Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Văn hóa và dân chủ - Nguyễn Hưng Quốc


Hình: Freedomhouse.org
-Văn hóa và dân chủ Nguyễn Hưng Quốc 
Theo bản tường trình “Tự do trên thế giới năm 2011” (Freedom in the World 2011) ông bố trên trang web của Freedom House, vào năm 2010 vừa qua, trên thế giới có 87 quốc gia được coi là có tự do (chiếm 45% số quốc gia và 43% dân số với gần ba tỉ người); 60 quốc gia được xem là tự do một phần (partly free) (chiếm 35% số quốc gia và 22% dân số với gần một tỉ rưỡi người); và 47 quốc gia hoàn toàn không có tự do (chiếm 24% số quốc gia và gần 2 tỉ rưỡi người; trong đó Trung Quốc chiếm hơn một nửa!).

Việt Nam được xếp vào hạng mục thứ ba: những nước hoàn toàn không có tự do, với chỉ số về quyền chính trị (political rights) là 7/7, thuộc loại thấp nhất, tương đương với những nước như Syria, Sudan, Somalia, Bắc Triều Tiên, v.v… và chỉ số tự do dân sự (civil liberties) là 6/7, tương đương với Zimbabwe, Syria, Saudi Arabia, Lào, Iran, Iraq, Ethiopia, Cuba, Congo; và chỉ cao hơn được vài nước như Burkina Faso, Equatorial Guinea, Eritrea, Libya, Bắc Triều Tiên,, Sudan, Turkmenistan và Uruguay.
Về phương diện địa lý, sự phân bố giữa các quốc gia tự do, tự do một phần và hoàn toàn không có tự do như sau:
VÙNG
TỰ DO
TỰ DO MỘT PHẦN
KHÔNG TỰ DO
Châu Mỹ
24 (69%)
10 (29%)
1 (3%)
Châu Á – Thái Bình Dương
16 (41%)
15 (38%)
8 (21%)
Trung và Đông Âu / Khối Liên Xô cũ
13 (45%)
9 (31%)
7 (24%)
Trung Đông và Bắc Phi
1 (6%)
3 (17%)
14 (78%)
Châu Phi (Sub-Sahran)
9 (19%)
22 (46%)
17 (35%)
Tây Âu
24 (96%)
1 (4%)
0 (0%)

Như vậy, hai nơi có nhiều quốc gia tự do nhất là châu Mỹ và Tây Âu. Những vùng ít tự do nhất, theo thứ tự là: Trung Đông và Bắc Phi với tỉ lệ các nước độc tài là 78%, Châu Phi (35%), Trung Âu và Đông Âu (24%) và châu Á – Thái Bình Dương (21%).
Một câu hỏi có thể được đặt ra: Tại sao tự do được phát triển ở nơi này mà lại bị đè bẹp ở những nơi khác?
Câu trả lời nhiều người dễ nghĩ đến nhất là kinh tế: những nước nghèo khổ và kém phát triển nhất thường dễ có khuynh hướng độc tài. Điều đó có thể đúng. Nhưng nó không có nghĩa là, một, tất cả các nước độc tài đều nghèo khổ và kém phát triển; và hai, sự giàu có và phát triển sẽ tự động dẫn đến tự do và dân chủ. Ví dụ rõ nhất là vùng Trung Đông và Bắc Phi, nơi có rất nhiều quốc gia giàu có thuộc loại nhất nhì trên thế giới (chủ yếu nhờ dầu mỏ).
Một lý do khác được nhiều người nói đến là lịch sử. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các quốc gia Trung Âu và Đông Âu vốn mới được độc lập sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Nga dẫn theo sự tan rã của Liên Bang Xô Viết.
Còn lại lý do chính được nhiều nhà nghiên cứu đồng ý với nhau nhất là: văn hóa.
Trong văn hóa, yếu tố trung tâm là tôn giáo. Theo Samuel P. Huntington (1), có một mối liên hệ mật thiết giữa dân chủ và Thiên Chúa giáo. Vào khoảng đầu thập niên 1970, hầu hết các quốc gia theo đạo Tin Lành trên thế giới đều đã được dân chủ hóa. Từ giữa thập niên 1970 đến hết thập niên 1980, xuất hiện làn sóng dân chủ thứ ba (Democracy’s third wave), lúc hầu hết các quốc gia Công giáo được dân chủ hóa, bắt đầu từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, lan đến sáu quốc gia khác ở Nam Mỹ và ba quốc gia ở Trung Mỹ, lan cả sang Philippines, rồi quay ngược lại Mexico và Chile, và cuối cùng, mở rộng đến hai quốc gia Công giáo ở Đông Âu là Ba Lan và Hungary. Chính vì vậy, Huntington gọi làn sóng dân chủ thứ ba, từ 1974 đến 1989, chủ yếu là làn sóng Công giáo (Catholic wave). Đến cuối thế kỷ 20, trên khắp thế giới hầu như chỉ có châu Phi là nơi duy nhất có một số quốc gia theo Thiên Chúa giáo vẫn còn bị chìm đắm trong nạn độc tài.
Về phương diện văn hóa, Huntington và một số học giá khác tin là có hai chướng ngại lớn cho khuynh hướng dân chủ hóa: Nho giáo và Hồi giáo.
Về Hồi giáo, vấn đề tương đối rõ trên cả hai phương diện lý thuyết và thực tiễn. Về lý thuyết, Hồi giáo phản đối hình thức nhà nước thế tục (secular state), chủ trương xóa nhoà  ranh giới giữa tôn giáo và chính trị cũng như giữa luật đạo và luật đời. Về thực tế, trên khắp thế giới hiện nay, chỉ có hai quốc gia Hồi giáo duy nhất được xem là thực sự tự do và dân chủ: Thổ Nhĩ Kỳ (gần 85% dân số theo đạo Hồi) và Indonesia (hơn 88% dân số theo đạo Hồi). Ở cả hai nơi, chính quyền đều cương quyết thành lập một nhà nước thế tục chỉ dựa trên Hiến pháp và luật pháp chứ không phải là giáo lý hay giáo luật của Hồi giáo. Một quốc gia Hồi giáo khác cũng có nhiều nỗ lực theo đuổi con đường dân chủ hóa, đó là Pakistan, nhưng lại gặp nhiều trở ngại và gián đoạn do nạn tham nhũng và các âm mưu tiếm quyền của giới quân phiệt.
Về Nho giáo, vấn đề cũng khá rõ. Về phương diện lý thuyết, Nho giáo đề cao cộng đồng hơn cá nhân trong khi cả ý niệm dân chủ lẫn ý niệm tự do đều được đặt trên nền tảng cá nhân. Nho giáo cũng đề cao tính đẳng cấp, và cùng với đẳng cấp, là sự vâng phục của người dưới đối với người trên trong khi dân chủ và tự do lại được xây dựng trên ý niệm về sự bình đẳng. Trên thực tế, cho đến gần cuối thập niên 1980, hầu hết các quốc gia chịu ảnh hưởng lâu đời và nặng nề của Nho giáo ở châu Á đều rất thiếu tự do: Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Nam Triều Tiên  và Việt Nam. Ngoại lệ, trước, chỉ có một: Nhật Bản. Người ta giải thích tính chất ngoại lệ của Nhật Bản dựa vào hai lý do chính: Nho giáo ở Nhật Bản được “nội hóa” rất nhiều, rất khác với Nho giáo ở những nơi khác, kể cả ở Trung Quốc; và hai, do ảnh hưởng của Mỹ kể từ sau đệ nhị thế chiến (1945).
Có điều, cả Huntington và nhiều học giả khác đều phản đối thuyết tất định về văn hóa (cultural determinism). Lý do chính là vì văn hóa không phải là một thứ gì cố định và bất biến. Một phần, niềm tin và thái độ của con người thay đổi theo các điều kiện kinh tế và xã hội. Phần khác, dưới làn sóng toàn cầu hóa, mọi người dần dần chấp nhận một số những giá trị phổ quát giống nhau, trong đó có những giá trị liên quan đến tự do và dân chủ.
Chính vì vậy, ở châu Á, từ cuối thập niên 1980, có hai nước chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo đã dần dần bước vào quỹ đạo dân chủ hóa: Đài Loan và Nam Triều Tiên.
Gần đây, tại Trung Đông và Bắc Phi, các cuộc nổi dậy của dân chúng ở các nước Tunisia, Ai Cập, Libya, Syria, v.v… đã làm sụp đổ hẳn hoặc làm lung lay một số chế độ toàn trị. Con đường tự do hóa và dân chủ hóa ở các nước ấy vẫn còn hết sức gập ghềnh và đầy bất trắc, tuy nhiên, có một điều càng ngày càng rõ: các yếu tố văn hóa không đè nén và ngăn cản khát vọng tự do và dân chủ của người dân.
Vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
***
Chú thích:
Samuel P. Huntington, “Democracy’s Third Wave”, in trong cuốn The Global Resurgence of Democracy do Larry Diamond và Marc F. Plattner biên tập (1996), nxb The John Hopkins University Press, tr. 3-25. Có thể đọc trên http://muse.jhu.edu/journals/journal_of_democracy/v002/2.2huntington.pdf

Tổng số lượt xem trang