Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Câu chuyện nhập siêu: Hai nguyên nhân chính

Câu chuyện nhập siêu: Hai nguyên nhân chính (TBKTSG 12-5-11) -- Bài Phạm Đỗ Chí
(TBKTSG) - Chuyện nhập siêu cao trở lại, sau bốn tháng đầu năm đã lên đến gần 5 tỉ đô la Mỹ, trong đó nhập siêu với Trung Quốc chiếm gần 4 tỉ đô la Mỹ theo thống kê mới nhất, là kết quả khó tránh sau các biện pháp ngăn chặn đầu cơ vàng, giảm việc găm giữ đô la Mỹ và giúp ổn định tỷ giá tiền đồng.
Tiền đồng lên giá từ mức 22.300 đồng/đô la Mỹ, ở đáy thấp nhất trên thị trường tự do vào tháng 2 sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá 9,3% với đô la Mỹ, tới mức 20.500 đồng/đô la Mỹ tuần vừa qua, hay tăng gần 8% giá trị so với đô la Mỹ.

Do tiền RMB (nhân dân tệ) gần như thay đổi rất ít so với đô la Mỹ trong cùng thời gian ngắn, tiền đồng mặc nhiên lên giá khoảng gần 8% so với nhân dân tệ và làm hàng hóa từ Trung Quốc, cả hàng hóa thông thường lẫn máy móc nguyên vật liệu, rẻ đi nhiều trên thị trường Việt Nam. Và tỷ giá mới này khuyến khích thêm nhập siêu từ Trung Quốc. Nếu khuynh hướng này tiếp tục cho cả năm, nhập siêu với Trung Quốc có thể lên tới 12 tỉ đô la Mỹ và sẽ đẩy nhập siêu tổng cộng lên 15 tỉ năm 2011, cao hơn 25% so với năm rồi (ở mức 12 tỉ).
Đây chính là nguyên nhân căn bản khiến người viết bài này nghi ngại khi phát biểu không đồng tình với dự báo chính thức khá lạc quan của vài giới chức, cho rằng cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam sẽ có thặng dư 1-2 tỉ đô la Mỹ vào năm nay.
Ngoài ra, việc giảm lãi suất huy động đô la Mỹ xuống 3% mới đây (cần thiết cho việc làm tăng giá trị tiền đồng để giúp ổn định tỷ giá và làm giảm mặt bằng lãi suất chung trong mấy tháng tới) có thể làm giảm lượng kiều hối độ 1-2 tỉ đô la Mỹ (như chiều hướng đã được thống kê xác nhận trong vài tuần vừa qua).
Cộng chung với nhập siêu dự báo tăng 3 tỉ, cán cân thanh toán năm nay có thể tiếp tục thâm hụt chừng 1-2 tỉ (mặc dù phần sai số có thể giảm đi nhiều), có giảm so với thâm hụt 3 tỉ đô la Mỹ năm 2010.


Trở lại chuyện nhập siêu của Việt Nam, có hai nguyên nhân chính:
1. Nguyên nhân tiền tệ: từ nhiều năm nay lạm phát Việt Nam cao đáng kể so với vùng và thế giới, nhưng tiền đồng luôn được giữ ở mức cao và tỷ giá này đang khuyến khích cho nhập siêu.
2. Do cấu trúc sản xuất hiện tại của nền kinh tế thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ như nhiều nghiên cứu đã nói đến, phần lớn giá trị xuất khẩu là nguyên liệu và trang thiết bị nhập khẩu.
Một trong những nghiên cứu định lượng sâu sắc nhất về vấn đề này là của GS. Nguyễn Thị Cành, dùng bảng phân tích I/O (Input-Output) năm 2005 của Tổng cục Thống kê, để tìm ra rằng Việt Nam chưa có đủ các ngành phụ trợ cần thiết trong sản xuất nên “cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam gồm trên 90% là nhập khẩu phục vụ đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước”.
Đó là lý do quan trọng giải thích tại sao dù xuất khẩu tăng nhanh trong thập niên qua nhưng nhập siêu vẫn đè nặng trong cán cân thanh toán của Việt Nam.
Trong lâu dài, các chính sách thích hợp để giảm nhập siêu sẽ là:
1. Có chính sách vĩ mô thích hợp để duy trì tăng trưởng bền vững, hàm ý giảm lạm phát một cách đáng kể trong trung và dài hạn để vừa đạt được ổn định tỷ giá tương đối vừa tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
2. Nghiên cứu việc thay đổi cấu trúc sản xuất của Việt Nam một cách căn bản, dựa trên việc cập nhật hóa bảng I/O cho cấu trúc mới của các năm 2009-2010 và từ đó suy ra các ngành phụ trợ cần khuyến khích phát triển vững mạnh trong 5-10 năm tới để giảm nhập siêu.


 
(TBKTSG) - Nhập siêu không phải lúc nào cũng là điều đáng lo ngại của một nền kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng nhập siêu của Việt Nam thể hiện nhiều điểm yếu của các chính sách kinh tế. Muốn phần nào giải quyết vấn đề nhập siêu đáng báo động hiện nay thì cần phải vạch rõ những điểm yếu này.
Thứ nhất, tình trạng đầu tư công tràn lan không những đưa đến vấn đề thiếu hiệu quả kinh tế và thâm hụt ngân sách mà còn gia tăng nhập khẩu để đáp ứng cho cầu gia tăng. Ở khía cạnh này, Chính phủ cần phải cương quyết cắt giảm đầu tư công vào những dự án không trọng yếu và đòi hỏi nhập khẩu cao.
Thứ hai, lạm phát do các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng (để thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá) gây ra cũng gây khó khăn cho cán cân thương mại. Khi lạm phát trong nước tăng cao mà tỷ giá chưa được điều chỉnh cho thích hợp thì xuất khẩu sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu cứ phá giá tiền đồng để gia tăng xuất khẩu và giảm bớt nhập khẩu thì lại đưa đến những hệ quả tiêu cực khác, kể cả tác động xấu lên lạm phát. Do đó, kiềm chế lạm phát thông qua việc thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ một cách thận trọng là điều phải thực hiện nếu muốn tránh bớt sự mất ổn định của cán cân thương mại.
Thứ ba, Việt Nam vẫn chưa có những chiến lược hiệu quả để chọn lọc các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước và tạo ra các hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế nội địa. Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm một phần không nhỏ trong tổng nhập khẩu của Việt Nam và chưa đóng góp được nhiều vào nỗ lực phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Do đó, muốn hạn chế bớt nhập siêu thì các nỗ lực sàng lọc các dự án FDI cần phải được tăng cường.
Thứ tư, quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đi đôi với sự gia tăng phân hóa giàu nghèo đáng kể. Một bộ phận đã giàu lên một cách dễ dàng, không đắn đo trong việc mua sắm các mặt hàng xa xỉ nhập khẩu, làm trầm trọng thêm vấn đề nhập siêu. Do đó, Chính phủ nên cân nhắc các biện pháp hạn chế nguồn nhập siêu này, chẳng hạn như đánh thuế tối đa đối với các mặt hàng xa xỉ. Số ngân sách thu được từ nguồn này nên dùng vào việc hỗ trợ các chương trình phúc lợi dành cho người nghèo.
Thứ năm, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược thỏa đáng để khắc phục vấn đề nhập siêu với Trung Quốc. Muốn xoay chuyển tình hình này thì cần phải (a) sử dụng các công cụ chống bán phá giá và trợ cấp đối với một số mặt hàng Trung Quốc và (b) có chiến lược cụ thể để thâm nhập thị trường Trung Quốc cũng như đối phó với các rào cản mà Trung Quốc dựng lên đối với hàng Việt Nam.
Cuối cùng, tình trạng nhập siêu ồ ạt xảy ra cũng một phần là do Việt Nam chưa mạnh tay trong việc bảo vệ các nhà sản xuất nội địa thông qua các công cụ pháp lý được cho phép bởi WTO. Ngoài việc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp, Chính phủ có thể sử dụng “điều khoản giải thoát” (escape clause) của WTO để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trong trường hợp họ bị tổn thương bởi sự gia tăng ồ ạt của nhập khẩu. Hành động này có thể bị trả đũa bởi các đối tác thương mại, nhưng ở một mức độ nào đó nó vẫn cần thiết trong việc giải cứu các ngành chiến lược cho việc phát triển đất nước.

Quá sớm để đánh giá tác động của chính sách
Tình hình xuất nhập khẩu bốn tháng đầu năm 2011 nói chung có khá hơn một chút so với bốn tháng đầu năm 2010, tức là chỉ số tăng xuất khẩu có cao hơn tỷ số tăng nhập khẩu một chút. Điều này có vẻ đáng mừng nhưng chưa hẳn thế. Ta thấy rõ là nhập siêu tháng 4 có giảm so với tháng 3 nhưng là do giảm của khu vực có vốn nước ngoài, còn khu vực có vốn trong nước vẫn tăng.
Cần thấy là Nghị quyết 11 chống lạm phát chỉ ra đời vào cuối tháng 2 và Ngân hàng Nhà nước chỉ nâng lãi suất vào cuối tháng 3, như thế có thể là chính sách chống lạm phát cùng với chính sách phá giá đồng bạc và cắt giảm chi tiêu, nếu có, chưa thực sự có ảnh hưởng.
Với một nền kinh tế chủ yếu là quốc doanh, dựa vào nguồn chi của ngân sách và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất có tác dụng rất ít đến quyết định đầu tư. Điều này chỉ có thể theo dõi qua số liệu về tín dụng và chi tiêu của ngân sách. Nếu quả thật được thực hiện thì thâm hụt xuất nhập khẩu sẽ giảm trong thời gian tới.
Cho nên còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng của chính sách mới với tình hình xuất nhập khẩu vào lúc này, dựa vào số liệu chỉ mới đến tháng 4.
Theo tôi nghĩ, không thể yêu cầu người dân mua hàng thiếu phẩm chất mà giá lại đắt cho nên không nên có biện pháp hành chính ngăn cấm nhập khẩu. Tuy vậy nước nào cũng cần có biện pháp ngăn chặn hàng phi pháp, không đạt tiêu chuẩn an toàn sức khỏe.
Vũ Quang Việt
 
(TBKTSG) - Chỉ riêng vốn đầu tư trong năm 2011 của 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã gần bằng với đầu tư của Nhà nước (bao gồm cả ngân sách, trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp nhà nước) hàng năm. Thực hư ra sao?
Lãnh đạo Tổng công ty Xây lắp Dầu khí thuộc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có vẻ đặc biệt cầu thị. Chỉ một ngày sau khi các vị đại biểu Quốc hội truy hỏi về đầu tư của tập đoàn trong phiên họp toàn thể cuối tháng 3 vừa rồi, họ đã tổ chức họp báo công bố kế hoạch cắt ngọn tòa nhà PVN Tower dự kiến cao nhất Việt Nam, từ 102 tầng xuống còn 79 tầng với vốn đầu tư giảm tương ứng từ 1 tỉ đô la Mỹ xuống còn 600 triệu đô la. Trong một động thái tương tự, lãnh đạo PVN nhanh nhạy không kém.
Cuối tháng 4 vừa rồi, PVN cũng cam kết cắt giảm gần 6.600 tỉ đồng để hưởng ứng yêu cầu cắt giảm đầu tư công của Chính phủ nhằm đối phó với lạm phát. Đó là một con số đáng kể so với số vốn 3.500 tỉ đồng PVN nhận được để tái đầu tư sau những tranh luận gay gắt tại Quốc hội, cũng như so với tổng vốn đầu tư 105.000 tỉ đồng dự kiến cho năm 2011.
Cho dù còn nhiều điều đáng bàn thêm, những động thái trên của PVN cho thấy tập đoàn này đang hướng đến lộ trình minh bạch hơn với các khoản đầu tư của mình - vốn được xem là thuộc sở hữu toàn dân. Song với người dân lộ trình này xem ra khó hoàn thành và còn rất xa vời. Không ít vị đại biểu Quốc hội khóa 12 đã tận dụng mọi cơ hội có được tại các phiên thảo luận ở hội trường, cũng như ở tổ để bày tỏ băn khoăn về khu vực kinh tế đầu tàu này. Một số đại biểu cho biết họ có được rất ít thông tin về khu vực doanh nghiệp nhà nước - vốn đã phình to từ năm 2006 tới nay.
Ngay cả cuộc gặp của Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty hồi đầu năm nay cũng không có số liệu đầu tư của khu vực này. Tuy nhiên, theo số liệu chính thức từ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Cao Viết Sinh, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước năm 2010 là 70.800 tỉ đồng, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tăng 14% so với năm 2009. Con số này dường như có sức thuyết phục với nhiều người.
Song mọi thứ đã khác đi khi một báo cáo gần đây của Bộ KH&ĐT được công bố về việc cắt giảm đầu tư công nhằm kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Báo cáo này cho biết, 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước “đã phân bổ” số vốn đầu tư phát triển lên đến gần 350.000 tỉ đồng, tức khoảng 17,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011. Như vậy, con số này gấp gần 5 lần so với số vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong năm 2010.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá, người phụ trách tổ công tác giám sát cắt giảm đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Bộ KH&ĐT cho biết bản thân ông cũng “thấy lạ” với con số này. Ông nói: “Rất nhiều người hỏi tôi, sao con số này lớn thế; nhưng tôi luôn trả lời, đó là con số thực và tôi không bịa ra”.
Một câu hỏi đặt ra là con số 17,5 tỉ đô la Mỹ của 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước “đã phân bổ” để đầu tư trong năm nay lớn như thế nào? Để hình dung sơ bộ, hãy đặt con số đó trong tương quan với tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm.
Theo CIEM, tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP lên tới 41,5% năm 2008, 42,7% năm 2009 và 41,9% năm 2010. Nói một cách sơ lược nhất, khoảng 42 tỉ đô la Mỹ được tung vào đầu tư mỗi năm kể từ năm 2008, khi GDP nền kinh tế vượt ngưỡng 100 tỉ đô la. Bên cạnh đó, vẫn theo CIEM, trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư của nhà nước chiếm tới 33,9% năm 2008, 40,6% năm 2009 và 38,1% năm 2010. Các chỉ số này cho thấy, hàng năm vốn đầu tư của Nhà nước vào khoảng gần 40% của 42 tỉ đô la Mỹ, tức vào khoảng 18,9 tỉ đô la.
Như vậy, chỉ riêng vốn đầu tư của 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã gần bằng với đầu tư của Nhà nước (bao gồm cả ngân sách, trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp nhà nước) hàng năm.
Đó là một con số lớn đến mức khó tin.
Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng ở đó. Một quan chức của Bộ KH&ĐT cho rằng, nếu tính đủ đầu tư của khoảng 80 tổng công ty nhà nước khác (hiện có khoảng 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước) con số đầu tư của khu vực kinh tế này có thể lên đến 30-40 tỉ đô la Mỹ hàng năm.
Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn cũng hết sức kinh ngạc với con số 17,5 tỉ đô la Mỹ mà 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã phân bổ để đầu tư cho năm nay.
Ông nói: “Con số rõ ràng là quá lớn”. Như vậy, theo ông, cần xem lại phần đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước công bố lâu nay. Ông nói: “Bây giờ qua kiểm tra mới thò ra con số như vậy, nghĩa là Chính phủ không nắm được, Bộ KH&ĐT không nắm được; hoặc là các tập đoàn tổng công ty giấu giếm không báo cáo”.
Ở một góc độ khác, 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cam kết đình hoãn, giãn tiến độ tới hơn 39.000 tỉ đồng trong năm nay. Thứ trưởng Cao Viết Sinh khẳng định số vốn đó “không phải vốn nhà nước cả”, mà còn bao gồm vốn đi vay và vốn từ các công ty thuộc thành phần kinh tế khác.
Tuy vậy, ông Sinh đã không trả lời câu hỏi, vì sao các tập đoàn này có thể đưa số vốn góp của các công ty thuộc thành phần kinh tế khác vào danh sách vốn đầu tư phát triển mà chính các tập đoàn này “đã phân bổ” để đầu tư cho năm nay, rồi sau đó dễ dàng tuyên bố cắt giảm như là thành tích để chống lạm phát. Song ít nhất, Bộ KH&ĐT cũng cho biết: “Phần lớn các dự án đình hoãn này là đầu tư vào trụ sở, văn phòng, mua sắm trang thiết bị đắt tiền không trực tiếp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính”.
Tòa tháp PVN Tower đã được tuyên bố cắt giảm 400 triệu đô la Mỹ từ đầu năm, nhưng cho đến nay, không rõ liệu nó có được tính vào danh sách dự án cắt giảm của PVN hay không. Ông Vũ Quốc Tuấn nói: “Tôi thấy có vấn đề về tính minh bạch tài chính của các tập đoàn, tổng công ty. Nên nhớ, đây chính là tiền thuế của dân”.
22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước ”đã phân bổ” số vốn đầu tư phát triển lên đến gần 350.000 tỉ đồng, tức khoảng 17,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011. Như vậy, con số này gấp gần 5 lần so với số vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong năm 2010.
 
 
 

Tổng số lượt xem trang