Những tư tưởng lỗi thời
Cái chết của Bin Laden có đánh dấu kết thúc của Thánh chiến Hồi giáo không?
Susanne Koelbl và Bernhard Zand, SPIEGEL 07/05/2011
Hiếu Tân dịch
Ngày đăng: 12.5.2011
Tư tưởng bạo lực của Osama bin Laden có thể đã nhận được sự ủng hộ trong thế giới A rập, nhưng cái chết của ông ta đến giữa lúc phong trào dân chủ đang nảy nở trong thế giới Hồi giáo đã khiến cho những tư tưởng và mạng lưới khủng bố quốc tế của ông ta trở nên không còn thích hợp.
Khi Tòa Tháp đôi sụp đổ cách đây gần mười năm, nhà độc tài Iraq Saddam Hussein là người duy nhất công khai bày tỏ vui mừng trước cuộc thảm sát đó. “Bọn cao bồi Mỹ đã lãnh đủ vì những tội ác chống nhân loại của chúng,” ông ta tuyên bố.
Nhớ lại sự ủng hộ rầm rộ hồi đó, người ta thấy ngạc nhiên sao hôm nay lại có ít quan tâm đến người cựu batal (anh hùng) này trong thế giới A rập đến thế. Những tin tức về cuộc tập kích táo bạo làm phương Tây sửng sốt, nhưng ở Bắc Phi và Trung Đông nó chỉ là một câu chuyện trong nhiều câu chuyện. Hôm thứ Hai, trang nhất của tờ báo Dubai Al-Bajan được dành để kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Các Tiểu vương quốc Thống nhất. Ở Cairo, bài báo chủ đạo trong tờ Al-Wafd đề cập những lo lắng về tiền thất thoát ra khỏi Ai Cập. Tờ Arab New ở Jeddah thủ đô Saudi Arab thông báo môn Anh văn từ nay sẽ là môn học bắt buộc trong trường từ lớp bốn trở lên. Chỉ sau đó nó mới nhắc đến và bình luận về cái chết của “Sheikh”, cái tên luôn được dùng để gọi bin Laden một cách tôn trọng và kính cẩn.
Không còn sự tôn trọng cho bin Laden
Có vẻ sự tôn trọng và sùng kính ấy bây giờ không còn nữa, và cả uy tín của bin Laden lẫn cái văn hóa bạo lực mà ông ta là biểu tượng đã xuống dốc trong thế giới Hồi giáo từ nhiều năm nay. Từ năm 2003, các nhà nghiên cứu ở Pew đã hỏi cùng câu hỏi về bin Laden trong từng năm. Trong khi 72 phần trăm người Palestin ủng hộ ông ta năm 2003, con số này nay rớt xuống còn 34. Sự ủng hộ của người Jordan đã rớt từ 56 xuống 13 phần trăm, trong khi sự ủng hộ của người Pakistan đã sụt từ 46 xuống 18 phần trăm.
Vẫn còn những người chủ trương jihadism, niềm tin vào thánh chiến Hồi giáo. Được ủng hộ bởi một phần ba người Palestin, một tỉ lệ được coi là đáng kể trong dân số, và có lẽ là một trong những lý do tại sao Ismail Haniya, thủ tướng chính quyền Palestin tuần này đã công khai bày tỏ lấy làm tiếc về việc giết lãnh tụ al-Qaida.
Nhưng cũng nguy hiểm như tổ chức khủng bố al-Qaida, tư tưởng chính trị của nó hầu như đã trở nên không còn thích hợp ở Trung Đông nữa. Nó càng tiến hành nhiều cuộc tấn công từ sau 11/9, kể cả vào những mục tiêu trong thế giới Hồi giáo, thì nó càng khó biện hộ cho chủ nghĩa khủng bố trước những người Hồi giáo bình thường. Điều này đã xảy ra với những cuộc đánh bom năm 2002 ở Djerba và Bali, và ở Casablanca và Istanbul năm sau – không phải chỉ vì số nạn nhân là người Hồi giáo nhiều hơn những nạn nhân người Phương Tây và Do Thái. Nhưng sự ủng hộ đặc biệt bị hủy hoại bởi một loạt những cuộc ám sát mà al-Qaida thực hiện ở Saudi Arabia từ 2003 đến 2006, trong năm 2005 ở Jordan và vô số những cuộc tấn công trong xung đột Iraq, nhanh chóng lấy đi mạng sống của hàng ngàn người.
Bản chất đặc biệt man rợ của làn sóng các cuộc tấn công khủng bố này không chỉ làm kinh hoàng cả một diện rộng các nước trong thế giới A rập, mà còn châm ngòi cho những cuộc xung đột nghiêm trọng trong nội bộ al-Qaida.
Trong khi cuộc tranh cãi gay gắt về tư tưởng đang xói mòn phong trào này từ bên trong, những sự phát triển kinh tế đã làm thay đổi cơ bản xã hội A rập đã tỏ ra ít nhất có ý nghĩa trong việc làm nản lòng kế hoạch của những kẻ thánh chiến.
Chia sẻ thịnh vượng
Sự gia tăng thịnh vượng của vùng vịnh Ba Tư kết quả cuộc việc mở cửa các nền kinh tế A rập trước đây đóng kín và đồng thời việc bùng nổ sử dụng truyền thông xã hội đã đe dọa loại bỏ hoàn toàn al-Qaida. Một đa số đang tăng lên của chủ yếu là những người trẻ A rập đã không còn quan tâm chủ yếu đến việc chiến đấu chống cái được coi là bá quyền Mỹ ở Trung Đông hay thúc đẩy việc chấp nhận một tôn giáo được cho là bị các chế độ thân phương Tây đàn áp.
Thay vì đó họ muốn có phần trong sự tăng trưởng kinh tế mà trước nay chỉ có những phe cánh của những kẻ thống trị được hưởng lợi. Các triết gia thánh chiến đạo đức giả đơn giản là không có câu trả lời cho những nguyện vọng như thế. Các lý lẽ tôn giáo cũng vô ích trong việc chặn lại cơn giận dữ trước sự phân chia bất công nguồn của cải như những cải cách giả tạo mà các lãnh đạo chuyên quyền trong vùng đã thử làm, và trong nhiều trường hợp, đã thất bại trong việc cố níu kéo lấy quyền lực. Chẳng hạn, thật là mỉa mai, việc giết bin Laden chỉ đến mấy tuần sau khi Tổng thống Ai cập Mubarak bị đánh đổ, kẻ đến kết cục cay đắng của mình còn tuyên bố rằng “hàng trăm bin Laden mới” sẽ làm thế giới bất ổn trừ phi những lời khuyên của ông ta được lưu ý.
Các nhà độc tài khác và các lãnh tụ khủng bố khác chắc chắn rồi sẽ theo Mubarak và bin Laden đi vào những biên niên sử. Là những chỉ huy của một thời đại đang chìm, cả hai người này đã cố vùng vẫy để gây thật nhiều tai hại, nhưng triết lý của họ đã kết thúc rồi.
Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi những đồng minh của kẻ sáng lập al-Qaida. Nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi, người đã có những phóng sự bao quát về bin Laden trong cuộc chiến của ông ta chống Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980, từ lâu đã tin rằng cách duy nhất để đánh những chế độ A rập thối nát là trở thành một người cộng sản hay một người Islamist. Nhưng hôm nay ông nói: “Dân chủ không phải là một lựa chọn ở đây – cho đến tận bây giờ. Al-Qaida đã được chôn cất trên quảng trường Tahrir ở Cairo.”./.
Jan Liebelt dịch từ tiếng Đức.