Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Nguyễn Thị Bình

-Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 32
CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)
Ngọc Thu dịch
Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Nguyễn Thị Bình
17-06-1970

Mô tả: Chu Ân Lai bảo đảm với Nguyễn Thị Bình rằng chiến thắng ở Việt Nam là có thể, mặc dù [chiến tranh] mở rộng.

Chu Ân Lai: Chúng tôi đã chiến đấu trong chiến tranh Triều Tiên suốt thời [Tổng thống Mỹ] Truman. Hoa Kỳ đã cố gắng lợi dụng [thực tế] Trung Quốc vừa mới được giải phóng để bắt đầu một cuộc chiến tranh xâm lược. Mao Chủ tịch nói rằng, khi các ông tiến tới Sông Yalu, chúng tôi không thể không can thiệp. Nếu chúng tôi thất bại trong việc hỗ trợ Bắc Triều Tiên, Bắc Triều Tiên sẽ bị thua, rơi vào tay Hoa Kỳ. Lúc đó, thực sự chúng tôi không chắc chắn kết quả [sự can thiệp của chúng tôi]. Tuy nhiên, Mao Chủ tịch nói, người dân Trung Quốc có quyền hỗ trợ Triều Tiên.


Nếu chúng tôi bị đẩy lùi, chúng tôi có thể chiến đấu trở lại. Trước tiên, chúng tôi chiến đấu chống lại quân đội bù nhìn. Nhưng khi trận chiến bắt đầu, chúng tôi đọ sức với quân Mỹ. Sau 2-3 chiến dịch, [chúng tôi thấy Mỹ] không mạnh. Có đúng không khi quý vị cũng có kinh nghiệm trưởng thành từ yếu thành mạnh, và quý vị đã chiến đấu một cuộc chiến thậm chí còn lớn hơn so với chiến tranh [Triều Tiên].
Đây là sự thật Mao Chủ tịch đã tiết lộ trong tuyên bố ngày 25 tháng 5 của ông ấy: Không nhất thiết một nước nhỏ phải sợ một nước lớn, một nước lớn đôi khi sợ một nước nhỏ. Trung Quốc không phải là một nước nhỏ, nhưng lúc [Chiến tranh Triều Tiên], là một nước yếu. Vì vậy, miễn là chúng tôi dám cầm vũ khí chiến đấu, cuối cùng chúng tôi có thể sử dụng một cuộc chiến cách mạng để đánh bại chiến tranh xâm lược.
Chiến tranh Triều Tiên đã chứng minh điểm này. Chiến tranh Việt Nam sẽ tiếp tục chứng minh điều đó. Bây giờ chiến tranh đã lan rộng sang Campuchia và toàn cõi Đông Dương. Không phải do quý vị, cũng không phải do hoàng thân Sihanouk, không phải do Trung Quốc có kế hoạch mở rộng. Đó là do Hoa Kỳ đã làm điều đó. Tốt, hãy để cho chiến tranh mở rộng. Trong quá khứ, chỉ những khu vực ở bờ đông của sông Mekong là nơi trú ẩn. Bây giờ toàn bộ Campuchia trở thành nơi trú ẩn, và toàn Đông Dương trở thành nơi trú ẩn, chưa kể một nơi trú ẩn lớn tồn tại – đó là Trung Quốc.
Ngọc Thu dịch từ: Wilsoncenter.org
——
Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Trịnh Đình Thảo
23-07-1970

Mô tả: Chu Ân Lai bàn về thuận lợi và khó khăn trong việc ký hiệp định Geneva.

Chu Ân Lai: Có cả thuận lợi và khó khăn liên quan đến việc chúng tôi ký hiệp định Geveva [năm 1954]. Về thuận lợi, miền Bắc Việt Nam có được một thời kỳ ổn định, cho phép thực hiện xây dựng xã hội chủ nghĩa. Về khó khăn, những người lính miền Nam Việt Nam rút về miền Bắc. Một số lính ở Campuchia cũng rút về miền Bắc. Tại Lào, chỉ hai tỉnh Xâm Neua và Phong Saly được chỉ định là khu vực tập trung cho các lực lượng cách mạng. Lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã miễn cưỡng. [Viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Walter Bedell] Smith từ chối ký vào hiệp định.
Lúc đó, chúng tôi có hai lựa chọn, hoặc là ký [hiệp định] hoặc không ký [hiệp định] nếu Hoa Kỳ không ký. Sau khi tham khảo ý kiến ​​với các nước xã hội chủ nghĩa, chúng tôi tin rằng tốt hơn nên ký. Sau đó Mao Chủ tịch nói rằng, nên cân nhắc lựa chọn không ký vào [hiệp định]. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng đều nói rằng dường như [ký] được lợi nhiều hơn hại. Nhìn lại, trong một thời gian người dân ở miền Nam Việt Nam phải chịu đựng, nhưng cũng có một cái gì đó tốt đẹp trong gian khổ, khi người dân miền Nam tự phát đứng lên chiến đấu. Hoàn toàn dựa vào sức mạnh của chính họ, họ đã tạo ra tình hình hôm nay.
Ghi chú:
1. Trịnh Đình Thảo: là Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lúc đó đang dẫn đầu phái đoàn "Liên minh Quốc gia, Lực lượng Dân chủ và Hòa bình Việt Nam" đến thăm Trung Quốc.

Tổng số lượt xem trang