VIT - Hôm 12/5, Pakistan tuyên bố sẽ xem xét lại chương trình hợp tác chống khủng bố với Mỹ khi họ đang chịu sức ép ngày càng lớn về việc trừng phạt Washington sau chiến dịch tấn công Osama bin Laden. Trong khi đó, Pakistan đã quay sang đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố với Nga.
Hiện chưa rõ liệu động thái trên có phải nhằm mục đích đe dọa hay không, nhưng điều đó cho thấy mức độ của nhiệm vụ mà thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry đang phải đối mặt khi ông chuẩn bị bắt tay vào sứ mệnh giải quyết mối quan hệ căng thẳng dâng cao với đồng minh sở hữu hạt nhân - Pakistan.Washington đã không thông báo cho Islamabad biết việc đội đặc nhiệm SEALs đã dùng trực thăng tấn công vào thị trấn Abbottabad hôm 02/5 cho đến khi lính biệt kích đã rời không phận Pakistan, và mang xác Bin Laden đi.
Cuộc tấn công Bin Laden đã khiến tình hình chính trị Pakistan khủng hoảng khi cả Tổng thống Asif Ali Zardari và Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đều đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan điểm chống Mỹ.
Ủy ban quốc phòng của nội các Pakistan đã tổ chức họp vào hôm qua và do ông Gilani là chủ tọa. Ủy ban này khẳng định họ đã quyết định “sẽ bắt đầu tiến trình làm rõ những giới hạn của chương trình hợp tác giữa Pakistan và Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố”.
Theo một tuyên bố chính thức, điều này sẽ được “thực hiện phù hợp với lợi ích quốc gia Pakistan và khát vọng của người dân”. Tuyên bố chỉ trích “hành động đơn phương của Mỹ vi phạm chủ quyền của Pakistan”.
Trong khi đó, Washington đang thúc ép Islamabad điều tra xem vì sao bin Laden và một số người vợ cùng con cái của tên này lại có thể sống tới 5 năm tại một thị trấn cách phía Bắc thủ đô nước này chỉ khoảng 50km mà quân đội Pakistan không hề hay biết.
Giám đốc CIA Leon Panetta đã đưa ra sự nghi ngờ giữa hai quốc gia đồng minh này khi ông cho biết Mỹ không báo trước cho Pakistan về vụ tấn công bởi vì họ lo ngại các quan chức Pakistan sẽ báo động cho thủ lĩnh al-Qaeda.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, ông Gilani đã lặp lại về “sự thiếu niềm tin” giữa hai quốc gia và giải thích rằng với tư cách là một chính trị gia được bầu ông ấy phải lựa chọn người dân Pakistan so với mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ.
“Nếu người dân chống lại các bạn, tôi không thể phản đối họ để đứng về phía các bạn. Tôi phải đi cùng người dân”, ông khẳng định.
Phát biểu về cuộc tấn công đại bản doanh Abbottabad, ông Gilani nói: “Tất nhiên, chúng tôi phân vân vì sao Mỹ lại tấn công đơn phương như vậy. Nếu chúng tôi cùng nhau chiến đấu thì chúng tôi phải hợp tác với nhau”.
Phát biểu trước quốc hội hôm 09/5, ông Gilani cảnh báo Mỹ tiến hành các cuộc tấn công khác trên lãnh thổ Pakistan, nhưng Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Barack Obama có quyền hành động tiếp chống lại những kẻ chạy trốn tại Pakistan.
“Khi thiếu niềm tin sẽ có những rắc rối trong việc chia sẻ thông tin tình báo”, ông Gilani chia sẻ. Khi được hỏi vì sao lại có sự thiếu niềm tin, ông đáp: “Không phải từ phía chúng tôi. Hãy hỏi họ”.
...và kết thân với Nga
Kết thúc cuộc hội đàm ngày 12/5 tại thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã thông qua Tuyên bố chung khẳng định tiềm năng to lớn để phát triển quan hệ song phương. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình và ổn định tại Afghanistan và đặt ưu tiên cho cuộc chiến chung chống khủng bố và tội phạm ma tuý.
Tuyên bố cũng nêu rõ Nga ủng hộ Pakistan gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). SCO là tổ chức liên chính phủ được thành lập ngày 15/6/2001 và hiện có 6 thành viên gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. SCO đề ra các nhiệm vụ chính là góp phần hợp tác hiệu quả về mọi mặt giữa các nước thành viên, phối hợp hành động nhằm bảo đảm và duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, góp phần thiết lập một trật tự quốc tế mới dân chủ và công bằng.
Tổng thống Pakistan bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của ông sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước.