Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Chính sách bành trướng kinh tế - tài chính của Trung Quốc

- Chính sách bành trướng kinh tế - tài chính của Trung Quốc
VIT - Dưới đây là bài viết về chính sách bành trướng kinh tế-tài chính của Trung Quốc thể hiện thông qua chính sách “nhiên liệu đổi lấy đô la”.
Theo số liệu năm 2010 của hãng thông tấn Rosbalt, Trung Quốc là nước có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất trên thế giới (2650 tỷ USD). Đứng thứ hai là Nhật Bản (1110 tỷ USD), thứ ba là Nga (494 tỷ USD), thứ tư là Đài Loan (380 tỷ USD)…

Chỉ tính riêng năm 2007, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là 321,5 tỷ USD và nhập khẩu là 65,2 tỷ USD, nghĩa là lượng thặng dư lên tới 256,3 tỷ USD. Trong khi lượng thặng dư của Trung Quốc với tất cả phần còn lại của thế giới trong năm 2007 là 262,2 tỷ USD (xuất khẩu – 1218 tỷ USD, nhập khẩu – 955,8 tỷ USD). Như vậy, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đảm bảo khoảng một nửa lượng thặng dư của Trung Quốc, hay nói cách khác là đảm bảo khoảng một nửa nguồn tăng trưởng lượng dự trữ ngoại hối hàng năm của Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc thật sự ấn tượng. Cuối tháng 4 năm 2008 lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 1756 tỷ USD, đến cuối tháng 6 năm 2008 đã là 1809 tỷ USD. Và chỉ một năm sau Trung Quốc đã vượt qua con số trên 2 tỷ USD với lượng dự trữ 2130 tỷ USD, và đó là vào thời gian cả thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu. Tổng cộng cả năm 2009 lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng thêm trên 450 tỷ USD. Theo thông báo quý III của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 2648 tỷ USD, tăng 194 tỷ USD so với quý II.

Vào tháng Chín năm 2010, Bắc Kinh lần đầu tiên thông báo cho biết thành phần lượng dự trữ ngoại hối của mình: 65% bằng đồng đô la Mỹ, 26% bằng đồng Euro, 5% bằng đồng bảng Anh, và 3% bằng đồng yên Nhật.

Khoảng một phần ba lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là trái phiếu của Mỹ, được phát hành dưới sự bảo lãnh của Chính phủ Mỹ để giúp Mỹ tài trợ cho các khoản  thâm hụt ngân sách của mình. Trung Quốc là nước lớn nhất nắm giữ trái phiếu của Mỹ, cũng có nghĩa là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ.

Cùng với sự suy yếu của đồng đô la lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc mặc nhiên sẽ bị giảm sút. Vì vậy, Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt số lượng đồng đô la trong dự trữ ngoại hối bằng cách đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu. Hơn nữa, cùng với sự phát triển của nền kinh tế nhu cầu về nhiên liệu của Trung Quốc không ngừng tăng cao và Trung Quốc cần phải có các nguồn dự trữ nhiên liệu chiến lược. Nếu như năm 1999 Trung Quốc chỉ mới nhập khẩu 15-20% lượng dầu tiêu thụ, thì hiện nay con số đó đã lên tới gần 80%.

Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, vượt lên trên cả Mỹ Hoa Kỳ. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2009 Trung Quốc đã sử dụng năng lượng tương đương 2252 triệu tấn dầu, trong khi Mỹ chỉ sử dụng năng lượng tương đương 2170 triệu tấn. Nhà kinh tế Fatih Birol của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá: “Sự kiện Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới đánh dấu cho sự mở đầu một kỷ nguyên mới” (theo nguồn tin của hãng thông tấn Rosbalt, 19/07/2010).

Trung Quốc thực hiện chính sách mua nhiên liệu ngay từ khi nhiên liệu còn chưa có trong lưu thông bằng cách cho vay với điều kiện Bên vay phải bảo đảm cung cấp nguồn nhiên liệu cho Trung Quốc trong tương lai dài hạn (10-25 năm hoặc hơn nữa). Ưu tiên cho vay là các nước và các công ty thân thiện với Trung Quốc. Trên thực tế, đó là chính sách mua - bán tài nguyên theo nguyên tắc “nhiên liệu đổi lấy đô la” và đồng thời Trung Quốc sẽ giảm bớt được khối lượng đô la khổng lồ trong dự trữ ngoại hối của mình!

Các nguồn nhiên liệu truyền thống của Trung Quốc gồm có: Trung Đông, châu Phi, Australia và châu Mỹ Latinh. Trong những năm gần đây Trung Quốc có thêm các nguồn nhiên liệu từ Iran, Trung Á và Nga.

Điểm qua một vài sự kiện đáng chú ý:

Khu vực châu Mỹ la tinh.

Tháng tư năm 2010, theo văn bản thỏa thuận được ký giữa “Petroleos de Venezuela SA” (PDVSA) của Venezuela và “China National Petroleum Corp.” (CNPC) của Trung Quốc, Venezuela sẽ nhận được khoản vay tín dụng để phát triển xí nghiệp liên doanh khai thác dầu và sẽ thanh toán bằng việc cung cấp dầu cho Trung Quốc trong 25 năm. Tổng số tiền của thỏa thuận này là 20 tỷ USD. Cần lưu ý rằng đây không phải là thỏa thuận đầu tiên giữa Trung Quốc và Venezuela. Hai nước từ lâu đã hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Venezuela xuất khẩu sang Trung Quốc 460 nghìn thùng dầu mỗi ngày để thanh toán số nợ 8 tỷ USD trước đây của Trung Quốc cho vay.

Khu vực Trung Á.

Tháng sáu năm 2009, Trung Quốc đã công bố cho Turkmenistan vay 5 tỷ USD để khai thác vùng khí đốt lớn nhất Nam Yolotan của Turkmenistan, có trữ lượng ước tính khoảng 16 nghìn tỷ m3.

Năm 2010, trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Tashkent dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cùng với sự có mặt của Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov, “Uzbekneftegaz” và “China National Petroleum Corp.” (CNPC) đã ký thỏa thuận khung về việc Uzbekistan cung cấp 10 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc. Thỏa thuận được ký kèm theo với việc Trung Quốc cho Uzbekistan vay khoảng 2 tỷ USD và Trung Quốc sẽ đầu tư trực tiếp vào xây dựng hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt tại Uzbekistan. Nếu tính cả các hiệp định Trung Quốc đã ký trước đó với “Turkmengaz” (cung cấp 40 tỷ m3 hàng năm cho Trung Quốc) và với “Kazmunaigaz” (cung cấp 10 tỷ m3 hàng năm cho Trung Quốc) thì toàn bộ các thỏa thuận của Trung Quốc với khu vực Trung Á lên tới 60 tỷ m3 hàng năm. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, Trung Quốc đã cung cấp một khoản vay tới 10 tỷ USD cho Kazakhstan, một nửa trong số đó dành cho đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

Nga.

Nga có thể nói là nơi thử nghiệm chính sách “nhiên liệu đổi lấy đô la” của Trung Quốc. Ngay từ năm 2005 các ngân hàng Trung Quốc đã cho “Rosneft” vay 6 tỷ USD để mua “Yuganskneftegaz”. Để trả nợ, “Rosneft” cam kết đến năm 2010 sẽ cung cấp cho Trung Quốc 48,8 triệu tấn dầu. Thấy có hiệu quả, năm 2009 “China Development Bank” (CDB) tiếp tục cho “Rosneft” vay 15 tỷ USD và “Transneft” vay 10 tỷ USD với điều kiện: “Rosneft” sẽ cung cấp cho Trung Quốc 300 triệu tấn dầu trong vòng 20 năm, còn “Transneft” sẽ xây dựng đường nhánh sang Trung Quốc của hệ thống đường ống dẫn dầu “Đông Siberi - Thái Bình Dương” công suất vận chuyển 15 triệu tấn và có thể tăng đến 30 triệu tấn dầu mỗi năm.

Tổng cộng, trong phạm vi của chương trình “nhiên liệu đổi lấy đô la” Trung Quốc đã cho vay tới khoảng 150-200 tỷ USD.
                                         
                                                                                                       Tri Tam Nguồn tin: Vkpb-skb

Tổng số lượt xem trang