Vấn đề bây giờ, đối với những nhà cách mạng thời 60's, không còn là thay đổi xã hội nữa, mà là thay đổi chính mình để được gia nhập vào các nhóm lợi ích.
Trong sự bất ổn của tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, nhiều mũi dùi đang nhắm về những "nhóm lợi ích". Các mạng truyền thông trên khắp thế giới thường mang khuynh hướng "xã hội" và "dân nghèo" nên mục tiêu đả kích của họ tới những nhóm lợi ích mà họ cho rằng đang đại diện của các tầng lớp giàu có, quyền lực là chuyện dễ hiểu. Các xã hội Âu Mỹ cũng vậy. Khi giá xăng dầu lên cao chút đỉnh, là lợi nhuận của các công ty như Exxon, Chevron... bị đem ra mổ xẻ, phê bình.
Mọi xã hội mỗi đều thích đem những người thương gia giàu có ra để làm vật tế thần (tội tích trữ đầu cơ) mỗi khi giá thực phẩm lên vì lạm phát. Những chuyên gia kinh tế thì hiểu rất rõ lý do thực sự của nạn lạm phát, nhưng không mấy người muốn nói ra. Sự ganh tị và hèn nhát thường biến các vị trí thức này thành những cổ động viên cho các phong trào hời hợt của xã hội.
Danh từ "Nhóm lợi ích"
Theo định nghĩa, nhóm lợi ích (interest group) là những nhóm vận động hành lang hay cửa hậu (lobby) để tạo ra hay thay đổi những luật lệ và cách thực thi có lợi cho phe nhóm mình, nhằm tạo dựng một vài đặc quyền, đặc lợi để thụ hưởng.
Các nhóm lợi ích trong lịch sử
Trong thời đại phong kiến, một triều đình có nhiều nhóm lợi ích, nhưng họ cùng chia sẻ một mục tiêu: ảnh hưởng tối đa vào vị vua đang trị vì. Từ tên hoạn quan đến những gia đình quý tộc, tất cả mọi người đều chạy theo quyền lực để có bổng lộc từ hoàng cung. Những âm mưu sau ngôi vàng là những câu chuyện hấp dẫn nhất của thời này.
Ngay cả Khổng Tử cũng phải dựa triết lý của mình trên căn bản Quân Sư Phụ (dân phải tuyệt đối trung thành và vâng lệnh Hoàng Đế vì ông ta "thế thiên hành đạo" = thay trời để cai trị)); và do đó, đạo Khổng đã được các thể chế phong kiến ở Á Đông ca tụng và phổ biến.
Vào thời Trung Cổ ở Âu Châu, Vatican là trung tâm quyền lực của giáo hội Thiên Chúa. Các vị tu sĩ đã thao túng chi phối rất nhiều triều đình, từ Pháp, Áo đến Anh, Tây Ban Nha. Họ tạo nên những cuộc thánh chiến với đạo quân Thập Tự Giá nổi tiếng; rồi cũng chính họ đập tan nhóm quân này (the Templar knights) khi nghi ngờ về lòng trung thành của các tướng lĩnh.
Các nhóm lợi ích trong xã hội ngày nay
Trong khi không ai chối cãi là các nước tư bản Tây Phương đã bị chi phối và có lẽ bị điều khiển bởi những nhóm lợi ích của tầng lớp doanh nhân giàu có, các quốc gia như Liên Xô, Trung Quốc vào thời chủ nghĩa xã hội cũng đối diện không ngừng với những đòi hỏi đằng sau hậu trường của những nhóm lợi ích từ đảng cầm quyền và các bè phái, gia đình có quan hệ.
Các nhóm lợi ích hoạt động rất công khai ở các quốc gia Tây Phương và tuân thủ mọi luật lệ về vận động hành lang. Nổi đình đám và gây nhiều tranh cãi là những nhóm lợi ích vận động cho các doanh nghiệp, ngành nghề... và ngay cả các nhóm lợi ích cho các quốc gia khác, bạn và thù. Nhưng cũng không thiếu những nhóm lợi ích của các nhóm bảo vệ môi trường, tranh đấu cho lao động (do các nghiệp đoàn bảo trợ), hay những nhóm lợi ích xã hội như bảo vệ trẻ em, phụ nữ hay chống các tệ nạn mại dâm, ma túy, rượu chè... Khuynh hướng thân tả của các giới truyền thông tạo thêm một sức mạnh khá lớn cho phe nhóm này.
Tại Mỹ, trong thập niên vừa qua, các nhóm lợi ích của người thiểu số (da đen, Á Đông, Hồi Giáo...), các nghiệp đoàn lao động, các nhóm môi trường, các cơ quan thiện nguyện cho người nghèo, các sinh viên, các cơ quan truyền thông phe tả... đã liên kết và đánh bại phe tư bản nòng cốt để đưa Tổng thống Obama lên nắm quyền cùng đa số thành viên đảng Dân Chủ tại quốc hội. Do đó, nếu nói chỉ có các nhóm lợi ích của người giàu có chi phối quyền lực ở Âu Mỹ thì đây là một định kiến sai lầm.
Ở góc nhìn khác, ra khỏi Âu Mỹ, phần lớn các nhóm lợi ích từ các quốc gia mới nổi hay nghèo khó thường giới hạn vào những công ty lớn, những người giàu có muốn khuếch trương quyền lực và gia đình bạn bè phe nhóm của những người cầm quyền. Tuy nhiên, khi xã hội tiến bộ và con em của các nhóm lợi ích này thu nhập thêm kiến thức về thế giới bên ngoài, những thay đổi sẽ biến thể thành phần và mục tiệu của các nhóm lợi ích. Chỉ cần một Đặng Tiểu Bình và ít người trong nhóm lợi ích của ông đã xoay chiều hẳn nền kinh tế của Trung Quốc để bắt kịp theo đà tiến bộ của thế giới. Mặt khác, một Suharto hay Mubarak và phe nhóm đã làm trì trệ xã hội Indonesia và Ai Cập trong nhiều thập niên.
Sự hiện diện của các nhóm lợi ích trong mọi xã hội
Nếu chúng ta nghĩ sâu xa về mọi hiện tượng, chúng ta sẽ nhận chân ra một sự thực khá phũ phàng: xã hội nào rồi cũng bị các nhóm lợi ích chi phối.
Lịch sử 5000 năm từ thời ăn lông ở lỗ qua thời phong kiến khắc nghiệt đến xã hội Internet bây giờ, không lúc nào mà các nhóm lợi ích không ngừng chi phối và kiểm soát quyền lực. Trong 192 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, tôi chắc chắn là 192 chính phủ đều chịu ít nhiều sự kiểm soát của nhóm lợi ích.
Nhận thức này có thể làm nhiều người kêu ca về sự thao túng luật lệ và quyền lợi quốc gia của các nhóm lợi ích, nhưng thực tế có tệ hại đến như vậy? Họ có gây ra những nguy hiểm và biến thái cho nền kinh tế tài chính hay làm suy đồi văn hóa quốc gia? Hay là vô tình, họ có thể đã tạo nên nhiều lợi ích cho xã hội?
Vận hành cơ chế chính trị xã hội
Nếu lòng tham là động lực tạo năng động cho con người và từ đó, phát sinh ra những nhóm lợi ích, thì xã hội sẽ không thể vận hành nếu không có những lòng tham tập thể biểu hiện qua các nhóm lợi ích.
Một quốc gia không có tham vọng cá nhân hay tập thể (vô vi như triết thuyết Lão Phật hay lè phè như đa số các người dân bản xứ Nam Mỹ), hay không có tham vọng về định mệnh dân tộc (cứ so sánh Mỹ và Trung Quốc với Đông Âu và Bắc Phi) sẽ là những xã hội không có nhiều phát triển về văn hóa, chính trị hay kinh tế. Các nhóm lợi ích trong xã hội thúc đẩy những tiến bộ về cơ chế, luật lệ và bộ máy hành chính... để tăng lợi nhuận cho phe nhóm họ, nhưng cũng vô tình, chúng làm cho xã hội năng động, cạnh tranh hơn.
Tạo nên sự đa dạng của văn hóa
Thành phần chính của các nhóm lợi ích thường là những nhân vật được coi là "thành công" bởi đa số quần chúng. Sự say mê các tin tức, phóng sự về các siêu sao trên sân khấu, trên trường kinh doanh, trên sân vận động... là biểu hiện của sự ngưỡng mộ, và tạo dựng những tư duy mới, những thói quen mới, những trào lưu mới trên rất nhiều khía cạnh.
Dĩ nhiên, những cái "mới" này, xấu hay tốt, còn tùy định kiến của mỗi người.
Đóng góp vào phát triển kinh tế
Các nhóm lợi ích còn để những dấu ấn của mình qua các công trình có thể coi là lãng phí và quá độ với mức sống của người dân trung bình; nhưng qua trôi nổi của thời gian, những kiến trúc như Taj Mahal của New Delhi (ông vua xây tặng người vợ yêu vừa mất), hay tháp Eiffel của Paris (xây để làm biểu tượng cho một Hội Chợ trong vài tuần)... lại trở thành những điểm đến tượng trưng cho cả văn hóa xứ sở.
Khi tôi nhìn các quảng cáo trên tạp chí Heritage của Vietnam Airlines về các biệt thự nghỉ dưỡng vài triệu dollars đang mọc lên tại Đà Nẵng hay Nha Trang, hay các tòa nhà cao ốc văn phòng tranh nhau thành điểm cao nhất của thành phố, tôi có thể nhận ra một phô trương sĩ diện vô cùng "phi kinh tế". Nhưng về lâu về dài, đây cũng là những tài sản đáng hãnh diện của một quốc gia.
Thay đổi vì xung đột quyền lợi
Một đặc tính khác là vì lòng tham vô đáy, các nhóm lợi ích này không biết liên kết với nhau trên căn bản lâu dài; do đó, những trận chiến âm thầm sau bức màn nhưng luôn diễn ra không ngừng, và xã hội sẽ biến đổi theo những thắng thế của phe nhóm mạnh nhất. Nếu mục tiêu của nhóm lợi ích này phù hợp với sự đổi mới và tiến bộ của quốc gia, thì dân chúng vô cùng may mắn. Ngược lại, vấn nạn của xứ sở sẽ kéo dài, vì trên thực tế, đại đa số người dân không bao giờ đủ quyền lực và kiến thức để thay đổi một cơ chế, kể cả những nước dân chủ Tây Phương.
Dù mục tiêu và động lực của họ hoàn toàn phục vụ cho quyền lợi cá nhân, nhưng biến động và thay đổi trong xã hội thường do các nhóm lợi ích khởi xướng.
Một chấp nhận rất chủ quan
Tôi lớn lên và vào đại học trong thập niên 60's khi phong trào cách mạng đòi hỏi công bằng xã hội tràn lan khắp các nước Tây Phương. Sinh viên ở Pháp đóng cửa Paris trong suốt tháng 5, 1968. Phong trào phản chiến bộc phát khắp các đại học Mỹ tạo nên những cuộc chiếm giữ (sit-in) thường trực và khởi đầu cho trào lưu của thế hệ phóng đãng (hippie va free love). Các sinh viên từ Đức, Anh đến Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp... cũng năng động không kém trong bối cảnh hỗn loạn toàn cầu.
Nhiệt huyết của thanh niên và những biểu tượng cách mạng như Che Guevara, Mao Trạch Đông.. là những hình ảnh thơ mộng của thế hệ này. Phần lớn tri thức Tây Phương ca ngợi không dứt những cuộc thí nghiệm rộng lớn về chủ nghĩa xã hội tại Liên bang Xô Viết và Trung Quốc.
20 năm sau, những tưng bừng của giấc mơ cách mạng xã hội đã gặp phải thực tế và cái bong bóng lý tưởng bắt đầu xì hơi. Trung Quốc quay đầu thi hành những phương thức kinh tế của tư bản mà chỉ 10 năm trước đó, chỉ mở miệng ra bàn thảo là có thể bị đi cải tạo triền miên. Rồi Đông Âu sụp đổ, xóa đi mọi nghi ngờ về cái khả thi của cuộc cách mạng này.
Với cá nhân tôi, nhiệt huyết về công bằng xã hội chỉ chìm lắng vào năm 1990 khi tôi ngồi ở Monaco trong tiền sảnh của Hotel để Paris nhìn người qua lại. Sau bao nhiêu biển dâu thay đổi khắp thế giới, tôi nhận ra rằng những người giàu có và quý tộc ở Âu Mỹ đã có tiếng cười sau cùng (the last laugh). Với vài thay đổi phiến diện về hình thức, thế giới quyền lực và của cải vẫn nằm vững vàng trong tay các tầng lớp giàu có. Như cái Câu Lạc Bộ Bel Air ngày nào tôi bước vào, cái khác biệt duy nhất sau 125 năm, là những người mới giàu đang thi nhau đăng ký và xin gia nhập hội.
Vấn đề bây giờ, đối với những nhà cách mạng thời 60's, không còn là thay đổi xã hội nữa, mà là thay đổi chính mình để được gia nhập vào các nhóm lợi ích. Người Pháp thật thông minh khi biết điều này hơn 1,000 năm trước, "Plus ça change, plus c'est la même chose" (Mọi việc càng thay đổi thì mọi thứ càng giữ nguyên trạng).
T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.