LTS: Truyền thông Việt Nam cho hay, có khoảng 250 ngàn người trong 7 huyện của tỉnh Thanh Hóa đang đối mặt với cái đói. Ðó là các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân và Như Xuân. Cái đói đang hiện diện và rình rập 1/4 triệu người là bởi hạn hán làm thất mùa, nhưng nguyên nhân chính vẫn là người nông dân đang mất dần đất canh tác. Cộng tác viên Liêu Thái của Người Việt vừa có chuyến đi đến các địa phương bị đói của tỉnh Thanh Hóa và gởi về loạt phóng sự này.
THANH HÓA - Như Xuân là một huyện nằm dọc theo đường Trường Sơn, có thể nói, chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy cái nghèo, cái đói đến độ tả tơi, rách nát như ở đây.
Ba mẹ con Bùi Thị Lợi dưới mái nhà dột nát. (Hình: Phi Khanh/Người Việt) |
Nhìn đâu cũng thấy đói nghèo
Ba giờ chiều, chúng tôi đến thôn Xuân Thượng, xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân. Ðến đây, có thể nói một câu ngắn gọn: Bốn bề, nhìn đâu cũng thấy đói nghèo!
Nhìn thấy hai đứa nhỏ đang ngồi trước mái hiên nhà tranh rách tươm, ủ rũ nhìn ra đường, chúng tôi ghé vào thăm. Hai đứa nhỏ nhìn thấy người lạ, chúng hốt hoảng chạy vào nhà, chừng vài phút sau, một người phụ nữ xuất hiện, cô mời chúng tôi vào nhà.
Trong nhà trống hoác, nhìn quanh, không thấy gì ngoài một cái bàn ọp ẹp, hai cái ghế cũng ọp ẹp không kém, bốn vách nhà bằng phên nứa đã thủng lổ chổ, một cái giường tre và một cái bếp chỉ bắc trên đó độc nhất một cái ấm nước, bên cạnh bếp là một chai nước mắm loại xoàng nhất và hai cái nồi treo chỏng vơ trên vách.
Như muốn giải thích cho sự nghèo khó của mình, cô gái tên Bùi Thị Lợi, mẹ của hai đứa bé nói: “Anh chị lên lúc này không đúng bữa cơm nên em đã dọn hết bếp rồi, không có chi cho anh chụp hình cả, chứ lúc nãy em có nấu cơm thì nhìn nó đẹp hơn...”
Tôi hỏi: “Anh đi đâu rồi chị?” Lợi nói: “Dạ ảnh đi làm thuê dưới miền xuôi rồi, nhà làm nông, mùa này không có lúa để gặt nên xuống dưới xuôi làm thuê.”
Lợi cười buồn: “Bọn em mới ra riêng được 5 năm nay, chưa có gì cả, xe đạp còn chưa có để đi mà làm gì dám mơ đến xe máy chứ. Cố gắng làm ăn tu bổ lại cái nhà cho bớt dột đã rồi tính tiếp, có làm gì đâu ngoài chuyện ruộng đồng, rồi khoai sắn, rồi lại lên rừng kiếm củi bán lấy tiền đi chợ, tiền đâu mà dám mơ...”
Hỏi thăm mỗi ngày nhà Lợi đi chợ bao nhiêu tiền, Lợi cười: “Tụi em mỗi tháng đi chợ ba lần thôi, chủ yếu là ăn rau rừng, nấu cơm, chan nước mắm và hái một ít rau rừng ăn là qua ngày rồi, lâu lâu xuống chợ mua một bữa cá, một ít thịt cho mấy đứa nhỏ khỏi bị thèm ăn là đủ rồi, mỗi lần đi chợ em mua cả năm, sáu chục ngàn đồng luôn cho mấy đứa nó ăn cho đã thèm đó anh chị à!”
Chưa thấy ký gạo cứu trợ nào...
Tôi hỏi thêm: “Vậy nhà mình đã nhận được gạo cứu trợ chưa?” Lợi lại lắc đầu: “Dạ chưa thấy gì anh ạ, đâu thấy gì đâu. Nghe nói có cứu trợ từ năm ngoái, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thấy gì, nhà em đã nợ gạo của chủ đại lý gần bốn chục ký rồi, đợi tới mùa gặt mới bán lúa cho ông bà ấy mà trừ nợ.”
Lợi cho biết, nhà cô làm ba sào lúa (1,500m2) trên bìa rừng, mỗi năm làm hai vụ, đất khô cằn nên chẳng có bao nhiêu lúa, ngoài lúa, nhà cô còn làm thêm mấy sào khoai mì nhưng bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Ở đây, bà con ai cũng vậy. Ðược chừng ấy đất và cứ quanh quẩn chừng ấy đất rồi lại đi làm thuê, xuống xuôi, vào Nam mà kiếm ăn...
Lang Chánh, cán bộ nuốt gần hết phần cứu trợ
Chúng tôi đến huyện Lang Chánh khi trời xế chiều, hai bên đường là rừng núi vắng hoe, một người đàn bà tay bị tay xách đi ăn xin đang trở về làng sau một tuần hành khất dưới phố. Bà cho biết mình tên Hoa, khai tên theo tiếng Kinh, bà là người dân tộc Tày, đã hơn năm đời bám rừng bám núi ở xã Yên Khương, bỏ hẳn du canh du cư. Nhưng càng bám rừng thì càng đói.
Nhà bà Hoa có ba người con, họ đã bỏ làng đi từ mười năm trước, bà sống một mình, kể từ ngày họ ra đi, bà không nhận được tin tức gì. Bà chỉ biết cày xới trên mấy thửa ruộng bậc thang, tổng cộng diện tích chưa đến 500m2, trước đây thì có nhiều ruộng nhưng do con bà đi hết nên người ta thu hồi đất, chia cho người khác. Mà bây giờ nếu có đất bà làm cũng không nổi, tuổi cao, sức yếu, bà đành mang bị đi ăn xin.
Hai mẹ con bà Hơn và cô Hằng đang cuốc cỏ cái vườn sắn được đầu tư hơn 10 triệu đồng bởi nguồn tiền xóa đói giảm nghèo. (Hình: Phi Khanh/Người Việt) |
Bà Hoa bảo rằng, có nhiều người đi ăn xin nhưng không phải cả làng. Nhưng với đà này, lúa gạo làm không ra, đất thì không có, nhà nước nói là cứu trợ nhưng thật ra khi về đến tay dân thì không còn gì nữa...”
“Nói cho có vậy, mấy mươi năm sống ở đây, tôi kinh nghiệm lắm rồi. Nói là cho mỗi người một bịch muối, gửi tiền về, nhưng thay vì tính một bịch muối trị giá ba ngàn đồng theo giá ngoài chợ thì lại tính lên bảy ngàn đồng. Khi nói thì cho con bò, nhưng nhận thì còn bằng cái đuôi bò, thì kệ, cứ có mùi bò cũng được!” Nói xong, bà Hoa lắc đầu, thở dài.
Bà con huyện Lang Chánh tuy gặp thời tiết hạn hán, không được mùa, trúng vụ, nhưng vẫn chưa có chuyện mất trắng mùa nào, ít ra thì cũng gặt được một ít lúa đắp đổi qua ngày. Nhưng kể từ ngày đất rừng không còn được tự do khai thác, đất rừng đã qui hoạch thành vườn, thành trang trại của các cán bộ về hưu, cán bộ xã, huyện... thì đời sống của bà con lâm vào khó khăn, đói kém bởi không còn đất để canh tác.
Và khi bà con mất hết mọi thói quen sinh hoạt thường nhật, mất thói quen khai phá nương rẫy, vào rừng săn bắt, cái đói cận kề thì nhà nước hô hào cứu trợ. Nhưng chuyện cứu trợ nghe to tát, bà con nhận được chẳng bao giờ đủ sống qua mươi ngày, nửa tháng.
Ðổi mới sản xuất, càng thêm đói
Ở xã Lương Thiện nhà nhà im ỉm đóng cửa. Mà nói là cửa cho sang chứ thật ra đó là nhánh gai tre vắt tạm qua trước sân để cho người khác biết là chủ không có ở nhà.
Nhìn thấy hai người đàn bà đang lúi húi cuốc cỏ dưới vạt khoai mì, chúng tôi dừng lại chụp hình. Hai người ngước lên nhìn chúng tôi rồi nói to: “Chụp hình làm chi, đăng báo làm chi, cứ nói lung tung nhặng xị mà đói cứ đói. Chụp xong có cho tiền không mà chụp!”
Cô Hằng năm nay 22 tuổi, có chồng và hai con, bà Hơn là mẹ cô Hằng, 56 tuổi.
Bà Hơn nói rằng vườn khoai mì (bà gọi là sắn) này không phải của bà mà của đứa con gái đầu của bà, nó 25 tuổi, đang làm công nhân trong công ty trầm, trong nhà, nó là đứa giàu nhất, mỗi tháng tiền lương được hơn một triệu đồng, chứ như mẹ con bà ở đây, mỗi ngày kiếm được cao nhất cũng là 50 ngàn đồng mà làm đến chảy máu mắt, làm từ sớm tinh mơ cho đến chiều tà. Mỗi tháng giỏi lắm người ta cũng nhờ mình làm chừng mươi ngày là cùng, năm trăm ngàn trước đây còn dành dụm được chứ bây giờ thì không dám ra chợ, thứ gì cũng đắt đỏ.
Hỏi về chuyện lúa mất mùa, bà Hơn nói: “Lúa không năm nào mất trắng nhưng đói thì cứ đói. Vì bây giờ không còn đất để trồng!” Tôi hỏi: “Vậy nhà nước cứu trợ như thế nào? Và cháu nghe nói nhà nước có chương trình xây dựng đời sống mới, hỗ trợ vốn cho bà con nghèo dân tộc miền núi?”
Bà Hơn lắc đầu, thở dài: “Có chứ, người ta mang máy cày lên đây cày đất cho chúng tôi trồng sắn, cho chúng tôi hom sắn (giống cây sắn). Cũng mang ơn lắm. Nhưng chúng tôi thấy lạ quá, làm gì mà một miếng ruộng sắn như thế này, tính tiền công cày và tiền giống lên đến cả chục triệu đồng. Ðến khi chúng tôi thu hoạch thì giỏi lắm cũng được một triệu đồng là cùng, nếu tính như vậy thì đưa tiền cho chúng tôi tự làm thì còn dư một khối tiền để sinh sống. Ðó là chưa nói đến họ làm xong thì chừng một tháng sau đã mọc đầy cỏ, chúng tôi phải làm lại... Ðây nè, chúng tôi đang cuốc cỏ đấy thôi!”
Lang Chánh là một huyện có nhiều gỗ rừng loại quí vào bậc nhất Tây Bắc Việt Nam. Nhiều hộ dân sống ngay trên vùng danh mộc, thậm chí trong vườn của họ có nhiều cây gỗ lâu năm như Liêm, Pơmu, Lát hoa, Dỗi... Nhưng họ chưa kịp khai thác thì đã có lệnh di dời. Và nếu số gỗ đó được khai thác, họ có thể kiếm được tiền tỉ, chuyện nghèo đói sẽ thành chuyện xưa.
Và khi họ đi, số danh mộc đó sẽ thuộc về chủ mới, phải hiểu chữ ‘chủ mới’ ở đây là cán bộ lên khai thác rừng và những nhà “đầu tư” mang máy cày, máy ủi, máy xúc lên đây!
Khi cán bộ làm chủ nợ dân nghèo
Dường như, người dân Lang Chánh chỉ có một lựa chọn duy nhất: Nghe theo chỉ bảo của cán bộ. Mà ở đây, cán bộ là ai? Là những người cố gắng làm sao để cắt xén, lấy đi nhiều nhất những quyền lợi của bà con dân nghèo từ cây gỗ trong vườn cho đến những phần gạo cứu trợ.
Cái bếp lạnh tro của nhà con gái bà Hơn, người mà bà cho là giàu nhất trong các con của bà. (Hình: Phi Khanh/Người Việt) |
Lời ông Ph., một cán bộ thương mại về hưu, hiện đang là chủ nợ của rất nhiều bà con nghèo trong huyện Lang Chánh: “Họ nợ mình, mình phải có biện pháp lấy cho được tiền nợ. Còn chuyện cây rừng, ai thông minh hơn thì người đó làm chủ, có gì để nói đâu, thì năm nay cũng có cứu trợ đó, hôm Tết đó, mỗi khẩu (miệng ăn) được cấp cho 5kg gạo. Mỗi mái nhà chỉ được nhận 5 người, quá thì không cho, như vậy là quá nhân đạo rồi chứ còn gì!”
Tôi hỏi: “Vậy trường hợp một hộ có tới 10 khẩu hoặc hơn thì làm sao?” Ông Ph. nói: “Cũng cho nhận 5 người thôi, không có hơn đâu!”
Hỏi thêm chuyện ông Ph., chúng tôi được biết, dân làng ở đây hiện đang nợ ông khá nhiều, có nhà đã nợ lên đến gần trăm ký gạo. Vẫn chưa có hạt gạo cứu trợ nào cho bà con.
Và chuyện cứu trợ là chuyện của nhà nước, càng chậm cứu trợ, những người như ông Ph. càng có lợi. Bằng chứng là nhìn vào cái nhà đồ sộ với hàng chục bộ bàn ghế bằng lõi gỗ quí của ông Ph., rồi nhìn lại những căn nhà lụp xụp của bà con trong bản thì sẽ nhận ra đâu là thế lực, đâu là đói khổ, thấp cổ bé họng trong huyện này! (Còn nữa)
* Kỳ tới: Nỗi lòng người đi ăn xin, nỗi lòng người ở lại...
Thanh Hóa đối mặt với cái đói Kỳ 1: Ðói dài nhiều năm vì mất đất
Phóng sự của Liêu Thái/Người Việt
LTS: Truyền thông Việt Nam cho hay, có khoảng 250 ngàn người trong 7 huyện của tỉnh Thanh Hóa đang đối mặt với cái đói. Ðó là các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân và Như Xuân. Cái đói đang hiện diện và rình rập 1/4 triệu người là bởi hạn hán làm thất mùa, nhưng nguyên nhân chính vẫn là người nông dân đang mất dần đất canh tác. Cộng tác viên Liêu Thái của Người Việt vừa có chuyến đi đến các địa phương bị đói của tỉnh Thanh Hóa và gởi về loạt phóng sự này.
Có lẽ, trong lúc này, nói chuyện về nơi có quá nhiều người bị đói khi tôi đang ngồi trong một nhà trọ loại trung bình, có Internet Wifi tại một thị trấn vùng ven của tỉnh Thanh Hóa nghe như có vẻ kỳ cục và khó tin, nhưng đó lại là sự thật.
Người nông dân trong căn bếp tồi tàn chuẩn bị cho bữa ăn ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. (Hình: Phi Khanh/Người Việt) |
Cái ấn tượng nghèo, cúp điện, cả một đoạn đường dài dọc quốc lộ 1A trên địa phận tỉnh Thanh Hóa bay toàn mùi bụi đất và mùi khoai lang luộc, khoai mì luộc và đi ngang qua những dãy nhà thấp lè tè, đóng cửa im ỉm, không thấy đèn đóm, cứ rờn rợn cảm giác bóng ma đói lịch sử 1945 đang quanh quẩn đâu đây...
Chúng tôi đến địa phận Thanh Hóa vào lúc 6 giờ chiều. Lúc này, không còn nhìn thấy người ăn xin ngoài đường, thỉnh thoảng, vài chục thanh niên đua xe, rồ ga, bóp còi inh ỏi phóng dọc theo đường 1A, người hai bên đường dạt vào lề tránh đường, xe cộ chạy loạn xạ.
Chị H., chủ quán trên đường 1A, đoạn đi qua huyện Quảng Xương cho biết, nửa tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 đến 15 người ăn xin ghé quán chị. Ðó là những người có nhà cửa đường hoàng. Có nhiều người không nhà cửa, suốt đời đi làm thuê, họ ghé quán vài chục lần xin đủ tiền thì đón xe vào Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Ðà Nẵng để xin ăn, làm thuê tứ xứ...
Những người lao động đang ì ạch bốc đá dưới cái nắng như đổ lửa... (Hình: Phi Khanh/Người Việt) |
Chị H. nói: “Thật ra, nhà hàng của tui cũng khó khăn lắm. Ðể họ ngửa tay xin thì mất khách, mà đuổi họ đi thì cũng không đành. Gần đây, họ kéo đến ngày càng đông bởi mất mùa. Biết làm sao bây giờ!”
Theo chị H.: “Họ tập trung ở các chợ rất đông, ở một số chợ bảo vệ được lệnh cấm họ vào. Ðợi bảo vệ ngó lơ, họ lại vào trước cổng chợ xin người qua lại...”
Hỏi tin về các địa phương có người bị đói, chị H. cho hay: “Nếu đến các huyện thì sẽ gặp họ, nhưng chắc chắc là những người già không đủ sức đi đâu xa và trẻ em chưa biết xin ăn nên được ở nhà để ‘coi nhà.’”
Lúc này, người chủ quán cũng bắt đầu ngủ gật, tôi nhìn sang tấm biển, không nín được cười bởi cái quán thì bé tẹo, vài ba bộ bàn ghế xiêu vẹo, thức bán thì có mấy món như phở, cơm, cháo gà, vài ba thứ quà vặt bán cho người qua đường. Nhưng biển là ghi “Nhà hàng Tuấn Tú.”
Hỏi thăm tại sao để bảng là nhà hàng. Chị H. cười: “Ðể vậy thì mới đông khách, và giảm bớt ăn xin tới lui, vùng này ăn xin nhiều lắm. Không những mất mùa mới có nhiều như năm nay đâu. Ðây là cái lò ăn xin của cả nước. Mùa nào mà chẳng có người xin ăn. Không tin, ngày mai chú đến các huyện rồi biết họ nghèo cỡ nào!”
* Những người mất đất ở làng Cáy, huyện Thường Xuân
Ðến ngã ba Voi, rời quốc lộ 1A, đi chừng 30km gặp đường Trường Sơn, quẹo phải và men theo đường này chừng 60km, rẽ vào khu xóm núi, qua vài con đường nhựa lồi lõm ổ gà, chúng tôi đến huyện Thường Xuân.
Ðây là huyện được xếp vào diện nghèo nhất trong 61 huyện nghèo của Việt Nam.
Ðiều làm chúng tôi ngạc nhiên là trên các báo đài đều đưa tin huyện này bị mất mùa, bà con không có lúa gạo ăn, nhưng nhìn ra những cánh đồng xanh mướt hai bên đường, các nông trường mía bạt ngàn màu xanh, chúng tôi luôn bị cảm giác ngờ ngợ mình đi lầm đường và hỏi thăm nhiều lần.
Bà cụ này đang ngồi ngóng con đi làm công nhân bốc đá trên đập thủy điện, đã 12 giờ trưa, bà vẫn chưa có gì bỏ vào bụng. (Hình: Phi Khanh/Người Việt) |
Cuối cùng, chúng tôi tin rằng mình đã đến làng Cáy, thôn Trung Nghĩa, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân.
Một cái làng nghèo nhất nước.
Ghé vào một quán nước bên đường, đây cũng là nơi các thanh niên dân tộc thiểu số lao động bốc đá cho công trình thủy điện Cửa Ðạt hay ra ngồi uống nước. Sau một hồi làm quen, người chủ quán cho biết anh cũng là chủ nợ của 45 hộ dân ở đây, cứ hằng tháng, dân làng ra cân gạo nợ, đến cuối vụ lại bán lúa cho anh để trừ nợ. Nhưng năm nay thì có khác.
Khác ở chỗ năm nay dân làng không thể trả lúa trừ nợ như mọi năm bởi đất của họ không còn nữa.
Anh Huy (tên người chủ quán) cho biết: “Công trình thủy điện mọc lên, bà con đã nghèo càng thêm nghèo bởi không còn đất để canh tác, dân ở đây phần lớn vào miền Nam làm thuê, đi làm tứ xứ, có người đi đào vàng ở miền Trung, nói chung nghèo mà ở đây thì chỉ có chết đói!”
Một ngôi nhà của đồng bào Thái Ðen, ở đây, lấp ló trong rừng chỉ toàn là nhà kiểu này. (Hình: Phi Khanh/Người Việt) |
Giữa cái nóng 39, 40 độ C, gần 12 giờ trưa, người lao động mồ hôi nhễ nhại bốc từng viên đá hộc nặng cỡ 30, 40kg lội ngược dốc từ lòng hồ chứa lên đến bờ đập, dốc cao chừng 30 mét.
Một phụ nữ làm việc ở đây cho biết: “Chúng tôi là dân làng, thuộc dân tộc Thái Ðen, chúng tôi không có đất, phải đi làm thuê hoặc vào rừng hái củ mài bán mua gạo. Cũng may còn có công trình để mà bốc đá, mỗi ngày, không biết rồi trụ được bao lâu đây nữa!”
Công trình thủy Ðiện Cửa Ðạt có dung lượng chứa nước lớn nhất Việt Nam (1.45 tỉ m3) khi đi vào hoạt động. Diện tích và lưu lượng của nó còn lớn hơn cả hồ Dầu Tiếng của Tây Ninh.
Khi xây dựng đập Cửa Ðạt, các hộ dân tộc thiểu số phải di dời có đền bù. Số tiền đền bù đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của họ lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng. Vậy sao họ lại nghèo?
Một thầy giáo tên N. buồn rầu nói: “Dân nghèo bị lừa anh à. Họ vừa nhận được tiền đền bù đất thì có một đám đầu nậu số đề ở Hà Nội lên đây xây dựng bản doanh ngay tức khắc. Công việc của họ là bủa người ra rủ bà con chơi đề. Chỉ trong vòng ba tháng, những người có tiền đền bù đất đã phải đi mua gạo nợ, rồi đi đào củ mài, đi bốc đá thuê cho công trình đập thủy điện.”
“Cái điều vô lý nằm ở chỗ nơi này là nơi mà bất kỳ ai nói xấu đảng Cộng sản, thì chỉ trong vòng nửa giờ sau đã bị mời lên công an răn đe. Vậy mà các chủ số đề lên đây ba tháng, không thấy họ hề hấn gì, thậm chí họ ung dung đi nhậu với cán bộ, quan chức ở đây. Tụi nó xem công an là bạn và những người được đền bù đất là con mồi béo bở. Ðau thật! Không có ông trời, không có thiên tai nào hại bà con đâu, anh cứ nhìn ra ruộng đồng cây cối xanh mướt thế kia thì làm sao mà thiên tai được, con người hại con người anh à!”
Trầm ngâm một chút, N. tiếp tục: “Trước đây, bà con tuy có đất nhưng cũng không ra gì, phần lớn vẫn là đất rừng nhà nước, họ không được đụng đến, giỏi lắm mỗi hộ được vài sào đất làm ruộng, hộ nào khá lắm thì năm sào là cùng. Anh thử nghĩ làm nông, sống quanh năm dựa vào hạt lúa, cây bắp, mà mỗi năm thu nhập chưa đến 5 triệu đồng cho gần 10 người ăn ở thì không nghèo đói mới là lạ. Nhưng dù sao thì cũng đỡ hơn chuyện bây giờ họ mất trắng, nhà cửa không có, nghề nghiệp không có, tiền bạc không có.
Khó mà tin được họ không đi ăn mày!
(Còn tiếp)
Kỳ tới: Căn bếp lạnh dưới mái nhà rách nát ở huyện Như Xuân