Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Hội Ngộ Giữa Hai Họ EM và DM

-Hội Ngộ Giữa Hai Họ EM và DM
Kinh Tế Cũng Là Chính Trị
Nguyễn Xuân Nghĩa- Người Việt 20110523

Khối kinh tế tân hưng gặp khối kinh tế cựu trào.... 
    Hoa Kỳ Sa Sút - Bìa báo Economist 20110430

Đế quốc La Mã ngày xưa có truyện tranh đua giữa hai họ Horatii và Curatii - Horaces và Curiaces. Hai gia đình thông gia mà lại có thâm thù, đều có ba anh em sinh ba, cùng tuổi....
Trong trận quyết tử, hai người bên họ Horace bị giết, còn lại Publius Horace. Bèn lập mưu bỏ chạy, bị ba anh em nhà Curicace rượt bén gót dù họ đã lãnh thương tích. Chính là vì bị thương, ba anh em Curiace chạy nhanh chậm khác nhau. Nhờ vậy, Publius quay lại lần lượt giết từng người, nhưng gây hận cho cô em gái đã gá nghĩa với kẻ thù! Truyện tích này xảy ra khoảng 600 năm trước Công nguyên. Hơn ngàn năm sau, Corneille lấy kỳ tích dựng bi kịch "Horace". Năm 1962 phim "Horace 62" của Pháp và Ý cũng lấy cốt truyện từ đấy, đặt vào thời đại chúng ta...

Đó là truyện kể, những "narrative" hấp dẫn.

Đôi khi, trong kinh tế chính trị, "narrative" không có nghĩa là mô tả hay kể lại, mà là biện giải, vừa tường thuật vừa giải thích sự việc một cách có vẻ hợp lý, cứ như thật. Làm ta tưởng thật.

Chúng ta đang gặp chuyện "narrative" này.


***


Trước vụ Tổng suy trầm 2008-2009, trong khá lâu, kinh tế Hoa Kỳ được coi là vô địch thế giới.

Với sản lượng một năm chỉ khoảng 22% của địa cầu, trong nhiều năm liền, Mỹ đóng góp 60% vào đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu vì có thị trường tiêu thụ lớn nhất: nếu tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu là 5% một năm, thì 60% của mức đó - 3% - là nhờ đầu máy kinh tế Hoa Kỳ.

Nhưng từ thời đó rồi, người ta đã nói đến "thất quân bình toàn cầu" khi các nước giàu cứ nhập cảng hàng hóa thật rẻ do các nước nghèo sản xuất ra. Một bên tiết kiệm ít và tiêu thụ nhiều, bên kia thì thắt lưng buộc bụng để bán hàng cho mạnh. Ngụ ngôn con ve sầu và con kiến là một biện giải khác. Mãi rồi các nước đang phát triển hết nghèo và trở thành "tân hưng", những nền kinh tế mới nổi. Tiêu biểu là trường hợp con ve sầu Hoa Kỳ quanh năm ca hát và tiêu xài hàng hóa của bầy kiến Đông Á. Với Trung Quốc xuất hiện là con đầu đàn của bầy kiến "tân hưng".

Nhu cầu tái lập quân bình toàn cầu được đặt ra.

"Rebalancing" là câu thần chú về hiện tượng nhà giàu thành đại gia sa sút của cựu trào, phải tiết kiệm nhiều hơn, nhập cảng ít đi. Còn nhà nghèo đã thành "tân hưng" giàu có, nên sẽ phải bung ra cho dân tiêu xài và nhập cảng.

Đó là phần biện giải "narrative" về luồng trao đổi toàn cầu.

Năm sáu năm trước, trong đà biện giải về hai thế giới, nhiều nhà kinh tế dự báo là khối "tân hưng" đã đủ mạnh để duy trì sức tăng trưởng riêng mà khỏi lệ thuộc vào các nền kinh tế kỹ nghệ hóa của  Âu-Mỹ-Nhật. Quan niệm "tách rời" đó, "decoupling", là một biện giải khác. Rất tếu. Vì khi kinh tế Mỹ bị suy trầm từ cuối năm 2007 rồi lãnh trận khủng hoảng tài chánh năm 2008 thì cả Âu Châu và khối tân hưng cùng mang vạ, nên mới bị "Tổng suy trầm" - "Global Recession 2008-2009".

Tại Hoa Kỳ, chính quyền do dân Mỹ bầu lên trong cơn hốt hoảng 2008 đã đi đúng quy luật: khi nhà nước chẳng biết làm gì thì xông vào làm mọi chuyện! Mà chẳng chuyện nào ra hồn. Kinh tế chưa hồi phục, thất nghiệp chưa giảm, nước Mỹ lại mắc nợ tới mức kỷ lục! Người ta bắt đầu nói đến ngày tàn của Đế quốc Mỹ. Một cách diễn giải khác, cứ như thật.

Âu Châu và Nhật Bản cũng chẳng khá hơn, đồng Euro có nguy cơ bị mẻ, Nhật lãnh thiên tai và thảm họa nguyên tử nên bị suy trầm nữa, lần thứ bảy trong 20 năm. Các nước giàu đang đồng loạt trở thành nghèo hơn, một lối biện giải mới về các đại gia cựu trào nay bị lão hóa què cụt.

Minh diễn hùng hồn: trong giai đoạn hồi phục sau Tổng suy trầm, khối tân hưng đóng góp 70% cho đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. So với sức bật của Mỹ năm năm về trước là 60% thì đấy là sự kiện đáng chú ý: khối tân hưng đang lên thay vị trí của các đại gia cựu trào.

Ngày 17 vừa qua, Ngân hàng Thế giới công bố một loại phúc trình mới, "Chân trời Kinh tế Toàn cầu", với dự đoán là cứ theo tốc độ tăng trưởng từ nhiều thập niên qua, khối tân hưng sẽ vượt khối cựu trào trong 15 năm tới. Chúng ta đang có thế giới chia hai, các nền kinh tế tân hưng gọi là Emerging Market EM và các đại gia bị lão hóa là Developed Markets DM.

Các nước EM đang đuổi bén gót các nước DM với những thay đổi kinh tề sẽ ảnh hưởng đến chính trị toàn cầu.... Đó là đề tài thời sự về EM và DM, một thứ "narrative" mới.

Khốn nỗi, mọi sự vẫn chỉ là "đang" thôi. Và nếu muốn vượt mặt lão bối thì khối tân hưng còn phải thay đổi khá nhiều. Chúng ta còn chừng 15 năm - hơn năm ngàn số báo Người Việt - để kiểm chứng chuyện bao giờ Y Em sẽ vượt Đi Em!

Nhưng mọi cuộc đua đều khởi sự từ bước đầu tiên, từ hiện tại...


***


Hiện tại, thế giới có 192 nước hội viên Liên hiệp quốc, trong đó chỉ có 48 nước đáng kể về kinh tế. Xin lỗi, Việt Nam không có trong số này!

Hiện tại, thế giới có 25 nền kinh tế "tân hưng" EM: của Đài Loan, Nam Hàn, Nam Dương, Mã Lai Á (Malaysia), Tân Gia Ba (Singapore), Hong Kong, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Ba Tây (Brazil), Mexico, Peru, Colombia, Argentina, Venezuela, Chile, Liên bang Nga, Ba Lan, Hung Gia Lợi (Hungary), Cộng hòa Tiệp , Romania, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), Israel và Nam Phi.

So với khối "tân hưng" thì có 23 nền kinh tế "cựu trào" DM. Là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada; là hai xứ Á châu Thái bình dương: Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan (New Zealand); và 18 nước Âu Châu: Đức, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha (Spain), Áo, Bỉ, Hòa Lan, Luxembourg, Thụy Điển, Đan Mạnh, Na Uy, Phần Lan (Finland), Iceland, Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ.

Cứ theo kế toán quốc gia mà nói cho tiện thì thế giới có hai khối như vậy. Chứ bên trong từng khối vẫn có nhiều dị biệt. Nhất là khối "tân hưng" cũng có ba anh em mà khác nhau tựa trời biển.

Trong khối tân hưng, nhiều quốc gia thực tế có cơ cấu kinh tế lành mạnh, tiến bộ xã hội và chính trị dân chủ, đo lường ở quân bình công chi thu và chi phó, giáo dục hiện đại, tuổi thọ kéo dài, môi sinh tinh sạch và nhất là người dân có quyền tự do để kịp thời cải sửa mà không gặp loạn.

Từ hai ba chục năm trước, các nước này đã có chỉ số về phẩm chất xã hội như giáo dục, y tế, cao bằng các nước Âu Mỹ, cho nên ngày nay đúng là tân hưng. Đó là thiểu số thực tế đã ngang hàng các nước tiên tiến và vượt qua các nước tụt hậu ở Nam Âu trong nhóm cựu trào. Đài Loan hay Nam Hàn đã vượt xa Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, mà Singapore chẳng thua sút gì xứ Thụy Sĩ!

Khối tân hưng cũng có loại quốc gia thật sự mới nổi mà chồng chất vấn đề.

Họ vượt suy trầm nhờ tăng chi và bơm tín dụng ào ạt và nay đang đối phó với lạm phát. Nhiều nước chưa có quân bình kinh tế, môi sinh bị hủy diệt mà chưa biết tới cỡ nào. Quan trọng nhất, xã hội còn bất công, chính trị thiếu dân chủ và người dân chưa có tự do. Lạc quan thì cho rằng nhờ vậy mà họ sẽ cải tiến chính trị và xã hội để bắt kịp các nước đi trước bằng cách bắt chước.

Thực tế hơn thì nên nghĩ là có khi họ sẽ hụt hơi.

Trung Quốc là đại gia trong nhóm đó, chỉ đáng kể nhờ kích thước hơn là nhờ phẩm chất kinh tế, xã hội và chính trị. Liên bang Nga là trường hợp khác, nếu không có một lãnh thổ bát ngát giàu tài nguyên thiên nhiên tựa như... châu Phi.

Còn lại, khối tân hưng cũng có nhiều nước lẹt đẹt đi sau, nếu chỉ kịp chạy ngang hàng hai nhóm nói trên trong cùng một khối thì đã mệt! Vấn đề xã hội nặng nhất trong nhóm tân hưng này là bất công và dị biệt lợi tức. Nhược điểm chính trị là hạ tầng cơ sở luật pháp vẫn thô sơ, quyền căn bản của người dân về kinh tế và chính trị chưa được tôn trọng, tham nhũng vẫn tràn lan. Nhiều thành phần ưu tú của nhóm tân hưng lạc hậu này nghĩ đến việc đi tắt: bước qua lập nghiệp trong các nước tiên tiến!

Việt Nam đang nuôi giấc mơ sẽ có lợi tức hạng trung bình cao - quãng bốn ngàn đô la một người trong một năm - để đi vào hàng ngũ tân hưng hạng bét. Mà thật ra xứ sở chưa có tự do, lãnh đạo vẫn u mê, những người có khả năng nhất đều mơ ngày vào Mỹ. Kể cả và bắt đầu từ con cái Trung ương Ủy viên.


***


Cho nên, như ba anh em nhà Curiace, nhóm tân hưng chạy theo các nước tiền bối với ba tốc độ khác nhau. Và cùng nhau chí choé.

Họ cùng tranh thủ đầu tư tài chánh và kỹ thuật của khối cựu trào mà chưa biết làm sao nâng mức tiêu thụ nội địa để bù đắp lượng xuất cảng sẽ sa sút. Họ thiếu nhất trí một lòng trên các diễn đàn quốc tế, hoặc còn nã súng vào nhau. Khẩu hiệu "vượt qua Tây phương" thành một cực đối trọng với thế lực Âu-Mỹ là trò vui ngoại giao. Nhân vụ Dominique Strauss-Kahn, họ đả kích các đại gia Âu Mỹ trong hai định chế tài chánh là Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Và đòi quyền tham gia.

Chính đáng lắm, nếu không phải là khối cựu trào đã châm tiền nhiều nhất cho hai định chế này đi cấp cứu hoặc viện trợ dự án phát triển cho mấy nước nghèo. Kể cả cho Trung Quốc đang phải cúp điện luân phiên vì chưa giải quyết xong việc phân phối năng lượng!

Mà nói về "narrative", cũng nên nhớ thế giới còn lại có 144 nước không thuộc hai nhóm 48 quốc gia vừa tân hưng vừa cựu trào đó. Toàn là những nước có vấn đề!

Khi thế giới hữu sự - thời nào mà chẳng hữu sự vì thiên tai, dịch bệnh hay chinh chiến điêu linh? - khối kinh tế nào vẫn nhào ra tung tiền cứu trợ? Và khối kinh tế nào vẫn rỗi hơi vận động dân chủ để xây dựng hoà bình cho thiên hạ?

Tổng số lượt xem trang