, tên lửa của Trung Quốc sẽ làm cho hoạt động quân sự Hoa Kỳ quá tốn kém tại chuỗi đảo thứ nhất, cho dù Trung Quốc có sở hữu Đài Loan hay không.

Trong khi những người Mahanians (4) trong và ngoài Trung Quốc sẽ tranh luận rằng có được thêm lãnh thổ sẽ mở rộng tiếp cận hàng hải của Trung Quốc, các nhà phân tích tập trung vào sức mạnh tên lửa của Trung Quốc sẽ không đồng ý. Với khả năng hướng dẫn chính xác hơn và ở tầm xa hơn, sức mạnh tên lửa của Trung Quốc có thể, qua thời gian, sẽ cung cấp cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (5) tính ưu việt của không lực trên chuỗi đảo thứ nhất, cũng như cho phép họ nhắm vào bất kỳ con tàu nào nổi trên mặt nước hướng về Trung Quốc từ phía Tây Thái Bình Dương.

Chúng ta vẫn có thể thực hiện các bước (các căn cứ khó bị tấn công, tìm kiếm các căn cứ mới, triển khai tên lửa phòng thủ tốt hơn, đầu tư nhiều hơn vào tàu ngầm và máy bay chiến đấu tàng hình tầm xa và máy bay ném bom) sẽ làm cho các hoạt động trong chuỗi đảo thứ nhất ít rủi ro hơn, nhưng nếu các khuynh hướng hiện tại vẫn tiếp tục, Trung Quốc sẽ không cần Đài Loan để phô trương sức mạnh ở Thái Bình Dương.

Từ quan điểm địa chiến lược, Đài Loan chỉ quan trọng nếu chúng ta quyết định sử dụng nước này để chặn và đánh trả tên lửa của Trung Quốc hoặc lực lượng tàu ngầm. Nhưng chúng ta không làm điều đó bây giờ không có nghĩa là chúng ta không có khả năng thực hiện trong tương lai. Vì chúng ta quyết định không sử dụng Đài Loan như “tàu sân bay nổi” của chúng ta, Trung Quốc không cần phải xem xét nó như một rào cản đối với kế hoạch quân sự hiện tại của họ. Vị trí địa lý quan trọng của Đài Loan đối với Trung Quốc có thể bị thổi phồng.

Điều đó đưa tôi trở lại mục tiêu rộng lớn của Hoa Kỳ. Tầm quan trọng của Đài Loan cũng giống như tầm quan trọng của các đồng minh của chúng ta: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippine – quan trọng về địa chính trị hơn là địa chiến lược. Những nước này đã nhận hệ thống quốc tế mà Hoa Kỳ đã tạo ra và bảo vệ sau Đệ nhị Thế chiến. Đây là những nước dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do mà tất cả [các nước này] muốn là một phần của những gì đã từng được gọi là “phương Tây”, câu lạc bộ hiện đại trên thế giới, nền dân chủ công nghiệp tiên tiến. Lợi ích của Washington được phục vụ tốt hơn khi nền dân chủ mạnh mẽ được tự do, không bị các cường quốc khác kiểm soát -  Điều này bảo đảm hệ thống quốc tế vẫn chào đón chúng ta.

Theo tôi, về lý do địa chính trị cũng như địa chiến lược, quân đội Hoa Kỳ nên duy trì sự hiện diện (phòng thủ hơn) ở lãnh thổ của nhiều đồng minh Hoa Kỳ ở châu Á mà Hoa Kỳ được chào đón, ít nhất là cho đến khi mọi thứ có thể bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ là một cường quốc có trách nhiệm và dân chủ, không quan tâm đến việc tạo ra đặc quyền kinh tế riêng hoặc tạo ra phạm vi ảnh hưởng về kinh tế hay quân sự. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải làm việc nhiều hơn để giúp các đồng minh của chúng ta xây dựng khả năng nhằm phản đối các kế hoạch quân sự của Trung Quốc hơn là siết lại và chủ yếu dựa vào các căn cứ nước ngoài.

Người dịch: Ngọc Thu



Ghi chú:

(1) First island chain: một dãy đảo trải dài từ Nhật Bản ở phía Bắc tới Đài Loan và Philippines ở phía Nam.

(2) Oceania: tức Châu Đại Dương là một khu vực địa lý, gồm các vùng đất chủ yếu là các hòn đảo nằm trong khu vực Thái Bình Dương và khu cận kề.

(3) Ryukus: tức Ryukyu Islands, là dãy đảo phía Nam Nhật Bản, phía Tây Thái Bình Dương.

(4) Mahanians: những người theo chủ thuyết của ông Alfred Thayer Mahan, ông là một nhà chiến lược, nhấn mạnh tầm quan trong về sức mạnh trên biển.

(5) PLA: Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, gồm có: PLA Ground Force (Lục quân?), PLA Navy (Hải quân) và PLA Air Force (Không quân).

http://shadow.foreignpolicy.com/posts/2010/04/29/china_s_grand_strategy

Tổng số lượt xem trang