SGTT.VN - Dự thảo luật giá mà bộ Tài chính xây dựng trong đó có đặt vấn đề khôi phục lại thẩm định giá công để thẩm định mua bán tài sản có nguồn vốn ngân sách. Dự thảo này mang đến lo ngại nhà nước “bao sân”, phân chia thị trường dịch vụ thẩm định giá và hạn chế cơ hội kinh doanh của các thành phần kinh tế khác, đẩy họ vào nguy cơ mất việc làm.
Trung tâm Tư vấn dịch vụ thẩm định giá và bán đấu giá tài sản thuộc sở Tài chính Hà Nội được thành lập giữa năm 2005 nhằm tách bạch chức năng dịch vụ tài chính ra khỏi cơ quan quản lý theo chỉ đạo của bộ Tài chính. Trung tâm vừa đi vào hoạt động được ba tháng, Chính phủ có yêu cầu phải chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp và đây là cơ sở pháp lý cho sự ra đời của công ty cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) (tháng 7.2008).
Lo thu hẹp thị trường
Có thể nói, dịch vụ thẩm định giá đã được tách ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước từ năm 2005. Nhưng nay, có khả năng lại cho ra đời cơ quan thẩm định giá của nhà nước để thẩm định tài sản có nguồn vốn ngân sách theo dự thảo Luật giá mới nhất do bộ Tài chính soạn thảo. Và như vậy, với các doanh nghiệp, thị trường này sẽ bị thu hẹp. “Với hơn 50 doanh nghiệp thẩm định giá, thị trường rất cạnh tranh. Chúng tôi phải vật lộn với thị trường đã khó, nay lại phải lo cơ chế chính sách”, ông Nguyễn Quang Hùng, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc VFS than thở.
Đây cũng là mối lo chung hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá. Cơ sở của việc đưa nội dung hoạt động thẩm định giá của nhà nước vào luật giá (dự thảo) được một thành viên ban soạn thảo lý giải: “Do nhà nước không có thẩm định giá công nên khi các cơ quan nhà nước sử dụng hoặc mua sắm tài sản đều phải thuê doanh nghiệp, làm tăng thêm chi phí, đồng thời dễ dẫn đến tiêu cực là có sự móc ngoặc để thẩm định giá cao khi mua sắm và thấp khi bán hoặc thanh lý tài sản gây thất thoát ngân sách”.
Tuy nhiên, giám đốc trung tâm Tư vấn và tài chính Vĩnh Long Trần Thanh Trừ, cho rằng, nếu chỉ xuất phát từ lý do trên để nhà nước quay trở lại mô hình trước đó là không thuyết phục và không có cơ sở khoa học. Ông Trừ phân tích: tình trạng tiêu cực nói trên khó có thể xảy ra vì các cơ quan khi mua hoặc bán tài sản đều phải qua đấu thầu hoặc đấu giá. Mặt khác, để hạn chế tiêu cực, cơ quan quản lý phải xây dựng chính sách hữu hiệu, đồng thời có quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh.
“Vừa đá bóng vừa thổi còi”
Cũng theo ông Trừ, nói chi phí thẩm định tăng khi thuê doanh nghiệp là chưa xác đáng, vì trên thực tế, so với kết quả thẩm định giá hằng năm đã góp phần giảm chi hàng trăm tỉ đồng từ ngân sách. Đó là chưa kể, nếu có thêm đơn vị thẩm định giá công để nhúng tay thẩm định giá hàng triệu danh mục tài sản nhỏ lẻ hiện các doanh nghiệp đang làm, nghĩa là phải đẻ thêm đội ngũ công chức làm nhiệm vụ này, làm biên chế tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về giá thêm cồng kềnh, vừa tăng chi phí, vừa đi ngược mục tiêu xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả.
Việc tổ chức triển khai bộ máy thực hiện thẩm định giá của nhà nước đồng bộ từ trung ương đến địa phương ngoài việc làm tăng gánh nặng ngân sách, phó tổng giám đốc công ty cổ phần Định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) Trần Thị Thanh Vinh e ngại còn làm rối loạn tổ chức, khó kiểm soát về chất lượng và dễ phát sinh tiêu cực. Các cơ quan quản lý nhà nước về giá lúc này mang cả hai vai, vừa quản lý nhà nước về thẩm định giá, vừa thực hành. Và việc nhà nước cùng tham gia trực tiếp cung cấp dịch vụ thẩm định giá là can thiệp thô bạo vào thị trường dịch vụ này.
Một chuyên gia về lĩnh vực này, từng là lãnh cấp cao của bộ Tài chính cho biết, so với nhà nước thẩm định, kết quả thẩm định giá của các doanh nghiệp đã giúp tiết kiệm từ 15 – 20% so với tổng giá trị tài sản công mua – bán hàng năm và đây là một con số rất lớn. Ông Nguyễn Quang Hùng nói thẳng: “Khôi phục lại thẩm định giá công là đi ngược với xu thế hội nhập, xu thế này chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm quyền lợi nhất định và có thể làm tăng nguy cơ thất thoát tài sản của nhà nước”.
Thảo Nguyễn