Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Chuyện ở làng ung thư “nổi tiếng” nhất Việt Nam: Chị ấy có 12 người thân bị ung thư…

-Chuyện ở làng ung thư “nổi tiếng” nhất Việt Nam: Chị ấy có 12 người thân bị ung thư… 
Phóng sự của: Diệu Thanh
Tôi tin, bạn có thể hỏi bất cứ ai, từ quan chức cao nhất của Bộ Tài nguyên môi trường, đến các nhà khoa học, đến “quan đầu tỉnh” Phú Thọ, đến người dân hoặc giả bạn serach (tìm kiếm) trên mạng google, thì chắc chắn, cái “làng ung thư” được biết đến nhiều nhất nước Việt Nam ta, phải là “Thạch Sơn”. Nói là Thạch (đá) với Sơn (núi), nhưng làng lại rất trung du, bằng phẳng, vốn cũng bờ xôi ruộng mật ở trung tâm đồng bằng sông Hồng thôi. Nó thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, cách đê Cái sông Hồng có một tẹo. Thế rồi sự tàn độc của người ta với môi trường đã đẩy Thạch Sơn vào “biệt hiệu”: Làng Ung Thư.
Nói đến Thạch Sơn, ai cũng ồ lên, Làng Ung Thư chứ gì. Một kỷ lục Việt Nam được lập tại đây: có nhà chết không còn ai vì ung thư (K), có người đàn bà như Nguyễn Thị Việt thờ 12 người chết vì K một lúc, dòng họ Đào ở xã có tới 24 người chết vì K. Hiện nay, năm 2011, xã có 55 người mắc K một lúc, gần 10 người đang đau đớn quằn quại chờ chết; từ năm 2005 đến năm 2009, xã có 51 người chết vì K; riêng năm 2009, xã có 20 người chết vì K, con số này của năm 2010 là 17.

Vì sao số người chết vì ung thư cứ tăng một cách “ma quái”?

Viện Y học lao động đã nghiên cứu khảo sát, từ năm 1991 đến năm 2005, Thạch Sơn có ít nhất 106 người chết vì K. Đây là những con số “cao” nhất cả nước. Quả bom ung thư này đã bùng nổ, Thủ tướng Chính phủ đã phải lệnh cho cơ quan chức năng lập tức xây dựng hệ thống nước sạch cứu dân (nước ngầm ở xã bị ô nhiễm nghiêm trọng). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực đã đích thân lên làng nghiên cứu, chỉ đạo “giải cứu” bà con trước tử thần kinh sợ kia.

Sau nhiều năm trăn trở, qua lại, điều tra, cái ám ảnh tôi nhất ở Thạch Sơn, là cảnh xóm làng bị biến thành hoang địa theo đúng nghĩa đen. Đường sắt chạy qua gần làng ầm ào bụi bặm, xe khổng lồ chở phế liệu, đất đá của mấy cái nhà máy quần thảo đêm ngày, xóm làng sực nức mùi… thối tha. Xóm làng náo loạn vì các hung thần xe tải. Ven đê sông Hồng, trên đất của xã Thạch Sơn, là một trận địa kinh hoàng gần 100 cái loại lò gạch xây theo công nghệ thô sơ dã man nhất. Khói tỏa mịt mù, ao hồ, ruộng đồng, xóm mạc bị cày xới tan tành, hang hốc tận cùng. Và trong bầu không khí ô nhiễm, ngổn ngang điệp trùng như một bãi chiến trường bê bết đó, 3 nhà máy khổng lồ ở gần làng thi nhau đầu độc dân đen. Đáng sợ nhất là Công ty Super Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, nó là một cái nhà máy to lớn, cũ kỹ, nhưng nó đóng góp ngân sách cho tỉnh Phú Thọ (từng nhiều năm) ở dạng đứng… đầu. Nhà máy thải khí, thải nước, thải chất rắn ra môi trường Thạch Sơn và lân cận suốt gần nửa thế kỷ qua. Bên cạnh đó là nhà máy giấy Bãi Bằng thải mùi hôi từ vài cây số theo gió thổi về, Công ty Pin ắc quy Vĩnh Phú (với chất độc đầu bảng) cận kề, cũng là những “trợ thủ” đắc lực biến xóm làng ở Thạch Sơn rơi vào cảnh đìu hiu, chết chóc như lâu nay.

Nghịch lý lớn đang diễn ra ở Thạch Sơn, trong khi người dân khốn đốn mọi bề, tang thương bao trùm, xóm Mom Dền trù phú năm xưa giờ không còn một hộ dân sinh sống, nó biến thành cái nghĩa địa thật sự - thì: tiến trình cứu làng Thạch Sơn diễn ra rất “rùa bò”. Chuyện làng ung thư cứ nóng ran trên các phương tiện truyền thông, suốt chừng 5 năm qua, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong 4 tháng phải có nước sạch cho dân để tránh sự xuất hiện và phát triển khủng khiếp của bệnh ung thư từ nguồn nước bị “đầu độc” bởi hóa chất kia, thì ai cũng tưởng rằng, Thạch Sơn đã có nước sạch từ lâu lẩu lầu lâu. Nhưng, thật ra, “lệnh trên” bảo 4 tháng phải xong, thế rồi dân đợi tận 4 năm nước sạch vẫn còn vẹn nguyên là một cơn khát. Cũng chẳng thấy cán bộ cơ sở băn khoăn, rút kinh nghiệm hay xấu hổ gì cả. Họ đã thờ ơ, đã đưa van, đường ống rởm vào cho dân dùng, nước cứ chảy lại tắc, lắp ống lại vỡ, liên tục, còn người dân Thạch Sơn vẫn mỏi mòn chờ “ơn mưa móc” đầy tính nhân đạo của Chính phủ. Không phải là cán bộ cơ sở họ không làm, họ có làm một cách èo uột. Hệ thống cấp nước sạch 19 tỷ đồng về Thạch Sơn nó hoạt động phập phù, tắc tị. Cán bộ đơn vị cấp nước nói với nhà báo một chi tiết nực cười: sau 10 ngày vận hành, nước bị thất thoát tới 68%, lý do là hỏng hóc, bục thủng, vỡ rập, chảy tràn. Đây là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng càng tăng ngày số người chết vì K ở Thạch Sơn, dẫu cơ quan chức năng đôn đáo lo toan kiềm chế tình trạng bệnh tật đến độ tưởng như có gì ma quái, kinh dị kia.


Song, cái đáng nói hơn ở đây, là: các công ty, nhà máy kia đã đầu độc môi trường đất, nước ngầm, không khí, đầu độc chính cơ thể của người Thạch Sơn suốt nhiều thập niên qua, bây giờ bệnh nó mới lan truyền, phát tác. Có người vừa phát bệnh, nhưng mầm bệnh đã ủ từ hồi trẻ, có cháu bé vài tháng tuổi đã chết vì K, bởi cháu chưa sinh ra (lúc mẹ cháu mang thai) đã có cái môi trường được lò bát quái hóa chất độc hại nó nung ủ chờ sẵn… để tiêu diệt rồi. Cho nên, vấn đề ở đây là cần cải tạo môi trường, chứ không chỉ là việc nâng cao ống khói phụt thẳng khói lên cao xanh, không chỉ là giảm bớt khí thải, chất thải, hay xóa bớt các lò gạch tự phát. Vấn đề cũng không chỉ là khám bệnh hay cấp nước sạch cho dân trong thời gian tới. Bởi làm như vậy là mới chỉ làm cái ngọn của vấn đề. Kể cả, bây giờ, nếu chúng ta đem người Thạch Sơn vào một môi trường vô trùng suốt những năm tháng còn lại của đời họ, thì bệnh K vẫn có thể phát bất kỳ lúc nào. Kể cả bây giờ chúng ta đóng cửa mấy cái nhà máy hóa chất độc hại, xóa sổ mấy chục cái lò gạch vây thiên la địa võng quanh làng, thì cái làng đó, cái xã Thạch Sơn đó vẫn cứ ô nhiễm như thường. Bởi từ lâu, từ nhiều thập niên qua, Thạch Sơn đã là “bãi thải” của đủ thứ hóa chất độc hại rồi. Từ 25 năm trước, công trình nghiên cứu khổng lồ của trường ĐH Y Hà Nội, với sự tham gia tâm huyết của các chuyên gia hàng đầu, đã đưa ra kiến nghị cần di dân Thạch Sơn khỏi vùng đất bị nhiễm độc kia.


Làng “thối” đến mức dân không dám ra khỏi nhà!

Cho nên, vấn đề ở Thạch Sơn, cần có sự hành động đồng bộ của cơ quan chức năng, cần đo nồng độ phóng xạ (như các nhà khoa học đã làm), cần thấy rằng, hơn 20 năm trước, giới nghiên cứu đã đưa ra những kết luận rùng mình và đã nhiều lần kiến nghị di dời nhà máy Super Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao khỏi khu dân cư hoặc di dời khu dân cư tội nghiệp khỏi nhà máy… là hết sức tỉnh táo. Cần thấy, nếu chỉ riêng cái việc vận động dân đi khám bệnh để phát hiện sớm mầm bệnh K mà chưa làm tốt, chỉ riêng việc cấp nước sạch cho dân mà chưa làm nổi (dù 4 năm trôi qua, sau khi Thủ tướng ra lệnh)… thì rõ ràng, ước mơ về một cách giải quyết rốt ráo, tận tâm cho làng ung thư Thạch Sơn là một điều hơi xa vời.

Hôm nay tôi trở lại Thạch Sơn. Xe chở đất đá, phế liệu của các nhà máy công ty vẫn loạn xị ngậu, mùi xú uế vẫn nồng nặc, trẻ em đến trường vẫn đeo khẩu trang, lúc nhà máy xả thải nhiều quá, bà con vẫn phải cho con nghỉ học, đóng cửa im ỉm. Vậy là đã gần 6 năm trôi qua, kể từ khi làng ung thư Thạch Sơn được báo chí đưa tin rầm rĩ, trở thành một điểm nóng “làng ung thư” ám ảnh bậc nhất của cả nước; gần 6 năm, không có gì thay đổi. Ông Quản Văn Lộc, ngoài 70 tuổi, vẫn áo cộc, bộc tuệch, vẫn mê cờ tướng và giữ cuốn sổ tử của cả xã. Ông về hưu, giờ vẫn cứ giữ riêng cho mình một cuốn sổ tử như cái bệnh nghề nghiệp cố hữu, nhưng quan trọng hơn là nước mắt ông đã chảy quá nhiều vì cuốn sổ đó. Hơn 50 năm qua, ông đã ghi tất cả những người chết của làng vào đó, những người chết vì ung thư, ông mở ngoặc thêm chữ “K” vào cuối, ung thư gan thì là “K gan”, ung thư phổi thì mở ngoặc “K phổi”. Ông Lộc và bà con vây lấy nhà báo… thân quen. Hôm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường về làng gặp gỡ dân, xót xa nhìn xóm Mom Dền biến thành nghĩa địa, ông Lộc và cả xã mừng như chết đuối vớ phải cọc. Làng ung thư sắp được cứu?!. Nhưng họ đã nhầm. Sổ theo dõi bệnh của ông Lộc vẫn cho biết, xã đang có hơn 50 người mắc K, năm ngoái 2010 cũng gần 30 người chết. “Có giảm đâu mà giảm, 50 năm chúng ta đối xử tàn độc với môi trường, không lẽ giờ đây một chốc lát hóa giải được hết “thù hận”, bỗng chốc thoát ngay khỏi sự trả vố của môi trường ư?”, ông Lộc cay đắng nói. Ông từng cóp tiền, cùng bà con đi xe khách về Hà Nội kiện cái nhà máy kia, kêu cứu đến cơ quan chức năng suốt nhiều năm, nhưng sự việc chẳng suy chuyển gì cả, để rồi thảm thương nó đã đến như một điều… phải thế.

Ông Trần Văn Thu, nhà ở khu 1, bảo: nhà báo có lẽ cũng chỉ nói… hão thôi. Gặp lại anh giờ tôi mới nói, các vị hứa quá nhiều, song có làm gì ra hồn đâu. Nhà máy không những không thôi xả thải độc hại vào cơ thể chúng tôi, mà hơn thế, vừa rồi họ còn có thêm xưởng phân lân nung chảy (mở rộng sản xuất) nữa. Mỗi lần họ nung lân, mùi lưu huỳnh nồng nặc, mùi hóa chất đến mức, chúng tôi có cảm giác cả làng cả xã đang ngồi trước một đống phân người khổng lồ ấy. Khói trắng mịt mù, cây héo rũ, mùi đến mức trẻ con không dám đi học. Bà Trần Thị Thắng, nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, nay đã nghỉ, vẫn còn nhớ mặt chúng tôi trong những lần gặp trước. Bà bảo, đúng là như đang ở cái hố phân người ấy. Mùi kinh khủng. Cái mùi lưu huỳnh làm người ta khó thở, đau bụng, tức ngực. Thạch Sơn đang có tới 7.500 người đang hằng ngày hít cái thứ không khí tồi tệ này. Người nào có điều kiện, họ đã “bỏ sới” rời làng ra đi biệt xứ từ lâu.

Bỏ quê “nhiễm độc” ra đi, cũng chẳng thoát khỏi “án tử hình” ung thư !

Lại nói chuyện bỏ làng ra đi. Hồi mới phát giác làng ung thư Thạch Sơn, nhà máy Super cãi chày cãi cối rằng họ không phải là tác nhân khiến bà con lao đao khốn đốn rồi chết vãn cả làng vì K. Ông cãi ấy chính là Phó Giám đốc, nhưng rồi sau này, các nhà khoa học chứng minh được, thì chính ông này cũng lại thừa nhận tất cả, “cải thiện” tất cả mà không hề thấy xấu hổ. Cái hồi mông muội đó, có lãnh đạo tỉnh Phú Thọ còn bảo, “thằng” Super nó tuy làm ô nhiễm tí, có “vài” người bị chết vì K, nhưng nó làm giàu cho cả tỉnh (thời ấy). Ông Đào Văn Thách ở xóm Mom Dền, từ đầu những năm 1980, khi các nhà khoa học hãi hùng nhận thấy sự nhiễm độc của khu vực đã cảnh báo, thì ông Thách đã sáng suốt tính chuyện ra đi khỏi làng. Ông này thông minh, dám nghĩ dám làm, ai ngờ việc bỏ của chạy lấy người ấy đã khiến tổ chức nổi giận, kỷ luật ông cái tội cán bộ gì nhát chết làm hoang mang lòng dân. Dự án di dân Thạch Sơn đi miền Nam cũng bị ách lại. Sau này, Mom Dền không còn một nhà dân, nó biến thành nơi chôn người chết vì K theo đúng nghĩa đen, thì ngẫm lại, ai cũng thấy ông Thách túc trí đa mưu. Nhưng thương thay, ông Thách cũng chẳng thoát khỏi được K, bởi khi các nhà khoa học cảnh báo, cũng là lúc cái độc tố gây K đã ngấm vào ông Thách suốt bao năm ròng, chỉ chờ “giọt nước tràn ly” là phát bệnh - tử thần kéo đến. Sau vụ đó, người ta đã có ý định di toàn bộ dân xóm Mom Dền vào miền Nam, “ông Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn hồi đó “chiến đấu” vì dân ghê lắm, nhưng rồi dự án ách lại và tất cả mọi người đi về thiên cổ, như nhà báo thấy đấy”, ông Lộc buồn bã kể lại câu chuyện và tủi thân tiếp: “Có khi tôi cũng sắp nổi hạch ở bẹn, ở cổ rồi vào viện K nằm chờ chết rồi, anh ạ. Cái làng này, ai phát bệnh cũng báo tôi, tôi đến khám, tôi chia buồn và nhiều người tôi đã khâm liệm họ. Tên ai cũng có trong cuốn sổ tử này. Nhiều người, họ chết lâu rồi, tôi đã quên mất tên. Có nhà, tôi khâm liệm tất cả các thành viên, đều vì nhõn một cái bệnh ung thư!”.

Cả nhà cùng chết vì “K”

Ánh mắt thảm sầu chị Phan Thị Oanh có thể làm bất cứ ai trên đời này cảm thấy thao thức, mất ngủ vì đau đớn. Đôi mắt tê dại, vô hồn, tưởng như mắt chị Thanh không còn chảy ra được giọt lệ nào nữa. Vì chị đã khóc quá nhiều rồi. Mới ngoài 40 tuổi, nhà ở khu 4, Thạch Sơn, gia đình có 6 anh chị em, thì đã ít nhất có 4 người đã phát bệnh K. Bản thân chị Oanh cũng teo tóp, tiều tụy vì bệnh ung thư thận hiểm nghèo đó, bác sỹ yêu cầu phải cắt thận. Không có tiền, chị đi vay tiền ngân hàng để… cắt. Tán gia bại sản, âm dương cách biệt, tưởng như đời không còn gì để mất nữa, ai ngờ, ngoài 80 tuổi, mẹ chị Oanh là bà Lê Thị Lương cũng đã được phát hiện ung thư phổi! “Tôi đau thế này, hình như trời vẫn còn chưa tàn độc quá với tôi đâu. Hàng xóm nhà tôi đây, chết không còn một thành viên nào trong gia đình vì ung thư! Ở đây, nhà nào có người bị K, cũng phải bán đất lấy tiền chữa bệnh, K là con đường ngắn nhất để bất kỳ ai ở quê tôi đi đến khánh kiệt về tài sản, rồi truyền hóa chất rụng hết lông tóc, teo tóp cơ thể, chết trong đau đớn”, chị Oanh chỉ tay sang nhà bên cạnh. Nhiều người đã phải bí mật cho người đi mua móc-phin về, cho người thân uống bừa để có thể quên bớt cảm giác đau đớn, để nhắm mắt đỡ thảm. Ông Lộc đỡ lời: “Có nhà, tôi khâm liệm từ ông bố, đến ông con, đến ông cháu, ai cũng chết vì ung thư”. Đứng ở đầu xóm đất đai hoang hóa bạt ngàn, ông Lộc bức xúc đến phè bọt mép. Đất đai, ruộng vườn hiễm độc trơ trụi, trồng lúa lúa héo, nuôi cá cá chết, trâu bò uống nước thải đó cũng trụy thai mà chết nốt. Người ung thư rồi lìa đời. Đất đai có mà không làm được gì để mà ăn, thế là người Thạch Sơn, trong cơn đói khát và bệnh tật, đã tính đến nước cùng là tống tất tật đất đó vào lò nung gạch. Cái nghề khốn cùng, ai ngờ khói than cám và lò thủ công lại độc không kém gì chất thải của 3 cái nhà máy kia, nó quay lại tác yêu tác quái, làm cho người ung thư nhiều lên. “Số công nhân làm lò gạch, số chủ lò gạch, giờ cũng ốm đau bệnh tật gần hết. Chỉ một chiến dịch dẹp loạn lò gạch, mà có 89 cái lò thủ công bị ngưng hoạt động, đủ thấy ma trận hun khói dân lành nó kinh khủng tới mức nào”, một người dân không hiểu vui hay buồn thông báo với chúng tôi.

Bế tắc đến mức, ra cổng bệnh viện ăn… gan cóc sống!

Chỉ tay ra cái xóm hiu hắt, ông Lộc kể: người dân tuyệt vọng đến mức không thể tuyệt vọng hơn. Khi phát bệnh, truyền hóa chất, cơ thể teo tóp, tóc rụng trụi đầu, bà con mặc cảm không gặp người lạ, tránh báo chí. Họ nghĩ đủ thứ với cơ may sống sót nhỏ nhoi. “Bà con giờ nhiều người nghe ai đó mách nước, họ dùng gan cóc sống để ăn, với hy vọng chữa khỏi bệnh ung thư. Ông Q.V.H nhà ở khu 7, thậm chí còn mang con cóc sống ra cổng bệnh viện đa khoa ngoài Việt Trì để xé bụng cóc và ăn gan sống (gan cóc nổi tiếng là thứ cực độc, ăn với liều lượng nào đó chắc chắn chết người). Ông làm thế, để đề phòng ăn ngộ độc thì vào viện cấp cứu luôn. Nhưng cái ông hy vọng mong manh và đau đáu hơn, là: ơn trời, mà thuốc lạ làm khỏi bệnh K giai đoạn cuối thì… phúc bảy mươi đời”, ông Lộc kể, “bi đát lắm, bi đát lắm”.

“Tôi tính nhé, kể từ phía nhà máy Super tiến gần đến khu 7, Thạch Sơn, liền tù tì nhà nào cũng có người chết vì K, gần nhất là nhà ông Quản Văn Lân, 53 tuổi đã chết vì K phổi. Lần lượt các gia đình có người “tử nạn” gồm những người chết vì K, tên trong sổ tử của tôi như sau: Nguyễn Văn Đức, 53 tuổi; Nguyễn Văn Hùng, 19 tuổi; Nguyễn Văn Dũng, 14 tuổi; Đỗ Thị Ước, 19 tuổi, Trần Văn Bể, 24 tuổi…”. Chợt ông Lộc cáu bẳn: “Ôi, chết hết cả xóm, tôi kể mãi mệt lắm, nhà nào cũng thấy có tên trong sổ ung thư của tôi. Bây giờ tôi lọc trong sổ ra cho anh nghe những nhà có tới 2 người chết vì K nhé. Trừ cái nhà cô Việt có 12 người chết vì K thì không nói. Trừ cả cái nhà cả nhà không còn một mống bởi K ra nhé. Nói có vong hồn những người đã chết. Đây, nhà này có 2 người là Trần Ngọc Sâm, Đỗ Thị Binh cùng vì K mà chết. Nhà nữa, Đào Văn Ngôn, Phan Thị Lộc. Nhà nữa, hai vợ chồng ông Lê Văn Dền. Đây nữa, Trần Thị Chạc, Trần Kim Lệnh. Hai mẹ con Quản Thị Khang và Đỗ Thị Ước thì tôi đã kể tên ở trên rồi. Nhà bà Môn có 4 người chết vì K, nhà cô Nguyễn Thị Việt có 12 người, dòng họ Đào bên kia có 24 người…”, đọc xong, bọt mép ông già Quản Văn Lộc phè ra, ông khóc ròng ròng tự bao giờ. Bởi người chết, toàn là hàng xóm, anh em, là người gắn bó cả đời với ông, ông chăm sóc rồi khâm liệm cho họ cả.

Ông vẫn ky cóp tiền, bắt xe về Hà Nội kiến nghị cứu làng Thạch Sơn từ hồi ông còn trẻ. Chẳng hiểu sao, người ta cứ để mặc, hoặc: người ta cứ cứu làng ung thư theo kiểu được chăng hay chớ, để đến nỗi bà con phải chìm sâu vào cảnh tang tóc như bây giờ. Tôi chia tay ông Lộc, thêm một lần nữa, hiu hắt buồn và chẳng dám hứa hẹn gì. Chuyện ở Thạch Sơn bức xúc và kinh động đến tận Trung ương Chính phủ, Bộ trưởng về quyết liệt chỉ đạo, hàng trăm chuyên gia và rất rất nhiều tác phẩm báo chí đã đề cập một cách “bỏng rát” suốt 6 năm qua rồi. Nhưng, hình như đường ra cho các phương án “cứu Thạch Sơn” đang thực thi hiện nay, vẫn là một cái gì đầy bế tắc. Có lẽ, chỉ còn hai nước: một là di dời nhà máy hóa chất độc hại kia ra một khi “cách xa khu dân cư”, hai là di dân Thạch Sơn ra một vùng đất lành lẽ khác. Ngoài cách đó, thật khó để hình dung ra có một phương án nào triển vọng hơn. Nghĩ cho cùng, đến cái việc cấp nước sạch cho làng ung thư khủng khiếp, “nổi tiếng” nhất Việt Nam kia theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, mà bao năm qua cán bộ cơ sở còn chưa làm được một cách hiệu quả, nói gì đến…

Người đàn bà khổ sở nhất làng ung thư Thạch Sơn, có lẽ là chị Nguyễn Thị Việt. Chị có 12 người thân bị chết vì K, gồm: ông Đào Văn Khiêm (anh chồng), ung thư vòm họng; ông Đào Văn Đồng (bác ruột của chồng), ung thư gan; bà Quản Thị Khang (mẹ chồng), ung thư dạ dày; chị Đào Thị Ước ( em chồng), ung thư gan; ông Đào Văn Thử ( bố chồng), ung thư phổi; anh Đào Văn Thách (chồng), ung thư vòm họng; ông Đào Văn Minh (bác chồng), ung thư phổi; bà Nguyễn Thị Ký (bác chồng), ung thư não; chị Đào Thị Ngân (em chồng), ung thư não; anh Đào Văn Tịch (anh chồng), ung thư gan…




Diệu Tâm

Tổng số lượt xem trang