Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Hẩm hiu đời thợ

- Hẩm hiu đời thợ
Tôi hưởng ứng Tháng công nhân bằng một chuyến lòng vòng lên Phú Tài, lân la vào các khu nhà trọ tối tăm khuất lấp, nói chuyện cà kê dê ngỗng với những con người đang quần quật bán sức nuôi thân tại các cơ sở sản xuất vô danh, nhỏ lẻ.
Đầu óc tôi lởn vởn một câu hỏi, giữa thời gạo châu củi quế này, họ ăn làm sao, ở ra sao. Khó ngặt không loại trừ bất cứ ai, nhưng so với đồng nghiệp ở các đơn vị từng được xác nhận về thanh thế, thương hiệu, cảnh ngộ họ có phần hẩm hiu hơn. Họ thiếu những cam kết, ràng buộc chắc chắn từ giới chủ, thiếu điều kiện bảo hộ, bảo hiểm... Trong đội ngũ 14.000 – 15.000 lao động hiện còn bấu víu vào 85 doanh nghiệp của Khu công nghiệp Phú Tài, những trường hợp như thế, buồn thay, không hề ít ỏi.
Buổi trưa ở xóm trọ. Ảnh: X.N
Buổi trưa ở xóm trọ. Ảnh: X.N
Áo cơm chới với

Người dẫn đường - khu vực phó khu vực 6, phường Trần Quang Diệu (Quy Nhơn, Bình Định) Võ Đình Tửu - hoá ra lại sẵn chuyện làm “mồi” cho một buổi vòng vo. Ông Tửu có dâu và con gái là công nhân Cty TNHH gỗ Hà Thanh, mở đầu bằng giọng ngán ngẩm: “Tụi nó, đứa đứng máy bào, đứa kiểm tra công đoạn lắp ráp, đau lưng mỏi cổ suốt ngày cũng chỉ được 60.000 đồng tiền công. Hôm nào giỏi lắm, ép xác đạt tới loại A thì được trả 80.000 đồng. Ăn thua gì đâu”.
Ông Tửu nói hai vợ chồng già, với suất lương hưu còm cõi, lâu nay vẫn phải ăn nhín nhịn thèm, dành ra chút ít phụ thêm cho bầy nhỏ. Con gái ông - chị Võ Thị Hương - để cầm cự với gánh nặng đèn sách từ hai đứa con, một đại học trong Sài Gòn, một sắp hết phổ thông trung học ở Quy Nhơn, giờ phải “biến báo” bước nữa bằng cách cơi nới mấy gian phòng làm chỗ cho thuê. “Được đồng nào hay đồng nấy. Mai mốt nếu lại thêm một suất học xa thì chẳng hiểu đấy là phúc hay họa” - ông Tửu gắng gượng hài hước.
Chúng tôi rẽ vào dãy phòng cho thuê của bà Nguyễn Thị Hòa ở tổ 5, khu vực 6. Khu trọ nằm sau lưng cơ ngơi chính của chủ nhà, song để đến nơi, phải lách qua con dốc lắt léo, chật chội, hun hút hàng trăm mét. Mùi hôi hám, hoai mục, xú uế bốc lên hầm hập từ những vũng nước lênh láng đen ngòm, những lò tráng bánh cáu bẩn, những bếp ăn, chuồng trại gia súc nhớp nhúa. Ngang qua góc vườn, chợt thấy một thanh niên quần đùi, áo ba lỗ, tay lăm lăm chiếc ná caosu, vừa chạy vừa ngã dúi dụi trên những bờ đất mấp mô, khuôn mặt hất ngược, láo liên dán lên tàn cây vú sữa.
Nãy giờ đứng quan sát, ngỡ chỉ là trò tiêu khiển, giết thời gian, tôi đâu biết rằng, đó là thứ “lao động” nghiêm túc mỗi ngày của Nguyễn Văn Tĩnh trong giai đoạn ăn không ngồi rồi, chực chờ “nhảy việc”: “Cà pháo, mắm nêm, rau muống trường kỳ, ớn lắm. Nhà chủ lại không cho tăng gia, cải thiện. Em phải tranh thủ kiếm chút tươi bồi bổ quấy quá cho đứa nhỏ trong bụng mẹ”. Tĩnh - 23 tuổi, quê Ân Hữu, Hoài Ân - vốn là thợ sắt của một DN quảng cáo dưới Quy Nhơn.
Chê chỗ cũ làm ăn bết bát, cuối năm 2010, anh bỏ ngang, dắt vợ dạt lên Phú Tài, đầu quân vào Cty Trí Tín, một DN hàng “top” trong làng chế biến gỗ Bình Định. Lăn lóc bên đó chừng nửa năm thì hàng họ thưa dần, lại phủi tay ra đi. 4 – 5 tháng tiếp theo, Tĩnh làm nhân viên nhúng dầu, đóng gói, tổ bao bì, Cty TNHH XNK gỗ Hoàng Hưng, hưởng lương theo sản phẩm, làm nhiều, mỗi tháng được 3 triệu, ít hơn thì khoảng 2,4 – 2,5 triệu đồng. Chừng ấy mà căng kéo chi tiêu cho hai con người đang tuổi miệng ăn núi lở, cộng một mầm sống manh nha cần được chăm bẵm, thuốc thang.
Tĩnh bảo, hễ nhắc tới tiền nong là nhức đầu, chóng mặt. Ngành gỗ thường có quãng thời gian “nghỉ hè” 3 – 4 tháng do phụ thuộc đơn hàng từ các quốc gia nhập khẩu, nên mươi bữa nửa tháng trở lại đây, khi bật khỏi Hoàng Hưng, Tĩnh buộc phải huy động tới nguồn “bảo hiểm” tự mình lập ra phòng khi trái gió trở trời. Đó là khoản thắt lưng buộc bụng bỏ ống 200.000 – 300.000 đồng/tháng lúc công ăn việc làm còn ổn định. Vừa dè sẻn ăn lạm chút của để dành, đôi vợ chồng trẻ vừa thấp thỏm chờ đợi kết quả những chuyến săn việc: “Em muốn trở lại nghề cơ khí, đã hỏi thăm mấy chỗ nhưng chưa được chỗ nào. Thôi thì phụ hồ, tước đót gì cũng xong hết, miễn không đứt bữa là được”.
Khu trọ bà Hoa có 25 khách thuê, chủ yếu là các gia đình nhỏ như vợ chồng Tĩnh. Tôi nấn ná hơi lâu để có cơ hội “khám phá” bữa cơm được cho là thịnh soạn của cặp Đinh Văn Năm – Lê Thị Ngọc Hà. Đứa bé hơn 1 tuổi là thành viên thứ ba hiếu động và đầy háo hức. Một nồi cơm, vài lát cá ngừ kho keo, mấy mẩu khô nướng, tô canh bí nấu tôm. Có hai lý do được Năm đưa ra giải thích cho chất lượng vượt trội bất thường của bữa ăn. Một là anh vừa lãnh lương, hai là vợ từ quê ngoại Phan Thiết ra.
Năm thành thạo không kém vợ khi chiết tính chi ly bài toán chợ búa, tiêu pha: “Bữa nay được phép nới tay lên 25.000 đồng, chứ bình thường, mỗi ngày chợ chỉ 20.000 đồng thôi. Giá tăng xây xẩm mặt mày, 1kg gạo hạng bét cũng 11.000 đồng, thịt heo hơn 100.000, cá  50.000 – 60.000 đồng/kg, dầu ăn 33.000 đồng/lít. Cầm 20.000 đồng nhiều lúc cứ tha thẩn giữa chợ, không biết mua gì, ăn gì”. Thực đơn phổ thông ở nhà Năm: Sáng mì tôm hoặc cơm nguội; trưa – chiều chủ lực là cơm rau, quả trứng luộc, thêm chút canh suông cho dễ nuốt. Có miếng thịt, rẻo cá thì đó là phần đứa trẻ.
Thằng bé là niềm vui nhưng cũng là một gánh nặng: Chỉ sữa, yaour thôi, ngày cũng mất 15.000 đồng, gần bằng tiền chợ - Ngọc Hà rên rỉ. Trước, cô bấm bụng gửi con cho một nhà trẻ tư, tháng hết 500.000 đồng để đi làm cho một xưởng gỗ. Từ ngày đứa bé té ngã gãy tay, bó bột cả tháng, Hà phải bỏ việc, chấp nhận cảnh sống thiếu trước hụt sau từ khoản tiền lương 2,7 triệu đồng của Năm ở một cơ sở cơ khí.
Không tính những buổi đi làm hay ra chợ, cuộc sống những người thợ gần như chỉ loay hoay, quẩn quanh với khoảnh sân hẹp và gian phòng chưa tới 8m2 mà hằng tháng họ trả cho nhà chủ 200.000 đồng. Hà kể, buổi tối ở đây buồn lắm, phần ai nấy rút về phòng riêng, chuyện trò dăm câu ba sợi với nhau rồi tắt đèn đi ngủ. “Xóm trọ có chiếc tivi khọt khẹt nhưng coi ké miết cũng kỳ. Em ở đây hơn năm, muốn xuống Quy Nhơn một lần cho biết mà mãi vẫn chưa đi nổi”. Ý Hà muốn nói vào trung tâm TP, chứ Phú Tài, thuộc phường Trần Quang Diệu, cũng là Quy Nhơn chứ xa cách gì cho cam!     
Bữa cơm hội ngộ của vợ chồng Đinh Văn Năm. Ảnh: X.N
Bữa cơm hội ngộ của vợ chồng Đinh Văn Năm. Ảnh: X.N
Phía trước... chưa thấy bầu trời
Từ quốc lộ I quẹo vô, chỉ một đoạn đường ngang 300m chạy lên phía Đá Đen mà san sát hơn 20 quán cơm bình dân. Công nhân đến từ các địa phương lân cận như An Nhơn, Tuy Phước, Nhơn Hội, Nhơn Hải... thường chọn qua trưa ở đó bằng suất “cơm bụi” theo nghĩa đen do sự oanh tạc liên hồi kỳ trận của những đoàn xe bạt mạng bất kể giờ giấc. Quán cơm Văn Nhàn, trưa 23.5, có tới gần trăm công nhân nhễ nhại mồ hôi, đứng ngồi nhấp nhổm quanh khẩu phần ăn khắc khổ.
Nguyễn Thị Ny (Phước Sơn, Tuy Phước) cho biết, 12.000 đồng một đĩa cơm đủ no, vài lát thịt heo xắt mỏng, cộng thêm ít măng, giá xào, chén canh lá giang vậy là chấp nhận được, còn hơn lọ mọ cơm đùm cơm bới. Ny giờ chẳng còn ruột gan nào để ý tới những bữa cơm chưa từng biết ngon ấy nữa. Đơn giản vì cô chuẩn bị bước vào kỳ “nghỉ hè” không thời điểm kết thúc.  Những cuộc đi sớm về khuya trên chặng đường hơn 20km mỗi ngày sắp sửa được Ny vĩnh viễn gạt bỏ lại sau lưng. 28 tuổi, 5 năm xàng xê hết DN này đến DN khác, cô đang trở về vạch xuất phát của chính mình. Không trợ cấp, không bảo hiểm, không nghề ngỗng ra hồn. “Công việc chà nhám, đánh bóng trong xưởng thợ mịt mù bụi bặm giúp gì được cho nghiệp làm ruộng, nuôi heo của em đây”- cô gái cười buồn.       
Kết cục của Nguyễn Thị Ny cũng là chọn lựa của các cặp vợ chồng Năm – Hà, Tĩnh – Diệu mà tôi đã gặp. Không ai dám mường tượng dài hơi về đời thợ của mình. Tất cả đều coi Phú Tài như chặng dừng chân tạm bợ, khi tuổi trẻ, sức vóc còn khả năng làm ra đồng tiền, bát gạo. Năm thì từ lâu đã xua đuổi ra khỏi đầu óc giấc mơ rong ruổi đường trường sau chiếc vôlăng vì không sao xoay ra tiền trang trải học phí để quay lại cuộc cự cãi nhùng nhằng, bất tận với vợ quanh chủ đề hồi hương theo quê chồng ở Phù Mỹ, Bình Định hay quê vợ tận Phan Thiết, Bình Thuận. Tĩnh thì sau giai đoạn bươn chải kiếm cơm thiên hạ mà anh ước chừng còn 3 năm nữa, “hậu vận” anh chàng sẽ được an bài bằng hình ảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau ở miền rừng Ân Hữu ngoài kia. Đi sao, về vậy, trần trụi, trống không.
Hoàn toàn có căn cứ để nói rằng, tình cảnh những người thợ trẻ kể trên không phải là cá biệt. Họ đang đơn độc trong khó khăn chồng chất. Họ bị đánh cắp lợi ích ngay trước mặt mà không mảy may hay biết. Trừ đồng lương nhận từ giới chủ ra, họ kể chuyện không được ký hợp đồng, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cứ thản nhiên như là của ai khác. Một tài liệu phát hành từ Bảo hiểm xã hội Bình Định mới đây cho thấy, thoái thác nghĩa vụ với người lao động đã là căn bệnh kinh niên và chưa có thuốc đặc trị. Có rất ít doanh nghiệp miễn nhiễm trước sự tràn ngập của căn chứng trầm kha này. Chỉ riêng Khu công nghiệp Phú Tài, con số công nhân – nạn nhân - đã lên đến hàng vạn.
Xuân Nhàn
 

Tổng số lượt xem trang