TT - Những gì xảy ra trong những ngày qua trên biển Đông không lạ lùng gì và không khó hiểu. Cơ bản đó là những chiêu thức tự bày ra nhằm biến những biên cương mới tự vẽ ra trên giấy trong cái gọi là “đường lưỡi bò” để độc chiếm 80% diện tích 3.500.000km2 của cả một vùng biển mà Việt Nam gọi là biển Đông.
Nhà giàn DK1 và tàu hải quân Việt Nam là chỗ dựa của ngư dân hoạt động ở thềm lục địa phía Nam - Ảnh: Bùi Thanh |
Từ tấm bản đồ tự vẽ và chẳng được ai công nhận đó, người ta đã bài binh bố trận và hành xử cứ như thể những biên cương trên biển đó đã được chuẩn y từ thời nào trong lịch sử trong những hiệp ước Mãn Thanh - Pháp nào đó hay bởi hội nghị San Francisco năm 1951.
Trong vai “chủ nhân” tự phong đó, hằng năm lại giở trò ra lệnh “cấm đánh cá”, tập trận trên những vùng biển tự cho là của mình, bất chấp thực tế sờ sờ là những nước khác đã trổ ra vùng biển này từ đời thuở nào (Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore và Việt Nam).
Chính do có sự tranh chấp mà các nước ASEAN mới bắt tay nhau đưa một Tuyên bố chung về ứng xử sao cho thể hiện nhân tính, văn minh, hòa hiếu với nhau trong khi chờ đợi tiến đến một giải pháp khả dĩ được các bên có thềm lục địa chồng lấn một cách tự nhiên bao đời qua đồng thuận.
Các nước ASEAN liên quan đến biển Đông đã ứng xử văn minh đúng với bản “Tuyên bố ứng xử” này, bằng cớ là năm 2009 Malaysia và Việt Nam đã có thể cùng đứng tên chung hồ sơ đăng ký thềm lục địa, tức đã có thể không những nói chuyện “phải quấy” với nhau được mà còn có thể “chia sẻ” với nhau như những con người với nhau. Thế nhưng lần ấy Trung Quốc đã kịch liệt phản đối Malaysia và Việt Nam, xem đó là một sự câu kết.
Chính do ý thức được rằng có người từ bên ngoài cứ nhảy chen vào và giở luật “mạnh được yếu thua”, các nước ASEAN đã trịnh trọng mời Trung Quốc cùng ký vào bản “Tuyên bố về ứng xử” văn minh và nhân tính ấy vào năm 2002.
Qua tuyên bố này, ASEAN và Trung Quốc đã “cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp về quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực...”, đã “cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”.
Thế nhưng ký thì ký, trong thực tế coi như chưa hề ký gì cả, nay cấm đánh cá, mai ngư chính, mốt hải giám, ngày kia tập trận... luôn cậy số đông, cứ như thể cả vùng biển bao la ấy là ao nhà của mình để tha hồ “ngư chính” và “hải giám”.
Cuối tháng 4 năm ngoái, ba tàu ngư chính của Trung Quốc đòi “ngư chính” một tàu Malaysia, Malaysia tung máy bay chiến đấu đến... Tháng 3 năm nay, hai tàu hải giám của Trung Quốc cũng giở trò “hải giám” với một tàu Philippines, Philippines dù nghèo yếu cũng tung hai máy bay OV-10 hai chong chóng vũ trang đến... Sau vụ này, Chính phủ Philippines còn đệ đơn kiện nơi Liên Hiệp Quốc. Từ đó, Malaysia và Philippines mới có được chút yên ổn trên vùng biển bao la này.
Những động thái “thăm dò” liên tiếp, hết với nước này sang nước khác như đã thấy, nhằm thăm dò xem ở mỗi nơi phản ứng ra sao. Mới đây, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc sang Philippines đã bị tổng thống nước này “hỏi giấy” cả vụ tàu Trung Quốc ”hải giám” lẫn vụ Mig-29 bay vào lãnh thổ Philippines. Bộ trưởng Trung Quốc phải chối: ”Không phải máy bay chúng tôi. Đề nghị xem lại xuất xứ”. Ý nói đó là máy bay của không quân Malaysia!
Chẳng qua, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc còn cay vụ máy bay Mig-29 của không quân Malaysia năm ngoái đã “dợt” tàu ngư chính của Trung Quốc một mẻ lúc 10g30 ngày 29-4. Các nước Malaysia, Philippines... đã ngộ nguyên lý “mềm nắn, rắn buông” để ứng xử trong khi chờ đợi bản “Tuyên bố về ứng xử” (DOC) trở thành một “Bộ quy tắc ứng xử” (COC) có giá trị trói buộc các nước ký kết.
DANH ĐỨC
Trung Quốc với mưu đồ khai thác dầu khí ở biển Đông
Những gây hấn gần đây nhất của Trung Quốc với Philippines và Việt Nam có thể cho thấy mưu đồ của nước này với nguồn tài nguyên ở dưới lòng biển Đông.
Lộ diện mưu đồ
Tối 28-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã chính thức lên tiếng phản đối việc thăm dò dầu khí của Việt Nam trên biển Đông. Bà Khương Du ngang nhiên cho rằng vùng biển này thuộc chủ quyền của Trung Quốc. "Quan điểm của Trung Quốc về biển Đông rất rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam, làm hại tới lợi ích và quyền kiểm soát của Trung Quốc trên biển Đông” - bà Khương nói. |
Để thực hiện tham vọng bá chủ nguồn tài nguyên ở biển Đông, ngày 23-5-2011, CNOOC đã tiếp nhận giàn khoan CNOOC 981, một giàn khoan khổng lồ đã được xưởng đóng tàu của Thượng Hải bàn giao để đưa vào phục vụ khai thác dầu khí trên biển Đông. Nhân Dân Nhật Báo cho biết giàn khoan CNOOC 981 có kích thước bằng một sân bóng đá với số tiền đầu tư lên đến 6 tỉ nhân dân tệ (923 triệu USD) và có khả năng khai thác ở độ sâu 3.000m dưới biển, công suất lớn gấp sáu lần các giàn khoan hiện có của Trung Quốc.
Ông Vương Nghi Lâm, chủ tịch CNOOC, cho biết giàn khoan trên sẽ được lắp đặt ở biển Đông và đưa vào vận hành vào tháng 7-2011. Nhân Dân Nhật Báo cho rằng biển Đông là một trong những vùng sản xuất dầu và khí đốt quan trọng nhất của CNOOC.
Kế hoạch khai thác dầu ở biển Đông đã được Trung Quốc hoạch định từ rất lâu, đến năm 2011, như tuyên bố của nước này, đây là năm sẽ đẩy mạnh mọi hoạt động khai thác dầu của họ trên biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực.
Biển Đông - vịnh Ba Tư thứ hai
Trung Quốc từng ví biển Đông là một vịnh Ba Tư thứ hai. Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng đây là nơi chứa đựng 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20.000 tỉ m3 khí, gấp 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí mà Trung Quốc có.
Đó chính là lý do mà Trung Quốc phải tìm kiếm và khai thác tài nguyên ở biển Đông để thỏa mãn cơn khát năng lượng của chính họ, Thời Báo Hoàn Cầu số ngày 19-4 cho biết. Để hỗ trợ cho tham vọng này, Trung Quốc không ngừng tăng cường hoạt động hải quân trên khắp biển Đông, tăng cường nhiều trang thiết bị, vũ khí và tập huấn nhân sự để bảo vệ các công ty năng lượng Trung Quốc hoạt động.
Ông Michael Richardson, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng tham vọng trong chính sách năng lượng của Bắc Kinh có thể làm phức tạp hơn mối quan hệ của nước này với các nước Đông Nam Á cũng như với Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.
MỸ LOAN