Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Chuyện những người cắm bản ở Mường Nhé


- Chuyện những người cắm bản ở Mường Nhé (CAND 17-5-11) -
Vóc dáng của một huyện vùng cao, nơi cực Tây của Tổ quốc, Mường Nhé đã và đang thay đổi rõ nét. Những lực lượng "cắm bản" đang hằng ngày góp thêm yên bình cho vùng đất nơi đây… Chưa đến Mường Nhé thấy xa, đến rồi lại thấy gần, rất gần.
 Tháng 5 ở Mường Nhé
Tận tụy với công việc, nhiệm vụ được giao…, lực lượng "cắm bản" (Công an, giáo viên, cán bộ y tế…) đang ngày đêm chăm lo, giữ gìn an ninh - trật tự, giữ yên bình cuộc sống của bà con dân tộc vùng cao Mường Nhé (Điện Biên) - huyện cực Tây của Tổ quốc.

Thú thật, trước khi đặt chân lên tỉnh Điện Biên, chúng tôi đã được nghe nhiều về sự vất vả của lực lượng "cắm bản" nơi vùng cao. Thế nhưng, có trực tiếp vượt qua quãng đường "đổ đèo" dài hơn 200km từ TP Điện Biên lên Mường Nhé, huyện biên giới của tỉnh Điện Biên, chúng tôi mới thấy được hết sự khó khăn của những con người lên đây làm kinh tế mới, góp sức mình đem lại sự yên bình nơi đây. Trong những lực lượng góp yên bình cho Mường Nhé ngày hôm nay không thể không kể tới lực lượng Công an "cắm bản".
Công an "ba cùng"
Xã Pa Tần (Mường Nhé) nằm nép mình bên tuyến tỉnh lộ 151 Điện Biên - Mường Nhé trong những ngày này như được khoác thêm tấm áo rực rỡ sắc màu. Cờ, băng rôn, pa-nô, áp phích… với nội dung cổ động, tuyên truyền cho dịp bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được căng khắp nơi. Trong ngôi nhà sàn nơi tổ công tác cắm bản tăng cường của Công an tỉnh Điện Biên bảo vệ bầu cử, chúng tôi tận mắt chứng kiến không khí khẩn trương của họ. Các anh đang tất tả chuẩn bị đồ đạc cho chuyến xuống bản.

Ngôi nhà ông Giàng A Co ở Huổi Khon hôm nay thực sự sum vầy.

Thượng tá Nguyễn Văn Định - tổ trưởng tổ tăng cường vừa đi cơ sở về cho biết, tổ công tác gồm 10 cán bộ chiến sĩ đến từ các phòng, ban như: Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Phòng CSGT, Phòng CSQLHC về TTXH, Phòng Công tác chính trị… Dù tổ được tập hợp từ các phòng, ban với lĩnh vực chuyên môn, chuyên trách khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một nhiệm vụ đó là "cắm bản", cùng với lực lượng Công an huyện, chính quyền địa phương đảm bảo an ninh - trật tự cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra vào ngày 22/5 tới đây.
Trong khoảng thời gian 2 tuần, đã có hơn 20 lượt cán bộ chiến sĩ trực tiếp xuống từng thôn, bản tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cho bà con. Có bản nằm cách xa trung tâm xã đến 40km như bản Huổi Tang, Huổi Púng… để đến được những nơi này, lực lượng "cắm bản" phải mất cả buổi cuốc bộ, trèo đèo, lội suối. "Dù gian nan, đường đi hiểm trở tới đâu, song với tinh thần hết mình vì sự bình yên nơi thôn bản, tất cả các chiến sĩ "cắm bản" đều vượt qua tất cả và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" - Thượng tá Định tâm sự.
Cũng theo Thượng tá Định, toàn bộ số cán bộ chiến sĩ của tổ công tác này đều có gia đình ở TP Điện Biên. Có trường hợp, dù mới lập gia đình, nhưng khi được giao nhiệm vụ liền "đánh" xe máy vượt qua quãng đường dài hàng trăm cây số để lên đây. Như trường hợp của đồng chí Nguyễn Trường Sơn, đang công tác tại Phòng CSGT - Công an tỉnh vừa mới lập gia đình, thế nhưng ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Sơn đã tức tốc đi xe máy lên Mường Nhé...
Sau những lần "cắm bản", có không ít cán bộ chiến sĩ còn thông thạo thêm nhiều thứ tiếng của người dân bản địa. Trung úy Nguyễn Trường Long, cán bộ Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh tăng cường về Mường Nhé qua những lần xuống bản tiếp xúc với bà con dân tộc thiểu số, tới nay anh cũng biết thêm được một số tiếng của người Mông, người Thái… Bản Huổi Khon mà anh phụ trách nằm cách trung tâm xã độ 8km song khi theo chân anh lên đây thăm hỏi, phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số, phải mất tới gần 4 tiếng đồng hồ vượt đường đèo trơn, dốc thăm thẳm. Có những đoạn phải xắn quần ngang đầu gối, lội suối vào từng hộ gia đình trong bản. "Vất vả là vậy, nhưng vui vì mình đã góp phần giúp cho bà con có thêm kiến thức về pháp luật, về lĩnh vực tăng gia sản xuất…" - quệt vệt mồ hôi trên mặt, Trung úy Long hồ hởi nói.
Lò Văn Long là cán bộ Công an tỉnh, khi tôi liên lạc, anh nói đang lên rẫy cùng bà con. Đợi tới tối ở thị trấn Mường Nhé, Thượng uý Lò Văn Long đến cùng con "ngựa sắt" (xe máy ở vùng cao thường gọi là “ngựa sắt”). Anh là học viên đang theo học lớp thạc sĩ tại Hà Nội, nhưng chỉ sau kỳ học vài ngày đã lên với Mường Nhé, với bà con. Nghĩ sự vất vả có thể làm người cán bộ Công an ái ngại, nhưng khi tôi vừa gặp, anh đã phấn chấn: "Trên này núi cao, đèo dốc, nhưng mình ở đây quen rồi. Nếu có về thành phố Điện Biên ít hôm lại nhớ Pa Tần, nhớ Nậm Kè lắm, phải cưỡi “ngựa sắt” lên ngay"… Tôi nghĩ, tình yêu làng bản, quê hương, với bà con các dân tộc ở Mường Nhé đã hun đúc sự bền bỉ, kiên trì với công việc ở anh đến vậy…
Những lớp học ở Mường Nhé
5h sáng, như thường lệ, cô giáo Hoàng Thị Lan - giáo viên Trường Tiểu học xã Pa Tần lại trở giấc để chuẩn bị cho một ngày mới "gieo chữ" của mình. Cuốn giáo án, tập sách giáo khoa, bút, phấn, thước kẻ… là những dụng cụ mà cô giáo Lan luôn mang kèm theo mình mỗi khi bước ra khỏi phòng vào đầu giờ sáng. Cô giáo Lan theo nghiệp giáo viên "cắm bản" từ tháng 5/2008.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, Lan đã khăn gói lên đây để theo đuổi ước mơ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường của mình, đó là cõng con chữ lên miền núi cao. Lan kể, hồi ấy, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, em đã xin phép gia đình lên Điện Biên theo đuổi nghề dạy học. Lúc đầu, mọi người trong gia đình đều băn khoăn, bởi họ cho rằng nơi mà Lan chọn đến thiếu thốn đủ đường. Tuy nhiên, khi thấy Lan không dứt ý nguyện của mình, gia đình đã đồng ý.
"Những ngày đầu, khi đặt chân lên đây, ngày nào em cũng rơi nước mắt vì nhớ nhà, nhớ chúng bạn, nghĩ về những người bạn của mình dạy học ở đô thị" - Lan nói. Nhớ nhà là thế, vất vả là thế, song với tấm lòng, ước nguyện gieo con chữ của mình, Lan đã vượt qua tất cả. Ngày ngày, Lan cuốc bộ hàng chục cây số để tới các bản vùng sâu, vùng xa để vận động con em người dân tộc đến trường.
Qua một thời gian "cắm bản", từ một người không thông thạo việc trèo đèo, lội suối, giờ đây Lan đã thuộc làu đường đi dẫn tới các thôn bản của xã như lòng bàn tay. Lan còn nói vanh vách một số tiếng dân tộc như: tiếng Mông, tiếng Thái… "Những bài giảng nào các em chưa hiểu, em sẽ sử dụng cả tiếng Mông để giảng giải, phân tích. Việc hiểu tiếng dân tộc giúp em hoàn thiện tốt hơn bài giảng của mình" - Lan tâm sự. Lan cũng như một số thầy cô giáo khác, do số lượng thầy cô còn hạn chế, nên Lan cùng một lúc đảm nhận việc giảng dạy cho nhiều lớp học. Lớp 1A và 2A - Trường Tiểu học Pa Tần là những lớp do Lan làm giáo viên giảng dạy chính.

Ba năm nay, cô giáo Hoàng Thị Lan (quê Thanh Hóa) lên lớp ở Pa Tần, Mường Nhé.

Bên cạnh đó, đối với những bản ở xa, điều kiện đi lại khó khăn, nhà trường còn tổ chức các điểm học ngay tại thôn bản đó. Thế nên số cô giáo, thầy giáo "cắm bản" ở những nơi này chiếm một phần không nhỏ. Cô giáo Trần Thanh Toàn, giáo viên lớp 2 - điểm trường thuộc bản Nậm Thà Là (Pa Tần) tâm sự, em quê ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm em đã lên đây công tác. Tính đến nay, thời gian làm giáo viên "cắm bản" của Toàn cũng đã ngót 1 năm. Vì giảng dạy ở điểm trường nên Toàn cũng như các thầy cô khác trong tổ đều sinh hoạt trong bản. Hàng tháng về họp ở trường một lần.
Để "hút" học sinh đến lớp, hàng ngày, sau mỗi giờ lên lớp, Lan đều đến từng hộ gia đình trong bản để vận động các em đến trường. Có lẽ vì thế mà từ 1-2 học sinh, đến nay lớp của cô phụ trách đã lên đến hơn 10 em. Số học sinh bỏ học hoàn toàn không có. Đáng chú ý, có những em học giỏi vượt bậc, đọc làu làu tiếng phổ thông như em Thào A Bấy, Thào Thị Bàn… Bấy và Bàn là hai học sinh người dân tộc Mông, thời gian đầu khi thấy thầy cô đến nhà vận động đi học còn sợ hãi, bỏ chạy, thế nhưng chỉ sau một thời gian theo học ở điểm trường Nậm Thà Là, hai em này đã đọc làu làu tiếng phổ thông, những phép tính cơ bản của toán học đều được các em giải một cách nhanh chóng.
Cô giáo Lan, cô giáo Toàn chỉ là những gương điển hình trong tập thể các thầy, cô giáo "cắm bản" đang ngày đêm vượt khó, gieo con chữ, đem lại sự học vùng cao Mường Nhé. Các thầy, các cô đều từ các tỉnh dưới xuôi như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên… lên đây với tâm nguyện góp một chút sức cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Ngoài công việc giảng dạy, các thầy, các cô "cắm bản" còn hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất, phổ biến thêm kiến thức về pháp luật của nhà nước. Đối với những em học sinh vì lý do nhà ở xa, đường đi khó, tập thể các thầy cô giáo "cắm bản" còn dựng nhà vách, lán trại để cho các em có nhu cầu ở nội trú tá túc theo đuổi sự học của mình. "Nhờ các thầy, các cô mà em có chỗ ở này. Hàng ngày không còn phải đi bộ đến trường học nữa. Em vui lắm!" - trong căn nhà vách thuộc khu vực nội trú Trường Tiểu học Pa Tần, em Vàng A Lu, học sinh lớp 5A, dân tộc Mông ở bản Huổi Tang (Pa Tần) bẽn lẽn cho biết.

Công an ở Mường Nhé, phóng viên Báo CAND gặp gỡ bà con ở Nậm Kè.

Vóc dáng của một huyện vùng cao, nơi cực Tây của Tổ quốc, Mường Nhé đã và đang thay đổi rõ nét. Những lực lượng "cắm bản" đang hằng ngày góp thêm yên bình cho vùng đất nơi đây… Chưa đến Mường Nhé thấy xa, đến rồi lại thấy gần, rất gần. Những ngày ở Mường Nhé là những ngày ấm nặng nghĩa tình, dường như cái khó khăn về vật chất khiến con người sống càng tình cảm, càng mật thiết.
Lên xe U oát trở về thành phố, vượt qua những đoạn đèo cua tay áo, bên núi, bên vực, câu thơ của Chế Lan Viên bồn chồn nỗi nhớ: "Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/ Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương/ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn"…
Kỳ cuối: Để Mường Nhé đổi mới, đi lên
(Trò chuyện với những người có trách nhiệm ở Mường Nhé)
 
 
 
- Theo báo Công An Nhân Dân-Tháng 5 ở Mường Nhé (CAND 16-5-11) -
Không khí sôi nổi, tin tưởng trước ngày bầu cử thể hiện rõ trong suy nghĩ và hành động của đồng bào các dân tộc tất cả các xã ở Mường Nhé. Tại xã Nậm Kè, nơi hơn một tuần trước xảy ra việc tụ tập phức tạp, nay đã thực sự ổn định, yên bình, người dân chăm lo lao động sản xuất...
Thời gian qua, một số đối tượng xấu đã lừa gạt, tuyên truyền nhảm nhí nhằm tụ tập đông người, gây mất trật tự tại khu vực bản Huổi Khon, Nậm Kè, Mường Nhé, Điện Biên. Đến ngày 6/5, vụ việc trên đã được các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương giải quyết, toàn bộ bà con người Mông bị kẻ xấu lôi kéo đã được giải thích, tạo điều kiện đã tự nguyện trở về địa phương, ổn định cuộc sống. Liên quan vụ việc, một số báo chí nước ngoài đã thông tin không chính xác, gây hiểu nhầm trong dư luận.
Để tìm hiểu thực tế, nhóm phóng viên Báo CAND đã tới Mường Nhé, làm việc với các cấp chính quyền địa phương, gặp gỡ một số người từng bị kẻ xấu lừa gạt, tụ tập tại Huổi Khon trong vụ việc nói trên. Chúng tôi cũng tìm hiểu cuộc sống của họ sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện trở về nhà; việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016; tâm lý, tình cảm của người dân; chuyện những cán bộ cắm bản, chăm lo cuộc sống cho bà con và đảm bảo an ninh - trật tự.
Bài 1: Mường Nhé trước thềm bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp
Mường Nhé đang vào mùa mưa. Những trận mưa rừng ào ạt, bất ngờ đến, nhưng cũng bất ngờ tan như tính cách thiếu nữ Mông. Cáu giận đấy, nhưng chốc lát đã địu giỏ lên nương, làm dáng với hoa rừng. Thấy tôi lo mưa lớn, ngày mai núi lở lấp mất đường lên thị trấn, Thùng Thị Văn, một cô gái người Mông giải thích, ông trời hiểu ý lắm, suối Pa Tần cũng vậy. Mưa chóng dừng, nước không dữ để mình lội suối sang bản, gần đến ngày bỏ phiếu rồi, bà con tối tối lại đợi cán bộ sang nói chuyện bầu cử. Thùng Thị Văn là cán bộ tư pháp xã Pa Tần, Mường Nhé, đợt này chị cùng cán bộ ở xã tham gia tổ bầu cử, tuyên truyền, giải thích cho bà con về quyền, nghĩa vụ, các quy định bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016. Chị nói, do đặc điểm tâm lý và công việc thường ngày phải đi làm nương, việc giải thích, tuyên truyền bầu cử được cán bộ xã kết hợp linh hoạt: ngày lên rẫy nói chuyện với bà con hoặc buổi tối đến từng hộ gia đình.
Giàng Thị Mẩy, 18 tuổi sau khi được cán bộ Văn tuyên truyền, giải thích đã tỏ ra "lên lớp" với đứa em kém mình 4 tuổi: "Năm nay chị đủ tuổi đi bỏ phiếu, chị cũng có quyền "to" như bố rồi. Em chưa được bỏ phiếu đâu, nhưng em thấy cán bộ nào tốt, cán bộ nào ngăn được lũ, mách cho nhà lắm lúa khoai, trâu bò béo mộng, em chỉ giúp để chị bầu…".

Cán bộ Công an hướng dẫn bà con về bầu cử tại điểm niêm yết danh sách ứng viên ở xã Nậm Kè, Mường Nhé.

Chẳng những ở cấp xã, mà cấp huyện, tỉnh ở Điện Biên cũng có hình thức thiết thực: nắm bắt vướng mắc, khó khăn từ phản ánh của cử tri trong quá trình đi thực tế và có thể triển khai tháo gỡ, khắc phục ngay. Hôm tôi đến Pa Tần, cũng là thời điểm đoàn đại biểu ứng viên đại biểu HĐND tỉnh Điện Biên và HĐND huyện Mường Nhé về tiếp xúc cử tri. Chị Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên và các ứng viên đã gần chục ngày nay đi vào các xã, bản đặc biệt khó khăn ở Mường Nhé. Cử tri phản ánh, việc nhiều đoạn đường bị sạt lở, ách tắc khi mưa xuống nhưng phải đợi máy móc đến ủi xúc rất lâu, vậy là tức khắc chị chỉ đạo ngay Sở Giao thông vận tải bố trí đủ số lượng công nhân, máy móc cần thiết tại các điểm trên tỉnh lộ 151, kịp thời xử lý đường bị sạt lở. "Cử tri cần những việc làm thực tế, hành động cụ thể, bởi thế họ nói rằng, muốn nghe cán bộ dưới đất hơn cán bộ trên cây, ý là phải người thật, việc thật chứ không phải chỉ cái loa phát thanh treo trên cây" - chị giải thích.
Theo chị thì đến nay Mường Nhé đã thành lập 7 tổ bầu cử cấp huyện, 86 ban bầu cử cấp xã với 154 tổ bầu cử tại 154 khu vực bỏ phiếu với hơn 29.000 cử tri. Tất cả các đơn vị, các xã đã niêm yết danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND, danh sách cử tri. Có 47 ứng viên ứng cử vào HĐND huyện, 564 ứng viên ứng cử HĐND xã. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, sẵn sàng cho ngày bầu cử diễn ra suôn sẻ, đúng quy định.
Quan sát của chúng tôi cho thấy, không khí sôi nổi, tin tưởng trước ngày bầu cử thể hiện rõ trong suy nghĩ và hành động của đồng bào các dân tộc tất cả các xã ở Mường Nhé. Tại xã Nậm Kè, nơi hơn một tuần trước xảy ra việc tụ tập phức tạp, nay đã thực sự ổn định, yên bình, người dân chăm lo lao động sản xuất và đã được phổ biến đầy đủ về quyền, nghĩa vụ, các quy định về cuộc bầu cử.
Gia đình anh Giàng A Phà cư trú ngay tại khu đồi ở Huổi Khon kể, nhà anh từng bị kẻ xấu tới chiếm dụng hồi đầu tháng. "Mấy ngày đó tôi lo lắng, khổ sở lắm, gạo thóc bị chúng lấy hết, nhờ có cán bộ giúp đỡ nay tôi mới lấy lại được nhà, có thóc gạo để ăn" - anh Phà phấn chấn. Vừa dùng mỏ lết sửa chiếc xe Win 100, Giàng A Phà bảo sáng nay cùng Trưởng bản Sùng A Kỷ ra điểm bầu cử ở bản Huổi Khon. Để chứng tỏ sự am hiểu về người mà tới đây mình sẽ bầu, Phà nói "mình biết chọn ai để bầu rồi nhé, chưa tiết lộ đâu, nhưng người này nói nghe phải lắm, mình đi xem bảng về (điểm dán danh sách ứng viên), hỏi ý của vợ cũng đúng ý mình luôn"…
Ở Nậm Kè, trụ sở UBND xã chưa xây dựng mới theo dự án, nhưng cảnh quan được bố trí sạch đẹp, biểu ngữ, băng rôn sẵn sàng cho ngày hội lớn. Khi chúng tôi đến đã quá trưa nhưng tại bảng tin của xã, nhiều bà con người Mông, người Thái, người Cống… vẫn đội ô tròn, ô hoa xem danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội và HĐND. Bàn làm việc của ông Lò Văn Sung, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè khá nhiều sổ sách, tài liệu phục vụ bầu cử, được sắp xếp ngăn nắp. Ông Lò Văn Sung nói về tâm lý, đặc điểm cư dân địa bàn mình với những đổi mới đáng ghi nhận. Xã Nậm Kè có 9 bản với 588 hộ, 3.566 khẩu, là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái, Sán Chỉ, Cống, Kinh…
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, bây giờ Nậm Kè có cơ sở hạ tầng khá khang trang với hệ thống trạm xá, trường học đồng bộ. Trạm y tế Nậm Kè nằm ngay bên trụ sở UBND xã, được xây dựng mới với 5 cán bộ y tế chuyên trách, được công nhận trạm y tế chuẩn. Giáo dục với hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được xây dựng khang trang, sạch đẹp, nằm ngay trên tuyến chính tỉnh lộ. Đời sống kinh tế dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng vươn lên, giờ thu nhập bình quân mỗi hộ ở Nậm Kè cũng đạt mức 360kg thóc/người/năm, đường ôtô sửa sang tại nhiều bản. Cuộc bầu cử lần này, Nậm Kè có 9 tổ bỏ phiếu với 6 đơn vị bầu cử. Có 37 ứng viên để bầu 25 người vào HĐND xã. Cử tri toàn xã có hơn 1.800 người.

Người dân Mường Nhé xem danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội và HĐND.

Trưởng bản Huổi Khon Sùng A Kỷ đi xe Win đến trụ sở UBND xã, tỏ ý phấn chấn lắm. Tôi hỏi từ sau vụ việc ở Huổi Khon, giờ có ai chưa về nhà không? Rất thẳng thắn, Sùng A Kỷ nói: "Kẻ xấu bị đẩy đuổi rồi, bà con đã yên tâm trở về sửa sang lại nhà cửa, người đi rẫy, người kiếm củi, chẳng có ai phải lo sợ, lẩn trốn đâu cả. Nhà mình mình ở, đất mình mình gieo bắp, mình ở Huổi Khon phải bảo vệ Huổi Khon, nghe cán bộ không để kẻ xấu đến quấy phá nữa". Sùng A Kỷ nói, mọi người ở Huổi Khon cũng đã tìm hiểu để bỏ phiếu bầu ai vào ngày 22/5 rồi. Huổi Khon thuộc đơn vị bầu cử số 3 của xã Nậm Kè, có 6 ứng viên để bầu lấy 4 đại biểu vào HĐND xã.
Cơn mưa đầu chiều sầm sập đến, dội nước ào ạt. Nhưng chốc thoáng, mưa đã vượt đỉnh Giăng Màn "đi chơi bên kia núi" như cách nói của người Mông nơi đây. Mưa lướt qua rồi, để lại đó cái dịu mát những ngày đầu hè, để lại đó sự tinh khôi những hạt sương uốn mềm ngọn cỏ, để lại đó nét mềm mại, e ấp thiếu nữ đan len, se chỉ… Tháng năm rừng sắc tươi hoa chuối. Chiều nay, nhà ông Giàng A Hồ dưới chân núi bản Huổi Khon, cử chỉ mềm mại, e ấp đan len se chỉ của cô con dâu nhà ông như bức tranh riêng có của Nậm Kè, của Huổi Khon, của những con người mộc mạc, bình dị, của không gian yên bình, thanh nhã mà tinh khôi…

Tổng số lượt xem trang