Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Nỗi lo mang tên nhập siêu và đầu tư công

 Việc hồ hởi khi cắt giảm đầu tư công không hẳn vì chia sẻ với khó khăn của Chính phủ, thái độ đối với đầu tư công ngược chiều giữa Việt Nam và các nước chỉ có thể được giải thích bởi hai chữ niềm tin.
Dân chúng các nước tin vào hiệu quả của đầu tư công, tin rằng những đồng tiền từ ngân sách luôn được tiêu xài hợp lý, đúng nơi, đúng chỗ nên việc cắt giảm ngân sách sẽ bớt đi những công trình hữu ích, việc làm của họ sẽ bị ảnh hưởng, phúc lợi sẽ bị thu hẹp. Còn ở Việt Nam, người dân tin rằng bớt đầu tư công là bớt đi lãng phí, bớt đi tham nhũng, bớt đi những hoạt động vô bổ, bớt đi những công trình vô ích và bớt đi những kỷ lục vô nghĩa.
- Nỗi lo mang tên nhập siêu và đầu tư công

Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Tuấn Anh.
(TBKTSG) - Khi còn làm trong một doanh nghiệp nhà nước ngành dệt may cách đây sáu năm, có dịp tiếp xúc với những nhà nhập khẩu nước ngoài, tôi mới biết rằng so với Trung Quốc thì hàng may mặc của Việt Nam chỉ có một lợi thế duy nhất, đó là chất lượng cao hơn.
Lợi thế của hàng xuất khẩu ở đâu?
Nhà nhập khẩu tìm đến Việt Nam chính vì người công nhân Việt Nam thật sự khéo léo, dù họ biết rằng đặt hàng ở đất nước này là chấp nhận đối mặt với những vấn đề nan giải, đó là luôn giao hàng trễ, điều kiện thanh toán khó khăn (hầu hết đều yêu cầu đặt cọc trước khi sản xuất, thanh toán đủ trước khi xuất hàng), giá cả khó cạnh tranh, thủ tục hải quan phiền hà…
Mới đây gặp lại trưởng phòng cũ, anh nói rằng điều kiện thanh toán vẫn vậy, giá cả cũng thế (vì nhập khẩu gần hết nguyên phụ liệu gồm sợi, hóa chất, chỉ, nút, nhãn… từ Trung Quốc rồi), còn giao hàng thì không thay đổi được. Anh giải thích việc giao hàng trễ rằng, khi khách hàng đến tiếp xúc đặt vấn đề, công ty sẽ triệu tập cuộc họp gồm lãnh đạo của tất cả các công đoạn. Phòng nhập khẩu sợi cho rằng họ cần 30 ngày để hàng về đến kho, phân xưởng dệt cần một tuần, nhuộm cần 10 ngày, may cần 30 ngày…Tổng hợp ý kiến từ các đơn vị là đơn hàng cần khoảng thời gian 80-90 ngày để hoàn thành. Trong khi đó, khách hàng yêu cầu giao hàng trong vòng hai tháng. Đàm phán rơi vào bế tắc.
Mấy ngày sau, khách hàng quay lại đặt hàng vì không tìm được chỗ nào thực hiện đơn hàng nhanh hơn. Phòng kinh doanh nhận đơn hàng và triển khai xuống các đơn vị. Ngay trong ngày, phòng nhận được liên tiếp ý kiến từ các đơn vị và phân xưởng. Phòng nhập khẩu thông báo rằng lô sợi hỏi giá hôm trước, nay vì ngưng một tuần nên họ bán rồi, giờ đặt hàng phải chờ lô sản phẩm mới, dệt cho rằng nếu sợi nhập trễ như vậy thì máy móc của họ bỏ lâu sẽ phải tiến hành vệ sinh lại, chạy thử thì thời gian dệt sẽ lên thành 10 ngày thay vì bảy ngày như trước, xưởng may thì cho rằng dạo này công nhân nghỉ thai sản nhiều quá do năm này là năm heo vàng, mèo vàng… Vậy là quá trình đàm phán để lùi ngày giao hàng phải tiến hành từ lúc đơn hàng mới bắt đầu.
Tổng cục Hải quan thống kê giá trị xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 3-2011 là 1,09 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong quí 1-2011 lên 2,88 tỉ, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, không có con số thống kê cho biết trong tổng kim ngạch xuất khẩu này, bao nhiêu là hàng gia công, bao nhiêu là hàng mang nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam, bao nhiêu là hàng của Việt Nam nhưng mang các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài...Tuy vậy, có thể khẳng định rằng loại thứ nhất và thứ ba là chủ yếu bởi có mấy doanh nghiệp Việt Nam có thể tự xuất được hàng của mình ra nước ngoài?
Xúc tiến xuất khẩu bằng cách nào?
Ngày đó, là một doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc tập đoàn Dệt may nên hầu hết các đoàn công tác của tập đoàn ra nước ngoài đều có đủ lãnh đạo của các doanh nghiệp thành viên. Tổng giám đốc đi công tác mà công ty băn khoăn vì sếp không biết ngoại ngữ, đi một mình theo đoàn thì tiếp thị bằng cách nào. Công ty cũng chưa có đối tác nào ở thị trường đó thì sếp có thể gặp ai, trao đổi với ai?
Ngày trở về, tổng giám đốc “quăng” cho phòng kinh doanh một cái hợp đồng, khách hàng mua của công ty số lượng hàng trị giá gần một triệu đô la Mỹ. Cả công ty tròn mắt ngạc nhiên, thán phục. Chỉ có trưởng phòng là hiểu, lẳng lặng bỏ cái hợp đồng vào tủ, khóa lại. Hỏi anh sao không xúc tiến, triển khai một đơn hàng lớn như vậy. Anh bảo rằng mỗi năm anh vẫn nhận được vài cái hợp đồng như vậy, vì mỗi năm sếp đi nước ngoài vài lần. Khách hàng không biết là ai mà mạnh tay thế, chưa biết công ty mình ra sao, hàng hóa thế nào… mà đã đặt hàng cả triệu đô?! Mà thật lạ, sau đó cũng không hề nghe tổng giám đốc hỏi thăm về cái hợp đồng “khủng” mà chính sếp đã giao.
Lợi thế cạnh tranh là vậy, lãnh đạo doanh nghiệp là vậy, lo cho nhập siêu thì biết lo đến bao giờ?
Thái độ ngược chiều với cắt giảm đầu tư công
Trên thế giới, việc cắt giảm đầu công tư luôn được các chính phủ cân nhắc hết sức cẩn thận. Mặc dù vậy, khi được ban hành, gần như chúng đều vấp phải sự phản đối của công chúng. Chỉ riêng ở Việt Nam, mỗi khi Chính phủ công bố cắt giảm chi tiêu công, toàn dân lại hồ hởi và đồng thuận cao.
Tháng 4-2011, người dân Ukraina xuống đường biểu tình vì chính phủ tuyên bố sẽ cắt giảm ngân sách do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Tháng 3-2011, người dân Bồ Đào Nha biểu tình phản đối những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ nước này. Cũng vào cuối tháng này hàng ngàn người ở thủ đô London đã biểu tình để phản đối những biện pháp cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Anh. Trước đó, năm 2010, người dân các quốc gia như Tây Ban Nha, Đan Mạch cũng xuống đường, hô vang các khẩu hiệu đòi chính phủ tăng ngân sách, phản đối chính sách cắt giảm chi tiêu công vì cho rằng việc cắt giảm này ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của họ.
Ở các nước này, nền kinh tế đã phát triển cao, nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người vào loại cao nhất thế giới. Cơ sở hạ tầng và đời sống người dân ở mức mà chúng ta mơ ước. Vậy mà người dân vẫn biểu tình để đòi quyền lợi. Việc biểu tình có vẻ như họ khá “ích kỷ”, không chia sẻ với những nỗi lo của chính phủ vốn vẫn đang khó khăn vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, thậm chí nhiều chính phủ đang ở bên bờ vực phá sản?
Ở Việt Nam, một đất nước mới thoát khỏi tình trạng của một nước nghèo, tuy vậy sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn dẫn đến tình trạng có người ăn sáng tô phở nấu bằng bò Kobe giá 750.000 đồng nhưng có người thu nhập chưa đến 10.000 đồng/ngày. Hạ tầng đô thị ở mức yếu kém, cắt điện luân phiên, kẹt xe mỗi ngày ở các đô thị lớn, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải… Vì vậy, đầu tư công càng nhiều sẽ càng giúp Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao phúc lợi và đời sống cho người dân, giúp người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến. Vậy tại sao người dân lại khuyến khích cắt giảm ngân sách? Việc hồ hởi khi cắt giảm đầu tư công không hẳn vì chia sẻ với khó khăn của Chính phủ, thái độ đối với đầu tư công ngược chiều giữa Việt Nam và các nước chỉ có thể được giải thích bởi hai chữ niềm tin.
Dân chúng các nước tin vào hiệu quả của đầu tư công, tin rằng những đồng tiền từ ngân sách luôn được tiêu xài hợp lý, đúng nơi, đúng chỗ nên việc cắt giảm ngân sách sẽ bớt đi những công trình hữu ích, việc làm của họ sẽ bị ảnh hưởng, phúc lợi sẽ bị thu hẹp. Còn ở Việt Nam, người dân tin rằng bớt đầu tư công là bớt đi lãng phí, bớt đi tham nhũng, bớt đi những hoạt động vô bổ, bớt đi những công trình vô ích và bớt đi những kỷ lục vô nghĩa.
Hiệu quả đầu tư công quá thấp, các công trình có vốn đầu tư từ ngân sách kéo dài do chậm tiến độ nhiều năm, những công trình đồ sộ vừa xây xong đã hư hỏng nặng, những công trình bị rút ruột đến vài ba chục phần trăm, những công trình chạy đua kỷ niệm ngày này, ngày kia rồi khánh thành xong thì đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng… Tiêu biểu cho những kiểu đầu tư này là quốc lộ 91B qua Cần Thơ, cầu Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hà Nội… Hay kể từ ngày có vụ Vinashin, doanh nghiệp này trở thành một ví dụ điển hình cho việc tiêu xài hoang phí những đồng tiền ky cóp để đóng thuế của nhân dân.
Kể từ khi Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát ra đời, cả xã hội dồn sự chú ý về chính sách tài khóa để mong chi tiêu công cắt giảm càng nhiều… càng tốt! Con số công bố ban đầu 3.400 tỉ đồng được cho là quá ít thì mấy ngày gần đây, con số cắt giảm có thể lên đến 97.000 tỉ đồng lại sinh nghi ngờ. Con số này có thể chưa dừng lại, nhưng giả sử không cắt giảm, rõ ràng chúng ta đã lãng phí không ít tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Vì vậy, có ý kiến còn đề xuất mỗi năm phải rà soát và cắt giảm chứ không phải chỉ làm mỗi năm nay bởi “lãng phí, tham nhũng, rút ruột còn… nhiều lắm”!?
Còn ở Việt Nam, người dân tin rằng bớt đầu tư công là bớt đi lãng phí, bớt đi tham nhũng, bớt đi những hoạt động vô bổ, bớt đi những công trình vô ích và bớt đi những kỷ lục vô nghĩa.
Nhập siêu và đầu tư công lãng phí đúng là những nỗi lo. Lo vì một ngành công nghiệp phụ trợ èo uột để đến nỗi một doanh nghiệp nước ngoài phải than rằng họ đi hết 20 doanh nghiệp Việt Nam mà không mua nổi một cái ốc vít. Lo vì mỗi năm tiền đồng lại mất giá thêm vài phần trăm mà 20 năm qua Việt Nam vẫn liên tục nhập siêu. Lo vì mỗi năm lại có thêm nhiều công trình to nhất, dài nhất, cao nhất nhưng chất lượng thì đáng nghi ngờ nhất.
Tuy vậy, đó không phải là những nỗi lo duy nhất, Thanh Hóa hơn 240.000 nhân khẩu đang thiếu đói, đất đai dành cho nông nghiệp ngày càng teo tóp bởi khu công nghiệp, khu đô thị và sân golf. Mùa mưa với bình quân hơn 10 cơn bão mỗi năm và hàng trăm người chết, hàng trăm tàu thuyền bị chìm đang đến gần với dải đất miền Trung. Người dân Tây Nguyên mùa lũ phải đu dây qua sông, miền Tây mùa nước nổi mà cầu khỉ vẫn còn…
Không chỉ có nhập siêu và đầu tư công, nỗi lo còn nhiều lắm!


- Hiệu ứng Trung Hoa
TIME
 Neel Chowdhury
Ngày 25-4-2011
Trong khu rừng rậm Malaysia nóng hầm hập, những công nhân đẫm mồ hôi cúi mình trên máy, lắp đồng vào những kiện dây cáp nóng rát, đồng ấy sẽ phải được ngâm vào ống nước thì người ta mới chạm vào được. Sàn nhà máy ngập trong một thứ ánh sáng màu trà tỏa xuống từ những khung cửa ám bồ hóng. Tiếng ken két của cỗ máy tạo ra âm thanh chói tai không ngừng. Không có điều hòa nhiệt độ. Alvin Mui, ông chủ tịch hãng P.I.E. – đơn vị vận hành nhà máy – bảo rằng “lắp điều hòa tốn kém lắm”.
Tiếng ồn từ lò luyện kim kiểu thời Dicken này ở cảng Penang là một phần của một hiện tượng lớn hơn thế xuất hiện trên khắp châu Á. Hãy gọi đó là Hiệu ứng Trung Hoa. Cùng với quá trình Trung Quốc tiến từ vị thế nhà sản xuất chi phí thấp, phụ thuộc vào xuất khẩu, sang một nền kinh tế hướng vào dịch vụ và xuất phát từ nhu cầu nội địa hơn, lương, tiền công ở xứ này đang tăng lên. Kết quả là, những nhà máy cấp thấp một thời vận hành ở Trung Quốc, như các cơ sở sản xuất dây cáp điện, bây giờ đang hoạt động ở các nước láng giềng, trải từ Malaysia và Thái Lan đến Việt Nam và Bangladesh.
Sau suốt hai thập kỷ hút sạch công ăn việc làm và đầu tư khỏi Đông Nam Á một cách tàn nhẫn, giờ đây Hiệu ứng Trung Hoa đang đưa những trung tâm công nghiệp một thời suy thoái như Penang ra khỏi tình trạng trì trệ kéo dài về kinh tế. Theo Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia, bang phía bắc này của Malaysia thu hút 4 tỷ USD đầu tư cho khu vực sản xuất năm 2010, tức là tăng tới 465% so với năm 2009. Người đứng đầu bang (thủ hiến bang – ND), ông Lim Guan Eng, thừa nhận: “Thỉnh thoảng tình hình cũng lung lay không vững, nhưng đã là kẻ lép vế thì chúng tôi phải đứng ngoài rìa và phải làm việc chăm chỉ hơn”.
Sự bùng nổ mới mẻ ở Penang được kích thích một phần bởi những nhà sản xuất phương Tây lo ngại trước việc chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng tăng. Nó cũng xuất phát từ những đổi thay sâu sắc trong nền kinh tế Trung Quốc, những thay đổi đang chuyển hướng dòng chảy thương mại ở khu vực. Không phải mọi công ty chuyển đến những nơi như Penang đều là công ty đa quốc gia của phương Tây; trên thực tế, có nhiều hãng của Trung Quốc. Khi mà lương nhân công và sức mua ở Trung Quốc gia tăng, người Trung Quốc nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ châu Á. Đồng thời, mức lương tăng lên cũng buộc Trung Quốc phải thuê ngoài (outsource) những công đoạn sản xuất ở cấp thấp. Theo một bản xếp hạng năm 2010 của Citigroup trong đó 12 quốc gia châu Á được sắp xếp theo mức lương nhân công, Trung Quốc xếp thứ 7 về độ rẻ, Malaysia thứ 8. Sanjeev Nanavati, CEO của Citigroup Malaysia, nói: “Nguyên nhân khiến người ta đến Trung Quốc tiến hành các hoạt động kinh tế thuần túy là do chi phí rẻ. Bây giờ nguyên nhân đó đang bị xói mòn”.
Kết quả là hình thành một cộng đồng thương nhân đạo đức ở châu Á, khi mà người Trung Quốc thuê ngoài nhiều hơn và nhập khẩu nhiều hơn từ các nước khác trong khu vực. Theo HSBC, thương mại nội bộ châu Á được dự đoán tăng trưởng trung bình 12,2% mỗi năm cho đến 2020, nghĩa là cao hơn 40% so với mức kỳ vọng về tỷ lệ tăng trưởng mậu dịch của châu Á với Mỹ trong cùng kỳ. Theo ngân hàng Credit Suisse, gần 50% xuất khẩu châu Á (kể cả của Nhật Bản) giờ đây đi vào các nước châu Á khác. Như thế là nhiều hơn nhu cầu hiện tại về hàng châu Á ở cả ba nơi Mỹ, EU và Nhật Bản gộp lại.
Nhà máy sản xuất dây cáp điện của P.I.E. là một ví dụ về tính tương trợ đang tăng lên không ngừng giữa Trung Hoa và những người láng giềng Đông Nam Á. Nhà máy là chi nhánh của người khổng lồ về hàng điện tử ở Đài Loan – Foxconn International (một phần của tập đoàn Hon Hai), một trong những dây chuyền lắp ráp lớn nhất sản phẩm iPhone của Apple và là một trong những hãng điện tử lớn nhất thế giới. Đối với một công ty đa quốc gia như Foxconn, sử dụng những nhà máy như nhà máy của P.I.E. ở Malaysia để lắp ráp các sản phẩm công nghệ thấp như dây cáp, hoặc thậm chí máy quét mã hay sạc pin điện thoại, đều rẻ như, nếu không nói là rẻ hơn, ở Trung Quốc. Foxconn trả cho 1.500 công nhân của họ ở Malaysia và Thái Lan khoảng 260 USD một tháng, có thể so được với mức lương họ phải trả cho nhân công Trung Quốc. Và họ nói là trong vài năm tới, họ có kế hoạch gia tăng lực lượng lao động của mình ở Malaysia thêm một phần ba.
Bất chấp sự (gần như) tương đồng hiện nay giữa lương của người sản xuất ở Trung Quốc và Malaysia, giới điều hành công ty vẫn cho rằng trong tương lai, mức lương của người Trung Quốc sẽ vượt hơn ở các quốc gia Đông Nam Á một cách đáng kể. Rajesh Purushothaman, giám đốc điều hành các hoạt động ở Penang của National Instrument, cho biết: “Điều khiến chúng tôi phải quan tâm là việc dự đoán các chi phí tương lai. Chúng tôi cảm thấy ở Penang mọi thứ dễ dự đoán hơn ở Trung Quốc”. Như thế là lại thêm một lý do nữa để Foxconn đưa những cơ sở sản xuất cấp thấp hơn đến Penang. “Vài năm về trước, quanh đây còn rất nhiều nhà máy trống” – ông Mui, người của P.I.E., nói và trỏ về phía một tòa nhà trống không để làm nhà máy, mà chẳng bao lâu nữa công ty của ông sẽ chuyển tới đó. “Bây giờ những tòa nhà (kiểu như thế) đầy người rồi. Thủy triều đã bắt đầu dâng”.
Foxconn từng chứng kiến những trường hợp công nhân tự sát, biểu tình, cùng những lần tăng lương tiếp sau đó tại các nhà máy của họ ở Trung Quốc. Theo ông Dong Tao, kinh tế gia châu Á hàng đầu của Credit Suisse, những chuyện như thế càng làm nổi rõ một thực tế là “đây là điểm khởi đầu cho sự kết thúc thời kỳ Trung Quốc “làm công xưởng của thế giới””. Theo Credit Suisse, đến năm 2014, Trung Quốc sẽ ngừng cung cấp lao động thặng dư cho các nhà máy tiền công rẻ của họ. Thậm chí mức tăng lương căn bản 30-40%, tức tỷ lệ tăng lương trung bình của các nhà máy ở Trung Quốc trong năm 2010, sẽ đủ để làm dịu trạng thiếu hụt nghiêm trọng về lao động từ năm 2017 trở đi tại các khu vực duyên hải phía đông nam, nơi tiến hành phần lớn hoạt động sản xuất của Trung Quốc.
Liệu tất cả các công ty đa quốc gia có bỏ chạy khỏi Trung Quốc khi nạn thiếu lao động xảy ra không? Tất nhiên là không. Ở chừng mực nào đó, lương tăng ở miền duyên hải đông nam Trung Quốc đơn giản là sẽ kích thích các công ty di chuyển nhà máy tới vùng nội địa ở phía tây, nơi vẫn còn lao động rẻ hơn và cũng là nơi chính phủ đang kỳ cạch xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, gồm đường xá và đường sắt, để đẩy nhanh tốc độ hàng hóa đến và đi khỏi các cảng biển của đất nước. Đối với những nhà sản xuất một số mặt hàng nào đó – như laptop và máy tính, mà 70% lượng hàng hóa này của thế giới là đến từ Trung Quốc – thì sẽ là liều lĩnh một cách dại dột, nếu không phải là một cách tự sát, nếu dứt áo đi khỏi Trung Quốc hoàn toàn. Do dây chuyền thiết bị tập trung rất mạnh ở Trung Quốc, rời khỏi nước này sẽ giống như tự cắt đứt mạch máu của mình.
Tuy vậy, đối với các nhà sản xuất hàng hóa cấp thấp như những gì P.I.E. vẫn tạo ra hàng đống kia, cũng như các lĩnh vực sản phẩm cao cấp mà ở đó, sở hữu trí tuệ đóng một vai trò quan trọng – thì sức ép phải rời khỏi Trung Quốc để chuyển sang những nơi rẻ hơn và thân thiện hơn về luạt pháp đang gia tăng hơn bao giờ hết. Các khu công nghiệp nằm chi chít quanh TP.HCM ở miền Nam Việt Nam chẳng hạn, đang thu hút ngày một nhiều vốn đầu tư từ những công ty điện tử như Intel. Hãng này đang có kế hoạch chi tới 1 tỷ USD vào một dây chuyền bán dẫn khổng lồ và nhà máy thí nghiệm ở đây. Tương tự, Bangladesh đã tiến tới kiểm soát 6% thị trường hàng dệt và quần áo toàn cầu – một thị trường trị giá 200 tỷ USD – bằng việc lấy đi phần lớn các cơ sở sản xuất cấp thấp ở Trung Quốc, đáng chú ý là nhà máy sản xuất áo phông và quần bò xanh.
Thật dễ giải thích tại sao. Theo Citigroup, lương tối thiểu cho một công nhân nhà máy ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc là khoảng 150 USD một tháng. Đối lập với đó, ở Bangladesh, lương tối thiểu chỉ xấp xỉ 40 USD một tháng, thậm chí ngay cả sau khi những cuộc đình công đầy bạo lực của công nhân gần đây buộc các nhà sản xuất quần áo phải miễn cưỡng tăng lương ở đó lên gần 80%.
Không có gì đáng ngạc nhiên, dây chuyền sản xuất kéo dài từ thủ đô Dhaka phía tây Bangladesh sang cảng biển phía đông nam của nước này ở Chittagong đã bắt đầu thu hút giới đầu tư – những người đánh hơi thấy một nước tiểu Trung Hoa đang bắt đầu hình thành. Brummer & Partners, một quỹ đầu tư trị giá 10 tỷ USD, cũng là một công ty cổ phần tư nhân ở Stockholm, gần đây đã chi một khoản tiền (con số chưa được tiết lộ) để mua cổ phần tối thiểu trong một hãng sản xuất quần áo của Bangladesh, hãng này có khách hàng là những nhà bán lẻ như Gap và H&M. “Chúng tôi bắt đầu thấy các công ty kiểu như vậy quan tâm đến Bangladesh” – Kiron Bose, quan chức phụ trách đầu tư của Brummer ở quỹ đầu tư tư nhân ở Bangladesh, cho biết. Khởi sự từ việc khâu quần bò và áo phông, Bangladesh hy vọng sẽ tiến vào ngành kinh doanh phức tạp hơn và hấp dẫn hơn, là sản xuất giày cho những công ty như Nike và Adidas. “Đóng giày vẫn là công việc của Trung Quốc” – Bose nói. “Đấy là lĩnh vực Bangladesh sẽ phải cạnh tranh tiếp theo đây”.
Nhưng người Bangladesh cũng sẽ còn phải cạnh tranh với người Malaysia, đấy là chưa kể tới công nhân Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Như thường lệ, đại lượng lớn trong phương trình quyết định ai sẽ chiến thắng là chi phí. Nhưng đó không phải là thành tố duy nhất dẫn dắt đợt thịnh vượng gần đây của Penang. Nếu chỉ là vấn đề chi phí thì người Bangladesh – vốn là những người nhận lương thấp nhất khu vực – sẽ chiến thắng dễ dàng trong cạnh tranh. Nhưng Malaysia còn có một loạt lợi thế cạnh tranh khác trong cuộc thi đua sản xuất mới, từ logistics (hậu cần) đến địa hình đất nước. Đảo Penang chẳng hạn, có đường xá rộng rãi, một lượng nhân công ổn định tốt nghiệp từ các đại học khoa học, nguồn cung cấp năng lượng hiệu quả, và một sân bay hiện đại để từ đó hàng hóa được chuyển đến khắp nơi trên thế giới. “Từ Penang, chúng tôi có thể nhận hàng hóa từ bất kỳ đâu trong vòng 48 giờ đồng hồ” – Purushothaman thuộc National Instruments nói. Hiện tại National Instruments đang thi công một nhà máy 80 triệu USD gần sân bay.
Thêm vào đó, Penang còn được thừa hưởng từ những ông chủ thực dân cũ hệ thống pháp luật Anh quốc, hệ thống ấy tạo cho những người làm kinh doanh ở đây một mức độ thoải mái nhất định. “Nếu bạn nhìn vào cả khu vực, sẽ thấy các công ty hài lòng với các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ và hệ thống pháp luật ở Malaysia” – ông Lee Kah Choon, chủ tịch Invest Penang, một cơ quan xúc tiến đầu tư do chính phủ điều hành, nói. “Trong khi đó, ở Trung Quốc, người ta rất khó chịu khi bất kỳ thứ gì được đưa ra thị trường đều có thể bị sao chép”.
Tầm quan trọng của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ được một loạt giám đốc điều hành về công nghệ, ở cả Malaysia và Trung Quốc, nhắc đi nhắc lại. Gần như trên khắp thế giới, người ta đều không hài lòng về độ cam kết tuân thủ của Trung Quốc đối với việc bảo vệ bản quyền và bằng sáng chế. “Không hề minh bạch như chúng tôi muốn” – Steven Siaw, đồng sáng lập công ty Vitrox, trụ sở ở Penang, nói. Vitrox là  một công ty công nghệ 11 tuổi, chuyên sản xuất hệ thống giám sát sản phẩm, và đã có mặt ở Trung Quốc. “Ở Malaysia luôn có một mức độ tuân thủ nhất định đối với quyền sở hữu trí tuệ. Chúng tôi muốn được nhẹ đầu nhẹ óc”.
“Chúng tôi rất cảnh giác về vấn đề sở hữu trí tuệ” – Atul Bhargava, giám đốc điều hành của Intel Malaysia, nói. Cảnh giác như thế nào? Theo thông lệ hoạt động trên toàn cầu, Intel hạn chế một cách nghiêm ngặt những chuyến thăm của báo chí đến khu vực đặt dây chuyền nhà máy của họ ở Penang: hiếm khi cấp phép, luôn luôn cấm điện thoại di động, đề phòng trường hợp người ta bí mật chụp ảnh bất hợp pháp. Bất kỳ nhân viên nào rời công ty đều được nhắc nhở, một cách gần như thân ái, rằng bất kỳ sản phẩm đăng ký sản xuất độc quyền nào đã được làm ra ở Intel thì đều không đi ra khỏi tòa nhà này. “Phải đảm bảo là có tường lửa” – ông Bhargava nói. Theo ông, cam kết của Malaysia với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ là một trong những nguyên nhân vì sao Intel tuyển xấp xỉ 10.000 nhân công ở Penang – số công nhân lớn nhất công ty sản xuất bán dẫn này thuê ở ngoài Mỹ.
Các quan chức cao cấp của chính phủ Malaysia tuyên bố, đà tăng trưởng kinh tế gần đây của Penang sẽ tiếp tục được duy trì. “Chúng tôi đã xóa bỏ các vật cản, nhằm đưa đầu tư vào trong nước” – Thủ hiến Lim nói. Nỗ lực dường như đang được đền bù. National Instruments, Citigroup và công ty trang thiết bị y tế St. Jude Medical đều có kế hoạch tăng đáng kể số đầu nhân công ở Penang trong vài năm tới. Những quảng cáo tìm người trên mạng ở Penang, theo trang web jobstreet.com đặt tại Kuala Lumpur, đã tăng 80% trong năm 2010 so với năm trước đó. Theo giám đốc vùng của Jobstreet, Chook Yuh Yng, quảng cáo trên mạng trong năm 2011 này có vẻ cũng tương đối tốt.
Chắc chắn là, những biệt thự kiến trúc thời Victoria nằm dọc bờ biển phía bắc của hòn đảo, đang mục ruỗng dần kia, là những vật nhắc nhở người ta một cách sống động rằng phát triển phình to có thể kết thúc bằng bùng nổ và tan vỡ. Sự phát triển của Penang khi họ sớm được vinh danh là đầu mối thương mại toàn cầu của thế kỷ 18 dưới chế độ thống trị của Anh, đã kéo theo một vòng hào quang rộng mở. Cho đến giờ, những ngôi biệt thự bị bỏ hoang kia vẫn cho người ta thấy một mảnh đất lãng phí lợi thế cạnh tranh của mình – như Penang đã từng vài lần lãng phí – có thể lấy lại lợi thế ấy như thế nào. Và có lẽ đó là huyền thoại đáng ngạc nhiên nhất về Hiệu ứng Trung Hoa. Quan niệm thông thường cho rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc sẽ là sự sụp đổ của Đông Nam Á. Giờ đây chúng ta đang thấy là Trung Quốc có thể góp phần nhen nhóm lại sự phát triển ở một khu vực từng một thời tưởng như suy tàn.
Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
- CHINA: What Rebalancing? Project Syndicate -CHINA: What Rebalancing? The American economist Herbert Stein once said that if something cannot continue forever, it will not. In the case of imbalances between China and the West, however, the cut-off point still looks to be a long time in the future.

Tổng số lượt xem trang