Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng

-Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 15
Ngọc Thu dịch
CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)
Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng
07-04-1967
Mô tả: Đề nghị của Liên Xô gia tăng viện trợ cho Việt Nam, qua ngả Trung Quốc.

Phạm Văn Đồng: Các đề nghị của [Liên Xô] là: (1) Trung Quốc tăng hạn ngạch cho các lô hàng viện trợ của Liên Xô giúp [Việt Nam] qua ngả Trung Quốc từ 10.000-30.000 tấn một tháng. Nếu cần, Liên Xô sẽ gửi một số đầu máy xe lửa tới Trung Quốc. (2) Trung Quốc dành riêng 2 hoặc 3 cảng ở miền Nam để giao hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam. Nếu cần nhiều thiết bị hơn cho các cảng này, Liên Xô sẽ trả tất cả chi phí (*).

(*) Chu Ân Lai có trả lời vấn đề này trong buổi thảo luận ngày 10-04-1967.

Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp (1)
07-04-1967
Mô tả: Chu Ân Lai nhận xét về tính cách quân sự của Mỹ.

Chu Ân Lai: Kinh nghiệm và truyền thống Mỹ dựa trên cuộc chiến giành độc lập, mà họ đã chiến đấu 190 năm trước. Cũng có cuộc nội chiến cách nay gần 100 năm. Suốt thời Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến, họ đạt nhiều [chiến thắng] ở giai đoạn cuối. Trong Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ đã đổ bộ [vào châu Âu] vào lúc Hitler đã suy yếu đáng kể. Họ sử dụng nhiều pháo binh, như thể họ đang tiến hành tập trận. Người chỉ huy ở mặt trận phía Tây lúc đó là Eisenhower, và tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ là [tướng George C.] Marshall. Marshall rất tự hào về kế hoạch đổ bộ dài hàng trăm trang. Có lần tôi hỏi ông ta đã đọc bản kế hoạch đó chưa. Ông ta nói rằng ông ta chỉ đọc đề cương. Mỗi phần [đề cương], ông ta chỉ đọc phần có liên quan đến ông ta.
Ghi chú:

1. Võ Nguyên Giáp (1912 -) là người thành lập đơn vị đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 1944 và giữ chức Tổng Tư lệnh trong suốt chiến tranh Đông Dương. Suốt thập niên 1960 và gần suốt thập niên 1970 ông là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Văn Tiến Dũng được cho là đã thay thế ông làm Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tư lệnh vào năm 1980, nhưng theo từ điển quân đội, xuất bản năm 1996 tại Hà Nội nói rằng, ông Dũng đã thay thế [ông Giáp] từ đầu năm 1978. Nếu điều này chính xác, thì ông Giáp không chịu trách nhiệm về quyết định xâm chiếm Campuchia, hoặc bảo vệ Việt Nam chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc năm 1979. Ông Giáp vẫn còn trong Bộ Chính trị Đảng CSVN cho đến năm 1982 và còn chức ủy viên Trung ương Đảng cho đến năm 1991.
2. Đây là cuộc họp thứ ba giữa phái đoàn Trung Quốc và Việt Nam, trong cuộc họp này, Võ Nguyên Giáp đã mô tả tình hình quân sự ở Việt Nam và mục tiêu chiến lược của Mỹ. Hai cuộc họp đầu tiên được tổ chức từ 11:30 sáng (không rõ kết thúc lúc mấy giờ) và từ 3:30-06:30 chiều ngày 29 tháng 3 năm 1967. Phái đoàn Việt Nam đã đi thăm Liên Xô và sau đó trở về Bắc Kinh.
Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp (2)
07-04-1967

Mô tả: Chu Ân Lai củng cố cam kết của ông ta và của Trung Quốc đối với cuộc chiến tại Việt Nam, mặc dù ông ta gần bảy mươi tuổi.

Phạm Văn Đồng: Một số chiến lược chúng tôi đang áp dụng ở chiến trường miền Nam Việt Nam là làm theo những điều các ông đề nghị với chúng tôi trong quá khứ. Điều này cho thấy chiến lược quân sự của chúng tôi, cũng như của các ông, là đúng đắn, và cũng có những diễn biến mới.
Chu Ân Lai: Không chỉ có các chiến lược của các ông có những diễn biến mới, mà còn có những sáng tạo mới. Những người đến muộn trở thành người tới trước. Đây là điều Chủ tịch đã nói. Tôi viết cho các ông vài lời: những người đến muộn trở thành người đến đầu tiên. … Chúng tôi đã không đánh một cuộc chiến nào trong suốt 14 năm. Cả ba chúng tôi đã già rồi. Tôi gần bảy mươi tuổi rồi. Đồng chí Diệp Kiếm Anh (2) bảy mươi tuổi rồi. Đồng chí Trần Nghị thì sáu mươi bảy tuổi. Chúng tôi vẫn muốn đánh, nhưng chúng tôi không còn nhiều thời gian.
Diệp Kiếm Anh: Đó là quy luật của tự nhiên.
Chu Ân Lai: Mặc dù tôi đã già, nhưng tham vọng của tôi vẫn còn đó. Nếu cuộc chiến ở miền Nam không kết thúc trong năm tới, tôi sẽ đến thăm các ông và quan sát xung quanh.
Diệp Kiếm Anh: Con ngựa già ở trong chuồng vẫn mơ đến những thành tích anh hùng; trái tim của một người anh hùng lúc tuổi già của ông ấy kiên cường hơn bao giờ hết.
Chu Ân Lai: Chủ tịch Mao đã trích dẫn những [lời này] từ một bài thơ của Tào Tháo (3) trong một bức thư gửi cho đồng chí Vương Quan Lan (4). Một nhân vật lịch sử trong thời kỳ phong kiến ​​vẫn có khát vọng của mình, còn chúng ta, những người vô sản, thì sao?
Ghi chú:
1. Đây là cuộc họp thứ tư giữa phái đoàn Trung Quốc và Việt Nam. Võ Nguyên Giáp bắt đầu cuộc họp bằng cách tiếp tục giới thiệu về tình hình quân sự ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam và chiến lược của Việt Nam.
2. Diệp Kiếm Anh: là phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCS Trung Quốc và là ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSTQ.
3. Tào Tháo: là một chính trị gia và là lãnh chúa thời Tam Quốc của Trung Quốc (thế kỷ thứ 2-3).
4. Vương Quan Lan: là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phó Trưởng ban Nông thôn (deputy head of the Rural Affairs Department) thuộc Trung ương ĐCS TQ. Ông bị bệnh tật kinh niên hồi thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, và Mao đã viết một lá thư khuyên ông ta nên kiên nhẫn trong việc đối phó với bệnh tật của mình.
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Tổng số lượt xem trang